Ðọc truyện “chòm xóm” của Võ Phiến, đọc tới những cái tên mà “bà con” đặt cho chị nọ anh kia, không khỏi nhớ đến những biệt danh tương tự trong tác phẩm của Lỗ Tấn bên Tàu khoảng đầu thế kỷ 20, của Nhất Linh bên ta khoảng giữa thế kỷ 20.

Viết truyện là trình bày một cách nhìn đời. Tuy đều ưa gọi một số nhân vật của mình bằng tên ngộ nghĩnh, cách nhìn đời của ba nhà văn này không hề giống nhau đâu.

Trong cái nhìn của Lỗ Tấn hình như không có bóng dáng cái cười. Trong cái nhìn của Nhất Linh có một nụ cười hiền. Còn trong cái nhìn của Võ Phiến, ta thường gặp một nụ cười hóm.

(Thu Tứ)



Võ Phiến, “Bà con chòm xóm” (1)




Một buổi chiều cuối năm, nằm tưởng nhớ lan man về làng quê, tôi mấy lần tự bắt gặp mình nghĩ tới chị Bốn Chìa Vôi. Hình ảnh chị xua đi lại trở về. “Ơ hay!” tôi ngạc nhiên về mình. “Vẫn chị Bốn! Thì chị Bốn. Xem chị có gì nào!”.

Trong nhân cách chị có nhiều đặc điểm, nhưng đối với người làng điều thường được nêu lên như một tiêu biểu là chị không sợ thằn lằn rắn nước. Con người, đa số, vẫn đố kỵ loài bò sát; chị Bốn không đố kỵ. Chị biết khai thác đặc điểm của mình, khiến mọi người chú ý. Một nhóm bạn bè đang ngồi tán dóc, chị chạy tới mời ăn me. Ðàn bà con gái nào lại không thích me? Mỗi người giành lấy một quả xong, chị Bốn rút từ trong bọc ra một gói nhỏ. Trời, sao mà chu đáo thế: lại có cả muối ớt nữa kìa. Vài bàn tay nóng nảy giật nhanh gói giấy, mở ra: con thằn lằn luống cuống nhảy hoảng vào lòng một chị nào đó. Cả bọn la như cắt cổ.

Chị Bốn Chìa Vôi có thể bắt nhốt vào túi áo một con rắn nước, lấy kim băng cài lại cẩn thận. Ðể rồi chỉ mở túi khi đã ngồi sát kề vài người bạn. Rắn vọt ra, kẻ nhanh nhất cũng không tránh kịp.

Người ta sợ những con vật hiền lành vô hại, sợ một cách vô lý. Chị Bốn không vô lý, thế là chị bị coi như nham nhở, lì lợm. Giá là “hôm nay”, chị được cho là rất chì. Chì thì không có gì tệ. Nhưng ở địa phương, hồi đó, người ta đánh giá thấp thái độ ấy. Có người bảo: Con đó ma vật không chết, thiên lôi đánh không chết v.v. Toàn thị là những nhận xét có tính cách thóa mạ. Trong chỗ địa phương, giàu có chẳng được mấy kẻ, hầu hết là dân nghèo với nhau. Từ lối xưng hô cho đến cách nhận xét nhau nghe có vẻ sỗ sàng mà thân mật. Xóm giềng với chị Bốn Chìa Vôi là anh Ba Càng Cua, chú Năm Cán Vá, anh Hai Mỏ Gảy, cậu Ấm Sứt v.v., ai nấy đều thông cảm sự giễu cợt của bà con chòm xóm, không oán trách gì. Trường hợp đáng để ý là một người tên Hai Cư. Anh ta cũng lớn lên trong cảnh nhà nghèo khổ, không có tham vọng. Bỗng có người tuổi tác tốt bụng mách cho biết nội tổ của anh ta từng có quan tước, nếu chịu mất hai đồng bạc cho làng, anh có thể làm đơn xin tập ấm để được miễn sai. Anh nghe theo, anh được chỉ vẽ, giúp đỡ, cuối cùng được thành một ấm tôn. Anh mở tiệc khao làng và họ hàng thân thuộc. Ngay trong tiệc vui ấy anh đã nghe loáng thoáng cái tiếng “ấm sứt”. Anh lặng người đi một lát. Rồi anh bâng khuâng, trầm ngâm, như một người bắt đầu chịu trở nên chín chắn, từ bỏ những ngông nghênh rồ dại nhất thời để trở về với những cái thiết thực. Rốt cuộc, anh nhếch miệng cười nhẫn nại, chấp nhận. Tiếng “ấm sứt” phổ biến nhanh chóng. Dân làng mừng rỡ, không ganh tị tí nào đối với chút quyền lợi anh được hưởng, nhưng còn sự danh giá thì họ đã bảo toạc ngay cho anh biết là không có đâu.

Chị Bốn ngày nhỏ tên là Bình. Nhưng càng lớn chị càng toe toét, nói bậy nói bạ, bừa bãi lung tung; cho nên bị coi không xứng là miệng Bình, dù là bình vôi. Do đó, bèn đặt tên là Chìa Vôi.

Kể ra đặt như thế cũng bừa bãi, chẳng có ý nghĩa gì. Tôi thuật lại bấy nhiêu điều là để chứng tỏ ở đây người ta sống gần gũi, cởi mở. Cho đến cái tên của nhau ai nấy cũng tha hồ bôi bác lên đấy tùy thích, cái tên riêng của cá nhân không còn thuộc về cá nhân mà là kết quả những ý kiến tập thể. Sự can thiệp ngang nhiên, không e dè nể nang gì cả. Thoạt đầu, có người bất bình chút ít, rồi đâu lại vào đó.

Chị Bốn nham nhở đến nỗi mang tên là Bốn Chìa Vôi, lại còn bị rủa là thiên lôi đập ba búa không chết. Không sợ loài bò sát, đó chỉ là tính tiêu biểu, thật ra chị còn lắm điều ngổ ngáo khác. Chẳng hạn nói tục. Các nhà nghiên cứu chuyện tiếu lâm đồng ý rằng đề tài trào lộng chính của dân quê ngày xưa là cái tục. Có những vị còn đi xa hơn, cho rằng như thế không phải vì dân lao động nghèo khổ ham thích cái tục hơn hạng nho sĩ trí thức; họ nói tục chính vì óc tranh đấu bài phong tức là vì một lý tưởng cao đẹp. Hạng giàu có nho sĩ sống trong lễ giáo giả dối, tránh chuyện tục tĩu; kẻ vô sản đầy tinh thần cách mạng bèn xổ tục ra, có ý tỏ sự chống đối, khinh khi, khiêu khích, có ý muốn quăng những cái tục ấy vào mặt bọn giàu sang trí thức.

Tôi không có dịp trông thấy chị Bốn Chìa Vôi quăng cái tục vào từng lớp thống trị. Chỉ thấy chị thường nói tục trong lúc chuyện trò, làm lụng. Giữa đồng nước lênh láng tiết tháng mười, chị vừa cấy mạ vừa kể chuyện. Xung quanh chị, đàn bà con gái thỉnh thoảng nhao nhao, kêu oai oái, kêu lóe chóe, kêu ầm lên, như không chịu nổi. Thế nhưng họ chịu được tất. Hơn nữa, ai nấy đều hau háu đối với chuyện của chị Bốn Chìa Vôi. Họ tranh nhau nghe, họ kêu, rồi họ cười ngắc nghẻo, họ oằn người, gập người lại mà cười.

Nhìn cảnh tượng những người lao động nói cười ầm ĩ như thế giữa công việc, giữa trời nước bao la, dễ có cảm tưởng họ sung sướng vui vẻ, họ đang dự vào một sinh hoạt lành mạnh, làm sảng khoái tinh thần. Thú thực, chưa có lần nào trước cảnh ấy tôi có ý nghĩ chị Bốn Chìa Vôi đang đầu độc trí óc bạn bè. Có lẽ những câu chuyện tiếu lâm đã thành hình trong dân gian theo kiểu ấy. Có điều các nhà khảo cứu không hay chú ý tới nỗi khổ tâm, hy sinh, của người sáng tác. Tôi được biết có lần chị Bốn Chìa Vôi bị chồng đánh một trận tơi bời, vì trong lúc cao hứng, hăng say, chị đã mang cả chuyện riêng trong buồng the ra làm trò cười.

Xưa, tôi cũng lây cái thành kiến của người làng mà coi nhẹ chị Bốn, mặc dù đối với tôi chị Bốn Chìa Vôi bao giờ cũng tốt. Ngày nay, tưởng nhớ đến chị trong niềm hối hận chân thành, tôi chỉ muốn đem tất cả sự hiểu biết lõm bõm của mình mà tìm ra một ý nghĩa cách mạng trong thái độ của chị. Bèn nghĩ rằng cái tục là cái cấm kỵ (tabou) trong cuộc sống xã hội loài người với nhau, bò sát là một cấm kỵ khác; thiên hạ tránh né những cấm kỵ ấy, chị Bốn ngang nhiên bất chấp, ấy không phải là chống đối, phản kháng, là hành vi “nổi loạn” sao? Những kẻ văn nhược nho nhã chúa sợ rắn, sợ thạch sùng, sợ các tiếng tục tĩu, những kẻ ấy đớn hèn đã đành. Còn trong hạng lao động khả kính, đầu làng cuối xóm thiếu chi người, tại sao ý thức nổi loạn lại cứ nhất định nhóm lên từ đầu óc một người nghèo rớt mùng tơi, nhà dột cột xiêu, từ một chị đàn bà lôi thôi lếch thếch, vú bõ lòng thòng? Ðó chẳng phải là điểm vinh dự riêng cho chị Bốn sao?



Cái tốt đặc biệt của chị Bốn tôi không quên được là chị thường cho chim. Chị là người đàn bà độc nhất trong vùng có thể bắt được chim. Bởi vì chim chóc không phải như con cua, con ốc, con chí, con rận. Phải lanh lẹ, phải giỏi leo trèo mới bắt được chim. Ðàn bà không sở trường về cái ấy.

Lần đầu tiên chị Bốn cho chim, chị cho tôi một lượt hai con se sẻ. Tôi quýnh lên. Tôi nằn nì hỏi chị làm thế nào bắt được. Chị cười tít mắt, bảo đang đi giữa đường, tự dưng thấy hai con sẻ đuổi nhau bay tới, sà xuống đất, vùi nhau cắn lộn, chị đưa tay ra chộp như chơi. Tôi ngẩn ngơ ganh tiếc: Một cơ hội như thế tại sao lại không xảy đến cho tôi? Nắm chim trong tay đã đành là thích thú, nhưng so với cái lúc chộp được một lúc hai con chim đang cắn lộn thì thú ấy chẳng thấm vào đâu. Vậy mà cái dịp may dị thường chẳng thuộc về tôi đang lồng lên ao ước, lại thuộc về chị Bốn là kẻ dửng dưng không biết gì khoái thích!

Lần khác, chị cho tôi bốn con sáo ngà vừa bể bộng xểnh. Tôi lại tra vặn làm sao bắt được. Chị cuời rũ rượi kể rằng đang làm cỏ chợt thấy con sáo mẹ tha mồi về một bộng cây mù u bên bờ ruộng và sáo con trong bộng thò đầu ra, chị chạy đến bắt trọn, thế thôi. Tôi giẫy nẩy lên, bắt chị phải cam đoan lần sau thì chị không được vội vàng như thế nữa: cứ để yên và chạy về mách tôi.

Nhưng lần sau và những lần sau nữa cũng không phải là cơ hội để tôi tự tay tóm được con chim tự do. Mỗi lần chị Bốn được chim vào một trường hợp khác nhau. Hoặc một con sáo ham ăn giun xán tới những luống cày vỡ, bị người ta dùng roi cày quất chết tức, chị Bốn xin con sáo chết, đem bỏ ở chỗ đất ướt một lát, nó sống lại. Hoặc một con cò bị kẹt giữa lùm tre dày sau một đêm mưa gió. Hoặc một con cò khác bị mắc vào bẫy giò mà chị Bốn tình cờ bắt gặp trước khi người đánh bẫy trông thấy.

Tôi kết luận rằng chị Bốn Chìa Vôi quả không có tài nghệ gì. Chị chỉ có sự may mắn. Giá tôi mà gặp con cò mắc kẹt trong bụi tre thì tôi cũng lôi ra được như chị, lại giá có người dùng roi quất lăn kềnh một con sáo bên chân thì nhất định tôi cũng nhặt lên được. Tôi quả quyết như thế. Và từ ganh, tôi ức với chị Bốn Chìa Vôi. Tại sao lần nào cũng vẫn lại chị có mặt ở những chỗ ấy mà không phải là tôi?

Tôi còn nhỏ, chưa biết phục thiện. Thực ra, không phải không có lý do mà chị Bốn Chìa Vôi gặp chim. Xem hình dáng chị thì biết. Áo của chị kết năm hột nút thì đã rụng mất ba; hở cả bụng cả ngực. Ðầu chị rối bời, tóc thì hoe vàng, đuôi tóc xơ xác. Suốt ngày từ sáng tinh sương cho đến tối mịt, lúc nào chị cũng tất tả ngược xuôi, dầm mưa giãi nắng. Chị kiếm củi, mò cua, bắt ốc, lúc ở bờ ao mép suối, lúc ở ven rừng ven đồi... Tình hình trong vùng có gì đáng chú ý chị chú ý tới trước tiên, có gì đáng trông thấy chị trông thấy trước tiên. Năm Cán Vá hò hẹn với bà thím dâu ở suối chăng? Ðám mì của ông Tư bị kẻ chăn bò đào trộm củ đem lên gò nướng chăng? Tre năm nay trỗ bông nhiều? Chuột đồng gặp gió tây vừa chết lác đác ở các cửa hang? Cây trâm sau đình làng trái sắp chín tới? Không có gì chị Bốn Chìa Vôi không biết. Như thế, không những chị thường gặp chim chóc, chị còn bắt gặp gà rừng đang ấp và hốt trọn cả ổ trứng, chị gặp rắn đực rắn cái quấn nhau để về xóm thuật lại cho mọi người nghe, chị gặp dơi ngủ trong đọt chuối, gặp chồn cắn nhau v.v.

Ngày xưa, tôi không rõ lý do khiến chị Bốn gặp chim, nhưng tôi yên trí là biết rõ lý do khiến chị cho chim. Vì sao chị chọn tôi, mà không chọn đứa trẻ nào khác? Thật minh bạch: vì tôi dễ thương nhất chứ còn gì nữa.

Sau này, dần dần tôi tưởng hiểu được chị Bốn Chìa Vôi hơn. Sự việc không giản dị đến thế.

Chị Bốn vẫn xưng với mọi người là bà con họ hàng với chúng tôi. Trong khi ấy gia đình chúng tôi không phi bác cũng không xác nhận. Sự thực chị Bốn cùng mang họ Ðặng. Nhưng ngôi thứ của chị trong thân tộc như thế nào không rõ, gặp chị chúng tôi cứ tùy tuổi tác mà xưng hô: kẻ gọi chị, gọi cô, người kêu mày, kêu con v.v. Ngày giỗ, ngày Tết, chị đến nhà chúng tôi, lăng xăng giúp đỡ.

Bình nhật, mỗi lần chị tới nhà là gặp việc gì làm việc ấy luôn tay. Trông thấy bà tôi ngồi buồn, chị đề nghị xổ tóc bắt chí. Trong khi tìm chí, chị vui miệng hẹn hôm sau sẽ đem đến cho nắm bồ kết. Ðưa tới một nắm bồ kết, một mớ rau đắng, chị mang về chén mắm, trái cà, trái dưa muối v.v.

Ðối với các cô tôi, chị cũng không đáng ghét. Mỗi lúc nhìn trước ngó sau quanh quất không thấy bóng bà tôi, chị Bốn liền kể một chuyện tục. Các cô tôi phản đối, đấm thùm thụp lên lưng chị. Nhưng khi bà nghe tiếng, hiện đến hỏi, thì ai nấy đều toa rập chối đây đẩy, vừa bảo là không có gì vừa cười rúc rích với nhau.

Hễ cứ lâu ngày không thấy chị Bốn Chìa Vôi đến, tôi lên tiếng hỏi. Bà tôi kêu: “Cái thằng! Không thấy nhắc đến sách vở bao giờ. Lại đi nhắc con ấy.” Các cô tôi cười. Tuy nhiên, tôi thấy rõ không có sự phản kháng nào rõ rệt.

Một năm trời làm đói. Tháng mười mất mùa, tháng ba lại mất mùa nữa. Cả làng thiếu ăn, trẻ con ốm tong teo. Bấy giờ, ngày nào chị Bốn cũng lảng vảng đến nhà tôi một lần. Về sau, cùng đường xoay trở, chị đến ở hẳn với chúng tôi. Rồi chị đem theo thằng con nhỏ nhất. Sau rốt, mang luôn đến con chị kề của đứa bé. Chị bảo với mọi người: có bà có con nhất định phải nhờ bà nhờ con một phen. Ngầm ý nói dù có bị đuổi cũng không chịu đi.

Mùa tháng mười năm sau, bắt đầu gặt hái được là chị đem con về, tất tả kiếm ăn, không kéo dài cảnh nhờ vả thêm một ngày.


(còn tiếp)