Nước Thục mất, vua Thục bị giết từ năm -316. Nước ấy vua ấy tất nhiên không thể dinh líu gì đến nước Âu Lạc ra đời năm -257.

Nhưng hoàng tộc Thục chạy xuống phía nam có thể đã lập một ông vua lưu vong chứ. Thục Phán có thể là con của ông vua đó.

Sử xưa của Tàu và của ta đều chép Thục Phán là “Thục vương tử”. Tại sao Trần Trọng Kim lại đi bớt chữ “tử” mà bác bỏ thuyết cũ?!

(Thu Tứ)



Tr. Tr. Kim, “Thục Phán không phải từ Ba Thục”



GỐC TÍCH NHÀ THỤC. - Nhà Thục chép trong sử nước ta không phải là nước Thục bên Tàu, vì rằng cứ theo sử nước Tàu thì đời bấy giờ đất Ba Thục (Tứ Xuyên) đã thuộc về nhà Tần cai trị rồi, thì còn có vua nào nữa. Vả, sử lại chép rằng khi Thục vương Phán lấy được nước Văn Lang thì đổi quốc hiệu là Âu Lạc, tức là nước Âu Lạc gồm cả nước Thục và nước Văn Lang. Song xét trong lịch sử không thấy đâu nói đất Ba Thục thuộc về Âu Lạc. Huống chi lấy địa lý mà xét thì từ đất Ba Thục (Tứ Xuyên) sang đến Văn Lang (Bắc Việt) cách bao nhiêu đường đất và có bao nhiêu núi sông ngăn trở, làm thế nào mà quân nhà Thục sang lấy nước Văn Lang dễ dàng như vậy? Sử cũ lại có chỗ chép rằng An Dương Vương họ là Thục tên là Phán. Như vậy chắc hẳn nhà Thục tức là một họ nào độc lập ở gần nước Văn Lang, chứ không phải là Thục bên Tàu. Sách Khâm định Việt sử cũng bàn như thế.


(Trong
Việt Nam sử lược, 1928)