Kiếm chồng khó, xoay qua kiếm con, hóa ra kiếm con cũng không phải dễ. May cuối cùng "em đấy" gặp "tôi". Dĩ nhiên "tôi" cũng may nên sau khi đi "suốt chặng đường của tuổi thanh xuân (...) nhiều đau khổ (...) sai lầm", "tôi" gặp được "em đấy".

Chuyện đời Miên kết có hậu. Nhưng còn bao nhiêu cô thanh niên xung phong khác, bên những dòng sông, trong những cánh rừng...

(Thu Tứ)



Triệu Huấn, “Chuyện bên bờ sông Vân” (2)




Ba năm sau chúng em có được tám ngôi nhà gạch. Đứa nghèo làm: một gian. Đứa chịu khó nuôi lợn gà, đóng gạch pa-panh, đào đá ong thì được hai, ba gian. Bảy trong số mười một đứa có chồng. Hai đứa có con hoang nhưng đều phấn khởi. Không có chồng, kiếm đứa con cũng đỡ cô đơn. Tổ em đoàn kết thương yêu nhau, làm ăn có nền nếp, năm nào cũng được mùa, cũng có lãi. Mấy tổ khác cũng bắt chước. Thế là vấn đề "nữ" được giải quyết ở một mức độ nhất định...

Chị Miên nói nhiệt thành. Dòng tâm sự ấp ủ bấy lâu nay như được dịp giải bày chia sẻ. Tôi thầm phục chị:

- Chị giỏi lắm. Chị đã làm thay đổi được biết bao nhiêu số phận.

Chị cười nhưng dưới ánh trăng, mắt chị lấp lánh những giọt lệ:

- Cũng mới thay đổi được phần nào thôi. Riêng cuộc đời em thì vẫn gặp nhiều trắc trở.

- Có chồng, có con, có nhà cửa, được bạn bè tin yêu, cấp trên thông hiểu, thế là hạnh phúc lắm rồi!

Chị lắc đầu buồn bã:

- Em nói anh đừng cười, cháu Thảo không có bố đâu anh ạ.

Tôi ngạc nhiên và xúc động, nhưng không biết nói gì để an ủi chị. Tôi im lặng nhìn chị, ái ngại cho số phận người đàn bà tốt bụng ấy.

- Khi em có nhà cửa rồi, cũng có vài bạn nam đến chơi. Có một anh đã tỏ tình và thề thốt yêu em. Có thể đó là tình yêu thực sự. Nhưng vì hoàn cảnh biến đổi, anh chuyển đi xa nên mọi sự chẳng thành. Năm em hai bảy, có một anh chàng nữa đến hỏi. Nói là bốn nhăm nhưng sao anh ta già thế. Tóc bạc trắng, má hóp, răng rụng nhiều và tệ nhất là vừa nói vừa thở. Có lúc em nghĩ hay lấy phứt đi cho qua chuyện. Nhưng nghĩ lại thì chẳng còn cảm xúc gì. Vơ bèo vợt tép cũng chỉ thêm khổ. Thà cứ vậy để lấy đứa con mà nuôi lại hay hơn. Thế là em có hẳn ý định đi hoang để kiếm một đứa con sau này nương tựa. Thực hiện ý định tiêu cực đó chẳng phải dễ dàng đâu. Có hai ba anh trong nông trường cũng hay đến gạ gẫm tán tỉnh nhưng em đuổi thẳng. Vợ con người ta sờ sờ ra đấy, ngày nào cũng gặp nhau, ai nỡ. Các cụ đã nói "Trai thanh gái vắng thì chơi, đừng chốn có vợ đừng nơi có chồng".

Một lần đi làm về, em thấy một anh bộ đội ngồi chờ đò. Trời sắp tối giá có sang sông anh cũng không thể đi tiếp. Anh hỏi thăm đường, em bảo anh còn xa. Em mời anh về nhà em nghỉ sáng mai đi sớm. Anh nghe lời. Em tiếp anh rất nhiệt tình. Em biết anh chưa vợ, quê anh xa lắm. Anh trẻ hơn em đến ba tuổi nhưng em vẫn quyết định tấn công. Ăn uống xong được ít phút là anh xin phép đi nằm liền, anh kêu mệt. Em không biết bắt đầu như thế nào, em không sao ngủ được, còn anh thì ngáy như sấm. Tâm trạng em lúc đó cứ như Thị Mầu lên chùa! Em bực mình, đánh liều mò ra lay anh: "Anh bộ đội ơi, anh ngáy to quá em không sao ngủ được (em cười)... Em thương anh lắm." Anh bộ đội thật thà quá. Anh không hiểu nổi câu nói "chẳng đâu ra đâu" của em. Anh lại còn phát hoảng lên: "Chết nỗi, tôi không biết... tôi xin lỗi chị." Cả hai không nói gì thêm. Em đành lẳng lặng rút về giường mình. Từ lúc đó không thấy anh ngáy nữa. Đúng là anh đã thức đến sáng. Mới gà gáy anh đã chào em đi ra bến đò. Em chẳng giữ anh, nằm khóc một mình...

Câu chuyện của chị vừa buồn cười vừa làm tôi ứa nước mắt.

- Thế là hỏng việc.

- Vâng! Chị che mặt cười.

- Thế còn bố cháu Thảo?

- Dạ, ít lâu sau có một đội địa chất đến khoan dò. Có hai anh ở nhà em vài hôm rồi đi. Nửa tháng sau, một trong hai anh quay lại nói là bị ốm xin nghỉ nhờ, Nhưng em biết ngay là anh không ốm. Anh ăn rất khoẻ và ra sông tắm bơi như rái cá. Anh gọi em bằng "cô em thân mến" và đôi lúc nịnh rất khéo "người đẹp của anh ơi". Thực tình em chẳng thích thú gì với cái giọng đó. Nhưng em mê cái đẹp trai của anh! Dáng người khoẻ mạnh. Tóc dài, để ria mép, quần áo đúng mốt và đặc biệt là rất sạch. Anh ta tắm hàng giờ, người lúc nào cũng sực mùi xà-phòng thơm, mùi nước hoa, ăn xong là đánh răng rất kỹ. Anh kể về gia đình mình: bố là vụ trưởng hay viện trưởng gì đó. Anh cả là giáo sư tiến sĩ y khoa. Em gái du học Liên Xô. Đời sống gia đình dư thừa. Anh say mê thiên nhiên nên anh theo ngành địa chất. Anh thích những gì gọi là nguyên thủy, là hoang dã, là trần tục. Biết bao cô gái mê anh nhưng anh chưa say ai. Nay bỗng nhiên anh "cảm" em, vì em duyên dáng, em xinh đẹp. Em là nàng công chúa của rừng xanh, là nỗi khát vọng của hồn anh...

Ôi em sợ những mỹ từ anh dùng. Em xa lạ với hoàn cảnh anh kể. Anh càng nói những lời yêu thương, em càng thấy xa anh, càng thấy ít xúc động. Giá anh chỉ là một người công nhân bình thường thôi thì tốt biết bao. Nhưng em không chống lại anh, không khước từ, em im lặng. Em vẫn còn hy vọng sau những lời rồ dại đó em sẽ tìm được một điều gì chân thực, một lời làm cho con tim em dịu đi, cho em được khóc, em thấy được hạnh phúc dù chỉ trong giây lát.

Đêm hôm đó anh đẩy cửa vào. Anh thì thầm điều gì em không nghe rõ. Sau đó anh không nói nữa. Cứ im lặng như thế còn tốt hơn, dễ chịu hơn là nghe những lời giả dối... Em khát... em uống vội một niềm vui chua xót... em buông thả.

Chúng em sống với nhau như cặp vợ chồng mới cưới suốt một tuần. Em công bố với mọi người đây là chồng sắp cưới của em. Các bạn gái chúc mừng em, nhưng vẻ mặt đứa nào cũng như đưa ma. Chúng không thèm ghen với em đâu. Đứng ngoài cuộc, tỉnh táo, chúng nhìn thấy hết những bước dấn thân nguy hiểm của em. Không một ai khuyên can. Khuyên can đã chắc gì tốt hơn bỏ mặc? Chỉ có em mới đủ sức phán xét mình.

Khi ra đi, cái người đàn ông huênh hoang có đời sống dư thừa đó đã không quên xin em đôi gà thiến đem về làm quà cho đơn vị (?).

Hơn hai tháng sau anh quay lại với bộ quần áo rách như tên tù vượt ngục. Không có nước hoa, đầu tóc bù xù, nặng mùi mồ hôi chua loét. Em sung sướng đón anh, sà vào lòng anh. Em tắm rửa cho anh, vá quần áo, nuôi nấng anh. Anh đã trở về đúng với tầm vóc của anh. Không phải con ông vụ trưởng, không phải em vị giáo sư nào cả. Một người chạy máy khoan bình thường. Như thế là hợp với em. Em hạnh phúc...

Em vui mừng cho anh biết tin em đã có mang. Anh hơi tái mặt một chút nhưng đã lấy lại được bình tĩnh. Anh hứa là kỳ này về sẽ báo cáo với đơn vị và gia đình, đến cơ quan xin cưới cho hợp tình hợp lý...

Và anh đã ra đi để không bao giờ trở lại.

Em viết vài lá thư theo địa chỉ anh ghi. Ba tháng sau, em hồi hộp nhận được lá thư... của mình, in con dấu đỏ "Không có người nhận".

Em buồn, nhưng không ngạc nhiên, vì nó đã nằm trong dự đoán của em. Đứa con trong bụng mới là điều em mong đợi.

Nhưng sự ra đời của cháu Thảo lại là dịp để ông Ngẫu ra oai. Ông đưa ra chi bộ xét về tư cách của em. Hầu như không ai phát biểu gì. Các đồng chí im lặng, nhường cho em nói.

Cuối cùng em vẫn phải nhận kỷ luật cảnh cáo vì thiếu gương mẫu trước quần chúng.

Bây giờ có con rồi, em yên tâm, em không cô đơn nữa. Con em là niềm hạnh phúc riêng tư duy nhất của em...

Cái đêm mà tôi tưởng mình sẽ ngủ như chết sau một ngày đường mệt mỏi đã không xảy ra. Số phận người phụ nữ này đã chiếm lĩnh toàn bộ sự suy nghĩ của tôi. Mãi đến gần sáng tôi mới thiếp đi.

*

Tôi theo chị ra thăm cánh đồng ngô của đội ba khi những giọt sương chưa tan trên ngọn lá. Cái dịu mát của buổi sớm cuối thu làm cho tâm hồn tôi lâng lâng bay bổng. Chị đội trưởng vui vẻ khoe:

- Không biết kết quả ra sao chứ trồng cây thì thích mắt lắm anh ạ. Hồi tỉnh đưa SB5-N về, chẳng đội nào chịu nhận cả vì nghe nói cái giống này nó tham ăn tham uống lắm. Nông trường động viên mãi đội em mới xung phong đi đầu, nhưng vẫn run. Em ra điều kiện là nông trường phải "bảo hiểm" cho chúng em. Bón lót đợt đầu chúng em đổ ra 150 tấn phân hữu cơ. Sau đó là một lần thức lân, hai lần thức đạm. Đúng định kỳ mà chưa mưa là cho chạy máy bơm ngay. May mà sâu bệnh năm nay không phát triển, chỉ có một đợt sâu tơ nhưng dưới mức báo động. Chúng em bảo nhau cứ làm thật đúng quy trình kỹ thuật của tỉnh hướng dẫn. Bây giờ anh nhìn xem có đẹp không?

Trước mặt tôi là một vùng bãi rộng khá bằng phẳng. Cánh đồng ngô trổ bông cờ tạo thành một tấm thảm vàng nhạt, ngạt ngào hương thơm. Chúng tôi chui vào rãnh ngô, cây cao ngập đầu. Chúng tôi đi xuyên qua cánh đồng ngô. Cứ vài chục mét tôi lại dừng lại đo độ cao, mật độ gieo, độ dài của bắp non, số bắp trên cây...

- Chị cho thụ phấn hồi nào?

- Dạ, cách đây ba ngày. Chúng em khoán mỗi đứa một héc-ta, làm khẩn trương nhưng phải đảm bảo kỹ thuật.

Suốt buổi sáng chúng tôi đi thăm hết ba mươi héc-ta ngô. Chị Miên còn đưa tôi sang khu vực đội bốn, gieo giống cũ M24-B. Đối chứng cho thấy giống cũ thua xa giống mới. Cây thấp và mảnh. Một thảm cờ lồi lõm như một vùng đồi. Có thể lượng phân bón của họ cũng thấp hơn.

Chiều hôm đó tôi ngồi tính toán lại những số liệu để rút ra chỉ số chung. Tôi so sánh với những chỉ số của ruộng thí nghiệm ở trạm giống. Tất cả đều xấp xỉ, và có thể nói là trùng hợp. Tôi vui mừng báo tin này cho chị Miên. Tôi dự báo nếu không có thay đổi lớn gì về thời tiết thì năng suất có thể cho trên ba mươi tạ một héc-ta.

- Ba mươi là chúng em thắng lợi lớn lắm đấy. Nông trường khoán cho chúng em hai nhăm mà. M24-B năm nào cũng chỉ quanh quẩn mười bảy, mười tám là cùng.

- Diện tích đo có chính xác không? Khéo lại trở thành năng suất ma!

- Em có bản đồ đây. Chúng em cũng đo kỹ ngoài thực địa rồi. Anh yên trí. Được mùa anh nhớ về liên hoan với đội em nhé.

Tôi nói đùa:

- Tôi nằm chờ ngay từ giờ, đội có nuôi nổi không?

- Được chứ! - Chị cười - Đội không nuôi thì em nuôi, lo gì! Thôi anh ở nhà nhé, em chạy sang kho một lúc.

Chị quay đi thì tôi gọi giật lại:

- Này chị Miên!

- Dạ.

- Có con sâu trên áo chị.

Miên nhìn xuống vai thấy con sâu to màu cẩm thạch. Chị cười tinh nghịch:

- Anh bắt cho em đi.

- Sợ à?

- Dân trồng ngô đâu có sợ sâu. Em thử xem anh có bạo không?

Tôi nhẹ nhàng gỡ con sâu ra khỏi áo chị, không để lại một dấu vết.

- Giỏi không?

- Giỏi lắm! - Chị khen tôi rồi ú té chạy ra cổng.

*

Tối hôm đó chúng tôi vừa ăn cơm xong thì mấy chị em trong đội sang chơi. Mới đến cổng đã có một chị lên tiếng:

- Ông bà chủ ăn cơm chưa? Cho chị em chúng tôi ăn với!

- Mấy con ranh! Quỷ bắt chúng mày đi! - Miên mắng yêu các bạn.

- Chào các chị, chào cô!

- Em chào anh kỹ sư! Em chào anh cán bộ tỉnh.

- Tôi không phải là kỹ sư đâu, các chị lầm rồi. Tôi chỉ là nhân viên của trạm giống thôi.

- Em thấy giấy giới thiệu đề là kỹ sư mà! - Cô kế toán nói.

Chị Miên phải cải chính cho tôi:

- Đấy là ông Ngẫu ghi thêm cho long trọng thôi. Giấy của tỉnh chỉ đề là cán bộ.

- Mời các chị ngồi chơi.

Mấy người cứ đu đẩy nhau và cuối cùng thì cũng ngồi mớm xuống mép chiếu. Tôi rót nước:

- Thay mặt cho bà chủ nhà, tôi mời các chị xơi nước.

- Đã được thay mặt bà chủ nhà rồi đấy!

Cô gái có dáng người nhỏ nhắn trêu tôi. Tất cả lại cười vui vẻ. Chờ cho mọi người yên lặng, chị Miên giới thiệu với tôi:

- Em xin giới thiệu với anh Bân đây là chị Cúc, chị cả của bọn em đấy. Đây là cái Tín (cô gái nhỏ nhắn), kế toán của đội, có chồng là bộ đội đặc công. Cái Loan, vợ anh thợ sửa máy kéo của nông trường. Cái Nga, em út xinh nhất đội, đang kén chồng.

- Thế chị cả được mấy cháu rồi? - Tôi hỏi thăm.

Chị Cúc bưng hai tay che mặt, cười rúc rích:

- Em cũng như cái Miên thôi, được một cháu!... Nói anh đừng cười! - Chị thật thà bộc bạch.

Mấy cô ngồi chơi đến lúc vầng trăng đứng giữa bầu trời mới ra về. Chị Cúc nói lời cuối cùng với tôi:

- Chẳng mấy khi anh về công tác dưới nông trường, chúng em lại được hân hạnh tiếp chuyện anh. Có điều gì chúng em nói năng không phải, anh thứ lỗi cho chúng em anh nhé.

- Tôi nghe tất cả chị ạ. Càng nghe tôi càng quí mến các chị. Không có điều gì làm tôi phật ý đâu. Tôi còn muốn cảm ơn những câu đùa của các chị nữa. Xin chị hãy tin tôi.

Chị Miên đưa cháu Thảo đi ngủ lâu rồi mà tôi vẫn ngồi ngắm trăng. Mai tôi đã về tỉnh rồi. Tôi tạm biệt đội ba, chị đội trưởng, dòng sông Vân êm đềm trong mát... Tất cả đều gây cho tôi một cảm xúc lưu luyến kỳ lạ.

Khoảng nửa đêm chị Miên thức giấc. Chị rón rén ra ngoài và thấy tôi vẫn ngồi bên hè.

- Anh chưa đi nghỉ à?

- Chưa Miên ạ, tôi còn mải ngắm trăng!

Miên mạnh dạn ngồi xuống bên tôi:

- Có điều gì làm anh suy nghĩ?

- Tôi thích suy nghĩ. Người ta nghiện mọi thứ. Tôi chỉ nghiện suy nghĩ. - Tôi cười - Với lại, tôi sợ ngủ ngáy to làm Miên tỉnh giấc.

Như nhớ lại chuyện xưa, chị cũng mỉm cười:

- Anh yên tâm, em có con rồi. Như thế là đủ, em chẳng muốn phiền anh đâu!

- Nhỡ tôi muốn phiền Miên thì sao?

Miên cúi xuống, bứt cọng chiếu. Cô không nói gì.

- Miên có sợ tôi không?

- Không! Anh chẳng đáng sợ chút nào, thậm chí em chẳng cần đề phòng, chẳng cần giữ kín điều gì với anh. - Miên nói tự tin, cô ngước mắt nhìn tôi, hơi mỉm cười. - Nhưng anh lạ lắm!

- Sao?

- Mỗi người đàn ông mà em biết, khi tán gái, họ nói năm câu thì có tới bốn câu là giả dối. Còn anh...

- Tôi thì khác gì họ?

- Anh nói câu nào em thấy cũng tin.

- Vì anh rất yêu em... Anh muốn lấy em!

Câu nói của tôi làm Miên choáng váng. Có thể cô đã thất vọng tưởng tôi cuối cùng cũng chỉ là tên dối trá, một người đàn ông tầm thường cô đã từng gặp trong đời. Nhưng bản tính cô vốn nhân hậu nên cô đã khéo léo đẩy tôi về với tư thế cũ.

- Thôi, em xin anh. Anh đừng nói với em như thể. Anh lấy đâu chẳng được một cô gái trẻ đẹp hơn em. Trên tỉnh thiếu gì ngưởi. Vợ chồng gần gặn nhau hạnh phúc biết bao. Anh thừa biết là lấy em anh sẽ khổ, anh sẽ chán ngấy cái xó rừng này thôi. Thế thì anh đùa giỡn em làm gì? Cuối cùng chỉ có em là đau khổ.

- Anh nói thực thì em lại không tin!

- Anh tha thứ cho em. Em không dám đặt niềm tin của mình vào những điều vô vọng.

Cứ như thế, tôi muốn chứng minh tình yêu thực sự của mình còn Miên thì một mực không tin.

Chúng tôi ngồi bên nhau cạn một đêm trăng nhưng không một lần đụng chạm tới nhau. Niềm kiêu hãnh của cả hai bóp nghẹt trái tim làm chúng tôi đau đớn...

Ðến lúc chào tạm biệt nhau, Miên mới òa lên khóc.

- Thế là anh đi mất rồi, anh có trở lại nữa không, anh Bân?

- Có chứ! Anh còn làm nhiệm vụ theo dõi giống ngô SB5-N. Anh sẽ trở lại vào mùa thu hoạch. Là người trồng ngô, anh muốn về với cánh đồng ngô.

- Trở lại với em kia! Dù sao, anh cũng trở lại anh nhé. Em sẽ chết mất nếu không có ngày gặp lại. Ôi, em yêu anh, em yêu anh!

- Thế mà em lại không chịu tin là anh cũng yêu em...

- Có thể tâm hồn em đã bị tổn thương quá nặng. Em muốn bay với anh, bay rất cao. Nhưng em không dám vỗ cánh. Em lo sợ...

- Anh hiểu...

*

Khi tôi ngồi viết những trang này thì Miên đã là vợ tôi. Cô ngồi bên tôi tò mò theo dõi cái công việc lần đầu tiên tôi cặm cụi làm.

- Anh viết gì mà dài thế?

- Anh viết về cuộc đời em, về chúng mình. Anh định gửi đăng báo.

Mắt cô tròn xoe vì ngạc nhiên:

- Trời ơi! Toàn những chuyện không đâu, anh không sợ người ta cười cho sao mà còn đem ra khoe?

- Sao lại chuyện không đâu? Em không thấy chúng mình rất tự hào vì nhau hay sao? Chúng mình rất hạnh phúc sao?

Trầm ngâm một lát, cô nói:

- Cái đoạn chúng ta lẩy nhau thì hoàn toàn tốt đẹp, rất hạnh phúc. Em sợ cái phần đời trên đầy cay đắng của em kia.

- Cả cái phần đó nữa chứ. Đó mới là phần chính của câu chuyện. Từ mặt trận em trở về với ruộng đồng. Em can đảm để làm việc, để sống, để đấu tranh cho hạnh phúc của mọi người, của mình. Đẹp lắm chứ em!

- Anh thương em thì anh nói vậy thôi, chứ ai người ta đăng những chuyện nhảm nhí đó!

- Có thể người ta không đăng vì anh viết vụng thôi chứ câu chuyện của em, của chúng ta có rất nhiều điều tốt đẹp. Anh muốn khoe với mọi người là anh đã có được em.

Miên gục đầu vào vai tôi lau đi những giọt nước mắt ấm áp yêu thương:

- Em sung sướng quá. Em thật hạnh phúc.

- Anh cũng vậy. - Tôi ôm lấy vai vợ. - Suốt chặng đường của tuổi thanh xuân anh cũng có nhiều đau khổ, thậm chí cả những sai lầm. Nhưng anh biết suy nghĩ tìm ra lẽ phải, ra niềm vui, và giờ đây anh thấy mình hạnh phúc. Hai chúng ta đều hạnh phúc.


Tháng 7-1985