Năm 1558 Nguyễn Hoàng nghe lời Trạng Trình vượt đèo Ngang mà vào “dung thân” ở đất Thuận Hóa. Kẻ thù “không đạp đất chung” của Nguyễn là Trịnh Kiểm cũng nghe lời Trạng Trình mà ngồi lù lù sau lưng vua Lê “giữ chùa thờ Phật” để “ăn oản”. Trịnh, Nguyễn mỗi cọp một rừng, trong khoảng hai trăm năm một nước Việt Nam mà có hai “đàng”: Ðàng Ngoài thuộc Trịnh, Ðàng Trong thuộc Nguyễn.

Ngoài với Trong rồi đánh nhau ít nhất bảy lần. Không biết vào lần thứ mấy thì xảy ra sự việc đáng chú ý sau đây.

Tế cả liệt sĩ bên địch, đẹp đẽ quá! Mà không phải chỉ Trong đẹp với Ngoài. Ngoài khi đắc thắng, cũng xử đẹp với Trong lắm lắm (xem ghi chép của Lê Quý Đôn).
(Thu Tứ)



Đại Nam liệt truyện, “Tế Nam tế Bắc”




Ðại Nam liệt truyện do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn (...) Xin trích (...) “Sau khi quân địch rút lui, phàm những quân lính Bắc Hà bị bắt, Thuần (hoàng tử Hiệp) đều sai cấp cho tiền, gạo, quần áo, tha cho về, không giết một người nào. Lại đặt một lễ đàn trong thành Trấn Ninh tế tướng sĩ trận vong, cũng đặt một đàn ở ngoài thành Trấn Ninh để tế quân Bắc Hà chết trận.”


(Sơn Nam,
Dạo chơi tuổi già, nxb. Trẻ, 2002, Nhan đề phần trích tạm đặt.)