“Phía tây nam Huế (…) có một khu rừng cổ xưa mọc toàn những cây tùng (…) đi nửa ngày đường vẫn chưa ra khỏi bóng mát (...) Cây tùng có hoa màu vàng nhạt, trái chín vào cuối thu. Rừng tùng mùa quả chín đầy tiếng chim (…) ngày đẹp trời chim bay gọi bầy trên cao, tiếng trong ngần, miên man như cơn mưa (...) Một lần đêm thanh, tôi đến uống rượu mây với Kon Lai (…) Kon Lai chỉ cho tôi một chòm sao mờ nhạt ở bên trời, bảo tôi rằng đấy là hoa của cây tùng đã sống hơn nghìn năm, trên những ngọn núi không ai đi tới (…)

Cuối mùa xuân (...) Rừng thoáng, nhẹ nhõm, mặt đất sạch quang như có người quét tước, những đám rêu xanh lục trải rộng mịn như nhung, trên đó hơi ẩm kết những hạt cườm tấm, mưa bụi mát rượi. Không có gió nhưng rừng tùng vẫn reo mơ hồ (…) Chim gõ kiến (…) gõ đều (…) trầm và đục (…) Có tiếng “xòa” từ trên cao đổ xuống (…) Bầy chim phượng (…) Ðó là những con chim lớn có bộ lông đen huyền, với những đoạn trắng ở cổ, ở đuôi và ở giữa cánh (…) đôi chân vàng tươi, chiếc mỏ lớn gồ ghề uốn vòng lên thành mào đỏ rực như thể là chim ngậm lửa. Mình to, cổ cao, đuôi dài, dáng đĩnh đạc mạnh mẽ, đàn phượng hoàng (…) như (…) bay ra từ truyền thuyết (…) Chúng bước dọc theo những cành tùng (…) chia thành cặp (…) rượt đuổi nhau, dập dìu chuyền đôi qua các cành, tốc độ mỗi lúc một khẩn trương (…) đến lúc hưng phấn của tình yêu, chúng đập cánh mạnh đến nỗi cả vòm lá tùng lay động như bị cuốn vào một cơn gió lớn (…) (Tôi thích quá, vỗ tay reo khiến) “Vút! vút!”… Trong phút chốc cả đàn chim đã bay mất, ném vào không gian những tràng tiếng kêu “ô... hoang - ô... hoang” vang lừng”.

Cái người được thấy khu rừng tùng mênh mông có
“vẻ đẹp huyền thoại” ấy, người ấy lại nhờ có “cái thú đi rừng một mình (…) theo đường tắt của những người thợ rừng vượt dốc dựng lên thẳng đỉnh núi” mà còn có lần được đứng bên một cội tùng già cô độc, ngẩn ngơ trước dấu vết của những “khách lữ hành cô đơn” đến trước mình: “vài mẩu củi gió thơm nồng của người tìm trầm, chiếc lông đen huyền của con đại bàng (…) vết dao khắc rêu mờ của một người lính đường dây…”. Đứng lâu trên cao, “đôi khi một đám mây bay qua, quấn quít quanh tôi, len vào cổ áo, vương vít nơi chân tóc, nơi kẽ tay, rồi tất cả trôi đi, rẽ xuống một vực sâu để lại hiện ra trên một ngọn núi khác”

A Sao có xa Huế chi. Chừ đường sá tốt, xe cộ nhiều, mình phải đi thăm rừng huyền thoại chứ, biết đâu cũng sẽ gặp may, được thấy loài chim truyền thuyết, chứng kiến cảnh phượng hoàng trống phượng hoàng mái rượt nhau trên cành làm rung rinh vòm lá, có khi mình cũng vỗ tay reo cho cả bầy lao vút lên…

Ai có đi thì khi lên tới phải tìm xe thời gian. Bởi “khoảng mùa thu năm 1967, toàn bộ khu rừng tùng đã bị hủy diệt bởi chất độc hóa học”.

Nếu tìm không ra xe, hãy khoan về. Đêm A Sao nay chắc cũng còn đủ tối để thấy được hoa của cây tùng ngàn năm mọc… trên trời. Sáng hôm sau hãy trèo lên một đỉnh núi, đứng đợi mây lang thang tới ôm ấp rồi trôi đi mang theo “một chút nào đó của (người đứng) về nơi Xa Thẳm”…
(Thu Tứ)



Hoàng Phủ Ngọc Tường, “Rừng A Sao” (1)




Phía tây nam Huế, trong thung lũng A Sao có một khu rừng cổ xưa mọc toàn những cây tùng. Tôi đã có lần đến đấy, giữa cái thế giới im lặng sâu thẳm của nó, ngồi ngắm đàn phượng hoàng cất cánh lao lên đón ánh mặt trời; và mãi mãi tôi còn giữ trong tâm trí hình ảnh của khu rừng ấy, như một vẻ đẹp huyền thoại (...)

Tôi vẫn có cái thú đi rừng một mình, không lội dọc suối theo đường giao liên, mà theo đường tắt của những người thợ rừng vượt dốc dựng lên thẳng đỉnh núi, và đúng như điều tôi dự cảm ở đấy bao giờ tôi cũng gặp một cây tùng cổ đứng một mình. Tôi vẫn thường nghỉ chân - cũng có khi nghỉ đêm - dưới những cội tùng như thế. Không như những trạm giao liên trong khe núi chật chội, đấy là nơi điếm trọ lộng gió trời đất. Nơi đây, những khách lữ hành cô đơn đã ghé qua và để lại dấu vết của họ: vài mẩu củi gió thơm nồng của người tìm trầm, chiếc lông đen huyền của con đại bàng viễn du, cái bếp giả làm bằng những nhánh cây chụm lại của đười ươi lang thang theo bóng trăng (?), hoặc vết dao khắc rêu mờ của một người lính đường dây nào đó còn để lại trên thân cây, có lẽ từ thuở mở con đường mòn Hồ Chí Minh. Ðôi khi một đám mây bay qua, quấn quít quanh tôi, len vào cổ áo, vương vít nơi chân tóc, nơi kẽ tay, rồi tất cả trôi đi, rẽ xuống một vực sâu để lại hiện ra trên một ngọn núi khác. Vào khoảnh khắc ấy, giữa tâm hồn tôi chợt thăng hoa một niềm vui rất khác lạ, trong ý nghĩ rằng một chút nào đó của bản thân tôi đã được gửi về nơi Xa Thẳm (...) Tôi vẫn giữ một tình cảm kính trọng riêng về cái dáng đứng trên đầu núi của những cây tùng; thân rễ cổ xưa như nguồn cội, tán lá thoáng nắng và nhẹ khô như cánh hoa trường sinh, bao giờ cũng mơ hồ sương khói. Và tôi thường chăm chú lắng nghe; bằng tiếng nói im lặng của nó, cây tùng kể cho tôi về những kỷ niệm xa xôi mà nó đã trải qua, về những cơn bão đã được nén lại trong mỗi thớ gỗ của nó, về những thoáng hiện của vũ trụ bí ẩn mà tôi được tiếp cận dưới tầng lá của nó, và biết bao điều suy nghĩ về cuộc đời.

Rất hiếm khi như ở A Sao, những cây tùng lại tập hợp thành một khu rừng mênh mông, đi nửa ngày đường vẫn chưa ra khỏi bóng mát của nó. Rừng già không biết bao đời, cây cao đến mười lăm hai chục mét, thân tròn bằng vòng tay ôm. Gỗ tùng quý, không cong vênh, không nứt nẻ, vẫn chiếm vị trí quan trọng trong cấu trúc nhà ở miền núi, đặc biệt là kiểu nhà sàn dài và thẳng. Sàn nhà, vách, xà mạch v.v. trong mỗi căn nhà, chỗ lịch sự và văn hóa nhất là dành cho cây tùng. A Sao xưa nổi tiếng với những bộ nhà sàn làm bằng gỗ tùng, cũng giống như cấu trúc nhà rường bằng gỗ mít vẫn nổi tiếng ở vùng đất đỏ Quảng Trị cũ (…)

Cây tùng có hoa màu vàng nhạt, trái chín vào cuối thu. Rừng tùng mùa quả chín đầy tiếng chim: chim yểng từ khắp núi rừng đổ về A Sao ăn trái tùng, ngày đẹp trời chim bay gọi bầy trên cao, tiếng chim trong ngần, miên man như cơn mưa (...)

Một lần đêm thanh, tôi đến uống rượu mây với Kon Lai, trong cái chòi giữ rẫy của ông cụ. Kon Lai chỉ cho tôi một chòm sao mờ nhạt ở bên trời, bảo tôi rằng đấy là hoa của cây tùng đã sống hơn nghìn năm, trên những ngọn núi không ai đi tới (…)

Cuối mùa xuân (...) Trong lúc A Pách lúi húi nhóm bếp để làm thêm thức ăn, tôi ngồi tựa nửa người trên võng, hai tay vòng dưới gáy, yên lặng ngắm vẻ đẹp của rừng tùng trải rộng chung quanh. Rừng thoáng, nhẹ nhõm, mặt đất sạch quang như có người quét tước, những đám rêu xanh lục trải rộng mịn như nhung, trên đó hơi ẩm kết những hạt cườm tấm, mưa bụi mát rượi. Không có gió nhưng rừng tùng vẫn reo mơ hồ, như mạch suối ngầm mùa xuân, như điệu nhạc khèn bát ngát của sơn nhân vẳng lại từ núi cao. Tâm hồn tôi tự buông thả trong một trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn. Tôi nhắm mắt để nhìn thấy tỏa ra cái vừng sáng dịu dàng của giấc mơ nhẹ, nghe trong tiếng hát kia của loài tùng bách một điều gì đấy thật xa xôi, như là thuộc về muôn đời. Con chim gõ kiến ẩn sĩ vẫn gõ đều nhịp thời gian, tiếng trầm và đục, trên một cây tùng nào đó.

Có tiếng “xòa” từ trên cao đổ xuống. Tưởng là một cơn mưa đang tới, nhưng tôi vẫn lười biếng chưa vội ngồi dậy. A Pách gọi:

- Ha lê này, dậy mà xem! (thỉnh thoảng A Pách vẫn gọi tôi bằng cái từ thân mật ấy của miền tây, nghĩa là “dượng”).

- Gì thế, A Pách?

- Con triêng nó về kia.

- Là con gì?

- Chim phượng hoàng ấy mà. Nó đang xuống ở đằng kia!

Tôi bật dậy, bước vội theo A Pách. Một quãng, chúng tôi dừng lại, hơi ẩn người sau một gốc cây lớn. Từ đó, cách khoảng vài chục mét, tôi nhìn thấy rõ bầy chim phượng đang đi lại, nhảy nhót trên những cành tùng.

Ðó là những con chim lớn có bộ lông đen huyền, với những đoạn trắng ở cổ, ở đuôi và ở giữa cánh; nổi bật trên cái khối đen kia là đôi chân vàng tươi, chiếc mỏ lớn, gồ ghề uốn vòng lên thành mào, đỏ rực lên như thể là con chim ngậm lửa. Mình to, cổ cao, đuôi dài, dáng đĩnh đạc mạnh mẽ, đàn phượng hoàng xuất hiện với tôi lần đầu như những con chim rực rỡ bay ra từ truyền thuyết. Chúng bước dọc theo những cành tùng, trò chuyện không ngớt bằng những tiếng “cộc... cộc” trong cổ họng. A Pách bảo tôi:

- Anh nhìn xem đôi phượng đang đuổi nhau trên cành kia: mỏ đỏ thẫm là phượng trống, chim mái màu đỏ gạch. Bây giờ là mùa cưới hỏi của nó nên chim phượng kêu nhộn hơn những tháng khác.

Tiếng “cộc... cộc” càng dồn dập, bầy phượng trở nên sôi động khác thường. Chúng chia thành cặp, mổ vào đuôi, rượt đuổi nhau, dập dìu chuyền đôi qua các cành, tốc độ mỗi lúc một khẩn trương. Và hẳn là đã đến lúc hưng phấn của tình yêu, chúng đập cánh mạnh đến nỗi cả vòm lá tùng lay động như bị cuốn vào một cơn gió lớn. Ðiệu múa của đàn phượng diễn ra trước mắt tôi, cuồng nhiệt và loang loáng màu sắc (lúc này tôi mới nhận ra thêm rằng mặt dưới của cánh phượng được phủ kín bằng một lớp lông trắng muốt). Như một khán giả ái mộ không tự kiềm chế được, tôi vỗ tay reo lên: “Tuyệt diệu!”.

“Vút! vút!” Trong phút chốc cả đàn chim đã bay mất, ném vào không gian những tràng tiếng kêu “ô... hoang - ô... hoang” vang lừng (…)

Chợt nhớ lại, tôi hỏi A Pách:

- Lũ chim phượng hồi nãy, nó bay đi đâu?

- Chúng ăn quả trám ở núi bên kia. Trám bắt đầu chín từ tháng hai, kè chín mùa thu, đông xuân sang mùa trái cọ, phượng ăn khắp núi non vùng này, đêm lại về ngủ ở rừng tùng. Rừng tùng đây là giang sơn của chim phượng hoàng.

A Pách kể tiếp:

- Người miền tây rất quý chim phượng vì đức tính chung thủy vợ chồng của nó. Nó làm ổ trong bộng cây đại thụ, đẻ mỗi lần hai trứng; quả to bằng trứng ngỗng, màu lốm đốm. Phượng trống được phân công ấp trứng, còn con mái đi tìm mồi về nuôi cả cha lẫn con. Thời gian ấp, con trống thải phân ra bít kín dần bộng cây, chỉ để lại miệng lỗ vừa cho vợ nó đút mồi vào. Ðủ ngày tháng thì phượng mái phải dùng mỏ đập vỡ miệng lỗ để đưa chồng con nó ra. Lúc mới ra, phượng trống rất yếu, đi đứng cứ lảo đảo, vì lông rụng gần hết; lông rụng để lót ổ cho con nó. Ít lâu sau, nó mọc lông mới; chim phượng nom cứ trẻ mãi vì mỗi năm nó thay lông một lần, màu đen tuyền nhưng nhìn gần thì có ánh xanh. Bố còn phải tập bay cho con, còn mẹ vẫn tiếp tục nhiệm vụ hậu cần cho cả gia đình.

(...)

Khoảng mùa thu năm 1967, toàn bộ khu rừng tùng đã bị hủy diệt bởi chất độc hóa học (...)


(Trích bài “Ðời rừng” trong tập
Ai đã đặt tên cho dòng sông (1985). Nhan đề phần trích tạm đặt.)