Truyện nội dung không có tình yêu, không có thiên nhiên, “khô khan như một phiến đá tảng”, vậy mà “đậm đà như một thứ trái cây kỳ lạ”. Về hình thức, lời văn Hoàng Ngọc Tuấn không hề trau chuốt, nhưng đó không phải thứ lời ta có thể vất đi sau khi đọc hiểu câu chuyện. Thực ra có câu chuyện lôi cuốn nào ở đây đâu. Trong “Quán” chủ yếu là tâm trạng của “tôi”, diễn bằng lời tự nhiên độc đáo của “tôi”. Như vậy đây là tùy bút hơn là truyện. Một bài tùy bút có chi tiết về đất nước một thời làm người đọc “cảm thấy buồn bã lạ thường”. (Thu Tứ)



“Quán qua đêm”

Hoàng Ngọc Tuấn




Một vài ánh sáng vàng vọt hắt ra từ những khung cửa sổ, không đủ soi sáng mặt đường. Thành phố đã đi vào bóng tối như mọi đêm. Tôi đứng bên ngoài cửa phòng quay đầu nhìn lại một quán nước ở xa xa, đèn thắp nhỏ và mơ hồ như ngọn nến. Căn phòng quen thuộc của tôi với chiếc giường bố tôi sẽ nằm như biết bao đêm. Ðêm ngủ mê hay đêm thức trắng mắt không hề nhắm lại. Một tiếng gọi của ai đó làm bàn tay đang loay hoay với chiếc chìa khóa phòng của tôi dừng lại. Khoảng không tối đen truớc mặt dần dần đậm nét một bóng người. Phối, gã con trai trong bộ áo nhà binh rộng thùng thình và đầu tóc mới cắt thật ngắn gần như trọc. Phối trước đây cùng ở chung với tôi trong căn phòng này một thời gian, cùng có những ngày thất nghiệp đi vất vơ và đói cơm như tôi, hắn vào lính cách đây khoảng một tháng.

Hàm răng hắn cười trắng trong bóng tối. Tôi bắt tay hắn và nói vài câu thăm hỏi như thường lệ. Hắn mới được nghỉ phép cuối tuần, ra khỏi quân trường từ hồi trưa nhưng phải đi vài vòng lên nhà người quen vay tiền. Rồi hắn cười không có duyên cớ gì cả.

Hắn là cái thằng như thế. Thỉnh thoảng lại cười mặc dù không có chuyện gì đáng cười cả. Hắn rủ tôi ra phố đi tà tà một vòng. Tôi đã chán chuyện ấy. Tôi nói:

- Mới đi về đây.

- Thì đi nữa. Tìm quán nào chui vào uống một ly cà-phê.

- Tao không còn một đồng trong túi.

Phối đưa tay sờ vào túi quần của hắn. Hắn nói còn gần được hai trăm đồng, thừa đủ cho hai ly cà-phê và bao thuốc lá, nhưng không còn đủ để vào một phòng trà nào đó nhìn mấy cô nàng ca sĩ nhún nhẩy dưới ánh đèn màu.

Phố phường tôi đi đã mòn chân, quen thuộc và nhàm chán như nhìn thấy mãi bộ mặt mình trong gương. Sài Gòn bây giờ mười giờ là giới nghiêm, nhưng sinh hoạt thành phố đến 9 giờ là hình như đã ngưng hẳn lại. Tôi cùng đi với Phối ra đường. Chỗ tôi ở là một khu đất nằm thu hình trong bóng tối đen ngòm sau lưng những con đường chính trong trung tâm thành phố. Tôi hỏi Phối còn thuốc lá không. Hắn đưa cho tôi bao thuốc lép kẹp nhàu nát như một miếng giẻ rách. Ðiếu thuốc cong queo rung rung giữa kẽ môi tôi. Ánh lửa sáng lên từ cây diêm nhỏ, khói cay ùa vào trên lưỡi chỉ thấy đắng nghét và khô nóng. Bụng hơi cồn cào một chút, bữa cơm chiều với một dĩa cơm nhỏ, hai miếng tàu hũ, ly trà đá và bộ mặt nhăn nhó của bà chủ quán tiêu hóa đi đâu mất thật nhanh làm tôi hơi đói bụng.

Những bàn đặt bên ngoài quán không có ai ngồi. Chúng tôi chọn được một chỗ ngồi vừa ý, bàn đặt trên lề đường. Xe cộ chạy ngược xuôi ồn ào, những vệt ánh sáng từ cặp đèn xe hơi nhảy múa như người điên. Bây giờ có lẽ mới bảy giờ tối. Lề đường mới ban chiều còn nhộn nhịp bước chân người và màu áo đàn bà tươi thắm, bây giờ vắng lặng. Thỉnh thoảng một vài thằng bé đánh giày lững thững đi qua, hộp đồ nghề trong một tay và điếu thuốc lá lập loè đỏ chói trong bàn tay kia.

Tôi gọi một ly cà-phê. Phối cũng thế mặc dầu cà-phê ở đây rất tồi, thứ cà-phê hạng bét lại còn được pha theo kiểu “bít-tất” vội vàng. Phối nói vẩn vơ về những ngày trong quân trường của hắn. Mệt nhọc, ánh nắng mặt trời, áo lính dày thấm ướt mồ hôi và thèm ngủ. Tôi nói thèm ngủ sao bây giờ lại còn rủ đi uống cà-phê. Hắn cười không nói gì. Rồi cũng như tôi, cũng như cả triệu thằng con trai trên trái đất này, hắn gắn một điếu thuốc lên môi và hút liền tay.

Ghế đá nằm dài theo hai bên đường. Trên đó, một vài cặp tình nhân ngồi bên nhau như hai bóng ma. Vài ả gái giang hồ mặc áo quần cóp theo mốt mới nhất ở Pháp, ngồi đợi một chiếc xe hơi nào đó đến rước đi. Vài ả ma ri sến trong bộ áo bà ba cổ truyền, cũng đợi một anh chàng có xe gắn máy nào đó đến tán tỉnh. Sài Gòn ban đêm bây giờ chỉ những quán rượu cho khách ngoại quốc và phòng trà ca nhạc là còn mở cửa và nhộn nhịp tiếng người. Hai hàng phố chính cửa đóng kín, những người bán dạo đang thu dọn đồ đạc vào trong một chiếc xe gỗ nhỏ, sửa soạn về nhà. Một căn lầu bên kia sáng chói. Tiếng hát một cô ca sĩ xa xăm vọng xuống chỗ tôi ngồi, âm thanh nghe mơ hồ đứt đoạn. Giọng hát cao lảnh vang lên thật cô đơn trong đêm, như một loài chim đêm không tìm được đường bay về tổ ấm.

Giọt cà-phê chỉ có mùi đắng trên lưỡi. Ðiếu thuốc thắp đỏ lên rồi tàn mau chóng. Một cô bé đi lại phía chúng tôi, trên tay là một xấp vé số.

- Mua giùm em vài tấm đi anh, chiều mai xổ.

- Giúp vốn cho chính phủ về cái vụ này nhiều lắm mà chẳng bao giờ trúng cả. Số tụi này đen lắm, đánh bạc còn thua hoài mà.

Cô bé chừng mười tuổi. Cô bé cười làm duyên, ngồi sụp xuống như một tên nô lệ thường thấy trong phim dã sử La-mã. Hai tay cô bé đặt lên đùi tôi, xoa nhè nhẹ như bàn tay của một ả giang hồ lành nghề. Ðôi mắt cô bé gượng cười tình tứ, lóng lánh và ngơ ngác làm tôi muốn khóc hay muốn nôn mửa được.

- Mua đi anh, em còn có vài tấm. Mấy tấm cuối cùng hay trúng độc đắc lắm anh à.

Tôi cảm thấy nhức nhối trong đầu óc. Vừa mệt vừa khó chịu, không phải vì cái giọng van nài lải nhải, mà là giọng nói bé bỏng thật trong veo, yếu đuối như một cô nữ sinh lớp ba đang học bài tập đọc.

- Mày có hai chục mua cho nó một tấm đi Phối.

Phối đưa cho nó mấy tờ giấy bạc và lấy một tấm vé số. Cô bé tần ngần đứng dậy, có vẻ chưa muốn đi ngay. Có lẽ nó chờ đợi những lời hỏi han mà nó thường gặp. Những ông khách dư dã tốt bụng, thường ra vẻ xót thương hỏi nó mấy câu: em mấy tuổi, ba em làm gì, em có đi học không. Những ông khách ra vẻ chú ý đến hoàn cảnh của một người nghèo khốn, thường chép miệng thở dài đúng trong một giây rồi quay lại với món bồ câu hầm đậu xanh và chai rượu vang trắng. Tôi chán cái trò ấy, tôi nói hình như hơi lớn tiếng: bán xong rồi đi chỗ khác chơi! Tôi cố gắng làm cho giọng nói được dịu dàng, nhưng không hiểu sao vẫn đầy vẻ nóng giận không lý do. Con bé sợ hãi nhìn tôi rồi lủi đi mất. Tôi cảm thấy buồn bã lạ thường. Thân hình gầy nhỏ của cô bé mất hút dễ dàng trong bóng đêm, như một giọt nước rơi trên cát nóng.

Một khoảng thời gian im lặng, không biết chừng bao nhiêu lâu. Rồi tiếng nói của người bồi sau lưng làm tôi giật mình.

- Xin hai ông về cho, đến giờ quán đóng cửa rồi.

Phối ngạc nhiên:

- Mới hơn bảy giờ, đóng cửa gì sớm vậy?

Mặt người bồi trông trạc tuổi tôi, anh ta gật đầu cố gắng mỉm cười và giọng nói nài nỉ.

- Dạ, ông chủ bảo dọn dẹp bàn ghế sớm thì cho tôi nghỉ sớm. Chỗ tôi ở tám giờ là giới nghiêm rồi.

- Anh ở đâu?

- Gần chợ Gò Vấp. Giờ này về là cũng trễ rồi.

- Ðón xe gì về?

- Dạ tôi đi mô-bi-lét, lạy trời cho nó đừng nằm vạ giữa đường. Thời buổi này mà ngơ ngơ trong giờ giới nghiêm lính tráng họ bắn liền.

Chúng tôi đứng dậy. Trên bàn còn hai ly cà-phê đang uống dở và bao thuốc trống không. Phối đưa tiền cho người bồi. Anh ta nói cám ơn rồi lui hui xếp bàn ghế quanh quán để khiêng vào nhà. Phối nói bây giờ đi đâu đây. Tôi nói ở đầu đường này có vài quán nước chắc bây giờ còn mở cửa. Phối dừng lại một lúc ở sạp bán thuốc để mua bao thuốc lá, hắn định mua một bao thuốc bạc hà có đầu lọc để hút cho khỏi khô cổ, nhưng tôi đề nghị mua bao thuốc có vẽ hình con lạc đà. Tôi thích cái hình vẽ trên bao thuốc này, con lạc đà nhỏ nhoi đứng thật âu sầu trong sa mạc.

Quán sách của cô Nga ở ngã tư đường vẫn còn bán, nhưng có lẽ giờ này không còn ai đến mua. Tôi liếc nhìn hình bìa của những tờ tạp chí treo thành hàng dài và những chồng sách xếp cạnh nhau nằm trên sạp. Tôi nói với Phối mua một cuốn gì đó hay chốc nữa về phòng tôi lấy vài cuốn sách đem vô trường đọc. Hắn lắc đầu, nói ở trong đó không có thì giờ nhai cơm hay đi vệ sinh nữa. Dư được phút nào là ngủ phút ấy, có khi ngủ li bì trong giờ học ngoài bãi nắng.

Cô gái bán sách mặc chiếc áo bà ba trắng. Nàng đang cầm trên tay một tờ báo phụ nữ và có vẻ lắng nghe tiếng hát từ phòng trà vọng xuống. Tôi ho một tiếng, nàng giật mình nhìn lên.

- Giờ này mà chưa về sao chị Nga?

- Chốc nữa. Mỗi ngày bán từ sáng đến hơn tám giờ tối, mình buôn bán thêm được phút nào hay phút ấy.

- Bây giờ không còn ai mua nữa đâu, chị không thấy mấy hàng sách khác họ đóng cửa hết rồi.

Cô gái mỉm cười, giọng nói của nàng không biết buồn bã hay thản nhiên:

- Người ta giàu, mình nghèo mình phải chịu khó mới sống nổi chứ.

Tôi quen thuộc với quán sách này. Quán của hai mẹ con cô Nga. Người mẹ bán vào buổi sáng, cô gái bán từ trưa đến tối. Lát nữa, nàng sẽ một mình xếp những chồng sách vào chiếc thùng gỗ, và có lẽ nàng sẽ tần ngần một lát để nghe một đoạn cuối của bản tình ca nào đó trong phòng trà. Rồi nàng lặng lẽ gọi một chiếc xe xích-lô, một mình trong đêm trở về căn nhà nhỏ ở ngoại ô thành phố, bên kia cây cầu, có bà mẹ đang đợi chờ bên mâm cơm. Và sáng mai sẽ trở lại thành phố ồn ào nầy.

- Còn anh, giờ nầy còn đi đâu vậy?

- Tụi nầy kiếm một cái quán cà-phê nào đó chui vào ngồi.

- Uống để mà thức trắng đêm à. Có mấy cuốn sách mới xuất bản kia, anh mua không?

- Ðể mai sáng mua, chị Nga. Bây giờ hết tiền rồi. Vả lại đi chơi mà cầm sách coi kỳ cục lắm. Tôi chỉ thích bỏ tay vào túi quần thôi, dĩ nhiên là nếu có kẹt điếu thuốc thì phải bỏ một tay ra ngoài.

Tôi không hiểu tại sao lại có thể nói một câu vớ vẩn không đầu không đuôi nnư thế.

Tôi kéo áo Phối giục đi. Cái thằng nầy có vẻ như ngủ gục trên những bước chân nặng nhọc của nó. Chúng tôi băng qua đường. Ngọn đèn đường với ba màu thay đổi, bây giờ dường như không còn cần thiết vì đã ít xe cộ. Quán nước ở đầu đường đã đóng kín cánh cửa sắt, bên trong là bàn ghế xếp vào một xó. Hai ba quán gần đó cũng đã đóng cửa, không hiểu tại sao người ta nghỉ bán thật sớm, làm như giờ này thiên hạ đều nằm trong nhà ngủ hết. Phối hỏi bây giờ mình đi đâu đây. Tôi nói chính hắn là người rủ tôi đi chơi, đêm nay phần tôi chỉ muốn quay vào nhà. Phối nói dầu sao một tuần hắn mới được ra phép một lần, nhìn thành phố nầy một ngày và mai lại trở về quân trường rồi. Cứ đi lang thang để nhìn lại những con đường và phố phường quen thuộc. Phối hỏi:

- Quán cà-phê Văn bây giờ còn bán không?

- Dẹp tiệm từ hồi Tết rồi. Cái bọn thi sĩ bán quán ấy coi bộ không biết cách làm ăn, chúng hạ bảng hiệu sau khi không còn được ba chục đồng để mua một trăm gam cà-phê.

Trước kia đêm nào tôi cũng ngồi ở quán Văn, môt cái quán cà-phê luộm thuôm và bê bối hết chỗ nói do một bọn sinh viên điều khiển. Ở đây cà-phê pha lạt thếch và cứ phải nghe mãi những bài hát quen thuộc từ một cái máy hát cũ mèm. Nhưng tôi yêu không khí dễ thương, thân mật của quán. Và cũng vì có một vài người bạn thân ở đây: Toại, Sơn và một cô gái tôi không còn nhớ tên, ngồi như con mèo sau quầy hàng. Cô gái có chiếc răng khễnh ngộ nghĩnh và đẹp êm ái như loài hoa phong lan, thứ hoa mà nàng rất thích. Ðêm nào tôi cũng bắt gặp môt nhánh lan mầu tím mềm mại trong chiếc bình con trước mặt nàng.

Tôi chợt nghĩ đến quán Thu Hương ở Tân Ðịnh. Tôi nói điều đó với Phối nhưng hắn bảo bây giờ có xe gì mà đi, không lẽ cuốc bô gần hai cây số để uống một ly cà-phê rồi lủi thủi đi về. Tôi biết chuyến xe buýt Sài Gòn - Gò Vấp có một trạm dừng lại trước quán nầy. Chúng tôi chậm chạp đi đến trạm xe buýt chờ xe.

Trạm chờ xe vắng ngắt không một ai đứng đợi. Một lão hành khất ngủ co quắp trên băng ghế. Tôi đứng dưới tấm bảng màu vàng đầy những chữ, nhìn về phía chợ Bến Thành là nơi xe buýt sẽ từ đó chạy lại. Không biết giờ này còn chuyến xe nào không. Phối kêu lên: có xe. Tôi chạy ra giữa đường đưa tay vẫy với tất cả những dáng điệu tội nghiệp nhất để gã tài xế cho xe ngừng lại. Chiếc xe dừng lại một lúc ngắn ngủi đủ cho chúng tôi nhảy vào cửa, rồi nó rú ga phóng nhanh như một chiếc xe đua.

Lão già bán vé với xấp vé trên tay đi đến chỗ chúng tôi ngồi. Phối móc túi định lấy tiền nhưng lão khoát tay lắc đầu, lão cũng không buồn bán vé để thâu thêm vài đồng bạc cắc. Lão mệt nhọc đi từng bước trên chiếc xe tròng trành về phía người tài xế, lão nói vài câu gì đó với người tài xế rồi dựa người vào băng ghế, mắt lim dim nghe tiếng ca mùi mẫn của một cô đào cải lương vang lên từ chiếc ra-dô nhỏ. Hai thằng bé bán cà-rem ngồi ở băng ghế trước mặt tôi, đang thò đầu ra khỏi khung cửa xe để ngắm xe cộ. Trên băng ghế đằng cuối xe là một cô gái ngồi im lặng với điếu thuốc lá đỏ rực trên môi, chắc cô ả là một gái điếm.

Tôi buồn buồn nhìn hàng cây vệ đường chạy ngược chiều về phía mình. Những cột đèn đường cong xuống như lưng người già.

Xe dừng lại. Chợ Tân Ðịnh đàng kia mập mờ ánh đèn vàng. Người tài xế giục tôi và Phối xuống nhanh.

- Chốc nữa còn chuyến nào chạy trở lại Sài Gòn không ông?

- Không, chuyến này là chuyến cuối. Hai cậu đón xe tắc-xi mà về.

Tôi quay sang cười với Phối.

- Thế là lát nữa phải cuốc bộ về nhà, chân mày có vẻ rã rời rồi phải không? Ðừng trách móc gì cả, vì cái thằng cù rủ đi uống cà-phê đêm nay là mày.

Phối không nói gì. Hắn đang đứng nhìn quán cà-phê bên kia đường trước mặt. Ánh đèn mờ hắt hiu và loáng thoáng những đầu tóc người trong sân quán, bên ngoài là một hàng xe gắn máy.

*

Khách hàng của quán cà-phê này thường thích ngồi ngoài vườn hơn là trong phòng có đèn sáng và âm nhạc. Tôi cũng thế, chúng tôi chọn môt chiếc bàn ở góc vườn, sát bên cạnh những song sắt của cánh cửa có nhiều tàng lá phủ đầy. Ngoài kia xe cộ chạy từ hướng cầu Kiệu đổ về Sài Gòn tuy thưa thớt nhưng nối tiếp như một dòng nước không đứt đoạn.

Trong vườn tràn ngập khói thuốc bồng bềnh, những bộ mặt trẻ tuổi đã sớm mang nhiều nét già nua mỏi mệt và tiếng người ồn ào trò chuyện. Người bồi đem đến cho chúng tôi hai ly cà-phê với chiếc phin nhỏ đặt trên ly, giọt cà-phê đen đặc nhỏ từng giọt một. Giọt nước thơm phức hứa hẹn biết bao cảm giác ngon lành, rơi từ tốn để kéo dài thời gian chờ đợi, làm cơn thèm thuồng càng thêm tăng. Ðộ hai mươi phút qua, nước cà-phê đã đầy được một phần tư ly, số lượng vừa đủ để chế thêm đá lạnh. Tôi đưa tay ra dấu cho người bồi. Gã bồi quán ở đây là một anh chàng khó tính nhất thế giới, hình như gã là bà con gì đó với chủ quán nên chẳng bao giờ gã sợ bị tống cổ ra khỏi quán cả. Mặt gã luôn luôn nhăn nhó một khi có người khách nào đòi hỏi thêm một thứ gì, dầu là một chút đường, nước sôi hay đá lạnh. Gã bồi bỏ vào ly của tôi vài viên đá lạnh trong veo, tôi cho thêm vài muỗng đường rồi khuấy mạnh. Lát sau, chất nước nóng hổi thấm trên lưỡi đậm đà như một thứ trái cây kỳ lạ, thêm với khói thuốc lá và nỗi trống trải thật bao la trong đêm, đã đem lại cho tôi một cảm xúc thi vị mơ hồ, ngây ngất như khi được nghe một bài hát tuyệt hay.

Những lúc đó có tí tiền, tôi lang thang suốt ngày từ quán cà-phê này sang quán khác. Có khi ngồi ở mười quán trong một ngày, đến nỗi ly nước và bao thuốc lá không còn mùi vị. Ðã như một thói quen không thể bỏ được, ngồi ở quán cà-phê không phải là thèm một ly cà-phê ngon, chỉ để cơn trống rỗng thêm trống rỗng, cơn buồn càng thêm buồn.

Một chút tiếng người, một chút âm nhạc, một chút không gian khói thuốc cay, một chút thời gian lắng đọng, một chút nhộn nhịp của bọn người ngợm xa lạ đi qua trước mắt. Tất cả những thứ ấy vây bủa quanh tâm hồn và cảm giác như mùi đất thơm yêu dấu của quê nhà, và tôi đã ngất ngây với mùi hương ấy.

Ðêm nay vắng lặng. Trước mặt quán là một tiệm bán quan tài danh tiếng nhất thủ đô, ngay bây giờ tôi có thể nhìn thấy khách hàng đang chọn lựa những vòng hoa điếu tang, ngoài cửa tiệm là môt vài chiếc xe nhà binh. Trước kia, môt thằng bạn thân có lần cùng ngồi với tôi ở quán nầy, nó nói đùa “tụi mình từ đây đi qua đó chỉ một bước ngắn”. Rồi thằng bạn ấy đi lính và nó đã đi qua cái bước ngắn ấy thật, chết trên cầu Bà Di ngoài Bình Ðịnh trong một ngày đầu xuân. Phối bây giờ đang chăm chú nhìn tiệm bán quan tài, hắn mỉm cười và tôi chắc rằng trong óc hắn cũng có ý tưởng cười đùa đó. Tôi lo sợ hắn sẽ nói ra, chỉ một lần trùng hợp giữa lời nói bông đùa và sự thực cũng đủ làm tôi tin dị đoan. Tôi nói để đánh trống lảng.

- Ra trường chắc mày khoái được đổi về Cần Thơ lắm hả? Ở đó tha hồ mà gặp bạn bè, tha hồ nhậu nhẹt suốt ngày với lươn um, ếch chiên bơ, cá lóc nấu chua trong những quán cóc trên bến sông.

- Ðâu cũng được. Quảng Trị, Cà Mau, lính tác chiến lính văn phòng gì đối với tao cũng vậy.

Tôi đã quen thuộc với tính nết của thằng nầy. Hắn to con như một nông phu và có võ Ðại Hàn đai đen nhưng hiền và dễ tính như Phật, ai chế diễu gì hắn chỉ biết nhe răng ra cười. Tôi nói:

- Bây giờ suốt ngày mày chỉ lo chùi súng và tập bắn bia cho chính xác để sau ra trận bắn người cho trúng. Vuờn hoa gì đó của mày chắc là dẹp luôn rồi hả.

Phối im lặng, không thấy hắn cười. Tôi hơi hối hận đã làm hắn buồn. Ðêm nào đó hắn say sưa kể cho tôi nghe giấc mơ của hắn. Có một miếng đất nhỏ ở Cao Nguyên, Ðà Lạt hay Ban Mê Thuột, xây một căn nhà nhỏ màu nâu, vườn ươm đủ giống hoa hồng và trồng rau trái, nuôi gia súc. Nếu dưới mái hiên rộng rãi sẽ đặt vài bộ bàn ghế và mở quán cà-phê, khách hàng ngồi dưới mái hiên mát dịu những thứ hoa leo kín và ngắm nhìn vườn hồng lộng lẫy. Ðêm ấy tôi cũng say sưa theo với hắn như uống hết một chai rượu nồng, tôi hứa sẽ lên cao nguyên với hắn để ngủ suốt ngày trong khu vườn có hoa thắm và chim chóc hót vang.

Giấc mơ nhỏ nhoi đến nỗi không thể gọi là một giấc mơ, nó quá bé bỏng và dễ dàng đối với biết bao người. Nhưng bây giờ, đời lính, súng đạn, chiến trường, có lẽ Phối cũng đang nghĩ đến những ngày sắp tới của hắn như thế. Biết bao giờ.

Phối nói bâng quơ: Hôm nay là ngày chủ nhật, lại bảy ngày nữa mới được ra phép. Tôi cười buồn. Ðã lâu tôi không còn nhớ đến ngày tháng, không còn phân biệt đâu được ngày chủ nhật, hay ngày thường. Mỗi tuần tôi có bảy ngày chủ nhật, bảy ngày ăn không ngồi rồi lơ láo và buồn chán chết đi được. Mỗi sáng mai và chiều tà ngồi ở tiệm cà-phê góc đường, ngắm nhìn mặt trời lên và tắt hẳn trên ngọn cây. Buổi sáng đợi buổi cơm trưa, cơm trưa xong đợi buổi chiều tối, đêm về nằm dài chờ đợi một ngày khác trở lại. Ngôi trường đại học không còn quyến rũ tôi với cái vẻ lớn lao của nó trong những ngày đầu tiên. Chữ nghĩa, thầy giáo, sách vở ngày càng trở nên một cái gì vô duyên kỳ lạ, và tôi phải giao thiệp với nó cách mệt nhọc để triển hạn đời sống thường dân, kéo dài cái ngày vào quân đội. Không một việc làm, không niềm tin, không học hành, không có một người để yêu thương. Tôi kéo dài đời sống với những bước chân thất tha suốt ngày đến bao giờ. Tôi châm một điếu thuốc, nghe tiếng nói lè nhè của Phối:

- Bọn mày bây giờ có thằng nào có công việc gì làm không?

- Cũng một vài thằng, trừ tao. Toại nó làm báo lương tháng vừa đủ để tao và nó uống la-ve chừng hai đêm. Tao thì chịu. Không làm ra một đồng nào cả. Ðọc cả một đống sách, nào là “Làm thế nào để trở thành triệu phú”, “Làm thế nào để hái ra tiền một cách dễ dàng”, cũng không biết phải làm thế nào cả. Rốt cuộc chỉ có thêm trong đầu óc một kết luận quỷ quái: “Cách kiếm tiền dễ nhất là đi vay”. Mày thấy đó, tao dần dần trở nên môt ông chúa chổm.

Phối lắc đầu, hắn nói vào quân đội mình phải đánh mất nhiều thứ lắm, đôi khi không còn nhận ra mình được nữa. Tôi không nói gì, những ý tưởng quen thuộc được nuôi sống dai dẳng không biết từ bao lâu trong đầu óc, bây giớ tràn ngập như muốn nổ bùng thành lời nói. Tôi nói với Phối bằng cái giọng cốt làm hắn chú ý.

- Này Phối, cái bi đát của bọn mình bây giờ...

Phối khoát tay, môi nó trề ra tỏ vẻ khó chịu:

- Thôi dẹp cái trò triết lý ra một bên đi. Lại sắp sửa nói đến bi đát, buồn nôn, phi lý... rồi phải không?

Tôi cười buồn. Phối hiểu lầm tôi rồi. Tôi chúa ghét những thằng triết lý ba xu, chuyên môn xài những danh từ lớn cóp nhặt trong sách giáo khoa triết học.

Nhưng đêm nay, tôi đành chịu không thể tìm ra một chữ nào khác để diễn tả những ý tưởng còn mù mờ như một màn sương. Chính cái đó, cái bi đát của tôi của tuổi trẻ chúng tôi là phải mang đeo đẳng trên người một đời sống vất vưởng, ngoại quốc, không thuộc vào một thế hệ nào cả. Người ta lấy tiêu chuẩn gì để xếp chúng tôi vào một tầng lớp rồi đặt cho cái tên gọi thông thường là thế hệ? Tuổi tác ư? Tôi không may mắn như những người trẻ tuổi như tôi, áo quần bảnh bao không kém một người nào ở những nước văn minh giàu có trên thế giới, mỗi đêm vui đùa trên sàn nhảy với bó tiền trong túi, đàn bà ôm trong tay và xe hơi êm ái. Tôi cũng chưa đến nỗi bất hạnh như người lính trạc tuổi tôi, đêm nay lăn lộn trong sình lầy ở một miền đất hẻo lánh nào đó vùng biên giới, cái chết và sợ hãi lởn vởn bên người. Tôi cũng không được vô tư một cách hạnh phúc như những cậu thư sinh ngày đêm miệt mài trong sách vở, chăm chỉ và đều đặn giựt lấy mảnh bằng, rồi ra đời có một địa vị, một mái nhà và suốt cả đời an bình như một giòng sông hiền hậu. Tôi cũng không hăng hái, đầy nhiệt huyết như những người tuổi đôi mươi lao đầu vào đường chính trị, với biết bao kế hoạch cách mạng trong đầu óc, với sự yểm trợ của lực lượng bên này hay bên kia.

Tôi không ở trong một lớp người nào cả. Tôi thèm được tìm thấy một tâm hồn nào đó có vài điểm giống mình, cũng có những ước mơ, cảm nghĩ, niềm tin như mình. Nhưng đành chịu, hình như tôi sống một mình trên mảnh đất có hai mươi mấy triệu người nầy. Ðiều tuyệt vọng nhất của tuổi trẻ bây giờ , hay có lẽ của một mình tôi thôi, là không những chán mứa những kẻ đàn anh, những kẻ thuộc thế hệ ông cha mình, mà chán mứa ngay với những người đồng tuổi.

Tất cả những ý nghĩ đó quay cuồng hỗn độn trong đầu óc tôi. Tôi muốn nói với Phối những điều tôi không nói được. Hình như mọi cái nằm sâu trong tận cội rễ của tâm hồn đều không thốt ra lời được. Chúng câm lặng đã lâu rồi trong tôi, và rốt cuộc câm lặng đã là một thói quen thua thiệt.

Tiếng nổ lớn ở một khu phố nào đó trong thành thị làm tôi giật mình. Chắc lại có pháo kích như mọi đêm. Không biết đêm nay có phải là ngày sinh nhật hay kỷ niệm chiến thắng gì của những người du kích Cộng sản không. Thời buổi nầy người ta ăn mừng bằng những quà bánh văn minh hơn, tiếng nổ của đại bác reo vang ầm ĩ hơn tiếng pháo nhiều.

Tôi nhìn khuôn mặt của Phối, nó nãy giờ không nói gì, mặt đăm đăm buồn bã. Tôi muốn nói một cái gì, bất cứ một cái gì để không khí tươi thắm thêm một chút. Không khí của đêm trôi chậm chạp và thuốc lá đã làm tôi mệt mỏi.

- Này Phối...

Hắn giựt mình.

- Gì mày?

- Tao có chuyện cần nói với mày. Mày còn nhớ con nhỏ ngồi “két” ở quán cà-phê Văn hồi trước không?

- Nhớ. Cô nàng xinh xinh mà bọn khách thường gọi là Bông Hồng của quán phải không?

Tôi cảm thấy bực mình.

- Cái gì mà gọi là Bông Hồng? Tao gọi nó là hoa lan rừng. Mày không thấy nụ cười của con nhỏ có cái vẻ quyến rũ chết người hay sao?

- Ừ. Thôi thì đồng ý với mày cho xong chuyện. Mà mày định nói chuyện gì về cô đó?

Tôi nói nhỏ với Phối với giọng trịnh trọng và bí mật:

- Con bé đó có 34 cái răng mày ạ, 33 cái răng thường và một cái răng khểnh. Chính nó nói với tao như thế.

Phối ngạc nhiên, hắn hỏi với giọng bực bội như người vừa bị đánh lừa:

- Rồi sao? Có 34 cái răng rồi sao? Thế mà mày cũng bày đặt chuyện nói.

- Mày không thấy có gì lạ sao?

- Không. Có cái bộ óc của mày là đáng lạ lùng thôi.

Tôi nói buồn buồn:

- Thế thì thôi vậy. Có lẽ cũng không có điều gì lạ cả, tao nói vẩn vơ cho đỡ buồn.

Hình như tôi không tìm ra được câu chuyện gì thú vị cả. Hình như suốt đời tôi chỉ nói và làm những chuyện vẩn vơ, thật vô ích và lạt lẽo đối với người khác.

*

Quán dần dần vắng người. Tiếng nói của người dần hồi nhỏ lại. Bây giờ âm thanh dìu dặt của một bài hát nào đó, từ một góc quán vang lại chỗ chúng tôi càng lúc càng rõ ràng.

Ở đây không có âm nhạc hay. Xen lẫn với một lô nhạc thời trang chối tai, thỉnh thoảng mới có được một bài hát tiền chiến vang lên thật nhỏ nhoi từ chiếc máy hát cũ kim dĩa đã mòn. Bài gì đó tôi đã nghe hôm nào, người đàn bà với điếu thuốc lá giữa kẽ tay và có lẽ với một trái tim buồn dấu kín, môi đầy âm thanh và khói thuốc bồng bềnh. “Ôi giấc mơ xưa mộng đời phiêu lãng giang hồ... Sống trong lòng người đẹp Tô Châu hay là chết bên bờ sông Danube những đêm sáng sao...”

Chỉ còn giấc mơ. Bây giờ làm gì mà có thể phiêu bạt giang hồ. Ngay trong quê hương mình cũng không thể viếng thăm cho biết. Chiến sự, cầu gãy, mìn đặt trên đường, tràng súng phục kích từ rừng rậm... Những con đường quen thuộc trên đất nước biến thành những con đường của chết chóc, còn hơn là đường hẻo lánh trong rừng rậm Phi Châu. Tôi muốn được đắm mình trong những dòng sông đã học thuộc lòng tên tuổi trong sách Ðịa lý của thời học trò bé bỏng. Sông Hồng Hà, Sông Nhuệ, Sông Mã... tôi chưa bao giờ được nếm say sưa một ngụm nước ngọt ngào, còn nói gì đến dòng Danube xanh biếc xa vời.

Phối hát khe khẽ theo bản nhạc. Giọng hát của nó dở chưa từng thấy nên tôi phải bảo nó im lặng đi. Hắn nhe răng cười, nói về đi thôi. Tôi bảo hãy hút cho hết điếu thuốc cuối cùng, để được vò nát trong tay bao thuốc rỗng không như tâm hồn mình, ném lăn lóc ra ngoài đường vắng. Phối gật đầu, hắn nói chốc nữa về nhà tôi đừng gợi chuyện gì nữa, hắn cần một giấc ngủ để sớm mai còn phải dậy sớm đón xe đò vô quân trường. Hắn hỏi:

- Ngày mai mày có định đi đâu không?

- Không. Nếu có tí tiền thì lang thang chỗ nầy chỗ nọ. Không chừng lại tìm đến cái quán quỷ quái này như đêm nay.

- Buồn quá nhỉ.

Tôi nói hắn đã biết điều đó lâu rồi. Hắn đã ở chung với tôi trong một thời gian khá lâu, và cũng đã có những ngày tháng trống không như thế. Những thằng bạn thân khác của tôi cũng vậy. Toại, Sơn, Lai, Hiếu, Hiệp, Giang, Tự, Hối... và danh sách nầy còn dài nữa nếu cái trí nhớ của tôi không đến nỗi quá bê bối. Chúng đã một thời sống đói khổ với tôi. Một thời ngồi trước ngõ như một con chó đói để chờ một thằng bạn nào đó đến rủ đi chơi, ổ bánh mì là bữa cơm gậm dai dẳng trong hàm răng, điếu thuốc đen chia từng hơi những khi sạch túi. Quãng đời này đã như một con vợ trời đánh, nhưng đã lỡ quen hơi, khó lòng từ bỏ được.

Tôi cũng có một vài người bạn thân người ngoại quốc, như Holden Caulfield, Peter Caminzend, Meaulness, Nick Adams, Raskolnikoff. Tiếc là bọn này tôi chưa bao giờ thấy mặt chúng.

Ðến khi gã bồi quán ra nói với chúng tôi đã đến giờ đóng cửa rồi, tôi mới đứng dậy. Quán không còn một ai. Chúng tôi ra khỏi khu vườn tối. Quán nhỏ bỏ lại xa dần sau lưng như một người bạn gặp giây lát qua đường.

Chúng tôi thất thểu đi qua biết bao con đường hun hút như hầm tối, mặc dầu những ngọn đèn đường vẫn còn thắp đỏ hai bên đường. Lính tráng và cảnh sát đầy đặc dọc đường, súng lăm lăm trong tay và mắt chăm chú dò xét. Lính nhảy dù giăng những cuộn giây thép gai bao quanh những dinh thự. Có lẽ sắp đến giờ giới nghiêm rồi, tôi phải cố đi nhanh. Bóng người chao động trên con đường, vắng vẻ đến nỗi có thể lăn từ bên này sang bên kia.

Căn phòng nhỏ của tôi, đầy tàn thuốc và bao thuốc lăn lóc, giấy má, rác rưới và áo quần bẩn vắt trên tường. Phòng không có điện nên tối đen như nhà ngục. Mẩu nến ngắn ngủi nào đó tìm thấy trong hộc bàn. Phối đưa tôi chiếc hộp quẹt chỉ còn một que diêm, rồi hắn nằm dài với cả quần áo giầy vớ trên giường, vẻ rã rời như một tên say rượu.

Hai ly cà-phê với hai bao thuốc lá trong một đêm cũng đủ làm tôi thấy đắng khô cuống họng, thân thể chán và lạt lẽo như một cốc nước lã. Tôi cố gắng thắp sáng ngọn nến. Mặc dầu ánh sáng bây giờ không còn cần thiết nhưng tôi rất thích nhìn đốm sáng nhỏ từ ngọn nến le lói cho đến khi mất biệt trong bóng tối. Cây quẹt diêm cuối cùng lên ánh lửa thật yếu ớt và chao động tưởng chừng như sẽ tắt đi vì ngọn gió ngoài trời thổi vào, nhưng ngọn lửa cũng len vào đầu ngọn nến. Ánh hồng ve vuốt ấm mặt. Tôi muốn tìm một cái gương để nhìn khuôn mặt vô hồn của mình, nhưng không tìm thấy gì cả. Phối lè nhè đọc môt đoạn thơ nào đó nghe loáng thoáng mơ hồ.

- “... Ngọn nến hồng ai đã thắp khi nào không hay thấp thoáng nụ cười em che tiếng khóc...”

Tôi chưởi thề:

- Mẹ mày, tao thắp chứ còn ai nữa.

Ðêm nay đừng hòng đứa nào chịu treo mùng. Tôi nằm xuống, mắt nhìn vào ngọn nến, cho đến khi nến tắt, tôi nhìn ra ngoài khung trời đen. Trời không mưa.

Ðêm nay trời đáng lẽ nên mưa một chút để chiều lòng người lãng mạn, những chàng thi sĩ, những kẻ tình si đang lang thang ngoài đường, đôi mắt gởi cho một khung cửa nhỏ nào đó còn có ánh đèn. Tôi thích trời mưa biết bao. Dưới cơn mưa, thành phố sẽ đẹp như một cổ thành chìm sâu trong sóng biển.

Nhưng trời không mưa gì hết. Trời khô khan như một phiến đá tảng.