Thế là nghĩa lý gì? Ai đã đọc “Bên kia sông Đuống” cho Hoàng Cầm “cắm đầu ghi lia lịa”? Còn ai nữa ngoài chính… Hẳn chuyện xảy ra là khi nghe tin giặc, cảm xúc mãnh liệt nẩy sinh trong lòng thi sĩ rồi được những âm thanh, giai điệu quen thuộc tác động, rất nhanh chóng hóa thành thơ… (Thu Tứ)



“Hoàng Cầm về bài thơ Bên Kia Sông Đuống”




Ðến đầu tháng 4/1948 thì giặc Pháp đã chiếm hết các huyện bờ nam sông Ðuống từ Gia Lâm đến tận Phả Lại (...)

Anh Trà báo cáo (...) nói tỉ mỉ nhất về cảnh tượng làng Hồ (Lạc Thổ) của tôi trong những ngày chiến đấu ác liệt với địch...

Tôi càng nghe bụng dạ càng cồn cào xao động. Có lúc (...) muốn bật khóc, có lúc (...) run run lên vì căm giận và thương cảm (...) gà gáy nửa đêm (...) tôi về đến nhà (...) bụng như trống rỗng mà đầy lửa, như cô quạnh mà lại như có nhiều gót chân đang chạy miết, đang giày đạp (...) tôi (...) bó gối ngồi nhìn trừng trừng vào bức vách (...) Một lúc lâu (...) những hình ảnh (...) hiện lên bức vách (...) quay vòng nhường chỗ lẫn cho nhau (...) khuôn mặt dầu dãi của mẹ tôi, có các bộ mặt khác như đậu chênh vênh vào đấy: vợ tôi, các con tôi (...) rồi (...) các hình ảnh âm thanh về một quá khứ xa... rất xa (...) Tâm trí tôi dần dần tĩnh lại (...) Ðột nhiên, như từ thôn xóm nào xa, vang vọng ngay bên tai tôi một giọng như hát, như than thở, như tiếng ru em, một giọng phụ nữ trong trẻo, nghe rõ mồn một, nhưng lại như nghe từ lúc tôi còn thơ dại:

“Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Ðuống
Ngày xưa... cát trắng phẳng lì”

(...) tôi vội vàng ghi ngay, rất nhanh, sợ nó tan biến mất. Ghi được ba dòng ấy thì hệt như người đào đất thăm dò mạch nước ngầm, chợt có đôi ba tia nước trong vắt phun lên, thế là tôi viết tiếp ngay những lời đang tuôn ra, bật ra, tung tóe ra từ trong lòng mình (...) Tôi cắm đầu ghi lia lịa (...) sợ không theo kịp từng điệu, từng lời đang rộn rã, năn nỉ hoặc than vãn trong tâm can mình. Có lúc tôi như nín thở. Có lẽ tôi không được ngừng bút một phút nào hay sao ấy, mặc dầu về sau đọc lại mới nhận ra đoạn này, đoạn khác, có vẻ như bố cục, chứ thực ra trong khoảnh khắc dào dạt ấy tôi không bố cục gì, không lập ý, không cấu tứ gì cả, đến từ ngữ cũng tự nhiên bật ra theo dòng chảy của cảm xúc, không một phút nào phải ngẫm nghĩ, lựa chọn, cân nhắc câu thơ.

Ðúng là tôi đã viết một mạch dài sau ba dòng vang vọng như từ trời xa xanh rót xuống trang giấy. Khi thấy trong người như vợi đi, ba bề bốn bên cũng không còn một âm vang gì nữa, tôi chợt rùng mình vì cái lạnh buổi sáng.


(
Hoàng Cầm tác phẩm - Văn xuôi, nxb. Hội Nhà Văn, 2004, tr. 410-413. Nhan đề phần trích tạm đặt.)