Nhắc sáng tác phẩm của Sơn Nam, ai nấy nghĩ ngay đến Cà Mau, đến U Minh, đến cái thời rừng U Minh còn đầy cá sấu... Trong tập bút ký Dạo chơi in năm 1994, ta bắt gặp một cái “truyện” mà cả không gian lẫn thời gian đều gần đa số người đọc hơn nhiều. Câu chuyện xảy ra ở Vĩnh Long, vào “thời mở cửa”. Theo lời Sơn Nam, khởi đầu ông chỉ biên tập lại bản thảo của một người bạn, nhưng rồi người bạn ấy bất ngờ qua đời, khiến ông cảm thấy “phải làm văn nghệ dứt điểm giùm”. “Chuyện không gì hết” rút cuộc thành bài viết có duyên. (Thu Tứ)



“Chuyện Nhiên và Hoa”

Sơn Nam




Ghé chơi quán cà-phê của nhà xuất bản X, tình cờ gặp chàng thanh niên đến cúi đầu, trao cho cái bao thư khá dày, loại bao khổ lớn. Bản thảo nhờ tôi xem giùm. Nói xong, chàng thanh niên lại chào và đi ngay vì việc riêng hơi gấp.

Mở ra, gặp lá thơ khá dài: Tự giới thiệu hồi kháng Pháp đã quen thân (nhưng chắc tôi quên), ân cần nhờ điều chỉnh lại, tự do thêm bớt, không cần trao đổi với tác giả. Cuối thơ, ghi tác giả ở huyện Cầu Kè, tỉnh Vĩnh Long, thêm địa chỉ liên lạc ở Sài Gòn của chàng thanh niên vừa trao bản thảo. Viết trên tập học trò, nét chữ khá đẹp, không sửa chữa lăng nhăng nhưng hỡi ôi, chỉ là những câu ngắn, vài chi tiết đáng lưu ý, ghi nhanh. Tôi thở dài, thất vọng. Làm sao đọc được, chẳng lẽ tôi làm công việc cam go là “chấp bút” từ đầu đến cuối. Ðề tài gì? Dường như là ái tình, tôi chẳng có sở trường về “tâm lý thời đại”. Tác giả là Trần H.Ð. Bao nhiêu người trùng tên, làm sao nhớ đủ mặt những bạn bè cùng hoạt động thuở xưa, gần nửa thế kỷ. Ðành để vào cái túi xách, về nhà, vội cất vào hộc tủ, đề phòng trường hợp đòi bản thảo. Làm mất là khinh tác giả...

Rồi trưa hôm ấy, lại đọc thử. Nhiều chi tiết sống động mà tôi sẽ gạn bớt, đề tài nầy dính dấp đến xã hội hiện tại và trong nhiều năm sắp tới. Khó biên tập lại vì truyện ngắn không ra truyện ngắn, phóng sự dài không phải và chưa là tiểu thuyết. Một kiểu tạp bút gì gì đó. Tôi cố tóm tắt, hy vọng tác giả sẽ hài lòng khi thấy in vào tập nầy. Tên tác giả và vài nhân vật dĩ nhiên tôi đổi lại, nhưng sẽ ngẫu nhiên trùng với vài người khác; thời buổi nầy những tên người gần như giống nhau, tuy đa dạng.

*

Nhiên đã lớn tuổi, góa vợ, làm chủ miếng vườn nhỏ vùng ngoại ô, đào ao nuôi cá, tạm sống được, các con trưởng thành làm công nhân viên hoặc mua thúng bán bưng. Ham đọc sách, đã theo Trung học thời Pháp nhưng không đỗ đạt. Không khí sôi động thời mở cửa. Người tu hành còn sắm xe gắn máy, học tiếng Anh, huống gì Nhiên đã từng theo Tây học, tuổi non 60 mươi, rất sợ nỗi cô đơn của thời đại.

Ban đầu quán bia “đèn mờ” mở ở ngoại ô phía xa, gần khu vực có ruộng; lần hồi phát triển hơn. Người trong xóm lúc đầu phản đối, làm đơn phàn nàn với tổ dân phố, riết rồi quen vì đây không là trường hợp cá biệt. Nghe đâu ven bờ sông thơ mộng gần đấy mở ra quán “đặc sản Âu-Á” trá hình. Ai thích, sẽ xuống chiếc thuyền nhỏ, có mui, nghe ca nhạc và ngâm thơ với các cô. Cơ quan bài trừ đồi trụy theo dõi, nhưng chưa bắt quả tang vụ nào cả; thân chủ là dân chợ trời và cán bộ cỡ nhỏ ngoài thị xã đến, giả dạng thường dân.

Buồn vì đơn chiếc, thêm tò mò, tháng ấy trúng mùa cá chép, Nhiên thấy nên quan sát để tiêu dao ngày tháng vì những quyển sách cũ đọc đi đọc lại thấy nhàm chán. Ðêm ấy, Nhiên đi cho biết. Thấy cũng vui vui. Quán bia không có cửa, chỉ là tấm ri-đô che lại. Ðèn rất mờ, có lẽ vì vậy mà các cô đều thay da đổi thịt, xinh đẹp, áo quần, tóc tai cũng một tám một mười so với các ca sĩ trong nước và... quốc tế. Lại thêm nước hoa, dĩ nhiên nước hoa rẻ tiền. Chọn ai bây giờ? Các cô rất đa dạng nhưng gần như giống nhau. Vài thanh niên đến với xe gắn máy thứ tốt, ngồi bàn bên kia được các cô chiêu đãi thích săn đón. Nhiên không thắc mắc, lát sau, từ trong buồng có cô nọ bước ra, nhìn về anh. Không đẹp, không xấu, khỏe, vóc dáng trông khoan thai, sang trọng. Cô thử bước lại gần. Nhiên mời. Cô ngồi xuống bên cạnh. Hỏi tại sao nãy giờ mới đến, cô trả lời, bẽn lẽn: “Em lớn tuổi hơn tụi nó, tụi nó giành ngồi chung với lớp trẻ”. Nhiên sực tỉnh: “Già như tôi thì... để dành cho cô”.

Nhạc phóng ra, khá to, khuất lấp tiếng nói của nhiều lứa đôi. Bia lon lại khui, như là nghĩa vụ tiêu thụ của thân chủ, với giá tương đối cao. Tư chỗ gọi nhau cô và anh, đến gọi anh và em không còn gì ngượng ngập. Bóng tối chập chờn. Nhiên xúc động, từ từ nhận ra cô nầy đẹp. Bèn hỏi. Ðáp: “Em là Hoa”. “Bao nhiêu tuổi?”. “Hai mươi sáu. Tuổi nầy không còn cạnh tranh với ai được. Già rồi”. Rượu vào lời ra. Hoa nâng ly bia, mời Nhiên. Nhiên mời cô cùng uống. Hết lon thứ nhất, đến lon thứ nhì rồi thứ ba. Nhiên đã nghe bạn bè bảo rằng tiền bia giá cao thuộc về chủ quán, các cô làm không ăn lương, chỉ mong vào tiền thù lao (gọi là “boa”) của khách. Hoa lần lượt giải đáp những câu hỏi của Nhiên. Cha binh nhì chết ngoài mặt trận, ở rừng Tây Ninh, không biết mồ mả, bấy giờ Hoa mới sáu bảy tuổi. Hoa còn một người cậu ruột chết ở Cai Lậy, trước ngày Giải phóng chừng bảy ngày. “Oan ức quá, ai cũng thấy Sài Gòn thế nào cũng mất, biểu đào ngũ, vậy mà cậu không dám đào ngũ, do dự”.

Hoa nói ít, khi nào Nhiên hỏi thì mới trả lời. Chừng một tiếng đồng hồ sau, Nhiên ra về, gởi cho người đẹp chút ít tiền. Khách vào càng đông. Bên bàn kia, mấy chàng thanh niên bắt đầu quậy phá, thỉnh thoảng cười hô hố. Nhiên thấy bất mãn với chính mình. Các cô chiêu đãi làm việc giỏi thật. Vài vị khách vừa mới ngồi đã gọi một “két” bia, hai gói ba số 5. Tiền ở đâu? Nhiên tự hỏi. Riêng anh, thấy đủ khả năng tới lui mỗi tuần một lần là tối đa. Một thế giới lạ, Nhiên thấy mình lac hậu. Biết mình lạc hậu là bắt đầu thấy mình còn trẻ rồi.

Tới lui vài lần nữa, vẫn là bia lon, thịt bò xào, những câu hỏi và câu trả lời trùng lặp, nhưng hôm nay nghe thấm thía hơn hôm qua; ngày mốt, cũng câu ấy, lại dường như giả dối. Ngôn ngữ mang ý nghĩa nầy, ý nghĩa kia tùy bối cảnh cũng như nhan sắc người tuổi non 30: khi xấu, khi đẹp, khi hồn nhiên, khi thì õng ẹo. Những lần đến Sau, Nhiên tìm Hoa rất dễ. Bị liệt kê vào loại “ế độ”, Hoa cố làm thêm, gây cảm tình với bà chủ bằng cách tiếp tay nấu nướng. Nhiên đến, lần nọ Hoa phải thay áo cho bớt mùi gia vị và khói bếp.

Nhiên hỏi thử địa chỉ. Hoa mượn cây bút bi, tìm miếng lịch, đến gần quầy tiền cho đầy đủ ánh sáng hơn. Viết rất lâu, trao cho Nhiên. Rõ là chưa rành chữ quốc ngữ. Ðại khái “ấp Tích Thiện”, lại viết “Tít Thiện”, gần Cầu Ván, lại viết “Gần cầu Giáng”. Hoa căn dặn sáng hôm nào rảnh thì đến chơi, mẹ ở nhà vui vẻ và... còn trẻ. Sau Giải phóng, mẹ Hoa đăng ký đi kinh tế mới để làm lại cuộc đời. Bốn năm sau, dẫn mấy đứa con về, tranh chấp cái nền nhà cũ đang bị người khác chiếm... Hoa dặn thêm: Rảnh, anh đến chơi giây lát. Má em ở nhà. Cứ hỏi tên em là Hoa, bảo đến tìm em vì hôm trước em có nhờ anh tìm việc làm, thí dụ như tập sự ở xí nghiệp may công nghiệp xuất khẩu nào đó.

Mấy điểm “đèn mờ” bị kiểm tra, đồng loạt, chủ quán bị lập biên bản, phạt tiền khá nặng. Nhiên thử đi qua quán hôm trước, thấy treo bảng “Nhà Bán”. Tình cờ gặp cậu bé giữ xe đạp gần bên, nó bảo Hoa đang làm việc ở quán cách đó chừng vài trăm mét, với cái bảng hiệu nghe khá thơ mộng.

Nhiên đến, gặp lại, khá vui nhưng dạo ấy thâu nhập ít, lại lo tu bổ nhà, vét ao cá. Chừng xong việc, lại nghe tin cái quán nầy vừa bị đóng cửa.

(Ðến đây, bản thảo của Nhiên đứt đoạn (...) Tôi sực nhớ địa chỉ ở Cầu Kè, toan gởi thơ để hỏi thêm, nhưng chưa chi đã có thơ bảo đảm gởi đến, kèm tập nhì của bản thảo. Người gởi viết là hôm trước đã đến gặp tôi, nay tình cờ gặp tập thứ nhì, gởi nốt cho tôi tùy nghi sử dụng, và ghi thêm: tác giả đang đau yếu, sống không thiếu thốn, bản quyền sẽ tặng cho tôi. Tôi đọc tiếp.)

Theo địa chỉ, Nhiên đánh bạo đến nhà Hoa. Xóm nghèo, sình lầy, ở ngoại ô, với ruộng, ao vũng. Ðúng xóm và số nhà; nhà nhỏ, lợp tôn, phía trước lủng lẳng vài nải chuối thêm mớ hũ đựng kẹo.

Bước vào nhà, Nhiên giựt mình, suýt chút nữa là giẫm vào mấy đứa bé đang nằm ngủ kề nhau trên nền xi-măng, gần như không còn khoảng trống. Trẻ con khoảng tám chín tuổi, đứa ở trần, đứa mặc áo đứt nút. Một thiếu phụ còn trẻ bước ra chào. Nhiên hỏi nhà cô Hoa. “Có chuyện gì không, cậu?” “Dạ, dạo trước, cô Hoa nhờ tìm công việc tập sự ở công ty may xuất khẩu”.

Mời ngồi nhưng thấy khách khó tìm ra chỗ ngồi, thiếu phụ dẹp mấy món linh tinh, xuống bếp tìm cái ghế thấp đem lên, bấm nút cái quạt máy:

- Con Hoa nấu cơm dưới bếp, nó ra bây giờ.

Trên vách, vài bức tranh màu, cắt từ mấy tấm lịch Tết năm ngoái. Nghệ sĩ sân khấu. Thắng cảnh đâu bên Thụy Sĩ với núi tuyết phủ. Hoa chạy ra, mừng rỡ:

- Bố! Tới hồi nào? (day qua) Ðây là má của em.

Thiếu phụ mỉm cười:

- Con Hoa là gái đầu lòng. Ủa, sao không lo nước uống.

Hoa vào trong, chải tóc lại, trở ra với tách nước trà nguội. Rõ là cảnh nghèo túng. Nhìn suốt đến phía sau, chẳng món gì có giá trị kinh tế đáng kể. Duy có cái ti-vi, phủ vải bông.

Hoa kể lại chuyện mấy tháng qua. Ðang thất nghiệp, chưa biết làm gì. Hôm trước, thử bán cháo huyết, nhưng ít ai ăn, có ăn thì cũng người quen lối xóm, họ thiếu chịu.

Hai cậu trai cao lêu nghêu, khoảng 16 hoặc 17 tuổi, xăm xăm vào nhà, đi thẳng xuống bếp. Lát sau, mỗi cậu bưng một tô, với con cá hấp, xem chừng như mệt và đói. Hoa nhìn Nhiên:

- Hai đứa em. (Nói nhỏ) Mẹ tôi tái giá, sanh ra tụi nó. Ðược lắm. Ðứa vác lúa, đứa đào đất, móc mương vườn, ai mướn gì làm nấy, không uống rượu, không hút thuốc. Ngặt khó tìm việc làm. Mỗi ngày làm, được khoảng 10 ngàn.

Từ trong buồng hai bà lão bước ra. Hoa nói:

- Bà ngoại, bà kia là con chú bác với bà ngoại, neo đơn, về đây.

Nhiên tò mò:

- Như vậy là bà ngoại có chàng rể là cha của Hoa và đứa con trai út chết.

- Dạ.

Một thanh niên vạm vỡ bước vào, đi giày da, dáng điệu kém tự nhiên. Chàng bồng đứa con còn nhỏ, hôn lia lịa. Hoa nói:

- Em ruột của Hoa đó. Phế binh, đi nghĩa vụ đánh Khơ-me đỏ bên Cam-pu-chia. Cụt một chân, đi chân giả. Mới đây được cấp căn nhà tình nghĩa, lót gạch bông, khá rộng; mười cây là giá chót. Chỗ đó mua bán được.

- Nhà đông quá.

- Biết sao bây giờ. Ai có tiền, phụ vô cơm nước. Ai không tiền thì thôi.

Con chó cái khá to chạy vào, thẳng xuống bếp, chắc là đói. Hoa bảo hai đứa em cho chó ăn cơm vì nó mới đẻ.

Nhiên hút thuốc, nhìn trời. Bỗng nghe tiếng chim gáy. Anh hỏi:

- Bụi tre đằng kia mà có chim à? Chắc là loại cu đất, con trống gọi con mái.

Hoa cười ra tiếng:

- Không phải, bố ơi! Người ta nuôi để đem ra chợ bán cho nhà giàu. Cái nghề nuôi chim, nuôi cu không dở đâu. Nhà giàu ngoài chợ, họ nhớ nhà, mua đem về nuôi trong lồng. Thời buổi nầy, cái gì cũng kỳ cục.

Giựt mình vì đã trót gợi chuyện chim, cu nghe kém thanh tao, Nhiên nhìn ra. Mẹ của Hoa ngồi đó, chờ bán những món chuối kẹo lặt vặt.

- Xin lỗi Hoa, má ở nhà có khó tánh không? Rủi lát nữa, tôi ra về, mẹ rầy Hoa.

- Nhà nầy ai cũng lớn rồi, tự lo sanh sống. Mẹ không can dự vô chuyện của con cái, đứa nào khôn thì đứa đó nhờ.

Mấy đứa bé lần hồi thức dậy, ngáp, gài nút áo. Chắc đói bụng, tới giờ ăn cơm, chúng không ngủ được. Hoa nhìn bọn nó:

- Rửa mặt rồi ăn cơm. Chào... bố chớ.

Lập tức, cả đám đứng hàng ngang khoanh tay cúi đầu. Ðể đáp lễ, Nhiên đếm số tiền lẻ trong túi áo sơ-mi, trao cho mỗi cháu một ngàn để “ăn bánh ăn kẹo”. Các cháu “Dạ” nghe vui tai. Riêng một đứa lớn hơn đến gần Hoa, nũng nịu. Nãy giờ nó không đứng chung với bọn nhóc con. Hoa nói khẽ:

- Ðây là con riêng của em, chồng trước, em lấy chồng hồi đi kinh tế mới trở về, theo bên chồng ở Trà Vinh, anh chàng nầy sống bám cha mẹ, sớm chiều chỉ biết uống rượu, đá gà rồi đá banh, lại đánh đập em nhiều lần. Con còn nhỏ, chịu đựng được hai năm, em bồng con về đây. Nó là Thuận.

Nhiên đưa ra tấm giấy năm ngàn, gọi là quyền ưu tiên của Thuận, so với mấy cháu khác. Ðã trưa, buổi cơm dở dang. Anh ngỏ ý ra về, Hoa nói:

- Cám ơn bố. Rảnh bố đến chơi.

Giọng Hoa như gò ép, ngọng nghịu. Hoa kể mấy ngày qua, mọc nhiều mụt trong cổ họng, lắm khi lại nóng sốt. Hoa há miệng ra. Nhiên đến gần, xúc động thấy nhan sắc Hoa đang “xuống cấp” nặng nề. Không son phấn, để lộ ra nhiều đốm đen khít nhau bên má.

(Bản thảo đứt đoạn, nhiều hàng tả đêm trăng, mưa gió như lạc đề, lại trích vài câu ca dao trữ tình, không chuyển đoạn. Tôi không dám hư cấu thêm. Rồi bản thảo qua đoạn khác, đột ngột.)

Trời chuyển mưa, như đã hẹn trước, khi đến nhà, Nhiên thấy Hoa mặc chỉnh tề, quần gin, áo sơ-mi sọc tím, khá đẹp, son phấn vừa phải, tóc chải bới gọn, thêm mùi dầu thơm. Cùng đi đến quán ăn do Hoa chọn. Quán bình dân, mặt bằng rộng, khi vào còn nhiều bàn trống, ghế thấp, mặt bàn tròn không trải vải cao-su nhưng sạch sẽ. Máy thâu băng nổi lên, bếp lò cháy rực. Hoa ngồi xuống bên cạnh Nhiên chớ không đối diện, gọi món “lẩu bò” rồi nói:

- Giá bình dân, cái lẩu này có chín ngàn.

Nhiên uống bia, Hoa uống nước ngọt, nhưng nể lời Nhiên, vui vẻ nâng ly bia mà Nhiên trao cho, gọi là “cùng chung chén rượu thề”. Nhiên say ngà ngà, sau khi uống lon thứ nhì: “Bữa nay, như là kết nghĩa trọn đời. Hoa hiểu không?”. Hoa đáp: “Ðã như vậy rồi”. Ðột nhiên, Nhiên lấy tay che miệng cười. Hoa như không chú ý. Nhiên cao hứng, nói thêm: “Đáng lý mình cho con Thuận cùng đi ăn, vì là ngày vui của mẹ nó”. Hoa e thẹn. Nhiên nói khẽ: “Nhưng không sao đâu. Tôi có chuẩn bị số tiền nhỏ, để con Thuận mua cặp đi học, ăn quà vài ngày”. Hoa mỉm cười: “Còn gì bằng hơn!”. Ðã đến lúc Nhiên không cần che giấu nụ cười. Quả là Hoa còn bị méo mó nghề nghiệp. “Ðã như vậy rồi” và “còn gì bằng hơn” (với nghĩa “còn gì bằng lòng hơn”) gần như là tiếng lóng của các cô chiêu đãi. Hoa nâng ly bia của Nhiên, từ từ uống, rồi lấy gói thuốc lá của Nhiên, rút một điếu, đưa vào miệng mình mà châm lửa, hút một hơi, phì phà, trao cho Nhiên. Cũng là tàn tích của nghề nghiệp. Hai người nói chuyện “trời trăng mây nước” khá lâu. Nhiên kết thúc: “Miễn là Hoa bỏ nghề cũ. Mình nhà nghèo, học hành không hơn ai, bà con chẳng ai làm lớn, không ai ở nước ngoài gởi đô-la về”. Hồi lâu, Hoa nói khẽ: “Không đổi nghề cũng không được. Bịnh hoạn đủ thứ, cứ nhức đầu thất thường, muốn điên lên, chẳng biết uống thuốc gì. Nghe theo lời mẹ, mua rễ tranh nấu nước, uống cho giải nhiệt. Gái chiêu đãi bây giờ khoảng 25 tuổi là bị chê rồi. Em quá lớn tuổi gặp anh là may”. Khách vào quán đông hơn, đã đến lúc nhường chỗ cho những người đang đến. Ra về, Nhiên thấy nên giữ bí mật: “Mạnh ai nấy về. Chẳng lẽ đưa Hoa về tận nhà, hàng xóm dị nghị”. Hoa cầm số tiền mà Nhiên vừa trao (đâu khoảng 40 ngàn), đến chỗ cái xe bán bánh bao. Nhiên đi theo; thấy ghi giá bánh ngon 5 ngàn, bánh rẻ 2 ngàn. Hoa chọn 6 cái thứ 2 ngàn. “Ðem về cho mẹ, bà ngoại, mấy đứa nhỏ”.

Bản thảo của anh bạn tôi đến đây là hết.

Câu chuyện như vậy (...) Chẳng lẽ tôi hư cấu thêm để kết luận, kiểu tuồng cải lương? Phải hỏi ý kiến tác giả (...) Buổi sáng nọ, đến quán cà-phê của nhà xuất bản quen, một lát có người thanh niên đến chào, rất lễ phép. Chưa kịp nhận ra là ai (mắt tôi quá yếu) thì anh ta đã tự giới thiệu:

- Cháu... hôm trước đem bản thảo. Hôm nay...

Tôi chuẩn bị nói lơ lửng, rằng biên tập lại gần xong. Nhưng người bạn trẻ tự động kéo ghế ngồi sát bên, nói khẽ:

- Chú ơi, chắc là chú không còn mất thời giờ vì cái bản thảo đó nữa. Tác giả mất đã được hai mươi ngày.

- Trời, tội nghiệp, còn trẻ hơn tôi mà.

- Chẳng rõ bịnh gì. Viêm gan, nghe nói vậy, phát bịnh nặng được mươi ngày là chết. Trước đó một năm, dường như biết trước mà không nói ra, hút thuốc nhiều, đêm đêm viết văn để tự an ủi. Cháu kêu bằng cậu ruột.

Tôi gọi hai chai bia, mời anh thanh niên cùng uống, muốn nghe thêm về người bạn không còn gặp lại được của mình. Anh ta cho biết đã hỏa thiêu, đám tang đơn giản.

- Thế nào tôi cũng xuống thắp nén nhang.

Tác giả đã nghĩ đến tôi, quá tin cậy nơi tôi. Tôi đang hối hận.

- Xuống đó, không còn ai. Cái hũ cốt đưa về quê nội, gởi trong chùa gần biển, thuộc xã Trường Long Hòa, xa xuôi lắm chú.
Hỏi về lý lịch, được biết anh bạn của tôi kháng Pháp nửa chừng trở về, đầu năm 1952. Thời Mỹ, có móc nối, nhưng nằm vùng kiểu... quần chúng tốt, sau 1975, giữ chức chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường được hai tháng, rồi người khác thay thế. Từ đó, vườn rau ao cá.

... Ðến ấp Tích Thiện, chàng trai nọ dẫn tôi đi gần suốt con đường chật hẹp, lát sau dừng lại, rồi bảo là cô Hoa ở căn nhà phía trước có treo mấy nải chuối, bà chủ nhà đang cầm quạt phe phẩy. Tôi nghĩ đây là việc quang minh chính đại, đến thăm chẳng lẽ chủ nhà lại trách móc. Vui, mình nói chuyện, buồn thì mình ra đi.

Chành thanh niên, tên Lễ, nói nhỏ:

- Chú vô một mình, cháu ngán lắm vì chẳng có phận sự gì trong cái chuyện tình này.

Ðúng như Nhiên tả, bấy giờ 11 giờ trưa, bốn năm đứa bé nằm trên nền xi-măng; khách vào, chúng không màng mở mắt. Chắc đang đói bụng, thèm quà vặt. Người mà tôi đoán là mẹ của Hoa đứng dậy, nói hồn nhiên:

- Tôi là mẹ con Hoa. Ðể tôi kêu nó ra.

Từ phía sau nhà, Hoa bước ra, ngạc nhiên khi gặp người khách lạ. Cô mặc loại quần cụt theo thời trang, áo sơ-mi xanh nhạt. Hoa nói:

- Ðể tôi thay áo, rót nước. Chú chờ...

Tôi nói ngay:

- Nhắn cô chút chuyện gấp. Cô ngồi đây, tự nhiên. Tôi sắp đi.

- Dạ, chuyện gì, thưa chú, cháu mới biết chú lần đầu.

Tôi cố giữ bình tĩnh, trong giọng nói:

- Tôi là bạn anh Nhiên, bạn thân. Tới đây báo tin anh Nhiên mất rồi. Chết vì bịnh viêm gan. Ðám tang đã xong xuôi từ hai mươi ngày. Vậy thôi.

Hoa day một bên, cúi xuống, rồi ôm lấy mặt, nói khẽ:

- Trời ơi. Trời hại tôi!

Bà mẹ day lại, chắc này giờ nghe lõm bõm, đoán ra sự việc.

- Con tôi quen với cậu Nhiên. Cậu ấy... lớn tuổi rồi. Ðàng hoàng lắm. Chẳng hay... có việc gì không?

Tôi nói:

- Vậy thôi. Anh Nhiên trước khi mất nhờ tôi đến đây thăm và báo tin. Tôi ở trên Sài Gòn, bạn thân hồi xưa.

- Sợ con tôi trót hứa hẹn, nợ nần, tiền bạc chưa trả. Cậu Nhiên coi bộ không khá. Nhà nghèo thì mới làm quen với nhà nghèo. Chuyện quen biết này, chưa ra cái gì hết. Gặp người khác thì họ cậy tiền bạc xe cộ để rủ ren con gái tôi. Chuyện không gì hết mà cậu Nhiên trăn trối, nghĩ cậu cũng tử tế. Tội nghiệp. Lỗi tại tôi! Nếu biết như vậy, nhà nghèo, tôi cũng ráng mua một hộp sữa gởi cho cậu. Mà nhà cậu đó ở đâu, tôi không dám hỏi.

Hoa lau nước mắt với bàn tay trần trụi, móng tay thoa màu tím sậm. Hai bà lão ra vào, rồi hai cậu trai mà Nhiên đã mô tả. Thấy chẳng còn gì để nói, càng nói càng lúng túng và càng khách sáo, tôi đem cái bao thư, bên trong có 200 ngàn đồng mà tôi và thằng Lễ đã chuẩn bị trước:

- Cô Hoa, đây là chút ít, tụi tôi gởi cho đứa con riêng của cô. Mong cô nhận giùm.

- Dạ, cám ơn, nó đi học chưa về. Sau này lớn lên, tôi nói cho nó nghe. Ðội ơn mấy anh.

Ra về, đêm ấy tôi và thằng Lễ nói chuyện tương đắc, tự hào mình đã làm được cái điều mà nếu linh thiêng, Nhiên sẽ hài lòng. Ngủ vùi vì rượu, tại nhà thằng Lễ, cả hai nằm dưới nền gạch, hừng sáng hồi nào không hay biết. Thức dậy, rửa mặt, ăn sáng, tôi nhờ thằng Lễ đưa ra bến xe, đón chuyến tốc hành Cầu Kè - Sài Gòn. Uống cà-phê xong, tôi lại ngẫu hứng:

- Lễ, mày khỏe không?

- Dạ, chi vậy? Luôn luôn khỏe. Hay là chú ở chơi một vài ngày, mình đi Trường Long Hòa thăm bà mẹ của cậu Nhiên. Bả hơn 80 tuổi, đang rầu vì con.

- Thôi, dịp khác. Tao phải “làm văn nghệ” dứt điểm giùm cho anh bạn Nhiên đa sầu đa cảm của mình. Ðưa tao đến nhà cô Hoa, chút xíu thôi, rổi lập tức ra bến xe.

Nhà Hoa mở cửa sớm. Mấy đứa cháu, đứa con, bà mẹ và mấy bà khác đang xúm xít trên nền nhà, trước cửa là gánh bún riêu. Cả nhà ngồi ăn. Nhiều miệng ăn như vầy, ai nuôi cho xuể? Không thấy Hoa (...) Ðứa con gái của Hoa bỗng kêu lên: “Má à, như là mấy ông nào bên kia đường”. Hoa ngồi trong góc, sát vách, nghiêng mình nhìn ra. Tôi ra lệnh cho thằng Lễ:

- Rồ máy! Bôn tẩu lập tức ra bến xe! (...)


Tháng 6-1994

(Trích từ bút ký
Dạo chơi, 1994. Nhan đề tạm đặt.)