Nguyễn Bính mà không yêu ai thì còn gì là Nguyễn Bính nữa! Cho nên vào Hà Tiên mới đêm khuya ngồi... thù lù ngoài hiên mà nghe trộm cô cháu Ngọc của chị Tuyết đọc sách.

Thi sĩ rời Hà Tiên, thôi “về trong Rẫy”, là do bệnh giang hồ tái phát, hay do “chuyện nhân duyên” với “cô cháu tuổi mười bảy” kia bất thành?

Còn cái
Thạch xương bồ, nó ra sao nhỉ, có ai khác đã từng thấy nó chưa?

(Thu Tứ)



“Nguyễn Bính qua Mộng Tuyết”



Một buổi xế chiều, ngày đầu mùa hạ năm 1944, tôi đang ngồi trên máy may ở Yiễm Yiễm thương điếm, cũng vừa là Yiễm Yiễm thư trang, tại chợ Hà Tiên.

Một người khách lạ bước vào, với chiếc va-li nhẹ xách tay. Người khách thâm thấp, Phong trần hiện trên mớ tóc đen rậm, rối bồng, dài tới mang tai. Bộ âu phục cũ nhầu nát làm tăng thêm phần tiều tụy.

Khách đăm đăm nhìn vào người đang ngồi trên máy may. Không có vẻ muốn mua chác món gì trong hiệu. Tôi nghĩ có lẽ là một người khách đi chào hàng. Với chiếc va-li nhẹ như vậy, chỉ có thể chứa đựng một vài món hàng mẫu mà thôi.

Khách đang ngập ngừng:

- Có phải chị Tuyết không? Bính đây!

Tôi ngừng tay kim chỉ, à lên một tiếng ngạc nhiên, và nhớ lại lời hẹn cùng với bài thơ Xóm Ngự Viên từ Huế gởi vào, cách mấy tháng trước đó, khoảng Bính ở xóm Ngự Viên cùng với Vũ Trọng Can và Xuân Khai, tức Yến Lan.

Sau bài thơ Xóm Ngự Viên đó bẵng đi một lúc lâu lâu, không nhận tiếp theo tin nào của Bính nữa.

Chiều nay không đợi mà được tiếp người khách tự xưng là “Bính đây!”.

Khả liên cô quán tài thi dạ
Tiều tụy Phan lang mấn tự bồng
Quán khách đìu hiu đầu biếng chải
Chàng Phan gầy gõ lúc làm thơ


Tôi vừa cười vừa nhắc lại mấy câu cổ thi mà khi Bính ở Huế tôi đã viết cho Bính.

Bởi sợ “chàng Phan” tóc rối bông và gầy gõ thêm, nên anh Ðông Hồ đã nhường gian Nam Phong Tiểu Các cho Bính, để thi sĩ nằm đó mà làm thơ. Và bắt tôi cắt may cho chàng nghệ sĩ “khăn gói gió đưa” này một bộ đồ bà ba bằng lụa Hà Ðông, cây lụa vừa từ Hà Nội gởi vào theo chuyến hàng chót.

Bính thích lắm, ca tụng mãi bộ đồ mát của tỉnh nhỏ miền Nam. Cứ thế mà đi chợ, đi chơi, thực là nhẹ nhàng thoải mái. Người Hà Nội mà nào có được mặc lụa Hà Ðông bao giờ.

Một hôm Bính lật bên trong lá đinh vạt trước mà khoe với tôi:

- Ðố chị, mấy chữ này là nghĩa gì.

Tôi cầm vạt áo lên nhìn thấy bốn chữ “Khả Thủy Sơn Nhơn” thêu bằng Hán tự.

Tôi không đoán ra. Bính nói, anh Ðông Hồ thấy thì biết ngay. Hôm sau tôi kể lại cho anh Ðông Hồ nghe. Anh Ðông Hồ nói, Bính đã chiết tự hai chữ Hà Tiên đó. Khả Thủy là chữ Hà, Sơn Nhơn là chữ Tiên đó.

Bốn chữ, Bính kẻ vào đinh áo, và nhờ tụi trẻ thêu bằng nét chỉ màu son.

Rồi Bính lại cười bí mật:

- Ðây là của Ngọc thêu cho “chú Bính” đây!

Mỗi buổi tôi đi xe đạp từ cửa hiệu ở chợ về nhà riêng ở xóm Rẫy. Bính đi theo. Mà có Bính đi theo đưa, thì tôi phải dẫn xe đi bộ. Một hai lần như vậy, Bính thấy xấu hổ vì Bính chẳng biết đi xe đạp. Thế là Bính hì hục ban đêm về, tập đi xe đạp. Nhưng mà Bính giấu tôi.

Một buổi chiều, tôi ra về, không thấy Bính theo đưa. Tôi đạp được một Quãng thì thấy Bính đạp xe đi đón đầu dành cho tôi một ngạc nhiên. Mặc dầu đi xe chưa vững nhưng Bính cũng đã đưa tôi về Rẫy bằng xe đạp được rồi.

Bính thường quấn quít bên tôi như một chú em ngoan ngoãn (...)

Cứ buổi ăn sáng xong ở nhà riêng của anh Ðông Hồ ở cạnh Hồ Ðông, thì Bính ra tiệm với tôi. Tôi ra chợ trước tiệm, mua thêm bánh ngọt cho Bính uống trà (...)

Bính thường kể chuyện giang hồ, kể chuyện gia đình. Kể chuyện “chị Trúc”, người chị tinh thần đã an ủi Bính trong những khi chán nản. Bính hứa xem tôi như một người chị tinh thần thứ hai của Bính.

Cứ mỗi buổi chiều, Bính đưa tôi về Rẫy, rồi trở về nhà anh Ðông Hồ ăn cơm tối. Xong, là Bính rủ anh Ðông Hồ lại vào Rẫy chơi. Hôm nào anh Ðông Hồ không đi thì Bính cũng vào một mình. Nhà ở Rẫy chạng vạng tối là khép cửa rồi. Dưới ngọn đèn dầu lửa tù mù, một cô cháu tôi, cô Tú Ngọc đọc truyện Tam quốc chí do Phan Kế Bính dịch cho má tôi nghe. Bính cũng vào ngồi nghe. Có khi, Bính vào trễ cửa đã cài then thì Bính ngồi ngoài hiên cho tới khuya mới về mà không dám gọi cửa. Bính nói: Ngồi trong đêm sương khuya, nghe trộm tiếng người ngọc đọc sách cách một lần cửa đóng kín, cũng có một thú vị riêng (...)

Nguyễn Bính khởi thảo một truyện dài bằng thơ lục bát. Bính bảo là sẽ làm dài hơn quyển Truyện Kiều.

Mỗi đêm, dưới ánh hồng lạp, Bính viết được bốn năm trang thơ lục bát (...) Mỗi sáng ra, Bính đem đọc cho chúng tôi nghe, bàn lại, cùng thưởng thức.

Giữa lúc đó, vào tiết Ðoan Ngọ, theo tục lệ ở Hà Tiên, tôi nấu nước lá thạch xương bồ để tắm gội. Bính thích ba chữ “Thạch xương bồ”, và lấy ba chữ đó để đặt tên cho tác phẩm đang khởi thảo của mình.

Trong lúc sáng tác, Bính thường bảo viết truyện thơ, tả cảnh tả tình không khó. Tự sự mới thiệt khó khăn. Bính nói: Mình có làm rồi mới biết Nguyễn Du quả là tài tình, người sau khó mà theo cho kịp.

Bính sáng tác truyện Thạch xương bồ được gần hai ba (?) trăm trang. Tới lúc rời đi, thì truyện chỉ mới xong được một phần (...) Bính viết lục bát nhanh như văn xuôi.

Anh Ðông Hồ và tôi tiếc vì tác phẩm chưa hoàn thành mà Bính bỏ đi, bỏ dở dang thì uổng. Chúng tôi cố lưu Bính ở lại thêm một thời gian nữa mà Bính nhất quyết ra đi. Bịnh giang hồ đã lại nổi dậy lên trong người nghệ sĩ.

(...)

Bính rời Hà Tiên, ít lâu sau, có gởi về một bài Thơ Vận Rẫy (...)


(Trích
Dưới mái trăng non của Mộng Tuyết. Nhan đề phần trích tạm đặt.)