"Miên là em đấy." Câu trả lời nghe "dịu mát như dòng sông, ấm áp như nồi nước chanh lá sả". Dĩ nhiên "tôi" không biết ngay "lòng chị", nhưng cũng không lâu...

"Chuyện bên bờ sông Vân" từ đầu đến hôm nay tôi về vẫn còn có chỗ quan trọng chưa ổn đấy. Liệu tôi rồi có giúp được chút gì không?

(Thu Tứ)



Triệu Huấn, “Chuyện bên bờ sông Vân” (1)




Giống ngô lai SB5-N lần đầu tiên được gieo trồng đại trà ở sông Vân. Trạm nhận giống của tỉnh cử tôi về theo dõi sự phát triển của cây ngô trong giai đoạn trổ cờ.

Đường đến nông trường thật là không dễ dàng. Tôi phải đi xếp hàng lấy vé xe từ sớm. Chín giờ xe chạy. Mười hai giờ đến Tháp Lũng. Sau đó tôi cuốc bộ liền ba tiếng nữa. Dù đã là lính chiến quen ba-lô hành quân đường dài, tôi vẫn thấy vất vả trên mười lăm cây số đường đồi này. Con đường cấp phối bị ô-tô máy kéo đào bới thành những rãnh mấp mô, phủ một lớp bụi dày đỏ như cám. Nắng hanh, gió may cuốn mù mịt. Đất bám vào da thịt, vào mi mắt, vào quần áo, quánh vào mô hôi thành một lớp cao trên da, nhớp nháp khó chịu. Mãi tới lúc đi vào lưu vực sông Vân mới thấy dễ chịu.

Gần bốn giờ, tôi về đến nông trường bộ. Phòng thường trực vắng tanh. Chờ mãi mới thấy một chị đi qua. Tôi hỏi thăm, chị chỉ cho tôi vào thẳng nhà một ông trong ban quản trị.

Ngôi nhà năm gian xây dựng khá đẹp trên một mảnh đất rộng được bao bọc một hàng rào vuông vắn. Tôi bước vào cổng đã thấy một đàn chó xông ra sủa inh ỏi. Sau đó là bốn đứa trẻ sàn sàn tuổi nhau chạy ra. Những đứa trẻ nhìn tôi soi mói, không một lời chào hỏi. Tôi đành lên tiếng trước:

- Cho chú hỏi đồng chí Ngẫu có nhà không?

Chúng nhìn nhau và nhường cho đứa lớn nhất trả lời:

- Bố cháu đang bận tưới cây. Chú vào nhà mà chờ.

Tôi đi giữa bốn đứa trẻ. Thấy có bọn trẻ bảo vệ, đàn chó lảng ra mỗi con một góc sân. Hàng đàn gà, vịt, ngan, ngỗng và lợn con đi lại trên sân ngóng ăn kêu inh ỏi.

Mươi phút sau, một người đàn ông từ vườn sau đi về.

- Chào bác ạ.

- Chào đồng chí. Đồng chí ngồi chơi. Tôi xin phép được rửa chân tay vài phút.

Ông trạc năm chục tuổi, tóc cắt cua đã điểm bạc. Nước da bánh mật, lông mày rậm, mũi hếch. Thân hình ông rắn chắc. Ông kéo nước nhanh nhẹn, rửa mặt ào ào bằng hai bàn tay trong chiếc chậu thau mà trước đây vài phút, mấy con ngan vừa sục mỏ vào mò mẫm. Vuốt mặt xong, ông lau tay vào quần và đi lên nhà.

Ông nhìn tôi với vẻ mặt không hào hứng lắm. Tôi đưa giấy giới thiệu cho ông, đồng thời trình bày luôn mục đích công tác của mình. Ông Ngẫu xem kỹ tờ giấy rồi đặt cẩn thận xuống bàn.

- Những năm trước đây, chúng tôi quen trồng giống M24-B. Đại trà cho năng suất 1800 ki-lô-gam trên một héc-ta. Kể như thế cũng là thắng lợi lớn lắm rồi. Vừa rồi tỉnh ép chúng tôi nhận SB5-N thay cho M24-B. Thú thực là chúng tôi rất lo. Ở các chân ruộng thí nghiệm nó cho năng suất cao đấy, nhưng mở rộng ra những vùng đất độ mùn, độ xốp, độ Ph phức tạp nó có đáng tin cậy không? Hơn nữa, quy trình kỹ thuật của nó rất chặt chẽ. Giống ngắn ngày nhưng đòi hỏi độ ẩm cao, tưới nhiều nước. Chúng tôi chưa có điều kiện tốt về thủy lợi. Nếu phải chạy máy dầu cho vài trăm héc-ta thì không đủ sức. Vì vậy, chúng tôi mới để một đội gieo trồng giống mới này. Đó là chân đất ven sông thuận lợi cho việc tưới tiêu chăm bón. Nói chung đến nay cây phát triển tốt, đang trổ cờ, đồng chí muốn nắm tình hình cụ thể thì phải xuống đội ba. Ở trên này chúng tôi chỉ nghe báo cáo, đồng chí có nghe lại cũng vẫn là gián tiếp, dĩ nhiên là không được đầy đủ.

Ông rót nước mời tôi, rồi nói tiếp:

- Tốt nhất là đồng chí xuống nằm trực tiếp dưới đội ba ít hôm. Ở nông trường bộ xa hiện trường, đi lại rất vất vả.

Vừa nói, ông Ngẫu vừa nhìn tôi thăm dò.

- Thưa bác tôi ở đâu cũng được, miễn là được theo dõi, xem xét tại chỗ để báo cáo được đầy đủ với tỉnh. Nếu bác thấy nằm ở đội ba thuận lợi thì xin bác cho tôi vài chữ để tôi xuống dưới đó.

Vẻ mặt ông Ngẫu rạng rỡ hẳn lên. Ông nói rất nhiệt tình:

- Vâng, tôi sẽ viết ngay. Dưới đó các đồng chí đội ba phải có trách nhiệm giúp đỡ để "cấp trên" hoàn thành nhiệm vụ chứ ạ. Có khi anh ở ngay nhà đồng chí đội trưởng cũng được. Nhà mát, nước nôi sạch sẽ, lại rất tĩnh nữa.

Ông lật trái tờ giấy giới thiệu của tôi, viết luôn vào đó rồi cẩn thận lục chiếc dấu son đóng vào. Sau đó ông chỉ đường cho tôi:

- Đồng chí cứ đi dọc đường bờ sông. Độ ba cây số thì thấy hai dãy nhà ngói song song, có mấy cái máy kéo đỗ. Đấy là cơ sở đội ba. Anh hỏi đồng chí Miên thì ai cũng biết.

Ông Ngẫu nhanh nhẹn đuổi chó và vui vẻ tiễn tôi ra tận cổng.

Khoác chiếc ba-lô rúm ró trên vai để đi tiếp vài cây số nữa, tôi thấy mệt mỏi vô cùng. Lúc này, nếu được tắm mát, ăn bữa cơm có bát canh chua, rồi lăn ra ngủ thì tuyệt nhất.

Nhưng rồi tôi cũng đến đích. Trước mặt tôi là dãy nhà kho, ga-ra máy kéo. Trụ sở đội ba trông cũng khang trang. Trước cửa nhà kho có hai phụ nữ đang nhập hàng.

Tôi đưa giấy giới thiệu, xin gặp đồng chí Miên. Người cầm giấy nhìn tôi, mỉm cười:

- Miên là em đấy.

Té ra đội trưởng đội ba là nữ.

Bây giờ tôi mới chú ý đến cái người xưng là "em đấy". Chị khoảng ba chục tuổi. Khuôn mặt tròn, bộ ngực tròn và thân hình cũng tròn, lẳn như con cá trắm. Nước da trắng trẻo nhưng rám nắng. Cặp mắt đen mượt như nhung. Hàng lông mày mảnh và cong vút. Khi cười, chị để lộ hàm răng trắng đều và hai vết lõm đồng tiền trên má.

Xem giấy xong, vẻ mặt chị tần ngần xúc động, chị nói:

- Anh Ngẫu giới thiệu anh xuống ăn nghỉ dưới này. Nhưng anh thông cảm cho đội chúng em không có nhà khách tử tế. Mà thu xếp anh ở nhà nông trường viên, em sợ nó không được sạch sẽ, khách của tỉnh về ai lại...

- Trước đây tôi là lính, ngủ rừng, ngủ lán quen rồi. Được ngủ nhà dân là may mắn lắm. Tôi chỉ xin nhờ vài ngày thôi, cốt làm được việc. Có ăn đời ở kiếp đây đâu mà lo.

Chị cười:

- Nhưng một đêm nằm bằng năm ở... Anh cứ yên tâm, chờ em vài phút em hội ý với cô kế toán xong em đón anh.

Chị Miên kéo cô gái ra phía hồi nhà. Tôi ngồi tạm xuống mặt chiếc cân bàn ở cửa kho, lòng buồn rười rượi. Cái thời buổi khó khăn này, ai cũng ngại "tiếp khách công tác". Ngủ đã vậy, còn ăn uống nữa. Thảo nào ông Ngẫu sốt sắng đẩy mình đi cho sớm. Nay đến chị đội trưởng... Tôi lắng nghe hai người đàn bà thì thào với nhau:

- Để anh ấy nghỉ nhờ bên nhà mày nhé?

- Chịu thôi! - Tiếng cô kế toán giẫy nẩy và sau đó là chuỗi cười rúc rích. - Mỗi một gian nhà, chồng đi vắng... Mấy lại tính nhà em ghen như quỷ ấy.

- Biết gửi vào nhà đứa nào được?

- Nhà chị chứ còn nhà ai nữa!

- Nhà tao... cũng chẳng tiện.

- Tiện quá đi chứ! Sợ thì khóa trái cửa buồng lại! Biết đâu ông Ngẫu lại chẳng có ý định ưu tiên!

Tiếng hai người cười ré lên và tiếng đấm lưng thùm thụp. Ít phút sau, chị đội trưởng quay lại mặt còn đỏ gay.

- Mời anh về nhà em vậy.

- Vâng, cảm ơn chị. Có phiền cho chị lắm không? - Tôi hỏi khách khí cho qua chuyện.

- Với em thì chẳng có gì. Chỉ lo cháu nhỏ quấy làm anh khó ngủ thôi!

- Tôi được cái dễ ngủ. Đã ngủ thì có đem quăng sông tôi cũng không biết! - Tôi nói cho chị yên lòng.

Đi một đoạn ngắn chị bảo tôi chờ để chị vào nhà trẻ đón cháu. Mấy phút sau đã thấy chị bế đứa con gái độ hai tuổi chạy ra. Chị nâng cao đứa bé, vừa đi vừa nựng con. Hai mẹ con vui sướng cười như nắc nẻ.

- Con chào bác đi!

- Chào bác! - Con bé vừa nói vừa giơ tay lên quá đầu.

Chị thơm vào má con và khen:

- Con tôi ngoan quá.

Tôi đang đi theo hai mẹ con thì có tiếng ai từ một ngôi nhà gần đường hỏi vọng ra:

- Bố cái Thảo về đấy à? - Tiếp theo là một chuỗi cười.

Chị vui vẻ cải chính:,br>
- Nhầm rồi! Bác cán bộ trên trạm giống của tỉnh đấy.

- Đón bác ấy về... nhân giống à? - Lại một đợt cười nữa vang lên.

- Bậy bạ nào! - Chị đe mấy người rồi quay lại nói với tôi. - Ở đây mấy người hay đùa nhả, xin anh bỏ qua cho họ.

- Tôi còn đùa bằng bốn họ. Đi đường mệt nên tôi chưa đối đáp đấy thôi. - Tôi lảng sang chuyện khác. - Sắp đến nhà chị chưa?

- Nhà Thảo đâu nào, con chỉ cho bác đi!

Chị hỏi cháu bé.

- Nhà Thảo chia chìa! Bàn tay ếch xinh xinh của bé chỉ cho tôi một ngôi nhà ba gian nằm rất "tư thế" trên một vườn cây xanh tốt.

Tôi đón cháu bé cho chị mở cổng. Một con chó trắng chạy ra mừng rối rít. Con chó hiền lành ve vẩy đuôi hít hít chân tôi, không cắn. Thấy chủ về, đàn gà và mấy chú vịt lạch bạch chạy ra nháo nhác đòi ăn. Hai con lợn tì lên thành chuồng ghếch mõm ra ngoài ủn ỉn.

Nhà chị không rộng nhưng sạch sẽ gọn ghẽ. Hai gian ngoài kê chiếc giường dẻ quạt, bộ bàn ghế mộc và chiếc tủ lệch bằng gỗ hồng sắc nhưng đánh vẹc-ni hơi vụng. Chị Miên thu dọn mọi thứ linh tinh trên bàn, rũ chiếu, quét giường... Vừa làm chị vừa phân trần:

- Nhà có hai mẹ con mà bừa bộn quá - Chị cười - Anh nghỉ giường này. Ba-lô anh để vào tủ cho gọn. Em đưa chìa khóa, có gì quý anh khóa lại cho cẩn thận.

- Có gì quý đâu chị. Chỉ một bộ quần áo, cái màn và cuốn sổ công tác. Thứ nặng nhất trong ba-lô là bao gạo, cũng có thể gọi là thứ quý nhất. Xin gửi chị để nấu ăn. Thế thôi.

- Anh chịu khó vác theo cả gạo. Thứ này quý nhưng không phải cất vào tủ!

Tôi gửi ít tiền để mua thức ăn nhưng chị nhất định không cầm.

- Anh yên tâm. Vài bữa có đáng là bao. Về với mẹ con em có dưa ăn dưa, có muối ăn muối. Phải chịu khổ mấy hôm anh ạ. Hôm nào về tỉnh chị em lại bồi dưỡng cho.

Cả hai chúng tôi đều cười.

- À anh có muốn đi tắm không? Giếng mát lắm anh ạ. Muốn thoải mái thì ra sông. Ngay đằng sau nhà thôi, có bến riêng, tha hồ... Hay mới đi xa về sợ lạnh, em đun cho anh nồi nước lá anh tắm nhé.

- Tôi đang nóng điên lên, chẳng cần nước nóng đâu chị ạ. Tôi muốn ra tắm sông Vân.

Chị chỉ lối cho tôi. Tôi cảm thấy tấm lòng chị cũng dịu mát như dòng sông, ấm áp như nồi nước chanh lá sả.

Tôi ngụp lặn trong dòng nước mát. Những mệt mỏi của ngày đường tan biến đi nhanh chóng. Tâm thần thanh thản, tôi thấy muốn được ăn.

Quay về đến sân, tôi ngửi thấy mùi trứng rán thơm lừng. Chị Miên đã cho lợn gà ăn xong. Vừa nấu cơm chị vừa tranh thủ tắm cho bé Thảo. Thấy tôi về, chị mặc chiếc váy mới cho con. Chị nói:

- Bác đã về kia rồi. Con ra chơi với bác cho mẹ tắm nhanh rồi ăn cơm nhé! - Chị quay lại với tôi - Tắm sông có thích không anh? Mùa này nước trong lắm. Đáy sông toàn cát với sỏi sạch sẽ. Còn son rỗi em thích tắm sông lắm. Giờ có cháu nhỏ, đưa con ra lẫm chẫm sểnh chân thì khốn.

- Hôm nay chị ra mà tắm, tôi trông cháu cho.

Tôi bế cái Thảo, cháu còn lạ nên cứ nhìn tôi chằm chằm chẳng nói năng chi. Chị Miên bê nồi nước hương nhu ra gội đầu bên giếng. Sau đó chị mang nón quần áo ra sông.

Chị vừa đi được vài phút thì bé Thảo đã đòi mẹ. Thế mới chết đây. Tay nó cứ với ra bờ sông "đi mẹ...", "đi với mẹ". Tôi làm đủ trò nhưng không sao dỗ được đứa nhỏ. Cuối cùng tôi đành bế con bé ra sông.

Thấy tiếng tôi, chị Miên vội vàng ngồi thụp xuống, xoay lưng trở lại. Nhưng dòng sông trong vắt không che nổi tấm thân trắng ngần của chị lập lờ trong dòng nước. Tôi không dám đến gần.

- Cháu cứ đòi mẹ, không sao lừa được. - Tôi nói như thanh minh.

- Anh để cháu chạy xuống với em cũng được.

- Ngã chết! Vừa tắm xong bẩn hết chân tay mất.

- Hay hai bác cháu chờ em một tí, em xong ngay thôi.

Tôi đứng quay mặt vào trong cho chị tự nhiên. Nhìn thấy mẹ, cháu bé cũng yên tâm hơn, không đòi nữa... Mười phút sau chị quay lại nói vọng lên:

- Hai bác cháu về trước đi, em xong rồi.

*

Chị trải chiếu ra hè dọn cơm. Bữa ăn ngon lắm. Cá trê kho lá sả, trứng rán. Canh cải non, cơm gạo mới... Thật hấp dẫn. Chị tiếp khách rất nhiệt tình. Tôi cùng ngồi đầu nồi mà chị cứ nhăm nhăm chờ đón bát xới cơm cho tôi. Chị trở đầu đũa gắp thức ăn, sợ tôi làm khách.

- Sức anh phải ăn sáu bảy bát. Như em mà bữa nào chưa đủ bốn bát cơm thì chưa yên dạ!

Ăn uống, thu dọn xong, chị thắp cây đèn trên bàn, nhưng chúng tôi ngồi cả ngoài hè vì bữa đó sáng trăng rất đẹp. Chị rót nước ra chén, và hỏi tôi:

- Quên em chưa hỏi, anh có "ăn thuốc" để em đi mượn điếu.

- Không chị ạ, tôi chẳng nghiện ngập một thứ gì. Rượu chè, thuốc sái đều không biết.

- Đàn ông như anh là hiếm đấy! - Chị cười.

- Chắc bố cháu Thảo thì phải sành mọi thứ!

Câu hỏi đột ngột của tôi làm chị lúng túng. Chị trả lời cho qua:

- Vâng, cái gì cũng giỏi cả.

(Thiếu câu?) Ngừng một lát, chị Miên mới nói:

- Xa lắm.

- Anh có hay được về thăm nhà không chị?

- Dạ, đã lâu lắm rồi ạ... cháu chưa được biết mặt bố.

Nghe chị nói tôi đoán có một uẩn khúc nào đó mà chị không tiện tâm sự. Vì vậy tôi cũng không hỏi thêm.

- Thế anh được mấy cháu ạ?

- Dạ tôi chưa có cháu.

- Muộn mằn thế anh? Chị em làm việc ở đâu ạ?

- Dạ cũng chưa có nốt. Tuổi bốn mươi nghĩ đến đường vợ con mà ngại.

Câu trả lời của tôi làm chị hết sức ngạc nhiên. Giữa hai người đều thấy có một lớp hoài nghi ngăn cách.


- Thế quê chị ở đâu?

- Em ở Từ Liêm, Hà Nội. Em đi thanh niên xung phong từ năm mười bảy tuổi, vào Quảng Bình làm đường Đá Bàn - Đèo Khỉ. Sau đó sang xếp ngầm ở sông Sê-băng-phai. Hòa bình đơn vị em giải tán, em vẫn muốn thoát ly. Em xin chuyển về nông trường.

- Thế là đạt nguyện vọng rồi!

- Vâng. Nhưng cái số em vất vả, nó rơi đúng vào mảnh đất này. Hồi đó nông trường làm ăn có ra gì đâu anh. Năm nào cũng lỗ. Máy móc hỏng hóc, vật tư mất mát, ruộng đất hoang hóa. Đội chúng em có hai nhăm nữ thì bỏ về mất bảy. Đi học, chuyển nghề bốn. Em kém văn hóa nên vẫn ở lại. Năm năm không có đám cưới nào. Em cứ nghĩ mình thương chúng nó, thương mình. Hầu hết bọn em đều ở thanh niên xung phong, ở bộ đội chuyển về. Tuổi đứa nào cũng hai sáu, hai bảy cả. Chỉ vài đứa tuyển từ xã lên là còn trẻ...

- Ở nông trường cũng có nhiều bạn nam chứ?

- Đội máy kéo có vài chục nam nhưng đều có vợ con cả. Trên nông trường bộ toàn những ông già. Có vài kỹ sư trẻ thì họ mải theo đuổi những cô thành thị. Vùng này hẻo lánh, bộ đội chẳng có, công nhân cũng không, khéo đến chết già cả nút. Động viên chị em làm ăn thì được, chứ nói đến tiền đồ, đến tương lai hạnh phúc là chịu. Động đến, chúng nó lại khóc liền.

Thỉnh thoảng cũng có một chàng trai đến chơi. Nhưng vào ngồi trong cái lán nữ của chúng em là đã thấy hãm tài.

Bàn ghế không. Mấy cái giát giường cũng mục cả. Cười mạnh cũng có thể gãy! Như vậy mà thương yêu nhau, cưới nhau thì không biết nằm ngồi ra sao. Đến phải trải chiếu ra sân mất. Em có đề đạt gì về đời sống, đều bị gạt đi. Đội trưởng đội ba lúc đó là ông Ngẫu, cái ông ký giấy cho anh xuống đây đấy. Ông ta là một người biết việc nhưng không quan tâm đến bất cứ ai ngoài cái trò lòng thòng chớt nhả. Em đề nghị nếu nông trường không đủ kinh phí xây dựng thì để chúng em làm lấy. Các nông trường viên có gia đình đều được giao một ngàn mét vuông đất để sinh cơ lập nghiệp. Nhưng chúng em thì biết bao giờ có gia đình! Cứ sống tập thể kiểu tu sĩ này cho đến chết chăng? Có những cái riêng tư mà dù bạn gái với nhau cũng không thể thổ lộ được. Một căn nhà riêng sẽ giúp cho bọn em lo tính lấy tương lai. Đứa có sức thì tranh thủ trồng cây nuôi lợn. Đứa yếu trồng rau nuôi gà. Bà con họ hàng đến chơi cũng lo được bữa ăn tươm tất. Người con trai thấy cái tổ ấm cũng muốn sà vào.

Ở đại hội đảng bộ em đã phát biểu. Ý kiến cũng giản dị thôi. Nếu chúng em có chồng họ sẽ cho đất. Họ không thể cho được chồng thì tại sao họ không cho đất để chúng em kiếm chồng? Vấn đề là chỉ đảo lộn quá trình. Cả đại hội cười ầm lên. Mấy ông già cười đến chảy nước mắt nhưng tuyệt đối họ không bàn đến một lời. Hầu hết họ có nhà cửa vợ con đề huề rồi. Họ không xúc động trước số phận của người khác. Có vị còn lợi dụng sự quẫn bách về tình cảm của chúng em để đục nước béo cò, tìm nơi giải trí. Ông Ngẫu tuyên bố thẳng thừng: "Không thể buông lỏng lãnh đạo, buông lỏng quản lý. Mỗi cô một nhà thì liệu ai bảo vệ được cho các cô?" Thì ra ông ta quan tâm đến mặt đạo đức của chúng em! Nhờ ông ấy bảo vệ thì khác nào gởi trứng cho ác! Thật là giả dối! Chính cái Nhã, cái Niệm phải đi phá thai vì ông ta. Đứa con chị Cúc là con ông ta. Em biết nhưng không muốn nói. Không bao giờ em tàn nhẫn với chị em.

Số đảng viên trẻ quá ít, kết quả là không có gì được đưa vào nghị quyết đảng bộ. Nhưng ý kiến em được quần chúng ủng hộ. Ông Ngẫu bị chị Cúc vạch mặt, em lên thay đội trưởng. Em quyết định cắt từng ô chữ nhật cho mười một đứa. Chỉ hết một héc-ta đất. Ba đứa không muốn ở riêng vẫn ở tập thể nhưng làm lại lán cho vững chắc. Tường toóc-si mái ngói phòng hỏa hoạn, trộm cắp. Bọn chúng em nói vui: phải "đồng khởi, phá kềm" với nội dung là nâng cao quyền làm chủ tập thể, chống thói quan liêu vô trách nhiệm đối với đời sống quần chúng. Em chủ trương lần lượt làm cho từng đứa. Ở đây cây que dễ kiếm, túp lều gian nhà có khó gì đâu. Mỗi nhà cách nhau ba chục mét. Ới một tiếng đứa này truyền đứa khác là cả đội biết hết. Em xung phong làm cuối cùng, nơi "đầu sóng, ngọn gió". Nhưng chị em nhất trí nhường em mảnh đất gần trụ sở đội để tiện điều hành việc chung.

Chúng em xây dựng rất vui vẻ. Phần lớn đã là bộ đội, thanh niên xung phong nên làm lán trại quen rồi, mộng mẹo cũng biết qua, leo trèo như mèo. Lại có bác Nhiễu tốt bụng mang cưa đục đến hỗ trợ. Chỉ mấy hôm thôi, ba nếp nhà đã hình thành.

Ông giám đốc nông trường nghe tin vội vàng đạp xe xuống ngăn cản. Em dịu dàng với ông: "

Bác cứ tin ở cháu. Cháu cho chị em làm đúng khu đồi hoang được quy hoạch cho gia đình nông trường viên. Có an cư mới lạc nghiệp. Chị em ổn định riêng tư thì lao động mới có năng suất cao. Bác khăng khăng gạt bỏ nguyện vọng của chị em thì đến nước nó đốt lán, bỏ nông trường mất. Bác sẽ có phần trách nhiệm đấy."

Ông già cũng hoảng. Ông bỏ về nhưng không yên tâm, lại đến cầu cứu ông Ngẫu. Ông Ngẫu hùng hổ mò xuống. Nhưng chúng em đâu có sợ ông Ngẫu. Mấy đứa ngồi trên nóc nhà thấy ông Ngẫu từ xa đã reo lên:

- A anh trai đã đến, chúng bay ơi! Nhờ anh đặt nóc chắc là mắn đẻ lắm đấy!

- Anh Ngẫu đặt nóc nhà cho em nhé! Anh muốn dì hai, dì ba bọn em sẵn sàng giúp lại!

Bọn em cười ầm lên.

- Các cô ăn nói có suy nghĩ không đấy? - Mặt ông hầm hầm.

- Nói đùa anh thôi. Sao hồi này anh nóng tính thế? Chúng em biết là anh già rồi, đầu đã bạc, răng móm hết, cũng phải kiêng cái món dì hai thôi! - Cái Niệm làm cho cả tổ cười đến chảy nuước mắt. Ông Ngẫu không còn biết đối đáp ra sao.

Ông quay ra dọa em:

- Cô là đảng viên, cô để quần chúng làm loạn à? Rồi cô sẽ biết!

Em cũng dọa lại:

- Những điều chị em nói cũng chỉ với ý nghĩa: anh bất lực không lo được gì cho chị em thì để chị em lo lấy. Anh không được ngăn cản đầy đọa chị em nữa. Với riêng tôi, anh cứ đưa ra hội nghị chi bộ. Tôi sẽ tố cáo tất cả cái mặt trái của sự kìm hãm này. Chúng tôi làm đúng quy hoạch. Chúng tôi chịu trách nhiệm trước nông trường.

Ông ta cúp tai ra về. Sự việc không ai khơi ra nữa. Có lẽ những người lãnh đạo đã nhìn thấy vấn đề.


(còn tiếp)