Bảo Ninh, “Trại Bảy Chú Lùn” (2)



Một lúc trầm trong im lặng rồi Mộc nói tiếp:

- Cái việc bổ sung quân số mà anh hỏi ấy thì đúng là chẳng có đâu. Nhưng sau khi Huy chết rồi thì cũng không phải là tôi đã sống một mình cô lẻ. Nếu mà phải như thế, có lẽ tôi đã chẳng đủ gan trụ lại xó này. Thật ra thì cô ấy đã có mặt ở vùng này từ trước đó, khi trại còn được ba anh em. Hồi bấy giờ, đường dây giao liên từ Tà Xẻng vào Khu Sáu, cắt qua B3, có một cung lượn đến gần trại chúng tôi. Trạm giao liên kiêm bến đò ở ngay sát chỗ tôi và anh gặp nhau đó. Buổi đầu, giao liên là hai cậu người Bình Thuận, sau thêm cô ấy. Người Hải Phòng, tên là Nga, vốn là thanh niên xung phong ngoài 559.

Một hôm, chiều tối, từ ngoài rẫy một mình trở về muộn, tôi sững ra, không tin vào mắt mình nữa. Căn nhà chúng tôi đây sáng ánh đuốc. Tiếng đàn ghi-ta, rồi một giọng con gái cất cao, hát lên bài hát của thanh niên xung phong: “Đời chiến đấu, đời gian nan... nhưng hỡi tuổi trẻ đẹp tươi, hạnh phúc trong đời là chiến đấu...” Tôi dừng ở ngưỡng cửa. Cuộc vui kéo dài có lẽ đã khá lâu rồi. “Đồng chí Nga, giao liên T65, từ nay là hàng xóm của chúng mình”, Huy giới thiệu cô gái lạ với tôi. Một cô gái trẻ măng, người cao, cân đối, nước da bánh mật, tóc tết đuôi sam. Cô ngừng hát. Khuôn mặt thanh tú hết sức ưa nhìn thoáng vẻ bẽn lẽn. “Ôi, từ nay những gì rồi sẽ đến với cánh ta đây hả các bạn?”, tôi thầm nghĩ. “Năm tháng vinh quang, khổ đau bất tận...”, cô ta lại bật dây đàn và hát, người uốn éo, mặt tái đi, mắt vừa rực lên vừa tối lại, và giọng hát thì tuyệt hay, khi vút cao khi bất ngờ tắt lặng.

Cho đến tận bây giờ, những chiều từ rừng trở về muộn, tôi lại thỉnh thoảng thình lình trông thấy buổi tối ấy, nghe thấy tiếng hát ấy, và nhắm mắt lại tôi nhìn thấy các đồng chí, nhìn thấy Nga...

Cuối năm 67, trong một chuyến đưa khách về Ân Cốc, hai đồng chí nam ở T65 bị bọn thám báo Mỹ phục kích giết chết. Cũng thời gian đó ở đây xảy ra trận cháy rừng, chúng tôi mất Hinh. Lửa cũng hủy luôn toàn bộ nhà cửa lán trại của trạm T65. Tôi mời Nga chuyển vị trí trạm vào trong trại ở chung với chúng tôi. Nhưng Nga từ chối, và như là giận gì chúng tôi, cô di hẳn vị trí của cô sang bờ đông. Và thưa hẳn đi lại.

Giữa tôi và Huy, ai buồn hơn, khó mà biết được. Nhưng có lẽ tôi thì cứng rắn hơn một chút, còn Huy mềm yếu hơn. Huy vốn thổi tiêu rất hay, nhưng ít thổi và từ lâu đã không thấy nhìn ngó đến. Vậy mà bây giờ, tiếng tiêu của Huy ngày ngày nghe cất lên bên bờ sông trong bóng chiều chạng vạng, làm nhau ứa nước mắt. Tính đã lặng lẽ, Huy càng trở nên lặng lẽ hơn. Và tôi thì còn thỉnh thoảng sang sông thăm Nga, làm việc này việc nọ giúp cô, chứ Huy thì không một lần. Những khi họa hoằn có Nga sang chơi, y như rằng Huy bỏ đi cố tình tránh mặt.

Mùa mưa 68, Nga không rút qua Lào như mọi năm. Cô được lệnh chốt lại, nhưng trên chẳng còn người nữa để điều thêm về trạm. Một mình Nga một cung trạm giao liên.

Bữa Huy qua đời, tôi không thể kịp báo tin cho Nga. Nhưng, không hiểu bằng cách nào mà Nga vẫn hay tin. Chiều hôm sau, mặc dù đang lũ lớn, Nga qua sông. Trước tiên, Nga vào khu nghĩa trang của trại viếng mộ Huy và những người anh em đã khuất của tôi. Rồi cô vào trại tìm tôi. Cô nói: “Từ nay, em sang ở cùng anh”. Từ đấy, trại Bảy Chú Lùn và trạm T65 là một.

Cũng căn nhà này đây, nhưng hồi ấy là nhà âm. Tôi gian bên phải, Nga gian trái. Gian giữa này dành cho khách. Khách vào, khách ra theo đường dây của Nga sống chủ yếu bằng nguồn lương thực của trại. Những ngày mưa lớn tôi chống đò đưa Nga và những người khách của cô vượt lũ Sa Thầy. Nhiều lần theo yêu cầu của Nga, tôi đi cả đò dọc. Nhưng càng ngày người nhập trạm vào khu Sáu càng thưa hơn, người từ đó ra lại càng ít nữa. Nga thường xuyên ở trại. Cô đảm nhận tất tật những việc ở nhà để tôi chuyên tâm hoàn toàn chuyện nương rẫy. Những việc ở nhà vừa không kém cực nhọc vừa lách nhách: sấy sắn, sấy măng, phơi cá, tưới rau, trừ mối mọt cho các sạp kho, trông nom gà lợn..., những khi tôi ốm đau, mà dạo đó sức kiệt quá rồi, tôi ốm đau luôn, Nga chăm bẳm, nâng giấc cho tôi và đôi khi lên rẫy thay tôi. Thương nhau, gần gủi nhau thế và trong cô đơn đè nặng, giữa hoang vắng đêm trường, vậy mà... Tôi rất hiểu. Không phải là không chịu đựng nổi nhưng Nga ngán vô cũng loại công việc của chúng tôi. Thêm nữa, tình hình chung trên chiến trường dằn ép nặng nề tâm trạng Nga. Thời kỳ sau Mậu Thân ở B3 ra sao có lẽ chẳng cần phải nói nữa, mà ở Khu Sáu thì thôi càng miễn phải luận bàn. Nói chung là tối tăm mù mịt. Tình hình ở đầu đường dây và ở cuối đường dây thế nào, tại đây chúng tôi chỉ có thể phỏng chừng. Và anh có thể tưởng tượng nổi là suốt cả một năm 1969, ba trăm sáu mươi lăm ngày đêm, chỉ có tôi với Nga, Nga với tôi. Lương thực tích trong kho, trong vựa không có đơn vị nào đến lĩnh. Bởi vì làm gì còn đơn vị nào nữa trên Cánh Bắc này. Tạt cả sang Miên, hoặc rút hết xuống Cánh Nam rồi.

Tôi thì chẳng nói làm gì, hẳn là còn quá cả Y Nua ngày Xưa, nhưng đến Nga cũng bắt đầu phải chịu cảnh rách rưới tới mức hở hang. Tình cảnh ấy, tôi thấy rõ, với tôi nặng nề một thì với Nga nặng nề mười. Cô đau khổ, cảm thấy bị cầm chân, bị bỏ quên, và dần dần như là cô bắt đầu oán giận tôi. Nhưng điều làm tôi ngại hơn cả là khi thấy ở Nga chớm dần lên những biểu hiện của tâm trạng lầm lũi, u uẩn của chính tôi. Sự giống nhau dần dần ấy khiến chúng tôi thêm lặng lẽ xa cách nhau. Y như tôi, Nga có thể không hé nửa lời trong một tháng, hai tháng, nếu không nói rằng sẵn sàng im lặng cả đời. Nhưng tôi là đàn ông, vả chăng bản tính có lẽ đã sẵn như vậy, còn Nga thì đâu phải thế, cho nên rõ ràng cuộc sống ru rú một xó rừng này và sự tiếp xúc lâu dài với tôi đã tàn hại tâm hồn cô. Ý thức điều ấy nên quả tình cũng không khó gì lắm để có thể tự nén mình trong những đêm dài thao thức, nghe rõ tiếng Nga trở mình trên võng ở góc kia căn nhà, cách võng tôi chỉ mấy bước. Nhưng có lắm khi, chẳng hạn, từ trên nương trở về muộn hơn bình thường, từ xa nhìn thấy Nga đứng ở cổng trại mỏi mắt ngóng lên rừng chờ đợi mình, hay khi săn được con thú, đủ chất tươi cho cả tuần, hay kiếm được quả bưởi rừng về tặng, thấy Nga vui thích, tôi lại tự dối lòng. Ðôi khi, bất chợt tôi nhìn như nuốt lấy cô, thật không thể nào nói khác được, khi thì nhìn ngắm lén lút. Và như vậy là hạnh phúc, hay như vậy là đau khổ, tôi chẳng biết...

Rồi, bước sang năm 70... Hôm ấy là ngày đầu năm, lần đầu tiên sau suốt một năm ròng có những người khách tìm tới trại. Ðó là một tốp ba trinh sát viên của trung đoàn Plây-me. Họ đi đâu, làm nhiệm vụ gì, chúng tôi không hỏi, họ cũng chẳng nói, song đã là lính Sư 10, lại là trinh sát, ắt là phải đi vì những việc quan trọng. Chắc chắn sự xuất hiện của ba chàng quân báo đẹp trai, dũng mãnh này phải báo hiệu một thời kỳ mới đang tới trên Cánh Bắc B3.

Tôi cấp cho họ lương thực và thực phẩm khô quá lượng mà hậu cần sư đoàn yêu cầu chi, và chu đáo, tôi bảo Nga tiễn họ qua sông. Sang sông, Nga còn tiễn họ đi xa hơn nữa, thêm một ngày đường về hướng Ðắc Xiêng.

Từ sau đó tình hình ở B3 bắt đầu có khá lên. Các đơn vị chiến đấu bắt đầu có người tới nhận lương thưc ỏ