Lướt qua thư mục Nguyễn Hiến Lê, người ta dễ có cảm tưởng ông sống trong... thư viện. Thực ra thời trẻ Nguyễn Hiến Lê đã đi khá nhiều nơi ở Nam bộ, có bận du lịch tận Cam-pu-chia. Trong tập du ký Ðế Thiên Ðế Thích, ông tả “hung thần cây” thật linh động... (TT)



Nguyễn Hiến Lê, “Đền Ta Prohm”






Du khách nhận thấy điều này là tất cả các đền Ðế Thiên Ðế Thích chỉ có đền này còn giữ cái vẻ hoang vu ở giữa rừng. Trường Viễn Ðông Bác Cổ đã có sáng kiến lựa nơi đây mà bảo tồn cảnh thiên nhiên để ta được hưởng chút cảm giác rùng rợn của các nhà thám hiểm hồi trước. Sáng kiến đó đáng khen và đền Ta Prohm là nơi mà chúng tôi thích nấn ná lại lâu nhất.

Ở đây mới thực là cảnh hoang tàn. Ở đây ta mới thấy sự chiến đấu giữa cây và đá, giữa loài người với hóa công. Có những cây rễ lớn mấy tấc, dài hàng chục thước, uốn khúc ôm lấy bệ của tòa đền và nổi gân lên như muốn vặn cho nó đổ mới chịu thôi. Có cây lại kiêu căng ngồi xếp bằng trên một tòa khác, ung dung thả hàng trăm rễ xuống, như hàng trăm tay của loài bạch tuộc, ghì chặt lấy mồi của mình, không cho nó cựa rồi hút dần tinh tủy của nó, cho thịt nó rã, xương nó tan mà hiện nay ngôi đền cũng đã gần tan, gần rã. Có cây độc ác hơn, đâm một rễ lớn từ đỉnh đền xuống như cắm lưỡi gươm vào đầu quân thù.

Kỳ thủy, nó chỉ là một hạt nhỏ hơn hạt thóc, bay theo luồng gió nhẹ rồi dính vào lông con chim hay một con nai uống nước bên bờ suối. Rồi không hiểu sao, một ngày nọ nó tới đây. Ðền miếu ở đây nguy nga mà đất cát ở đây mênh mông. Nó chỉ xin một khe đá để tránh gió ngàn và mưa nguồn. Ðá không hẹp lòng, che chở nó. Vả nó cũng không sống nhờ đá. Một hạt bụi, một giọt sương đủ nuôi nó hàng tuần.

Không ai để ý tới nó nữa. Nó hiền từ sống. Nhưng khi người ta nhớ tới nó thì nó đã diễm lệ, uyển chuyển, phấp phới những khi trăng rằm lên. Nó đã có giọng hát du dương khi tới gió mai nổi và đỏm đáng làm sao, nó đã biết cài những đóa hoa mát như xuân, thơm như hạ trên mớ tóc xanh của nó.

Người ta cho nó là vô hại, lại cảm ơn nó đã tô điểm cho cảnh cứng cỏi, buồn thảm của đá này. Người ta cầu cho nó sống.

Rồi bẵng đi khá lâu, người ta trở lại thì nó đã thành một hung thần không sao đuổi được. Nó đã đâm nanh mọc vuốt.

Mới đầu những nanh vuốt đó chỉ là những sợi tơ đầy nhựa, óng ánh, trắng nõn thòng từ trên cành xuống, đong đưa dưới gió chiều. Một con chim chạm cánh vào nó, nó gãy, một con kiến cắn nó, nó cũng đứt. Nhưng nó cũng đã tới mặt đất, đâm sâu xuống đó, hoặc đã len vào được một khe đá. Người ta tưởng nó sẽ chết bẹp ở chỗ tối om om và chật hẹp của khe đá, nhưng không, nó vẫn sống, đẩy đá ra hai bên để sống. Và bây giờ không còn ai lay nổi nó nữa.

Anh em chúng rất đông, kín cả khu đất mênh mông này. Chúng ôm, ghì, đè, đẩy, vặn, đục, làm đủ cách cho đá lần lần rã ra, nghiêng đi, đổ sụp ở chân chúng. Lâu đài nguy nga không còn nữa, nay chỉ còn những hang cho chồn ở, những khe cho kiến bò và một nguồn cảm hứng vô tận cho khách hoài cổ.