Chữ Kẻ có um sùm cả ở bên Tàu, tức nó rất cổ.

Ta không biết nó sinh đích xác vào thời nào, chỉ biết nó bắt đầu “tử” khoảng đầu đời Lê. Tại sao?

(Thu Tứ)



Nguyễn Linh, “Kẻ đến đời Lê mới mất”



Nếu chúng ta thử ngược dòng thời gian đi sâu xuống (dưới) lớp địa danh Hán-Việt đang trùm kín vùng cư trú của người Việt thì có thể thấy (...) một lớp địa danh cổ hơn (...) lớp tên nôm với yếu tố cấu thành là từ kẻ. Những tên nôm với yếu tố kẻ như thế rất nhiều; có thể nói rằng: hầu hết xã thôn Việt Nam ở vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ, bắc Trung bộ (...) đều có (...)

Tên nôm (...) trong một thời gian dài (...) tồn tại song song với tên Hán-Việt (...) với sự phân công rõ ràng: tên nôm dùng để gọi, tên Hán-Việt dùng để viết. Vì thế người ta còn gọi tên Hán-Việt là “tên chữ” (...) Trong nhiều tên làng Việt Nam, từ kẻ trong những tên nôm được phiên âm ra tên Hán-Việt bằng từ cổ (viết như chữ “cổ” trong từ “cổ đại”). Ở Lưỡng Quảng, những địa danh có chữ “cổ” đứng đầu rất phổ biến, rất tập trung. Nhìn rộng ra toàn Trung Quốc thì địa danh có chữ cổ còn thấy có rải rác ở Cam Túc, Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam, nhưng tập trung nhất vẫn là ở vùng Lưỡng Quảng (...)

tên nơi cư trú có thành tố kẻ đứng đầu trong địa danh miền nam Trung Quốc là một hiện tượng địa danh học cần đặc biệt lưu ý khi xét vùng đất cổ của cư dân Văn Lang (...) địa bàn phân bố của địa danh càng rộng bao nhiêu thì khởi điểm của loại địa danh đó càng cổ bấy nhiêu (...)

Sự lâu đời của tên nôm còn thể hiện ra ở chỗ bản thân nó là những từ khó hiểu, nhiều khi không tìm thấy trong từ vựng tiếng Việt hiện đại (...)

biên giới (...) tên nôm (...) không vượt quá phía nam vùng Trị - Thiên. Ðiều này chứng tỏ lớp địa danh này gắn bó với địa bàn sinh tụ của người Việt cổ cho đến trước đời Lê. Những miền đất đai người Việt đến ở sau (...) hầu như không thấy có tên nôm đi với từ kẻ nữa. Như thế tức là (...) từ kẻ (...) đã bắt đầu (...) trở thành từ cổ (...)


(Nguyễn Linh, “Nước Văn Lang: bờ cõi, tên nước và dân cư”,
Thời đại Hùng Vương (nhiều tác giả), in lần đầu năm 1971, nxb. Văn Học (VN) tái bản năm 2008, tr. 49-50)





__________________
Nhan đề do người chọn tạm đặt.