Thiện Vũ tiên sinh là bậc “kỳ hiệp”, mà dân làng tiên sinh cũng thật “trượng nghĩa”. Nhưng chịu ơn rồi chịu khó nhớ ơn như Phan Bội Châu, tưởng cũng đáng cho ta hãnh diện.

(Thu Tứ)



Phan Bội Châu, “Thiện Vũ tiên sinh”



tr. 134-136:

Mùa đông năm (...) 1908 (...) tôi lúc bấy giờ (...) túi không (...) vận động được bao nhiêu thảy cung cấp cho học sinh về nước hết (...) Tình cờ gặp được một người nghĩa hiệp tức là Thiện Vũ Thái Lang tiên sinh (Miyazaki Torazo).

Thiện Vũ tiên sinh, trước nhân lúc đi đường gặp một người nước ta ăn xin dọc đường là Nguyễn Thái Bạt, tiên sinh hỏi đầu đuôi rồi đem về nhà nuôi và dạy cho học, xem như con nhà mình, thiệt là lòng hào hiệp hiếm có. Ðến ngày sau, Hiệp hội Việt Nam Công hiến thành lập ở Ðông Kinh, Nguyễn Thái Bạt được tin, xin với tiên sinh cho lên Ðông Kinh tìm chúng tôi, tiên sinh ừ cho, mà lại cấp cho tiền học phí cho được vào Ðồng Văn thư viện (...) Tôi lúc bấy giờ nghĩ cảnh quẩn tình bức, tráng sĩ đồ cùng, chỉ còn một chước ăn mày (...) Nhưng ăn mày bằng một cách cao đẳng há dễ dàng đâu! Tất biết sẵn là người nghĩa hiệp mới dám gõ cửa mà cầu cứu giúp. Tôi sực nhớ đến tiên sinh, mới đem ý ấy bàn với Nguyễn Thái Bạt. Nguyễn lấy làm phải, tôi mới viết một bài văn khất ai, cậy Nguyễn quân cầm tới nhà tiên sinh.

Than ôi! Ơn người chưa trả mà còn cầu nữa! Huống gì ăn mày to mà lại làm cách ăn mày lịch sự với một người thuở nay chưa biết mặt, mộng tưởng chẳng quá điên hay sao?

Ai ngờ giấy tôi gửi lại buổi sớm, mà ngân phiếu tiên sinh gửi lại buổi chiều. Tiên sinh đã gửi lên Ðông Kinh cho tôi 1700 đồng Nhật và lại cho tôi bức thư, trong nói vắn tắt mấy câu: “Hiện nay tôi vơ vét trong nhà chỉ sẵn có bấy nhiêu, chờ sau tôi có kiếm được số bạc như các người còn (cần) dùng thì đánh giấy lại mau.” Chỉ có bấy nhiêu lời, ngoài ra không có chữ gì có giọng khách khí (...)

(tr. 114: Hội Duy Tân là hội chung cho toàn thể đảng nhân, còn hội Công hiến là cơ quan riêng cho Nhật lưu học sinh)

(tr. 115: tiền trong nước gửi ra tổng cộng 12000 đồng, học sinh phí mỗi người mỗi tháng 18 đồng, hội trưởng mỗi tháng 36 đồng)

tr. 139-142:

Trước khi toan lìa Nhật Bản, tôi muốn tạ ơn ông Thiện Vũ, đi đến Quốc Phủ Tân yết kiến tiên sinh. Khi mới vào cửa, Thái Bạt giới thiệu tôi với tiên sinh, tôi chưa kịp nói tạ ơn, tiên sinh vội vàng dắt tay tôi, kéo vào cùng nói chuyện, chốc bày cơm rượu ra, không một chút tục khí. Tiên sinh nguyên con một vị lục quân đại tướng, học y học, đỗ y học bác sĩ, mở y viện riêng, chuyên chữa bệnh cho con nhà đói khó (...)

Tôi từ biệt (...) cách nhau 10 năm tôi lại qua Nhật Bản thì tiên sinh đã tạ thế, tôi rất cảm ơn của tiên sinh (...) bèn trồng một tấm bia ở trước mả tiên sinh, có khắc bài văn:

(...)

(Chúng tôi vì nạn nước, chạy sang Nhật Bản, tiên sinh thương đến khổ tâm, giúp chúng tôi trong lúc cùng khốn, rõ là một người kỳ hiệp (...) Chí tôi chưa thỏa, ông không chờ đợi. Thăm thẳm lòng này, trải muôn ngàn đời. Việt Nam Quang Phục đông nhân ghi.)

việc dựng bia, các phí tổn tài liệu (vật liệu?) và đục chạm vừa hết 100 đồng mà công trình vận tải và kiến trúc còn phải phí tổn 100 đồng nữa mới xong. Thế mà trong túi tôi chỉ có 120 đồng (...) Tôi mời người bạn Lý Trọng Bá tới nhà ông thôn trưởng (...) tỏ ý muốn với ông và thuật chuyện Thiện Vũ tiên sinh cứu giúp ngày trước (...) Lúc bấy giờ (ông) mới biết việc tiên sinh làm (...) cảm động vô cùng, rất tán đồng ý tôi, giục tôi chóng làm xong. Tôi cũng nói thật tình với thôn trưởng vì hiện khoản chưa đủ, xin gửi 100 đồng nơi ông, còn nữa tôi sẽ trở về Tàu trù đủ số khoản phí sẽ trở qua làm xong việc này. Thôn trưởng nói: “Các ngài đã có lòng kỷ niệm đến người thôn tôi, tôi nên giúp thành cái chí, các ngài không cần phải lăn lộn cho nhọc.”

Tôi nghe quá mừng. Thôn trưởng lại mời tôi nghỉ ở nhà, khiến vợ con trong nhà tiếp đãi. Tới ngày thứ bảy tháng ấy, thôn trưởng dắt tôi cùng xem nhà học hiệu trong làng và truyền cáo với các học sinh rằng ngày mai là ngày chủ nhật, mời hết cha anh các học sinh nhóm nơi trường học sẽ có lời huấn dụ.

(...) Ðến ngày ấy (...) gia trưởng các nhà (...) nhóm đủ. Thôn trưởng lên đàn diễn thuyết, bắt đầu kể lịch sử nghĩa hiệp của Thiện Vũ tiên sinh, thứ lại giới thiệu tôi và ông Lý Trọng Bá (...) (Lý người nước ta, đỗ công khoa tiến sĩ Nhật), đoạn nói tiếp rằng: “Loài người sở dĩ sinh tồn được lâu dài nhờ có tấm cảm tình thương yêu nhau mà thôi; ông Thiện Vũ người thôn ta đem lòng nghĩa hiệp giúp cho người một nước khác, đã vun trồng danh giá cho người thôn ta nhiều lắm. Người thôn ta há có lẽ chỉ một mình ông làm người quân tử rư? Hiện nay hai ông Phan, Lý xông pha gió sóng, vượt đường bể muôn dặm, quý trọng người thôn ta, mà vì ông Thiện Vũ dựng bia kỷ niệm. Chúng họ đối với thôn ta, nghĩa khí chân tình đến thế. Chúng ta đối với họ lại hững hờ lơ lửng, người trong thôn ta không nhục mà thôi, mà nhục đến quốc nhân Nhật Bản ta nữa.”

Nói đến đó thì tiếng vỗ tay dậy như sấm (...)

Thôn trưởng lại nói tiếp: “Ý tôi muốn thế này: Việc dựng bia kỷ niệm đó, tiền mua đá to nhỏ nhiều ít tùy ý chúng họ làm và công thợ họ chịu, duy những công trình vận tống kiến trúc, thôn nhân ta chỉ lấy nghĩa vụ làm giúp (...) hy sinh (...) để hoàn thành một kỷ niệm vật cho người nghĩa hiệp, cũng là thiên chức của dân Nhật Bản ta vậy.”

Nói chưa dứt, tiếng ừ vang nhà. Sau trong một tuần bia đình dựng thành, cao ước 4 thước rưỡi tây (...) dày 5 tấc, bề ngang ước được 2 thước, chữ lớn như bàn tay trẻ con (...)

Muốn cho đồng bào biết việc nghĩa của người Nhật Bản, nên không sợ rờm bút.


(Trích hồi ký
Tự phán)