Còn hình ảnh nào buồn bã hơn: “Tôi đã có nhiều dịp trở lại những cánh rừng cũ, ngang dọc hàng trăm cây số vẫn cứ thấy thăm thẳm trước mắt cái vương quốc hư vô của cỏ hoang. Dọc đường 12 từ Huế lên A Lưới, mặt đất nhẹ hẫng đi trong ngọn gió lay lắt thổi qua cỏ tranh. Gần trăm cây số từ Ðông Hà lên Lao Bảo, con đường 9 ngày trước mát lạnh dưới bóng cả cây già, bây giờ trở thành một hẻm núi chạy hun hút giữa những lau lách, nóng rát mặt. Từ ngã ba sông Ða-krông rẽ vào đường Trường Sơn đông, dây leo, dây bìm đủ loại mọc đùn lên thành thiên hình vạn trạng, trong nắng xế trông cứ như những bầy thú giận dữ từ vực sâu kéo lên khắp các sườn núi. Lại tiếp hơn trăm cây số về phía nam, thung lũng A Lưới - A Sao trần trụi trong nắng cháy, trong gió xoáy và sấm sét; rừng già chết đi còn để lại những xương cốt trắng lởm chởm trên mặt đất (…)”.

Nhưng lần này “tôi” đi qua khu rừng tùng ngày xưa và được ngạc nhiên và vui cũng thật khó hơn:
“Trên bãi đất mênh mông mà tôi ngỡ rằng chỉ còn là một di chỉ buồn bã của sự hủy diệt (…) từ bao giờ rừng đã sống lại, tươi non, biếc xanh, lớp lớp cây giàn khắp mặt đất như một thế hệ trẻ đang đứng dậy. Không hiểu bằng cách nào, đất đai A Sao đã che chở cho những hạt giống thoát khỏi hóa chất Mỹ, gần mười lăm năm tôi trở lại, những cây tùng trẻ đã cao quá tay với, và như bản chất của nó, khu rừng đã biết hát rì rào dù trời không có gió, trên lá, trên đầu cây đã quyện nhẹ chút khói lam”.

Đã gần bốn mươi năm nữa từ ngày
“tôi hái một nhánh tùng trở về, bâng khuâng tưởng chừng như cầm theo trong bàn tay bấy nhiêu sương khói của những tháng năm...”. Không biết khu rừng tùng ấy nay đã đủ tuổi để quyến rũ chim phượng hoàng đáp xuống chưa? (Thu Tứ)



Hoàng Phủ Ngọc Tường, “Rừng A Sao” (2)




Vừa rồi, trong cuộc hội nghị bảo vệ rừng lần thứ hai của huyện A Lưới, tôi được nghe một bản tham luận rất hay của kỹ sư Hồng Sơn, về chuyên đề “Rừng tiền phong”. Khó mà nói hết nỗi ngạc nhiên và vui mừng của tôi khi tôi nhận ra kỹ sư Hồng Sơn chính là A Pách. Sau chuyến đi qua rừng tùng năm ấy, chúng tôi không có dịp gặp lại nhau. Có lần tôi được tin A Pách đã ra miền Bắc học văn hóa. Tưởng học bổ túc qua loa gì đấy, ai ngờ cậu ta làm thẳng một mạch xong đại học lâm nghiệp, về phụ trách một đội điều tra rừng, công tác ở miền tây hơn một năm nay rồi (...)

Chúng tôi ngồi chuyện trò trên một tảng đá ở lưng chừng đồi, nhìn xuống thung lũng (...) A Pách nói:

- A Lưới có gần 105.000 héc-ta rừng, mà tám mươi bốn phần trăm đã hóa thành rừng lau. Ðất vốn là phù sa cổ, khá tốt, nhưng đã hóa chua nghiêm trọng bởi chất độc hóa học. Cải tạo lại đất và trồng lại rừng trên một diện tích mênh mông như vậy trong điều kiện đất nước hiện nay (...) là lao vào ảo tưởng (...)

Tôi đã có nhiều dịp trở lại những cánh rừng cũ, ngang dọc hàng trăm cây số vẫn cứ thấy thăm thẳm trước mắt cái vương quốc hư vô của cỏ hoang. Dọc đường 12 từ Huế lên A Lưới, mặt đất nhẹ hẫng đi trong ngọn gió lay lắt thổi qua cỏ tranh. Gần trăm cây số từ Ðông Hà lên Lao Bảo, con đường 9 ngày trước mát lạnh dưới bóng cả cây già, bây giờ trở thành một hẻm núi chạy hun hút giữa những lau lách, nóng rát mặt. Từ ngã ba sông Ða-krông rẽ vào đường Trường Sơn đông, dây leo, dây bìm đủ loại mọc đùn lên thành thiên hình vạn trạng, trong nắng xế trông cứ như những bầy thú giận dữ từ vực sâu kéo lên khắp các sườn núi. Lại tiếp hơn trăm cây số về phía nam, thung lũng A Lưới - A Sao trần trụi trong nắng cháy, trong gió xoáy và sấm sét; rừng già chết đi còn để lại những xương cốt trắng lởm chởm trên mặt đất (…) Tôi đăm chiêu nhớ lại, hỏi A Pách:

- Tất cả đang hóa thành đá ong chăng?

A Pách gật:

- Ðúng là nhiều nơi, đất có hiện tượng đang bị la-tê-rít hóa. Nhưng nếu tính bằng tuổi của rừng, thì cũng không ai đủ sức giết được rừng...

A Pách nói lửng lơ. Cậu dẫn tôi băng qua bãi tranh, bỏ đường mòn, đi đâm ngang vào giữa một vùng lau rậm rịt. A Pách rẽ lá, chỉ cho tôi xem: chen giữa những gốc lau dày, rải rác khắp nơi nhiều loại cây rừng mới mọc. A Pách hái lá đầy nắm tay, đưa cho tôi xem từng chiếc lá một, nói như reo lên:

- Ðây là cây cheo, đây là ba bét, cây dẻ này, à mà cả xồi vàng mép cũng đã xuất hiện. Nhưng sẽ mau lớn hơn tất cả, là các anh khác, nhọ nồi này, nhất là côm, có anh đã vượt lên ngang đọt lau rồi. Tôi đã hoàn thành công tác điều tra rừng A Lưới, từ đường 12 qua đường 9. Tôi có thể khẳng định rằng, dưới rừng lau, rừng tiền phong đã xuất hiện. Mới trong khoảng mười năm, có nơi mới năm năm, cây tiền phong đã cao lên vài chục xăng-ti-mét. Những cây này chỉ là cây tạp, không có giá trị kinh tế nào cả; nhưng nhìn thấy nó, người lâm nghiệp chúng tôi rất cảm động. Anh có hiểu tại sao không? Chính loại cây này báo cho chúng ta biết rằng rừng đang sống lại (...)

Quá trình là như thế này: những cây tiền phong này sẽ lớn lên, khép tán lại để tiêu diệt rừng lau, và đó là lúc rừng tiền phong đã trưởng thành (...) chỉ khoảng mười năm trở lại, đất đai miền tây sẽ được che phủ bởi một tảng rừng lớn. Ðó là bước đầu. Lau lách bị hủy diệt đến đâu, sẽ hóa thành mùn nuôi sống rừng đến đấy. Sang bước thứ hai: có thức ăn rồi thì dưới bóng mát của rừng tiền phong, đến lượt những cây kinh tế xuất hiện, đủ tuổi thì rừng già sẽ phục hồi. Nhân dân miền tây đã nắm được quy luật phát triển này của rừng, qua cách gọi của họ. Họ phân biệt rừng già nguyên sinh là crơng, rừng già phục hồi là ari rink, giữa hai thứ rừng già đó là ari nhom, tức là cái mà lâm nghiệp gọi là rừng tiền phong. Từ cây tiền phong xuất hiện đến ari rink phải cần khoảng mười lăm tới hai mươi năm.

Tôi cười:

- Rừng sẽ chóng già hơn chúng mình, A Pách nhỉ?

(...)

Ðề án tái sinh rừng của A Pách có thể tóm tắt như thế này (...) không phải là trồng lại rừng mà chính là bảo vệ những mầm mống thực vật đang được ấp ủ trong rừng lau (...) Ở hội nghị vừa qua, tôi đã có dịp chứng kiến sự quyết tâm chưa từng thấy nhằm phục hưng môi trường sống. Việc đốt rừng lau để làm rẫy, trước kia xem như vô hại, bây giờ đã phải khoanh vùng, hạn chế đến mức tối đa để bảo vệ rừng tiền phong đang sinh nở. Những đội dân quân xã đã hoạt động hết sức vất vả để chế chống nạn cháy rừng, thường gây ra bởi đội quân đông đảo của những người thành phố lang thang khắp miền tây đốt rừng để tìm nhôm cùng những loại phế liệu chiến tranh đang hoen rỉ trong lau lách. Ðể giải quyết nhu cầu lương thực do việc hạn chế làm rẫy, A Lưới chuyển sang thâm canh ruộng nước (...) A Pách cho tôi biết thêm (…) huyện ủy A Lưới đã thông qua quyết định tạm thời đình chỉ việc làm nhà sàn (...) Tôi ngần ngại:

- Kể cũng đáng tiếc, vì nhà sàn là một mô-típ văn hóa quý...

A Pách ngắt lời tôi:

- Người dân tộc ai không thích ở nhà sàn, các đồng chí huyện ủy cũng là người dân tộc. Nhưng nếu không đình chỉ thì những vệt rừng già còn lại sẽ mất. Phải chờ, rồi sẽ đến lúc đồng bào miền tây được trở lại xây cái nhà sàn thân yêu của mình; mà biết đâu lại là kiểu nhà sàn hiện đại kia chứ.

(...)

Ðang trên đường đi, A Pách chợt níu tay tôi dừng xe lại, chỉ cho tôi một vùng rừng chết (…) vẫn cảnh tượng quen thuộc, những bộ lõi cây trắng đứng dựng trên mặt đất trơ trụi (…)

- Anh còn nhớ khu rừng tùng ngày xưa không? Chính nó đấy!

Tôi buột miệng:

- Trời ơi! Nó đã chết, chỉ còn lại một bãi xương khô thế kia!

- Ta rẽ vào đó một chốc đi. Nó sẽ có cái làm cho anh ngạc nhiên.

Không đợi A Pách dứt lời, tôi vội dắt xe băng qua bãi dứa dại, lòng bồi hồi như mong gặp lại một cố nhân yêu mến. Ðiều bí mật mà A Pách hứa hẹn đã hiện ra trước mắt tôi: trên bãi đất mênh mông mà tôi ngỡ rằng chỉ còn là một di chỉ buồn bã của sự hủy diệt (…) từ bao giờ rừng tùng đã sống lại, tươi non, biếc xanh, lớp lớp cây giàn khắp mặt đất như một thế hệ trẻ đang đứng dậy. Không hiểu bằng cách nào, đất đai A Sao đã che chở cho những hạt giống thoát khỏi hóa chất Mỹ, gần mười lăm năm tôi trở lại, những cây tùng trẻ đã cao quá tay với, và như bản chất của nó, khu rừng đã biết hát rì rào dù trời không có gió, trên lá, trên đầu cây đã quyện nhẹ chút khói lam (…)

Tôi hái một nhánh tùng trở về, bâng khuâng tưởng chừng như cầm theo trong bàn tay bấy nhiêu sương khói của những tháng năm...


(Trích bài “Ðời rừng” trong tập
Ai đã đặt tên cho dòng sông (1985). Nhan đề phần trích tạm đặt.)