Yêu nước mà lại chấp nhận nước thuộc vào nước khác! Nhưng đây ta hãy tập trung vào cái chuyện mà lời này gợi lên.

“Cảnh tượng” hẳn là kiến trúc. “Không có” đây thực ra là “không còn”. Tại sao trên đất nước ta không còn di tích kiến trúc qui mô? Có hai lý do chính. Thứ nhất là hành động của con người: giặc Tàu giặc Chăm giặc Pháp tàn phá, rồi chính ta cũng phá, như vua Lê cho đốt phủ chúa Trịnh, Gia Long cho phá hoàng thành Thăng Long. Thứ hai là tác dụng của môi trường: khí hậu nhiệt đới làm cho vật liệu xây dựng phổ biến là gỗ không tồn tại được lâu.

Nhớ hoàng thành Thăng Long xưa: “Di tích kiến trúc như A1 rất hiếm hoi. Ngay cả các di tích vĩ đại như Rô-ma ở Ý, Trường An ở Trung Quốc hay Heian - Kyo ở Kyoto cũng không thể vĩ đại như di tích ở đây” (G.s. Yamanaka Akira, Đại học Mie, Nhật), “Qui mô kiến trúc rất lớn, gạch ngói và đồ gốm được khai quật tại đây rất cao cấp (...) đối với các nước châu Á di tích này rất quan trọng và quý hiếm” (G.s. Imaizumi Takao, Đại học Tohoku, Nhật)”.(TTT)

Nhớ những kiến trúc Phật giáo vĩ đại xây vào đời Lý.(TNT)

Nhớ cái Trịnh phủ nguy nga tả trong Thượng kinh ký sự của Hải Thượng Lãn Ông: “Qua mấy lần cửa (...) đâu đâu cũng là cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đua thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương. Những dãy hành lang quanh co nối nhau liên tiếp (...) (Nơi một kiến trúc) có những cái cây lạ lùng và những hòn đá kỳ lạ (…) cột và bao lơn lượn vòng, kiểu cách thật là xinh đẹp (...) Đến một cái nhà thật là cao và rộng (...) Qua một cửa nữa, đến một cái lầu cao và rộng (...) cột đều sơn son thếp vàng”. Nhớ Hoàng Lê nhất thống chí chép về cái phủ ấy sau khi chúa Trịnh thất thế: “Khói lửa bốc lên ngất trời, hơn mười ngày chưa tắt (...) lâu đài cung khuyết hai trăm năm trời (...) thành ra bãi đất cháy sém”!

Nhớ cả những cơ ngơi bề thế tả trong văn học tiền chiến. Giá những cơ ngơi ấy còn, để người Việt Nam bây giờ biết nhà ở của ông bà xưa kia có thể rất to đẹp chứ không phải chỉ toàn mái tranh vách đất lụp xụp...

(Thu Tứ)

TNT: Trần Ngọc Thêm,
Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, 2001
TTT: Tống Trung Tín, “Hoàng thành Thăng Long từ góc độ khảo cổ học”, in trong
Tổng tập Nghìn năm Văn hiến Thăng Long, 2010.




Phạm Quỳnh, “Dấu xưa nào thấy”




Quan niệm về lịch sử nước nhà, trông quanh mình không có cái cảnh tượng gì đủ nhắc lại những sự nghiệp nhớn nhao của đời trước, tình ái quốc vẫn thường ngang ngang trong dạ.


4-1918


(Phạm Quỳnh, “Mười ngày ở Huế”, trong
Du ký Việt Nam (bài đăng trong tạp chí Nam Phong 1917-1934, nhiều tác giả, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm), nxb. Trẻ, 2007, tập I, tr. 25. Nhan đề phần trích tạm đặt.)