Bảo Ninh, “Trại Bảy Chú Lùn” (1)




Một buổi chiều, từ lâm trường Mồng Ba tháng Hai, tôi đi bộ về đồn biên phòng A10, một mình dọc theo lối mòn chạy men bờ tây Sa Thầy. Còn chừng hai giờ nữa mới đến nơi. Bóng tối trong rừng lồ ô loang ra, tràn rộng, hòa vào hơi ẩm trên mặt sông. Phía trước vệt đường mỗi lúc một mờ, chạy lẩn khuất, lút trong cỏ. Bên đường cây cối rì rầm lo lắng. Tôi đã mệt nhừ, không sao đi nhanh hơn được. Chợt có tiếng sấm. Cơn giông kéo đến. Một đám mây tối màu nhô lên trên các mỏm đồi trọc bên bờ đông, lớn lên rất nhanh và thẫm đặc lại như một chậu mựa tím khổng lồ đổ ụp ra giữa trời. Những dải mây dài và dẹt, màu xám, ruổi vượt lên trước, lướt qua sông, băng ngang trên đầu tôi. Bầu không khí nóng ngột bị gió mạnh nổi lên lùa đi. Cây cối ngả nghiêng, những lùm lau chít ven sông bị đè rạp. Mặt nước nhàu nát nặng nề đập sóng vào bờ dốc đứng. Tôi tiến lên một cách khó nhọc.

Mưa rơi lộp độp, ánh chớp loé lên và sau một tiếng sét kinh hồn làm lay chuyển núi rừng cơn giông bùng ra. Mưa như thác. Tôi gập người xuống chạy. Nhưng gió giật dữ dội và mặt đất như sắp lật nghiêng xuống nước. Sợ hại, tôi náu vào một thân cây lớn.

- Ai đấy?

Tôi giật mình ngoái lại. Người vừa hỏi đứng đâu đó rất gần, trên đường mòn, nhưng tôi chẳng tài nào trông thấy. Trước mắt tối kịt, chằng chịt mưa quất.

- Ai? - Người kia lại hỏi, giọng sang sảng.

- Tôi là nhân viên bưu điện. Còn anh?

Nhờ ánh chớp tôi đã nom thấy cái bóng vừa từ dưới đất mọc lên: cao lớn, ở trần, lưng đeo gùi.

- Anh đến A10 hả? - Anh ta bước tới một bước.

- Vâng. Đến A10, - Tôi đáp - Nhưng mưa. Bất ngờ quá.

- Mưa lật mùa đấy! Tôi ở đội bảo vệ của lâm trường.

Lúc này gió đã dịu hơn, mưa cũng nhỏ hạt hơn nhưng trút càng mau.

- Còn lâu mới tạnh - Bóng đen nói - Về nhà chúng tôi. Chờ tạnh hẵng đi. Tôi sẽ chỉ cho lối tắt.

- Vâng, anh giúp tôi với.

Chúng tôi đi, bì bõm trong bùn, rồi rẽ phải vào rừng. Tiếng sấm rền vang trên các vòm cây. Mưa rơi trầm trầm, buồn buồn. Gió tụt lại phía sau. Tôi cúi mặt tránh các cành lá, và đưa tay bám chắc vào cái gùi to lù lù như chiếc thùng phuy trên lưng người đi trước. Rừng thưa dần, rồi tới một bờ suối. Chúng tôi đi qua một cây cầu tre tròng trành, đung đưa, nhưng có tay vịn.

Cuối cùng người đi trước dừng lại. Cửa rào mở loẹt quẹt. Tôi đi vào một cái sân với lối đi rải sỏi. Cuối sân, dưới ánh chớp, hiện lân một mái nhà lợp lồ ô. Thềm nhà cao, hiên rộng. Người đàn ông hạ gùi và đẩy cánh cửa. Cửa không cài. Chúng tôi vào buồng. Tối mò, đăng đắng mùi khói xông muỗi.

- Trút đồ ra đi! - Chủ nhà xẵng giọng - Không có ai nữa đâu.

Tôi hạ bồng và cởi quần áo.

- Đưa cả đây để mang hong. Khăn đây này! - Anh ta nhấm nhẳn. Xách mớ quần áo ướt anh bước ra ngoài qua lối cửa sau. Tôi chưa kịp lau hết người thì cửa lại kẹt mở, chủ nhà vào, cầm trên tay một cây đuốc cà boong, đi tới bàn châm lửa vào bấc đèn hoa kỳ, rồi cắm cây đuốc vào hốc cột cạnh cửa chính.

- Mặc vào - Anh ta ra lệnh và trao cho tôi một bộ đồ bộ đội đã tàng, song lành lặn, được gập xếp phẳng phiu.

- Hơi ngắn hả? - Anh ta hỏi - Thôi đành vậy, mặc tạm.

Thì ra, anh ta không cao lớn như thoạt đầu tôi tưởng, trái lại, thấp người, có thể nói là lùn. Cỡ như tôi, chỉ được có mét sáu chiều cao mà còn vượt anh ta nửa cái đầu. Vóc người anh ta to ngang, bè ra. Vai rộng lạ lùng, lưng gấu, hơi còng còng. Da dẻ dường như dày cộp, màu rỉ sắt, nom khô và ráp. Tay chân ngắn nhưng rất khoẻ, không cuồn cuộn bắp thịt mà to xù xụ. Còn khuôn mặt thì... thú thực, hiếm khi tôi thấy một khuôn mặt trông thô như thế. Anh chau mày lại khi nghe tôi ngỏ lời cám ơn, và với vẻ lầm lầm, chẳng nói chẳng rằng bỏ đi ra, sập cửa lại.

Tôi ngồi xuống chiếc ghế băng bên bàn, đưa mắt ngó quanh, trong lòng buồn bã: ban đêm, trong rừng, dưới mưa, thật chẳng có gì đáng để vui.

Nhà ba gian, mái lợp lồ ô, không có trần, không có vách ngăn và tuy sạch sẽ, ít muỗi nhưng chẳng có đồ đạc gì cả. Ở gian giữa đặt cái bàn này với chiếc ghế băng. Trên vách liếp có chân dung Hồ Chủ Tịch và lá quốc kỳ rộng chừng phần tư thước vuông, bằng vải thô, đã phai màu. Một băng khẩu hiệu cũ kỹ “Tất cả cho thắng lợi cuối cùng”. Gian phải để trống, trên vách giắt mấy cây rựa, ở góc dựng một ngọn lao. Giường kê ở gian trái. Một chiếc giường nom là lạ, vì quá nhỏ, có thể nói quá xinh xắn. Trên giường trải một cái chiếu ni-lông hoa nhưng không thấy gối màn gì. Và ở bên trên ô cửa sổ phía cuối giường có một cái giá treo xếp độc một cái ba-lô xẹp dúm. Ngoài ra tuyệt nhiên chẳng còn gì khác nữa trong ngôi nhà này. Tôi thở dài ngán ngẩm và buồn tình, không có cách nào để qua thời gian, đành dỡ tất cả thư từ, sách báo trong bồng ra mặt bàn, trao đi, xếp lại như trang bài.

Chủ nhà vào, đặt lên bàn một đĩa sắn luộc.

- Chắc anh ngấy thứ sâm này lắm. - Anh ta nói, giọng khàn khàn - Nhưng ngoài nó ra thì tôi...

- Tôi không đói đâu.

Chúng tôi im lặng. Chủ nhà ngồi xuống chiếc ghế dài bên kia bàn, đối diện với tôi.

- Thư từ lắm nhỉ, - Anh ta cất tiếng - Còn khô ráo cả chứ?

- Vẫn khô nguyên, - Tôi đáp và tò mò nhìn anh, hỏi - Anh tên gì nhỉ?

- Tôi là Mộc!

Mộc à... Mộc, để xem nào - Tôi vỗ trán - Của Mồng Ba tháng Hai đã gửi hết ở lâm trường bộ rồi, hình như...

- Tôi chẳng có đâu, - Chủ nhà ngắt lời - Họa chăng có ông trời muốn biên thư cho tôi.

- Sao thế? - Tôi ngạc nhiên.

Mộc nhăn mặt lặng thinh. Ngoài kia vẫn đang mưa như trút. Tôi gói các thứ vào ni-lông, nhưng để chừa lại một tờ tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, đẩy sang phía anh.

- Thôi, khỏi - Mộc từ chối - Cứ mang cả lên đồn cho anh em. Họ thiết lắm, còn tôi thì... ờ, thì khi nào rảnh rỗi sẽ mượn đọc chơi. Mà này, anh đừng sốt ruột. Cứ phải khô xong quần áo thì mới tạnh. Cũng chóng thôi. Vào cữ này lấ y đâu ra nước mà hòng mưa dai.

Anh hẳn là thông tỏ thời tiết ở đây lắm nhỉ?

- Thông tỏ ấy à? - Mộc lắc lắc đầu, rồi phẩy tay - Làm sao không thông, hai chục vụ rẫy rồi, ít ỏi gì mà không tỏ.

- Hai mươi năm, tôi sửng sốt.

- Ừ, mỗi năm một vụ mà, - Mộc đáp - Phải. Đã hai chục năm rồi. Tết năm 62 ấy, anh biết không, chúng tôi đã có mặt ở bờ Pi Hà. Chính là vào thời gian đó, anh ạ, tôi bắt được lá thư cuối cùng của gia đình. Thư gửi đi từ đầu năm 1960 kia. Biết được thế là nhờ cái dấu tròn của bưu điện ngoài ấy nom còn rõ chứ còn lá thư thì đã bị mưa gió rừng Lào làm cho nhoè xanh hết cả. Và từ đó là hoàn toàn bặt tin nhà. Mãi tới cuối 66, tình cờ có cậu cùng làng đi vào khu Sáu tôi mới hay rằng mẹ tôi đã mất từ năm 61, chị tôi đi lấy chồng xa tận trên vùng mỏ. Còn lại được thằng em trai, nhưng rồi cũng vào bộ đội, chết đâu đó bên Lào, năm 65.

- Anh quê ở đâu?

- Ở Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất. Năm 59, mười tám tuổi, tôi đi bộ đội nghĩa vụ. Thế mà mãi năm 1977, đúng thêm mười tám năm nữa mới về thăm quê.

Làng xưa đổi khác, chẳng còn là làng nữa, thành sân bay quân sự mất rồi.

Nói đến đây, Mộc nặng nề lặng im. Nước mưa ào ào tuôn dọc những lòng ống lồ ô, xối xả đổ xuống ở các đầu chái. Hơi ẩm lạnh lẽo lùa qua cửa sổ. Trong xó nhà, một con dế ri rỉ gáy.

- Đận ấy cũng rất muốn lên Quảng Ninh tìm cho ra bà chị gái, - Một nói tiếp, giọng trầm trầm - Ngặt nỗi đang mùa đông, con bé không chịu nổi rét mướt miền Bắc, mà tiền nong lại chẳng được bao lăm, hai bố con tôi không thể nấn ná, phải mau quay vào ngay trong này, trở lại rừng. Từ đó, chẳng còn dịp nào ra nữa.

- Thế con gái anh đâu?

- Tôi vừa cho cháu trọ học ở ngoài Đắc Tô. Ở trọ cực lắm, bố con lại chưa bao giờ xa nhau, nhưng phải đành. Đã mười ba tuổi đầu mà vẫn chưa chữ nghĩa gì sất cả. Tại đây chưa có trường sở, tôi thì bận bịu và cũng chẳng biết cách dạy chữ cho trẻ, thành thử... Xa cháu, tôi buồn lắm. Cứ mong cho chóng tới ngày nó đủ chữ viết nổi được cho bố nó đôi dòng. Đến khi đó thì phải nhờ cậy anh giúp đỡ, lưu tâm hộ, đừng để thất lạc của cháu.

- Thế chị ấy đâu? - Tôi hỏi - Vợ anh ấy, chị ấy đâu mà chỉ có hai bố con với nhau?

- Cái gì? - Mộc trợn mắt - Ai?

Tôi bối rối, lúng túng xin lỗi về sự tọc mạch của mình.

- Gì đâu mà, - Mộc lầm bầm - Sao phải xin lỗi... Chẳng qua là vì tôi thì vợ con gì cơ chứ.

Đáp lại cái nhìn dò hỏi của tôi, anh giải thích:

- Khi vào đây tôi là bộ đội. Giờ chuyển ngành rồi nhưng là chuyển ngành tại chỗ nên cứ quanh quẩn một dọc rừng này. Thử hỏi làm sao kiếm cho ra một cô vợ. Với lại, anh thấy đó, tôi già rồi, còn ham gì nữa...

Ngẫm nghĩ một lát anh nói tiếp:

- Vào chiến trường từ thuở 62 mà giờ vẫn còn gáo, chẳng phải do tài giỏi gì, chỉ bởi suốt mười ba năm chiến tranh tôi chưa từng một lần đi đâu ra khỏi vùng ven Sa Thầy này. Chưa từng nếm mùi trận mạc. Thuộc lớp lính tiền phong của B3 mà chưa từng biết thằng Mỹ mày ngang mũi dọc thế nào. Cho nên phải chịu lẽ bù trừ, được sống tới tuổi này, bốn mươi hơn rồi, nhưng mất gọn tuổi trẻ.

Mộc gõ gõ ngón tay lên mặt bàn, lặng im một lát, rồi tiếp tục kể:

- Mới chớm chân qua biên giới tôi đã sốt ngay rồi. Sốt rét ác tính, suýt chết. Rồi nữa là bị phù, nề hết cả nguời. Bị ngờ là nhiễm hủi. Coi như mất sức chiến đấu. Bấy giờ mà đang mùa khô thì cầm chắc là tôi đã được ra Bắc. Nhưng lại đang tháng Bảy, mùa mưa. Đơn vị gửi tôi về nằm điều trị ở trạm anh Nua. Trạm ấy là một dãy lán mà chỗ của nó bây giờ là nền của căn nhà này.

- Sao lại gọi trạm anh Nua?

- Vì anh Nua ở đây. Anh Y Nua, người Ê Đê.

Mộc thở dài, kể tiếp:

- Bề ngoài, Y Nua đã gần giống như một người rừng. Anh ấy dựng lán ở đây từ sau ngày Hiệp định Giơ-neo, sống lẩn lút, làm nương, làm rẫy tạo chỗ ăn ở, đi về cho cán bộ của tỉnh ủy Công Tum qua lại biên giới. Bản thân thì đói ăn, áo quần vỏ cây, đêm nằm ổ lá. Từ ngày tiểu đoàn tôi từ Xê Nọi tiến vào Tây Nguyên thì cái lán của anh Nua là một trong những cơ sở hậu cần đầu tiên của quân ta trên chiến trường này.

Mùa mưa năm 62 ấy, ngoài tôi còn năm đồng chí nữa là bệnh binh được đưa về đây. Anh Nua một mình nuôi dưỡng chúng tôi, kịp tới mùa khô giao liên về đón thì tất cả đều đã đủ sức lên đường ra Bắc. Nhưng đúng buổi chiều trước hôm chúng tôi rời trạm thì Y Nua chết ngoài nương. Một thân cây lớn vật xuống ngược chiều giằn lên anh ấy. Chôn Nua xong, không ai bảo ai chúng tôi đồng lòng ở lại cánh rừng này, với ý định ban đầu là tiếp tục vụ rẫy mà anh ấy đang làm dở.

Phát rậy, đốt nương, tỉa lúa, trồng bắp tuy là việc nặng nhọc nhưng lại chẳng mấy phức tạp nên không lâu tất cả chúng tôi đều thành thục. Và khi trung đoàn mở trận đầu tiên, trận Plây-mơ-rông, mùa khô năm 63, thì lương thực cho bộ đội hoàn toàn là do sáu anh em tôi sản xuất. Thế là từ đó chúng tôi chính thức sống cuộc đời lính “chọc lỗ”. Không ra Bắc nữa, cũng không trở về đơn vị chiến đấu, chúng tôi bắt tay vào vụ thứ nhì, rồi vụ thứ ba, thứ tư. Và cứ thế, cứ thế mãi...

Mộc cúi đầu xuống, thở nặng nhọc. Ngoài đêm mưa đã tạnh từ bao giờ. Đầu hiên tiếng nước giọt tí tách. Trên cửa sổ hình bóng của những lùm cây ướt át hiện lên lay động trong bóng tối phẳng lặng.

- Cơ ngơi của Y Nua lớn dần lên nhưng gian khổ còn lớn mau hơn. Nhưng nặng nề nhất, khổ nhất là cảnh cô độc. Thực vậy. Cô độc kinh người giữa bốn bề rừng già vây bọc. Sẽ quen thôi. Nhưng đâu phải chỉ vài năm là quen nổi. Có thời kỳ hàng năm chẳng ma nào lai vãng tới giang sơn u ám của anh em tôi. Nhưng có sao đâu điều đó. Chúng tôi là lính tăng gia B3 mà anh. Chúng tôi chỉ biết làm lụng, làm lụng cật lực để có luơng thực, lương thực thật nhiều, không phải cho bản thân mình mà cho anh em đồng đội đang chiến đấu ở những đâu đó xa tít mù tắp bên kia đại ngàn.

Chúng tôi chẳng biết gì mấy về tình hình chiến sự. B52, B57 ném bom uỳnh uỳnh xuống những đâu đó có vẻ xa vô chừng. Chưa bao giờ vùng này bị bom. Thỉnh thoảng có thằng C47 mò lên rải chất độc làm trụi lá rừng nhưng chẳng hề hấn gì lắm tới sắn lúa của chúng tôi. Ngay cả thời kỳ bọn Sư đoàn 4 Mỹ mở trận càn đông Sa Thầy, ở đây cũng chỉ nghe tiếng súng cỡ lớn. Cuộc sống như vậy, anh thấy đấy, thật não nề. Như bị bỏ quên, trong khi sức lực ngày một kiệt. Gánh nặng nương rẫy bẻ oằn sống lưng. Thân thể bị xô lệch. Mặt mày dệch dạc, già sụm đi. Lính tráng ở Cánh Bắc B3 gọi đây là trại Bảy Chú Lùn.

- Bảy chú lùn? - Tôi hỏi lại.

- Phải! Bảy, là kể cả Y Nua nữa. Còn lùn thì chả hiểu sao anh em họ gọi thế. Lâu ngày thành quen, ai cũng gọi thế cả. Trại Bảy Chú Lùn.

- Thế có nàng Bạch Tuyết nào không? - Tôi hỏi, hoàn toàn không có ý đùa bỡn.

Mộc không trả lời, tiếp tục kể:

- Bảy chú lùn, gọi thế, nhưng khi tên ấy đã thành quen thì đã chẳng còn đủ bảy. Sau Y Nua, là Tý. Chết năm 64. Cũng bị cây đè. Chết vậy khổ lắm. Hệt như nhau, các anh ấy lên cơn sốt đang lúc phát rẫy. Cây gãy, chuyển răng rắc, nhưng mắt hoa, chân tay run giật, đáng lẽ tránh sang trái lại bước sang phải. Mà khi chưa tắt thở thì chưa thể nhấc cây lên được. Trông sợ lắm. Cằm run bần bật, răng cắn nát môi, tóc bết vào trán, và máu thì không rỉ một giọt, mặt tím thâm, và tỉnh táo, chịu trọn cái đau cho đến lúc chết. Mọi người xúm quanh, bất lực. Sang mùa khô 65, Tâm lại cũng bị y thế. Sốt rét, đói muối, làm lụng không ngơi, sức kiệt... Nguyên nhân tai nạn là vậy. Biết vậy chứ làm thế nào mà tránh. Đến năm 1967 lại chết thêm Hinh. Nguyên do thế này: tới năm đó, đàn heo của trại chúng tôi đã hơn trăm con, nuôi thả bên kia suối. Vì vậy hổ cũng bắt đầu lượn lờ ngoài ngõ. Cuộc chiến giữa chúng tôi với bọn chúng ác liệt, kéo dài, có thể nói đẫm máu. Nhưng Hinh không phải bị hổ vồ mà vì cháy rừng...

Mộc ngồi lặng một lúc.

- Tối ấy, con heo nái khá nhất của trại bị hổ cõng mất. Điên ruột, tôi và Huy xách súng rượt theo dấu máu quyết khử bằng được con quái vật. Hinh đang sốt nên ở lại trông trại. Gần sáng, thì hạ được con hổ già ấy, khiêng về. Nửa đường, đang qua núi, trông về phía trại mà sững người: màn đêm bầm đỏ, phồng lên một mảng. Liệng con thú xuống cái phịch, chúng tôi đâm mình chạy, cắt chéo rừng tre gai, băng tuốt qua hố lầy bãi sình, một hơi không nghỉ, bổ về nhà. Khu này bên suối: nhà ở, bếp núc, lò rèn, vườn ong còn nguyên, nhưng bên kia suối với kho lương, kho thực phẩm, giống má, chuồng trại chăn nuôi thì cháy rụi. Có thể từ đây, qua màn khói, trông thấy dải đồi bên bờ đông Sa Thầy. Nghĩa là đêm ấy lửa đã ngốn ngon ba chục héc-ta rừng dọc bờ tây Sa Thầy. Cũng là kiểu cháy vòng tròn nhưng không phải từ tâm cháy ra mà từ ngoài cháy ập vào như lối ta đốt rẫy. Thêm nữa, lửa còn từ dưới đất cháy trồi lên. Lá mục, mùa khô dày hơn nửa thước, đủ độ nóng mà bùng cháy lên thì khác nào bị tẩm xăng. Lại không may phải đêm trời động gió. Lốc xoáy như rồng vặn, cuộn tròn lấy tán rừng. Mất ba ngày lội trong tro nóng, mới tìm thấy chút hình tích của Hinh ở gần chỗ vốn là kho lương thực. Cậu ấy muốn cứu kho và cứu đàn heo nên đã liều mình với lửa mà sức thì đuối không thể chọi nổi với vòng vây thít lại quá nhanh và hung tàn như thế. Vậy là, sót lại trên đời, tôi, Huy, hai thằng... Thế mà, cuối mùa mưa 68, kỷ niệm sáu năm kết nghĩa vườn đào, đến lượt Huy, người anh em thứ sáu của tôi bị một cơn sốt ác tính vật ngã ngoài rẫy lúc đang cùng tôi làm cỏ lúa.

- Thế không có lực lượng bổ sung hay sao hả anh? - Tôi thì thầm.

- Cái gì cơ? Bổ sung ấy à, bổ sung! - Mộc phẩy tay - Ở B3, các đơn vị chiến đấu cũng ít nghe đến chuyện đó, huống hồ một trại tăng gia ở chuyến sau.


(còn tiếp)