“Tôi” hôm qua là “người hạnh phúc nhất thế giới”, hôm nay một kẻ sát nhân. Truyện tình của Hoàng Ngọc Tuấn có bao giờ có hậu đâu, nhưng kết thúc thật dữ dội, chỉ một truyện này.



Hoàng Ngọc Tuấn, “Cô bé tuyệt vời trên cao nguyên” (2)




Chàng gật đầu, sực nhớ đến cuốn sách, đây là lần đầu tiên chàng mua cho con bé sách. Chàng trịnh trọng rút cuốn sách mới tinh thơm phức mùi giấy từ trong ngực áo. Con bé tỏ vẻ chú ý, nó đưa tay cầm lấy, lật vội vàng. Ngay ở trang đầu tiên, dưới tên của tác giả, chàng không ngần ngại viết những chữ của chàng “Tặng con hươu cao cổ cưng nhất của tôi” và ký tên mình. Con bé nhún vai. “Em thích không?” Ðôi lông mày của con bé nhíu lại nghiêm trang như một vị giáo sư đại học đang nhìn vào một cuốn sách dày cộm.

- Cái thằng nhỏ này ngộ quá, đầu óc như trái chôm chôm, truyện này của ông E-xu-pe-ri viết hả, cháu đọc truyện của ông hoài hoài à.

Chàng cốc cho con bé một cái nơi đầu vì tội nói dối của nó.

- Thôi đừng dối nữa.

Con bé tỏ vẻ bất bình mỗi khi chàng khám phá được sự nói dối muôn thuở của nó.

- Mà cái ông E-xu-pe-ri nầy là ai vậy?

Trí não của chàng thật khốn khổ, chàng quên ngay chàng vừa mới trừng phạt con bé vì tội nói láo.

- Exupéry? Cái thằng này là một phi công người Pháp. Nó là bạn thân của tôi đó, hồi nhỏ hai đứa học cùng một lớp. Nó lái máy bay chở tôi đi chơi đều đều. Em biết không, năm ngoái cái thằng mắc dịch ấy nó làm tôi suýt chết, nó lái chiếc máy bay chở tôi bay xuyên qua dưới cầu Bình Lợi, một chút nữa thì đâm vào cầu...

Con bé trợn mắt nhìn người anh hùng thoát hiểm một cách thán phục, tay đưa lên ngực để giữ trái tim khỏi bay mất. Rồi nó tiếp tục lật những trang giấy miệng vẫn nhai kẹo không ngừng, bỗng nó chợt thấy vẻ chăm chú của chàng.

- Chú đi chỗ khác chơi đi, để cho cháu đọc truyện. Chú nhìn hoài vậy cháu đọc không được đâu.

Chàng thầm nghĩ mình quả thật dại dột, chàng nói rằng con bé vừa có thể đọc sách vừa nói chuyện được.

- Chú thật dốt, như vậy làm sao mà chú ý được. Thôi, cho chú ngồi gần đây, nhưng nhắm mắt ngủ đi, chừng nào cháu đọc xong sẽ thức chú dậy.

Chàng đành phải nằm dài người ra trên cỏ, miệng nhai một nắm nho khô, bàn tay chàng đưa lên mắt cố dỗ một giấc ngủ. Rồi chàng vụt mở mắt ra, định hỏi con bé một điều nhưng nó đã lạnh lùng đưa ngón tay lên môi, ra dấu im lặng. Chàng lại nhắm mắt lại, nghe rào rạt bên tai bài hát mơ hồ của lá cây rừng và chim chóc gọi nhau đâu đây. Chàng vẫn nhìn thấy rõ ràng khuôn mặt con bé, nó đang say mê nhìn vào những chữ in đậm nét đang kể chuyện cuộc phiêu lưu ngộ nghĩnh của ông hoàng tử bé.

Có lẽ chàng đã ngủ được một lát. Khi chàng bừng mắt dậy, mặt trời đã nóng hổi trên mặt và con bé không còn ở cạnh chàng, nó đang đứng bên bờ suối, và từ một khoảng cách ngắn chàng có thể nhìn thấy rõ trên mặt suối đầy dẫy những chiếc thuyền con trôi lờ đờ, mà mới nhìn qua chàng biết ngay rằng được chế tạo bằng nững trang giấy mới từ cuốn sách bị xé bỏ, rơi từng tờ lả tả trên mặt cỏ.

Chàng giận điên người lên, vội vàng chạy xuống phía con bé và cố nén giận lắm mới không tát một cái vào bộ mặt thản nhiên của con bé.

- Sách mới mua sao em xé nát vậy? Tôi mua cho em đọc, chớ để em làm thuyền sao?

Con bé nhăn mặt vì cái béo tai của chàng, rồi nó im lặng nhìn những chiếc thuyền giấy quay tròn trong một cơn nước xoáy.

- Cháu đọc rồi để dành làm cái gì? Bộ chú muốn đòi lại hả?

- Ðừng nói láo nữa, em đọc gì mà nhanh quá vậy?

- Ðọc hết thật rồi, chú muốn cháu kể lại cho nghe không?

Chàng nghi ngờ nhìn con bé. Giọng nó rành rọt nghe êm đềm như bà tiên kể chuyện cổ tích.

- Chuyện hay lắm. Kể chú nghe nhé, ở trong... cuốn sách này, nó có hai ông hoàng tử cùng thương một cô công chúa tóc vàng. Hai ông bèn thách nhau đấu gươm. Cái ông thứ nhất dữ tợn lắm, hắn đâm trúng ông hoàng tử thứ hai một nhát vào vai, làm ông này bị thương nặng và thua trận. Chú biết cô công chúa thương ông nào hơn không? Cô ấy đuổi cái ông chiến thắng đi và nói: “Mày dữ quá, làm bạn với mày có ngày mày nổi sùng đâm tao một nhát chết tươi.” Rồi cô ta săn sóc cho người bị thương và sau đó lấy cái anh chàng thua trận này làm chồng... Chuyện này hay lắm, nhưng cháu đã đọc ở đâu rồi chú à.”

Con bé “tóm tắt” câu chuyện ông hoàng nhỏ của Exupéry như thế. Chàng quên cả giận, tài nói dối kỳ diệu của con bé như gáo nước lạnh làm mát mẻ cả người. Con bé bỗng lôi trong túi áo của nó ra một trang giấy đưa cho chàng xem “cháu còn giữ lại một tờ này thôi, cháu cất kỹ nó mãi”.

Chàng muốn hét lên một tiếng vang khắp núi rừng. Ðó là trang sách đầu tiên, có ghi mấy chữ của chàng “tặng con hươu cao cổ cưng nhất của tôi...”

Con bé cười. Hai vai nó hình như vừa được chắp đôi cánh chim trắng, để biến thành thiên thần bay vút lên trời xanh. Nàng thiên thần tuyệt vời trên tất cả các thiên thần của Chúa.

Ngọn gió nào mang một mùi lan rừng thổi mạnh qua làm tóc con bé xổ tung, như mây sắp thành cơn mưa dữ.

*

“Sáng nay, tôi là người buồn nhất thế giới”. Chàng dùng mũi dao khắc lên lớp vỏ cây một câu như thế. Con bé thật đáng ghét, nó nói với chàng.

- Này chú, cháu mới có một thằng bồ giàu lắm. Nó lớn hơn cháu hai tuổi, họp lớp Nhất. Hôm qua thằng ấy mới gởi cho cháu một cái thư, chú đọc đi.

Chàng run rẩy cầm tờ giấy học trò từ tay con bé. Trên trang giấy trắng sạch sẽ, nét chữ của “thằng bồ” con bé nắn nót thật đẹp.

“BMT ngày 1.2.1967.

Mến gởi bồ... (con bé đã xóa tên nó ở chỗ này).

Tôi xin được hân hạnh giới thiệu với bồ, tôi tên là Nguyễn Hoài Ngọc, học lớp Nhất 5 cùng trường với bồ. Tôi viết lá thư này để muốn làm quen với bồ, để khỏi nhìn trộm bồ hoài mỗi khi tan học.

Nhà tôi ở trường Quang Trung, trong vườn có nhiều cây hoa sứ thơm lắm và có hai con béc-giê thứ Foch rất đắt tiền. Ba tôi là chủ đồn điền cà-phê nên nhà tôi giàu lắm, lúc nào tôi cũng có nhiều tiền trong túi, và ba tôi thương tôi lắm, nên tôi luôn mặc quần áo đẹp nhất trường. Tôi có 5 cái áo len đủ màu, nếu bồ thích tôi xin tặng bồ một cái màu đỏ làm kỷ niệm (nhưng bồ đừng nói chi ai biết).

Thôi tôi dừng bút nơi đây, chúc bồ cuối năm được lãnh thưởng danh dự (như tôi năm ngoái) chiều mai lúc 3 giờ tôi sẽ chờ bồ ở xe bán cà-rem của mụ Tám, tôi sẽ bỏ giờ toán pháp để gặp bồ.

Thân ái

Nguyễn Hoài Ngọc

T.B. Tôi quên nói với bồ tôi là một thi sĩ, thơ của tôi có đăng hai lần trên tờ Măng Non. Bút hiệu của tôi là Nguời Tha Hương, nếu bồ muốn tôi sẽ làm tặng bồ một bài thơ.”

Chàng buồn bã thấy rằng mình hoàn toàn thua sút hẳn anh chàng thi sĩ trẻ tuổi tuy chưa biết mặt, nhưng có lẽ là rất đẹp trai, học giỏi và con nhà giàu. Cái anh chàng ấy xem ra lại sành sỏi về tâm lý nữa, tặng con bé một chiếc áo len chắc nó thích ghê lắm. Không ai rồ dại như chàng, đem sách mà tặng cho một cô bé.

Con bé có vẻ khoái chí nhìn cái bản mặt của chàng mà chắc chắn là như một miếng giẻ rách. Chàng vươn vai chán nản đứng dậy. Hạnh phúc tan biến như một ngụm khói.

Con bé mắt mở to tinh nghịch nhìn những chữ chàng vừa khắc trên thân cây.

Một lát sau, xem chừng nó cảm thấy thương hại chàng.

- Thôi từ bây giờ trở đi em gặp tôi làm gì nữa, em có bạn mới rồi. Chiều mai em đi ăn kem với “thằng ấy” đi.

Con bé lôi thêm từ ngực áo ra một tờ giấy học trò. Chàng đoán đây là một bài thơ của chàng thi sĩ trẻ tuổi.

- Cho đáng kiếp chú, ai bảo thương cô Châu hơn cháu. Thôi này, thư của cháu viết trả lời thằng ấy, chú đọc đi.

Chàng như một tên tò mò bần tiện lén xem hạnh phúc của một đôi nhân tình đẹp nhất thế giới. Trang giấy đầy những chữ nguệch ngoạc như rắn bò.

“BMT ngày...

Gởi Ngọc,

Tôi đã hân hạnh nhận được thư của Ngọc, bồ ném vào lớp ẩu quá, chút nữa thì cô giáo bắt gặp. Tôi viết thư này để trả lời Ngọc dứt khoát.

Tôi không thích chó Foch, nhà lầu hai tầng và hoa sứ. Tôi thích những lá cây rụng hơn, và thứ này ở BMT đi đến đâu cũng lượm được. Tôi cám ơn Ngọc định cho áo len, nhưng tôi đủ áo rồi, tôi có đến 10 cái khác màu nhau (con bé vẫn nói dối như thường lệ, nó có nhiều lắm là hai cái).

Tôi không thể cho Ngọc làm quen được. Tôi đã hứa với đức mẹ Maria hôm chủ nhật vừa rồi tại nhà thờ là tôi chỉ có một người bạn mà thôi, đó là ông chú của tôi. Ông chú của tôi trông ghê lắm, ông ấy có vẻ khật khùng, áo quần bê bối và dơ, râu của ông ta đen xì dưới cằm và móng tay móng chân làm biếng cắt, nên dài thật dễ sợ.

Ông ấy chắc học dở thua Ngọc vì tôi thấy ông ta đánh bài thua tôi hoài, nhưng tôi thương ông ấy nhất nước. Ông ta biết hút thuốc, thở khói thành hình chữ O, hay thở bằng lỗ mũi đẹp lắm. Ngọc thì sức mấy dám hút thuốc, thầy giáo đánh chết.

Ông ấy lại rất sợ tôi, nhất là khi tôi khóc, và ông ta cũng không có một người bạn nào cả, chỉ quen với một mình tôi.

Ðể dứt lời tôi báo tin cho Ngọc biết chiều mai tôi sẽ không ra quán cà-rem đâu, bồ đừng đợi mất công.

Ký tên

(Con bé để trống vì sợ chàng đọc được)

T.B. Tôi cũng quên nói ông chú của tôi là một văn sĩ. Truyện của ông ấy hay lắm, mặc dầu tôi chưa đọc...”

Chàng buông tờ giấy, muốn ôm con bé vào lòng, và nếu không sợ con bé chế diễu chàng sẽ khóc òa. Con bé bỗng hỏi:

- Bút hiệu của chú là gì nhỉ, để cháu viết vào thư cho thằng ấy ngán.

Chàng gần như nhìn thấy bộ mặt thê thảm của cái anh thi sĩ bé con mà bây giờ xem chừng thua sút chàng quá nhiều.

- Tôi hả? Bút hiệu của tôi là... Mây Hải Hồ.

- Trời ơi! hay quá. Tên của chú hay gấp trăm lần tên thằng kia.

Chàng để mặc con bé cắm đầu nắn nót cái tên bịa đặt của chàng trên giấy. Chàng nhìn những chữ khắc trên thân cây, chàng dùng mũi dao bén xóa một chữ, thêm vào hai chữ vụng về.

“Sáng nay tôi là người hạnh phúc nhất thế giới”.

*

Có những bộ tiểu thuyết dài chứa đầy biết bao tấn thảm kịch ghê gớm nhất của loài người mà chỉ khiến ta thoáng rung động. Nhưng đôi khi, rất ít khi, hay có khi chỉ là một lần trong đời, một vài hàng chữ vắn tắt cũng đủ làm ta kinh hãi.

Không biết chàng bận tâm với ý tưởng đó từ bao giờ. Nhưng sáng nay, sáng nay chàng nhận được một tấm giấy nhỏ nhầu nát từ tay một con bé hơi mập, tự xưng là bạn cùng lớp với con bé hươu cao cổ của chàng. Tấm giấy ghi vội vàng một dòng chữ tháu “Chú thương, cháu muốn được chú đến thăm một lần tại nhà cháu. Từ nay chú đừng đến suối Buji, không bao giờ cháu được đến đó nữa đâu.”

Mồ hôi chàng toát ra nhột nhạt nơi lưng, sống lưng như có một con rắn hổ mang lạnh ngắt chạy dài. Chàng như nằm trong cơn đau hãi hùng. Không có gì chắc chắn và rõ ràng cả. Nhưng chàng sợ, chàng sợ vô cùng những chữ “không bao giờ”.

Từ ngày quen con bé ở nhà mẹ nó, con mẹ chủ tiệm cầm đồ kiêm nghề chứa bạc, chàng chưa bao giờ trở lại đây. Cho đến bây giờ.

Căn nhà gỗ hai tầng nằm ngay ở đầu ngõ đi vào chợ, không có bảng hiệu nhưng người ta sẽ dễ dàng biết được nghề nghiệp của chủ nhân nhờ những món đồ đặt bừa bãi trong tủ kính: những cái radio cũ, đồng hồ cũ...

Con mẹ chủ là người độc nhất ở trong nhà dưới. Khác với những con mẹ có tiền của khác phần đông đều mập mạp, con mẹ này gầy như một que củi cháy, cả cái thân hình lẫn khuôn mặt đều tím ngắt một màu tuyệt đối không pha trộn. Suốt đời chàng, có lẽ lúc nào chàng cũng thắc mắc không hiểu sao một con mẹ như vậy lại đẻ ra được một con bé như con bé bạn chàng.

- À, chào cậu. Lâu ngày không thấy cậu lại chơi.

Chàng cố gắng nhếch một tí mép để tỏ ra là chàng mỉm cười, các tác động thường lệ của bất cứ người nào mỗi khi chào nhau. Trong nhà vắng vẻ, từ tầng trên văng vẳng những tiếng cãi cọ ồn ào. Sòng bạc ở trên gác chắc đã gay cấn. Chàng nói vài câu thông thường với con mẹ. Ðại khái là đã lâu chàng không có tiền, những món đồ hơi đang giá một chút của chàng như sợi dây chuyền vàng, cái radio Nhật thì đã rủ nhau nằm trong tủ của con mẹ chủ rồi. Chàng mỉm cười ra vẻ bí mật nói rằng hiện nay chàng mới có được một số bạc lớn và chàng đến đây dĩ nhiên là với mục đích dùng số bạc lớn ấy để kiếm thêm một số bạc lớn nữa.

- Tôi sẽ chuộc đồ cho bà sau. Hôm nay tôi thách mấy ông tướng trên kia lột sạch hết của tôi.

Chàng nói dối rất thường. Trong túi chàng còn chưa đến hai ngàn đồng, số tiền cuối cùng còn lại sau khi đã tiêu vặt vãnh, đã thanh toán nợ nần ở tiệm cà phê, tiền cơm, tiền nhà trọ. Con mẹ chủ tiệm cầm đồ có lẽ cũng không màng đến cái việc chuộc đồ cho lắm, vì đã cầm cho chàng với một cái giá rẻ mạt. Con mẹ cười tươi, đưa tay chỉ lên cầu thang.

- Cậu lên mau đi. Hôm nay đầu tháng ai cũng đã lãnh lương hết nên họ đánh dữ lắm, ông Tư Húi đã ăn cả làng gần hết rồi.

Chàng chậm rải bước lên thang gác. Bóng dáng con bé không thấy đâu. Chàng khó chịu khi gặp lại những bộ mặt bần tiện đầy mồ hôi chăm bẳm dò xét nhau như kẻ thù trên chiến truờng. Lão Tư Húi ngồi bình tĩnh trước một xấp giấy bạc màu xanh thật xinh đẹp làm chàng nuốt nước bọt. Bên cạnh lão, bọn con bạc mặt mày thảm não như người mất hết máu. Gã thanh niên chủ tiệm thợ may mặt đỏ gay, mồ hôi lấm tấm trên trán, những ngón tay run rẩy tội nghiệp. Gã thanh niên này đang suy nghĩ về một cú tố thật lớn của Lão Tư Húi, gã liếc mắt nhìn trộm và có lẽ bắt gặp ánh mắt lạnh lẽo như đồng của lão Tư Húi, gã sợ và bỏ. Lão Tư Húi đưa hai bàn tay gân guốc, bàn tay đã gọt đầu cả ngàn người, quơ cẩn thận đống giấy bạc trên chiếu.

Chàng quên bẵng con bé và lá thư của nó. Chàng cũng quên rằng chàng còn ít tiền cho những ngày quá dài của tháng này. Chàng ngồi xuống chiếu bạc và được lão Tư Húi ném cho một cái nhìn thèm thuồng. Mọi khi chàng vẫn đánh rất ẩu và thường thua lớn.

Khi chàng ném một ngàn đồng ra trên chiếu, bắt lấy một con tám chó chết, rồi một con tẩy xì dấu kín, chàng bắt đầu không nghĩ, không thấy gì cả. Những con bài sặc sỡ muôn màu như nhảy múa. Chàng thấy rõ trên mặt con bài, đôi mắt mở lớn của con bé, đôi mắt như vừa bị một múi chanh tươi nhỏ vào, đỏ ngầu và chực khóc...

Hình ảnh con bé đậm đà trong những động tác chia bài, rút bài, tố, theo tiền mà chàng làm như cái máy. Bọn người chung quanh chỉ là những cái bóng mờ nhạt.

Chỉ trong vòng nửa giờ, số bạc lớn đã đổi chủ. Ðôi mắt của lão Tư Húi long lanh đau đớn nhìn mấy tờ giấy bạc lác đác trong bàn tay của lão. Bây giờ chàng là vua, chàng ăn tất cả tiền của các con bạc. Gần ba chục ngàn đồng tiền nằm hiền lành như những con trừu trước mặt chàng. Ba chục ngàn đủ mua một cỗ xe ngựa, với con ngựa bạch đầu lốm đốm đen. Chàng sẽ là tên lái ngựa sung sướng và nhàn hạ nhất thế giới. Mỗi sáng con bé sẽ ngồi bên cạnh chàng reo vang như tiếng nhạc theo nhịp lóc cóc đều đều của vó ngựa, trên những con đường tráng nhựa êm ái trong thành phố, trên những con đường gập ghềnh hoang vu trong rừng.

Chàng cương quyết đứng dậy. Mọi khi chàng là tên đánh bạc lì nhất, ngồi cho đến lúc hết tiền hay tan sòng, nhưng hôm nay, chàng bất cần những tiếng càu nhàu bực bôi của bọn con bạc. Chàng nắm chặt bó tiền trong túi và lạnh lùng nhìn những cặp mắt bất mãn đang nhìn mình, nhất là tia mắt đỏ ngầu đầy vẻ sát nhân của lão Tư Húi. Chàng nhủ thầm là từ nay sẽ không bao giờ dám hớt tóc ở tiệm lão Tư nữa, cái lão ghê gớm này dám dùng dao cạo cắt cổ chàng cho hả giận lắm.

Chàng xỏ chân vào giầy, chiếc giây cương mềm mại cài ở cổ con ngựa bạch đẹp tuyệt như nằm trong tay chàng. Bỗng chàng nghe một tiếng đàn theo điệu cải lương từ phòng bên văng vẳng. Cái điệu ảo nảo thật khó chịu làm chàng mở cánh cửa không suy nghĩ.

Con bé đang ngồi như một xác chết trong chiếc ghế. Bên cạnh là một gã đàn ông mặt choắt, tóc chải dầu ướt mèm vắt ngược ra sau, lông mày kẽ như đàn bà và đôi môi mỏng tím nghiện ngập. Cái gã ra vẻ kép hát nầy ôm cây đàn, gẫy những âm thanh thê lương ai óan như nhạc đám ma.

Con bé từ từ mở mắt nhìn thẳng vào chàng. Ðôi mắt khổ sở và tuyệt vọng làm chàng rùng mình. Chàng chưa bao giờ nhìn thấy một đôi mắt nào như thế. Nó nhìn chàng không nhấp nháy, môi mím chặt như cố nén tiếng khóc. Con mẹ chủ tiệm cầm đồ mở cái giọng the thé hướng về phía chàng.

- Cậu xem tôi làm vậy có phải không? Tôi cho con nhỏ này nó nghỉ học, học hành thời buổi này có làm được đồng nào nuôi thân đâu. Tôi bỏ tiền rước thầy Ba Ðờn đây về dạy con nhỏ ca cải lương, con nhỏ nó có giọng hay lắm cậu thấy không? Thầy Ba đây bảo nó chịu khó luyện giọng mỗi ngày, sau này thành đào nhứt như chơi, kiếm cả triệu bạc dễ dàng cậu à...

Chàng muốn nhổ một bãi nước bọt nào hôi nhất của chàng vào cái bản mặt của con mẹ.

- ... Thầy Ba đây có giới thiệu con gái tôi cho ông Giám Ðốc đoàn hát lưu diễn ở đây rồi. Ông Giám đốc chịu lắm, ông khen con nhỏ này thanh sắc vẹn toàn, cậu à. Giờ chỉ học hát một tuần là ông ấy thâu nhận cho đóng vai phụ, cậu thấy sướng không? Chưa gì mà đã được một gánh hát lớn thâu nhận. Rồi đào phụ lên đào chánh mấy hồi, chẳng bao lâu là danh tiếng lừng lẫy, có hình đăng lên nhựt báo, đi xe hơi ở khách sạn, ăn cơm Tây cơm Tàu quanh năm. Tôi sẽ vô Sài Gòn ở luôn với con nhỏ, chán cái xứ mọi này lắm rồi. Cậu thấy tôi tính như thế có phải không? Thế mà... cái con ngu này nó bướng bỉnh cãi cho bằng được, nó thì cứ thích cả ngày nhảy nhót trên rẫy trên rừng như ngựa, rồi lại đòi học nữa. Cậu biết không, tôi phải cho nó một trận đòn nên thân mới được đấy.

Tiếng con mẹ ghê rợn như tiếng phù thủy làm chàng rởn óc, người chàng nóng bừng lên. Con mẹ đưa mắt có vẻ hãnh diện rồi nhìn vào con bé nạt lớn “Ca đi!”. Con bé sợ hãi bật tiếng như một cái máy vừa được cắm điện vào. Gân cổ nó run run mệt nhọc để cố gắng phát ra những ăm thanh thật cao. Ðại khái nó hát những lời than thân trách phận của một người con gái đã “dâng hiến hết tâm hồn và thể xác” cho người yêu, để rồi “chàng” bỏ ra đi, lên đường như một “cánh chim giang hồ phiêu bạt” và “nàng” bây giờ lo sợ cho “tấm thân yếu ớt như cánh hoa” của mình giữa “cơn giông tố phũ phàng” của cuộc đời...

Một con bé mười tuổi nói lên những lời như thế. Chàng chưa bao giờ chứng kiến một màn kịch ngu xuẩn như vậy.

Chàng nhìn cái thân thể bé bỏng đang run rẩy vì cố gắng hết sức của con bé. Nàng không còn là một sinh vật mang tên người nữa. Ðó là một thứ mọi đen bị chung thân khổ sai, là một con gà mạnh khoẻ bị người ta bắt nhốt vào trong ống tre để càng ngày càng dài ra như quái thai, là con nhồng bị lột lưỡi máu chảy ròng ròng để bập bẹ nói tiếng người.

Em sẽ không còn là cô bé tuyệt vời của tôi nữa. Không còn được cười khi vui sướng, được khóc khi hờn giận, em sẽ khóc sẽ cười theo lời truyền lệnh. Em sẽ không còn thì giờ để nhặt từng chiếc lá rụng, để ném từng viên sỏi bay xa và xếp những con thuyền giấy thả trôi theo giòng suối.

Tôi không còn được ai chọc tức cho giận dỗi, dỗ dành cho tôi vui. Những lời thì thầm của suối trở nên vô nghĩa, thành phố này trở nên vô duyên, và bọn người vây quanh như những cây gai làm đau đớn.

Ðêm đêm màn khép lại, khán giả bỏ ra về sau khi đã vỗ những tràng pháo tay như tiếng reo hò cổ võ của bọn người xem đấu bò. Em sẽ mệt mỏi trút bỏ bộ y phục màu mè nóng nực, rửa sạch lớp phấn son đóng đầy trên da mặt. Em sẽ soi bóng mình trong gương để nhìn thấy những nếp nhăn lộ rõ trên làn da trắng bệch, môi khô tái xanh, mắt đầy quầng thâm và sâu hoắm.

Em sẽ nằm dài trên giường ngủ như một con heo. Ðêm đêm sau khi múa may như một người trong cơn đồng bóng, em sẽ vật mình ngủ mê mệt như con đàn bà say rượu.

Tôi không muốn em như thế. Tôi không muốn. Tôi không cho phép. Tôi cấm. Tôi ngăn cản...

Chàng nhìn vào mắt con bé và tin chắc nó đã nghe được những lời thì thầm trong trí não của chàng. Con bé lắc đầu nhẹ, mắt đỏ hoe làm con mẹ chủ hét lên: “Con nhỏ nầy chưa gì mà đã đòi ngủ rồi”.

Riêng mình chàng biết con bé không buồn ngủ. Nhất là đêm nay, đêm thức trắng với nước mắt ướt đầy trên gối.

Chàng nhìn cái bản mặt bẩn thỉu của con mẹ chủ tiệm cầm đồ, và biết chắc rằng không có ai ngăn cản được ý định của con mẹ. Chàng không bao giờ thuyết phục đưọc, hay làm cho con mẹ hiểu được những điều mình chàng muốn nói. Cái miệng như máy phát thanh của một bộ óc đần độn là trở ngại mà chàng không tài nào vượt qua nổi. Con mẹ sẽ cho rằng chàng là người khùng, và không chừng sẽ nhìn chàng bằng đôi mắt nghi ngờ “Tại sao cái thằng cha này lại xía vô chuyện nhà mình, nó là cái gì của con bé chứ”.

Chàng ghê sợ những đôi mắt nghi ngờ. Chàng không còn chịu đựng nổi, chàng vùng bước ra khỏi phòng và nghe sau lưng cánh cửa đóng mạnh vào vang dội như tiếng nổ.

*

Ðêm có lẽ gần sáng. Chàng trở lại nhà con bé với một cây súng ru-lô nhỏ dấu trong ngực áo. Cây súng mà chàng vừa đánh cắp được của viên sĩ quan phòng bên cạnh khi y đi vắng, ổ súng chứa đủ sáu viên thép giết người thật nhỏ nhắn và báng gỗ lạnh ngắt trên da bụng chàng. Chàng bước vào nhà, quay đầu nhìn lại khoảng trời đêm lạnh ngắt lốm đốm những ngọn đèn đường im lặng.

Chàng lắng nghe tiếng gọi của mình thật lạ lùng.

- Bà chủ ơi, xuống đây cho tôi chuộc mấy món đồ.

Chàng nghe những bước chân vội vã của con mẹ chủ và sau cùng là cái thân hình khô mực và bộ mặt sáng rực có lẽ vì đang nghĩ đến món tiền lời. Tất cả khối thịt xương đứng trước mặt chàng.

- Tôi không muốn bà giết con bé đó!

Con mẹ chủ giương đôi mắt trắng dã kinh ngạc. Chàng ghê tởm cái bản mặt đần độn. Cây súng rời khỏi ngực áo, hướng về phía trước và tiếng nổ chát chúa vang lên khủng khiếp như tiếng mìn. Con mẹ ôm bụng há miệng tỏ vẻ không hiểu gì cả. Chàng ghét giải thích, chàng bắn thêm hai phát vào thân người đang đổ xuống như một diễn viên trên sân khấu.

Chàng gục đầu nhìn xuống đất, nhưng vẫn nhìn thấy rõ ràng những bộ mặt ngơ ngác sợ hãi của bọn con bạc đang đứng vây quanh, mà có lẽ cũng có được vài ba đôi mắt thoáng mừng rỡ của những con nợ kinh niên bỗng dưng thoát khỏi tay bà chủ nợ dai dẳng.

Chàng bất cần bọn đó. Chàng chỉ ao ước đừng bắt gặp một đôi mắt yêu dấu quen thuộc, kinh hãi nhìn xác chết và trách móc nhìn chàng. Chàng có thể chịu được năm năm tù, mười năm, hay suốt đời nhưng không thể nào chịu đựng được đôi mắt ấy.

Những đêm ở Cao nguyên lạnh như thế này, chàng vẫn thường rút mình trong căn phòng nhỏ, dưới làn chăn dày và miệng lảm nhảm những bài hát đã nghe ngày xưa. Nhưng giờ đây thì không bao giờ chàng có được những phút giây như thế nữa, không bao giờ.

Cũng không một cỗ xe ngựa bạch, cô gái nhỏ và cuộc dạo chơi vòng quanh thành phố.