Lê Minh Hà, “Bánh tẻ”




Trong miền ký ức của tôi có hình ảnh xóm nhỏ đã chở che tôi những năm chiến tranh đánh phá lan rộng ra miền Bắc (...) Có dễ ba mươi năm đã qua rồi (...) Tôi thèm nếm lại một miếng bánh tẻ được bác chủ nhà cho thuở ấu thơ. Sau này, đời sinh viên, tôi đã vị của bao nhiêu loại bánh trái do các bạn đồng học mang lên trường sau dịp về quê nghỉ tết, song chưa bao giờ tôi tìm lại được miếng ngon của thời đã qua. Các bà ở xóm nhỏ xưa làm bánh tẻ cầu kỳ lắm. Gạo tẻ ngon, sàng sảy kỹ mới đem xay thành bột nước, rồi ngâm và thay nước hàng ngày cả tháng trời, sát tết mới đem quấy đều tay trên lửa nhỏ (công đoạn này gọi là "ráo bột") rồi đem gói thành từng chiếc dài dài thanh thanh bằng lá dong như gói bánh chưng. Ăn tới đâu người ta mới ráo bột, gói và luộc tới đó, rồi buộc từng chục chiếc một bằng lạt giang, ngoắc lên vách bếp trát rơm với bùn, đến bữa hoặc có khách mới mang ra bóc bày lên đĩa. Bánh chẳng có thứ nhân gì đáng kể ngoài một chút mỡ hành, nhưng thơm và dẻo, lại hơi giòn giòn chứ không dính như bánh gù, bánh nếp hay thấy bày bán ngoài hàng nước, cũng không mềm và hơi nan nát như bánh giò vốn rất thân thuộc với người Hà Nội. Cầm cái bánh nóng đã bóc, phất phất như một tờ giấy, bánh vẫn không gãy. Bánh ấy, chấm với nước mắm cốt, có nêm tí chút hạt tiêu mới xay giã dập, sao mà ngon lạ lùng. Vũ Bằng xưa, đôi lúc nhớ quay quắt Hà Thành, chỉ muốn được nếm lại món ngon Hà Nội. Còn tôi, từ nơi sơ tán trở về Hà Nội, nhiều khi muốn được về lại xóm nhỏ ven sông, để nếm lại một chiếc bánh tẻ, ăn lại một con cá thiểu nướng rồi đem kho khô cho ba ngày tết nhất. Xóm nhỏ ấy đã giữ của tôi bao nhiêu điều mà Hà Nội tôi yêu tha thiết cũng không thể nào làm đầy trở lại tâm hồn tôi được. Những ngày ấy, những năm tháng ấy, những tết nhà quê ấy đã làm tôi hiểu vì sao người ta có thể viết Khi ta ở chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn... (Chế Lan Viên)


(Trích
Thương thế, ngày xưa..., nxb. Văn Mới, Mỹ, 2001. Nhan đề phần trích tạm đặt.)