Ðây không phải bài đầu của “tôi” mang nội dung này. Thỉnh thoảng, thường vào dịp Tết, “tôi” lại đi “đưa người tới tận sân bay”, không biết đi thật hay chỉ trong tâm tưởng. Ðưa xong, kẻ tiếp tục ở “ngoài lề Quê Hương” tạt vào “một hiên quán lạnh ngồi chờ ngày trôi”... Nhờ có người ngồi ở chỗ không có cây me mà “ngóng những chuyến lá me qua”(1), ta mới có “thơ ào ào thơ” năm kia sang năm nọ. (TT) ((1) “Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua” (“Diễm xưa”, TCS).



Trần Vấn Lệ, “Người đi kẻ ở”



Đưa người tới tận sân bay, ôm chưa chặt nhỉ nên tay đã lìa! Người ơi người ở đừng dìa… nói, nghe như thể bên lề núi sông! Nói, nghe như thể với lòng, mình thôi, người ấy hết cùng đứng bên! Người từng bước bước đi lên, cái thang cuốn lai trời trên tầng trời… Mình đi mỗi bước xa người, mỗi khung cửa mở thấy hoài sẽ quên…

Đưa người, người đã ngồi yên, chắc chi con mắt còn nghiêng ngó mình? Bao nhiêu năm giá băng tình, người hôm nay ấm, phần mình thì sao? Quê nhà con rạch cái ao mình nghe róc rách nước cào trái tim. Bao nhiêu năm có đi tìm, sân bay này thật sự chìm trong mơ!

Người về, mình lại bơ vơ, một hiên quán lạnh ngồi chờ ngày trôi! Bây giờ người đã xa xôi, mai đi xuống phố và ngồi ở đâu? Lá me bay phớt qua đầu có đưa tay hứng giùm sầu cho ai… Sài Gòn ơi… Lá me bay… Nhớ em tóc gió thổi ngày tôi đi… Sân bay này chỗ ai về mà tôi sao vẫn ngoài lề Quê Hương?

Em à, chín nhớ mười thương, chín con trăng nữa mùa sương tuyết nào? Tôi về hay chỉ chiêm bao hôn em tóc mướt mưa ào ào mưa…