Liệu “thằng phỗng đội nến” hay ông phỗng “bày chơi trong các gia đình” mà Nguyễn Dư mô tả sau đây có phải là cháu chắt của những cái tượng phỗng ở Nghệ An? (xem Nguyễn Đức Tánh).

Tượng phỗng thứ nhất ra đời trước đầu thế kỷ 20 hàng bốn trăm năm, mà cái tên “phỗng” của thứ tượng ấy chắc cũng đã “thành danh” rất lâu rồi, cớ sao lại lọt ra ngoài
Ðại Nam quốc âm tự vị (1895-1896)?

Lờ mờ tưởng tới sự kiện Huỳnh Tịnh Của là người miền Nam...

(Thu Tứ)



Nguyễn Dư, “Thằng phỗng, ông phỗng”



Có lẽ Nguyễn Khuyến (1835-1910 ) là người để ý đến nhân vật phỗng nhiều nhất. Ông là tác giả của hai bài thơ được nhiều người biết:

“Ông đứng làm chi đấy hỡi ông
Trơ trơ như đá vững như đồng
Đêm ngày coi sóc cho ai đó
Non nước vơi đầy có biết không?”
(Ông Phỗng Ðá)

“Người đâu tên họ là gì
Khéo thay trích trích tri tri nực cười
Dan tay ngửa mặt lên trời
Hay còn lo tính sự đời chi đây
Thấy phỗng đá lạ lùng muốn hỏi
Cớ làm sao len lỏi đến chi đây
...
Nên chăng đá cũng gật đầu.”
(Hỏi Ông Phỗng Ðá)

Phỗng được định nghĩa là tượng người bằng đất, đá, đặt ở đền chùa, miếu mạo, được coi là người đứng hầu nơi thờ tự. Phỗng còn là tượng dân gian bằng đất, bằng sành hay bằng sứ, cỡ nhỏ, dáng to béo, lạc quan, để bày chơi trong các gia đình.

Tuỳ theo tượng nặn một người lớn hay một trẻ con và tuỳ theo tượng được đặt ở nơi thờ tự hay làm đồ chơi mà dân gian gọi là ông phỗng hay thằng phỗng.

Tên phỗng từ đâu ra?

Căn cứ vào hai tấm tranh dân gian có chữ nôm, một tấm vẽ ông phỗng bưng nến, tấm kia vẽ thằng phỗng đội nến (lạp), chúng ta thử đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên.

- Chữ phỗng trong tranh ông phỗng được viết bằng chữ bổng và dấu nháy, một kí hiệu để chỉ rằng đây là chữ nôm.

Bổng nghĩa là bổng lộc, tiền lương của quan lại. Nghĩa này không thích hợp với nhân vật phỗng của tấm tranh.

Vì vậy, phải hiểu rằng chữ nôm phỗng ở đây không phải là được viết với chữ bổng, mà đã được viết bằng bộ nhân và chữ phụng. Bộ nhân chỉ người. Phụng nghĩa là hầu hạ, vâng lời, dâng biếu. Nghĩa này thích hợp với nhân vật phỗng, một kẻ đứng hầu nơi thờ tự, giữ việc đội hoặc bưng nến, còn gọi là dâng nến.

- Chữ phỗng trong tranh thằng phỗng đội nến viết hơi khác chữ phỗng của tranh ông phỗng. Người viết chữ nôm dùng bộ nguyệt làm kí hiệu thay cho dấu nháy, phần còn lại thì giống nhau (bộ nhân và chữ phụng).

- Bảng tra chữ nôm (nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1976) viết chữ phỗng bằng chữ phỏng nghĩa là bắt chước, phỏng theo. Nghĩa này cũng có vẻ xa lạ đối với thằng phỗng của dân gian Việt Nam.

Ngôn ngữ Việt Nam còn có thêm hai chữ phỗng khác:

- phỗng tay trên: lấy hớt của người khác.

- phỗng: gọi ăn trong một ván bài tổ tôm, tài bàn, một con bài thứ ba của bất cứ người nào khi trong tay mình có hai con như thế.

Xét theo nghĩa thì hai chữ phỗng này có thể đến từ chữ phủng, nghĩa là bưng, dâng, biếu.

- thành ngữ “ngồi im như phỗng” và “đứng im như phỗng đực”, có nghĩa là ngồi và đứng không động đậy, giống pho tượng đồ chơi của trẻ con, hoặc giống ông phỗng nơi thờ tự.

Ông phỗng đá thứ nhất của Nguyễn Khuyến đứng trơ trơ, “đêm ngày coi sóc cho ai đó”, chắc phải là ông phỗng đứng bưng nến hay đội nến ở chùa chiền,đền miếu.

Ông phỗng đá thứ nhì “dan tay ngửa mặt lên trời”, có vẻ lạc quan, thiếu trang nghiêm, hẳn phải là ông phỗng đồ chơi.

Chữ phỗng không có trong tự vị của Huỳnh Tịnh Của. Có thể đây cũng là một chữ mới có từ đầu thế kỉ 20.


13/4/2000

(Trích từ bài Thằng Bù Nhìn, Thằng Phỗng, đăng trên trang
chimviet.free.fr)