Câu hát nên duyên là thường. Riêng quan họ, hát thì bắt phải thật “nồng”, thật “thắm”, thật “lẳng”, nhưng lại cấm người hát trao duyên với nhau! (TT)



Hoàng Cầm, “Nghịch lý quan họ”




Tiếng hát quan họ, là nghệ thuật của yêu thương (...) quyến luyến xoắn quyện, chan chứa day dứt lên đến đỉnh điểm tuyệt vời của âm dương giao hòa, hình thái cực kỳ lẳng lơ, đa tình (...) nhưng (...) nghệ thuật hát ấy (...) chứa một nghịch lý rất khó hiểu: là trai gái hát với nhau thì đưa tình, trao duyên nồng nàn đằm thắm thế, nhưng (...) lại phải tuyệt đối vâng theo lệ làng quan họ là: không được vượt qua ranh giới giữa tiếng hát và tình chăn gối, nghĩa là chỉ được yêu nhau trong tiếng hát mà không được yêu nhau trong đời thường (...) yêu nhau đi đến hôn nhân, hoặc dân làng phát hiện ra những trò trên bộc trong dâu thì lập tức bị khai trừ ra khỏi phường, hội... Cùng một phường, hội không được lấy nhau đã đành, có nơi còn nghiêm ngặt hơn là ngay cùng một làng cũng không được lấy nhau. Có thể lấy người ở làng khác, và nếu thế, vợ hát một nơi, chồng ca một nẻo, mà đã hát thì phải diễn ra sắc thái, phong vị lẳng lơ, quyến luyến, đa tình, đằm thắm hơn cả đêm tân hôn, mà lại cấm kỵ không được tỏ ý ghen tuông nữa kia. Hễ ghen mà sinh sự (...) cũng bị khai trừ - ấy thế, quan họ nó rắc rối về mặt tình cảm như vậy


(Trích
Hoàng Cầm tác phẩm - văn xuôi, nxb. Hội Nhà Văn, 2004, tr. 462. Nhan đề phần trích tạm đặt.)