“Dù trong những ngày thanh thản nhất, tôi vẫn cứ thấy như là yên lòng trở lại mỗi lần bước qua vòm cổng (…) Một lối đi khá dài, hai bên trồng mai trắng, lá đan che trên đầu người như nối dài thêm (...)

Vườn có một cây ngọc lan già năm chục tuổi (...) Thu tàn đông lạnh (...) vẫn (...) một màu lục tươi nguyên khối (...) Hoa (...) những cánh màu ngà thon thon dáng ngón tay thiếu nữ, cầm hoa như giữ trong tay một kỷ niệm xao xuyến (...) nở không có mùa, cứ mỗi cơn mưa cơn nắng (…) lại bừng lên dễ đến hàng vạn đóa trên cây, hương bay xa (...)

Mùa xuân (..) cả một thế giới lộng lẫy, rạo rực, như một khúc múa rối loạn xiêm áo (...) Vườn trồng nhiều hoa, mỗi thứ một ít (...) nhài, lý, thạch lựu, mặt trời, tường vi, các giống hồng bản địa (...) thổ lan (...) phong lan (...) hồng châu Âu (...) sim (...) hải đường đỏ thắm (...) hân hoan, say đắm (...) cội cành thường sần lên những lớp rêu da rắn màu rỉ đồng (...) trà mi đỏ tươi, màu đỏ rất sâu, cứ hút lấy cái nhìn của người xem. Hoa đỏ đã đẹp, hoa trắng càng đẹp lạ; có cái gì thật (…) tinh khôi trong màu trắng hoa trà, toàn đóa hoa như một phiến ngọc (...) Tháng ba (...) hoa lê nở (...) Dưới trời quang đãng (...) trong nắng trong gió, những chùm hoa rung động nhẹ (...) như bướm trắng (...) những cánh bướm bay đến từ một cõi trời nào khác (...) Ðã quá giữa xuân: cam, bưởi, thanh trà đã già mùa hoa, tỏa lan khắp vườn một mùi hương rộng rãi (...) Vườn măng cụt đang nẩy lộc chi chít, trên ngọn mỗi chùm lá đều chĩa ra một cặp lá non thật nhọn hình cánh chim, tưởng chừng có ngàn vạn con chim anh vũ đang giấu mình dưới lá, đôi cánh biếc của chúng xòe ra ở đầu cành (...)

Vào hạ, sự chuyển dịch của trời đất như chùng lại trên cây cối; vẻ bay bướm xuân thì đã qua đi, thiên nhiên ổn định hẳn trong màu lục trầm trầm của lá già (...) Hạ chí trở đi (...) vào mùa quả, khởi đầu là (...) thơm Nguyệt Biều vỏ chín đỏ như lửa, cắt ra lát tròn to vừa lòng cái đĩa bàn, vàng rệu màu mật ong (...) dâu Truồi (...) trái chín vàng hươm từng chuỗi dài đổ ùn thành đống quanh gốc cây (...) hồ tiêu (...) thanh long (...) cây xấu xí mà hoa đẹp thế, hoàn toàn giống hoa quỳnh (...) vải Hưng Yên đưa vào Huế (...) quả lớn hạt nhỏ, cùi trắng nõn trông như một miếng mỡ thơm và ngọt lịm (...) sầu riêng Lái Thiêu (...) trái to múi thơm không khác trái vườn trong Nam (...)

Càng vào thu, khu vườn càng hiện ra trong vẻ đẹp của trái (...) Cuối vụ thu là mùa hái hồng. Mấy cây hồng này già tuổi nhất trong vườn, vốn là quả của cụ Nghè Mai - cháu nội cụ Nguyễn Du - tặng cho chồng bà Lan Hữu ngày mới lập vườn. Hồng Tiên Ðiền là giống cây quý của quê hương Nghệ Tĩnh, ngàn vạn trái không có một hạt, chín lụn đài vẫn dính vỏ, không bị tróc mất như các loại hồng thường (...) Hết mùa hồng, vườn cũng hết trái. Cây cỏ tiêu sơ dần trong thu tàn (...) Hàng mai trắng đã trút sạch lá, cành khô vẽ lên nền trời cảnh trầm mặc kỳ lạ của tranh lụa cổ. Chỉ giống cỏ tường lan, tưởng đã chết tiệt mất trong nắng cháy mùa hè, sau một vài cơn mưa lại rộ lên xanh um, hoa từng cụm hồng chen chúc ven lối đi, ríu rít, hớn hở, trẻ dại (...)

Mùa đông về dằng dặc trong tiếng động nghìn trùng của mưa trên lá. Tưởng không còn gì để trông ngóng ở khu vườn trước lúc sang xuân, thì đến tháng mười một, măng cụt chín (...) Ðây là mùa thu hoạch chính của những khu vườn vùng Kim Long. Quả măng, người Huế còn gọi là trái giáng châu, lúc chín màu tím sẫm, ở rốn quả nổi lên một hình hoa nhỏ, nhìn hoa có bao nhiêu cánh thì biết bên trong có bấy nhiêu múi (...) nhờ có mùa măng, vườn An Hiên vẫn giữ được phong độ qua buổi vạn vật tàn phai. Ðể đến một buổi sáng nào đó, hàng mai trước cổng bỗng nở trăm nghìn đóa hoa trắng trong sương mù, như cảnh tuyết, đẹp đến bồi hồi. Ấy là tiết đông chí, khí dương hòa trở lại. Từ trong đêm lạnh, khu vườn bước ra với một sắc đẹp tinh khôi, với mai vàng, hải đường, nguyệt quí, hoa trà mi ngậm sương và hoa đào cười gió đông (…)”.

Vườn chi mà mê quá. Chuyến sau ghé Huế, nhất định phải thăm, bước qua vòm cổng, qua tiếp dưới vòm mai trắng… Biết đâu sẽ gặp lúc hoa ngọc lan nở, sẽ được đi trong hương thơm, được cúi nhặt vài ngón tay ngà thiếu nữ… Chưa biết sẽ là mùa nào, nhưng mùa nào mà An Hiên chẳng có những chi đó rất tuyệt vời để chào đón khách…

Khách cứ mơ nữa đi. Ra hay vào Huế, cứ tới thăm đi. Để biết vườn đẹp cũng có tuổi thọ. Biết rồi, gặp hiện tại rồi, nếu về có thấy bâng khuâng thì cứ giở ra xem lại bức chân dung quá khứ mà một tri kỷ của vườn năm xưa đã vẽ.
(Thu Tứ)



“Hoa trái quanh tôi”

Hoàng Phủ Ngọc Tường




Vườn Huế, dù giàu hay nghèo, thường vẫn có cổng gạch, mái khá rộng, phía ngoài trồng vài cây có quả: ấy là chỗ dừng chân qua cơn mưa, là chút bóng mát dành cho người đi đường, là chút lộc hoa trái dành cho trẻ con trong xóm (...)

Vườn An Hiên là một kiểu vườn Huế như vậy (...)

Dù trong những ngày thanh thản nhất, tôi vẫn cứ thấy như là yên lòng trở lại mỗi lần bước qua cái vòm cổng kia, thấy nhô lên ở cuối sân chiếc mái ngói cổ với những nét uốn cong giống như nụ cười nhếch mép của thời gian phảng phất giữa ngàn lá xanh biếc. Một lối đi khá dài, hai bên trồng mai trắng, lá đan vòm che trên đầu người như nối dài thêm cái vòm cổng vào đến sân (...) cái “ngõ hạnh” này (...) vài chục bước đi thong thả dưới lá xanh, nó thường mang lại cho tôi một món quà tâm hồn nửa thực nửa ảo rất khó tả - một chút hương đăng đắng của rừng mùa thu, một mảnh nhỏ xa xôi của biển (...)

Vườn có một cây ngọc lan già năm chục tuổi, đứng sát cổng, cây cao bóng cả (...) Thu tàn đông lạnh, nó cũng chỉ rụng lác đác ít lá vàng, vẫn giữ một màu lục tươi nguyên khối không hề biết đến năm tháng; cây già mà hoa trẻ, những cánh màu ngà thon thon dáng ngón tay thiếu nữ, cầm hoa như giữ trong tay một kỷ niệm xao xuyến. Hồi tôi đến đây, cây ngọc lan vẫn còn, hoa nở không có mùa, cứ mỗi cơn mưa cơn nắng chợt đến lại bừng lên dễ đến hàng vạn đóa trên cây, hương bay xa mấy dặm (...) Tiếc quá, pháo hồi tết Mậu Thân đã găm vào thân cây một mảnh đạn không gắp ra được; nó vẫn xanh tươi nhưng rỗng ruột dần; nấn ná bao lâu rồi bà Lan Hữu đành phải cho đốn đi, sợ có lúc nó đổ xuống làm sập cổng. Tôi đi xa về, không còn cây ngọc lan, lòng cứ bâng khuâng như thể mùa thu đã mất đi trong trời đất. Hôm nọ đi quanh vườn, tôi lại chợt nghe mùi hương ngọc lan thơm nồng, cứ tưởng là ảo giác. Tìm mãi, thấy ở góc vườn một cây hoa lạ, cũng là ngọc lan, nhưng hoa vàng màu đu đủ chín hườm, tôi mới biết lần đầu. Hỏi bà Lan Hữu, mới hay đó là hoa hoàng lan, thường gọi là bông sứ vàng, giống còn lại ở Huế rất hiếm (...)

Mùa xuân lên vườn An Hiên, đầu óc tôi không còn muốn bận bịu gì, để buông mình giữa cuộc sống sôi động của cây cối. Sau Tết trở đi, mọi cây lớn trong thành phố nối tiếp nhau rụng lá, thì chính trong khu vườn này, tôi mới cảm nhận hết cái sức sống kỳ diệu của “Người Mẹ Tạo Vật”. Từ mặt đất ướt lạnh và quạnh hiu kia, mùa xuân chợt đánh thức dậy cả một thế giới lộng lẫy, rạo rực, như một khúc múa rối loạn xiêm áo.

Vườn An Hiên trồng nhiều hoa, mỗi thứ một ít (...) dân dã có các loại nhài, lý, thạch lựu, mặt trời, tường vi và các giống hồng bản địa; quí phái như các loại thổ lan và phong lan; và bên cạnh những khóm hồng hiện đại nhập giống từ các hãng vườn Gaujard và Meilland ở châu Âu, người ta còn có thể nhìn thấy một bụi hoa sim dại.

Từ cổng vào, lần nào tôi cũng phải dừng lại ngắm những cây hải đường trong mùa hoa của nó; hai cây đứng đối nhau trước tấm bình phong cổ, rộ lên hàng trăm đóa ở đầu cành phơi phới như một lời chào hạnh phúc. Nhìn gần, hải đường có một màu đỏ thắm rất quý, hân hoan, say đắm. Tôi vốn không thích cái lối văn hoa của các nhà nho cứ muốn tôn xưng hoa hải đường bằng hình ảnh của những người đẹp vương giả. Sự thực thì ở ta, hải đường đâu phải chỉ mọc nơi sân nhà quyền quý; nó sống khắp các vườn dân, các đình, chùa, nhà thờ họ. Dáng cây cũng vậy, lá to thật khỏe, sống lâu nên cội cành thường sần lên những lớp rêu da rắn màu rỉ đồng, trông dân dã như cây chè đất đỏ. Hoa hải đường rạng rỡ nồng nàn, nhưng không có vẻ gì là yểu điệu thục nữ; cánh hoa khum khum như muốn phong lại cái nụ cười má lúm đồng tiền. Bỗng nhớ năm xưa, lần đầu ra Bắc lên thăm đền Hùng, tôi đã ngẩn ngơ đứng ngắm hoa hải đường nở đỏ núi Nghĩa Lĩnh.

Hoa đẹp mãn khai vào dịp Tết ở đây, không thể không nhắc tới hoa trà mi, trồng trong những chậu sành lớn. Trà mi đỏ tươi, màu đỏ rất sâu, cứ hút lấy cái nhìn của người xem. Hoa đỏ đã đẹp, hoa trắng càng đẹp lạ; có cái gì thật trong và tinh khôi trong màu trắng hoa trà, toàn đóa hoa như một phiến ngọc bạch (...)

Nguyễn Du (...) viết (...) “Hải đường lả ngọn đông lân”, nhiều người vẫn chê rằng từ “lả ngọn” dùng không chính xác, so với cái dáng thô cứng của cành và lá hải đường. Tình cờ đọc tài liệu cổ ở nhà bà Lan Hữu, tôi mới biết rằng rốt cuộc Nguyễn Du vẫn đúng. Hải đường Trung Quốc (quê hương nàng Kiều) thì cây thấp, cành mềm, lá nhỏ; xem hình vẽ thấy hoa chỉ có một lớp cánh xếp quanh nhị, không tạo thành hình khối gợi cảm như hải đường ở ta.

Tháng ba... Khi các màu sắc trong khu vườn đã quá độ mãn khai của chúng vào tiết xuân, lùi lại dần trong cảm giác quen mắt, thì bắt đầu tháng ba, hoa lê nở. Năm ấy tôi về muộn, sau một chuyến đi dài (...)

Tôi về Huế, lên An Hiên. Bà Lan Hữu đang ở sau vườn. Bà mặc bộ bà ba lụa trắng, mải ngắm cây thanh trà vừa ra trái mùa đầu, trái non kết từng chùm tròn, sai như chẽ cau (...)

- Người ta nói anh định rời Huế hẳn, nhưng cô không tin. Anh về lại là cô mừng. Vô nhà uống nước rồi đi xem hoa lê. Lê năm nay sao muộn, mãi hôm qua mới nở. Nghe anh về, cô cứ nghĩ trong bụng, không chừng nó chờ anh lên.

Hai con bé của tôi đang ríu rít quanh bụi bông cẩn (tức hoa dâm bụt), không màng gì đến mọi thứ hoa trái nào khác. Ðúng là bông cẩn có một chất tuổi thơ riêng, không hoa nào thay thế được. Hai con bé, cùng với bạn của chúng, vẫn giành lấy một thế giới riêng dưới bụi hoa này: bày đồ hàng, làm món ăn, làm lồng đèn, và với những cuống nhị lấm tấm vàng, chúng còn làm những đôi trằm đeo tai xinh đẹp. Mấy năm đi xa, chúng nó cũng thấy nhớ, thỉnh thoảng hai chị em lại kéo nhau chạy, nói vu vơ: “Mau về nhà mình ở dưới bụi hoa”.

Uống trà xong, tôi đi dạo quanh vườn (...) Ðã quá giữa xuân: cam, bưởi, thanh trà đã già mùa hoa, tỏa lan khắp vườn một mùi hương rộng rãi (...) Lâu nay vì xem chúng là cây ăn quả, tôi vẫn nghe hương thơm của chúng một cách như là ngẫu nhiên. Bây giờ tôi mới lưu ý tới điều này, rằng cái họ cam - chanh - bưởi này, trước khi cho quả, chúng đã mang đến cho con người một mùa hoa thực sự của riêng chúng, với đầy đủ tư cách là hoa, cũng giống như hoa hồng vậy.

Tôi đi vòng lại góc sân, nơi đó cây lê đang nở hoa. Trên những cành thẳng có những chấm mắt nhỏ gồ ghề dáng đốt trúc, mấy chùm hoa trắng điểm lên ít lá non xanh mơn mởn, bóng loáng. Cành to khỏe, hoa chỉ điểm năm ba chùm, nhưng người ta không cảm thấy là ít, hình như hoa lê sợ sự thừa thãi. Dưới trời quang đãng của tiết xuân muộn, trong nắng trong gió, những chùm hoa rung động nhẹ trước mắt tôi giống như bướm trắng, nhưng là những cánh bướm bay đến từ một cõi trời nào khác (...)

Tôi ngồi bệt xuống thềm, duỗi chân, nhìn lan man ra vườn. Vườn măng cụt đang nẩy lộc chi chít, trên ngọn mỗi chùm lá đều chĩa ra một cặp lá non thật nhọn hình cánh chim, tưởng chừng có ngàn vạn con chim anh vũ đang giấu mình dưới lá, đôi cánh biếc của chúng xòe ra ở đầu cành (...)

Vào hạ, sự chuyển dịch của trời đất như chùng lại trên cây cối; vẻ bay bướm xuân thì đã qua đi, thiên nhiên ổn định hẳn trong màu lục trầm trầm của lá già. Vườn - lá không đẹp, dù vậy, nó chưa bao giờ làm cho tôi chán mắt; bởi nó toát ra khí mạnh của nhựa cây, và trong những ổ lá rậm rịt kia, các loại trái đang lớn lên dưới sức nóng hun đúc. Hạ chí trở đi, vườn An Hiên vào mùa quả, khởi đầu là mùa thơm: giống thơm Nguyệt Biều vỏ chín đỏ như lửa, cắt ra lát tròn to vừa lòng cái đĩa bàn, vàng rệu màu mật ong (...) Dâu chín vào tháng năm, tháng sáu. Cây dâu Truồi ở vườn bà Lan Hữu rất đẹp, tán lá khum khum úp sát mặt đất, kín mít, bên trong rỗng, trái chín vàng hươm từng chuỗi dài đổ ùn thành đống quanh gốc cây (...) Sau vườn, cạnh giếng nước, có một vạt đất trồng mức làm choái cho những loại cây leo: hồ tiêu, thanh long v.v. Cây thanh long đặc sản nổi tiếng vùng Nha Trang, có lẽ là giống cây hiền nhất trong vườn: thân nhánh dài ngoằng nằm ùn đống trên chạc cây mức trông như một đống dây chão; trồng một lần rồi chẳng bao giờ cần ngó lại, nó giống như một vật bỏ quên sau vườn, đến mùa lại cho con người hoa trái. Cây xấu xí mà hoa đẹp thế, hoàn toàn giống hoa quỳnh, cũng nở và tàn trong một đêm (...) Trái thanh long màu cánh sen, chín vào những ngày nóng nhất của mùa hè, ruột trong như bột lọc làm mát và khỏe người (...) Cuối hạ, mỗi hoàng hôn, lũ dơi lại xuất hiện, đảo liệng khắp vườn rồi chui vào những vòm lá tối, nơi đó tỏa ra mùi vải chín. Hè năm ngoái, chúng tôi về huyện Nam Thanh, Hải Hưng; miền quê cây trái hào hiệp, mời khách ăn vải thiều không tiếc của, cứ đổ luôn trên mặt bàn thành đống cao như khoai như ngô. Giống trái quí này xưa kia dùng để tiến nạp cho vua ăn, bây giờ chúng tôi được đãi theo lối xả láng, ăn no nê. Giống vải Hưng Yên đưa vào Huế vẫn giữ được phẩm chất của nó, quả lớn hạt nhỏ, cùi trắng nõn trông như một miếng mỡ thơm và ngọt lịm. Vườn An Hiên còn có mấy cây vải Phụng Tiên, giống vải Huế quả lớn hơn quả nhãn một chút, hạt bé bằng hạt tiêu, hương vị không kém vải thiều xứ Bắc. Giống “vải trạng” này được xếp vào dòng quý tộc, xưa chỉ trồng nơi cung cấm; bà Lan Hữu xin lại từ vườn của một viên thái giám. Ðối xứng với cây vải miền Bắc, góc vườn bên kia có hai cây sầu riêng Lái Thiêu (...) mang về trồng đã hai mươi năm, cách đây vài năm mới cho mùa quả đầu, trái to múi thơm không khác trái vườn trong Nam.

Càng vào thu, khu vườn càng hiện ra trong vẻ đẹp của trái (...) cuối tháng tám, vừa lúc những cây thị nhung chi chít những quả đỏ. Loại thị này, hương vị giống quả táo tây, cũng là một loại trái cây lạ, do mấy ông cố đạo mang đến Huế từ một xứ nhiệt đới xa xôi nào đó. Cuối vụ thu là mùa hái hồng. Mấy cây hồng này già tuổi nhất trong vườn, vốn là quả của cụ Nghè Mai - cháu nội cụ Nguyễn Du - tặng cho chồng bà Lan Hữu ngày mới thành lập vườn. Hồng Tiên Ðiền là giống cây quý của quê hương Nghệ Tĩnh, ngàn vạn trái không có một hạt, chín lụn đài vẫn dính vỏ, không bị tróc mất như các loại hồng thường. Sau mùa trái nó trút hết lá, cây cỗi cành trơ, nhìn cứ tưởng là nó đã chết khô. Qua tiết đông, thoắt cái nó nảy lộc chi chít, mươi hôm sau lá đã phủ kín cây; lá hồng tròn dày, xanh bóng, nhậy cảm với từng tia nắng, sáng trưng lên trong niềm vui phục sinh của mùa xuân. Tháng hai hồng ra hoa, trong mỗi đóa hoa xanh biếc đã kết một trái non. Từ đó đến lúc chín, trái non rụng dần (...) Nếu trái nào cũng đậu thì cây mẹ sẽ chết vì làm sao nuôi nổi chừng ấy con (...)

- Người làm vườn xưa có tục tạ ơn cây. Cuối năm có cái lễ nhỏ, có hột nổ, pháo và ít giấy vàng bạc dán vào gốc cây. Không phải thờ cúng thần thánh, chỉ là mình đã nhận của nó nhiều thì trả lại cho nó chút ít (...)

Hết mùa hồng, vườn cũng hết trái. Cây cỏ tiêu sơ dần trong thu tàn, với lụt lội và những cơn bão. Hàng mai trắng đã trút sạch lá, cành khô vẽ lên nền trời cảnh trầm mặc kỳ lạ của tranh lụa cổ. Chỉ giống cỏ tường lan, tưởng đã chết tiệt mất trong nắng cháy mùa hè, sau một vài cơn mưa lại rộ lên xanh um, hoa từng cụm hồng chen chúc ven lối đi, ríu rít, hớn hở, trẻ dại.

Mùa đông về dằng dặc trong tiếng động nghìn trùng của mưa trên lá. Tưởng không còn gì để trông ngóng ở khu vườn trước lúc sang xuân, thì đến tháng mười một, măng cụt chín, như một mùa quả vui đột xuất cuối năm. Ðây là mùa thu hoạch chính của những khu vườn vùng Kim Long. Quả măng, người Huế còn gọi là trái giáng châu, lúc chín màu tím sẫm, ở rốn quả nổi lên một hình hoa nhỏ, nhìn hoa có bao nhiêu cánh thì biết bên trong có bấy nhiêu múi (...) nhờ có mùa măng, vườn An Hiên vẫn giữ được phong độ qua buổi vạn vật tàn phai. Ðể đến một buổi sáng nào đó, hàng mai trước cổng bỗng nở trăm nghìn đóa hoa trắng trong sương mù, như cảnh tuyết, đẹp đến bồi hồi. Ấy là tiết đông chí, khí dương hòa trở lại. Từ trong đêm lạnh, khu vườn bước ra với một sắc đẹp tinh khôi, với mai vàng, hải đường, nguyệt quí, hoa trà mi ngậm sương và hoa đào cười gió đông (...)

Một buổi chiều mùa hè, tôi theo bà Lan Hữu dạo thong thả qua khu vườn lãng đãng khói lam mờ. Khói đốt cỏ và lá khô. Vườn mùa hạ thường vẫn mơ màng trong sắc khói lam ấy, và cái mùi hăng hắc của cỏ cháy thật gợi nhớ làng mạc. Bà ngồi xuống phiến đá dưới cây bách, nói chuyện với tôi về vườn tược:

- Cây cối nhìn thì bình yên vậy, chớ cuộc cạnh tranh sinh tồn giữa tạo vật luôn luôn căng thẳng. Trên không, chúng tranh nhau ánh sáng đã đành. Nhưng cuộc tranh sống dưới mặt đất cũng ác liệt lắm. Cô làm vườn mới biết được điều ấy. Cuốc đất lên là thấy ngay. Chỗ nào có phân thì rễ bàng tụ lại chi chít, dày đặc như ổ giun, trông thật ghê sợ (...) rễ bàng rất ghê gớm, cây gì trồng xung quanh nó đều không sống nổi. Vườn cô trồng măng cụt là chủ yếu, vì cây măng mọc rễ đột, đâm sâu xuống đất, ít làm hại cây khác. Ðể giải quyết việc tranh ăn của cây, chỉ có cách bón thực nhiều phân. Phân chuồng chỉ trồng cây nhỏ, còn cây lớn biết bao nhiêu cho xiết. Toóc rạ là tốt, phải rải kín vườn. Nhưng bây giờ rạ cũng đắt, người ta dùng để đun bếp.

Tôi ngắt lời bà:

- Huế thường năm nào cũng lụt. Liệu đất phù sa có đem lại một nguồn bồi dưỡng nào đáng kể cho cây cối không?

Bà lắc đầu:

- Ðó là ở miền hạ bạn. Làng vườn đây gần thượng lưu, lụt tới là chở theo đất sét, vì đất sét nặng nên lắng xuống trước, lụt năm bảy bảy, vườn này bị đất sét phủ kín, có chỗ dày đến năm tấc, phải tốn bao nhiêu công đào bốc, đổ trả xuống sông.

Bà nói tiếp:

- Phân mới là một chuyện. Vườn còn có rất nhiều kẻ thù. Bọ xít, bọ rầy, sùng, đủ loại. Tệ nhất là tầm gởi. Vườn này bỏ đi vài năm là tàn lụi, vì gởi dữ lắm. Gởi từng chùm to, sanh bông, bông có nhựa, bay đến đâu là dính vào đó. Nó thích bám thanh trà, hồng, dâu, mít, cam, cả cây hoa một, gởi cũng không tha. Ðó là loại kẻ thù nguy hiểm ở trên không của một khu vườn.

Ðất trung du có nhiều thứ cỏ, cỏ tranh, cỏ ống, cỏ cú. Trước cứ mỗi năm cô làm cỏ hai lần. Thế không lợi, vì cỏ lên dữ quá. Tốt nhất là cứ thấy cỏ đâu thì làm đấy, làm sớm lúc nó chưa sanh bông, lại đỡ tốn công về sau. Cỏ chiếm đất, nhưng cũng có ích. Cỏ cú, ngải cứu là thuốc, me đất, rau rền, rau sam là rau ăn hàng ngày. Người làm vườn giỏi phải biết phân biệt, không được cuốc ngang tất cả.

Tưới cây là việc thứ ba. Vùng này giếng sâu lắm, phải gánh từng đôi nước dưới sông lên để tưới cây. Có làm vườn mới biết trông mưa. Như vừa rồi, sáu tháng không có hột mưa; một cơn mưa bây giờ cho riêng làng này cũng đáng giá hàng triệu bạc. Nhứt nước, nhì phân, tam cần, tứ giống, câu đó đã có từ xưa. Mình đây bây giờ cái gì cũng thiếu (...) duy trì được khu vườn, không phải là chuyện đơn giản.

Bà đứng lên, đi tản bộ vòng quanh cái hồ trồng hoa súng giữa sân. Những bông súng nhiều màu, vàng trắng hồng, búp lại vào buổi chiều, lá từng phiến tròn trải sát mặt nước. Phong cách của hoa súng cũng lạ: giống như lá, nó dính sát mặt nước, nở ra khép lại vài lần là hết; người ta không nhìn thấy nó tàn và rã cánh dần như hoa sen, nó lún xuống, trốn vào trong nước và biến mất (...)


Huế, 8-1983


(Trong tập
Ai đã đặt tên cho dòng sông, 1985)