Hồ thì mênh mông, bát ngát, làng thì nho nhỏ, xinh xinh, nhà thì có “liễu rủ cành lá xuống nước”, có “tre xào xạc đầu cổng”...

“Tây Hồ có danh sĩ” không uổng cảnh hồ, mà danh sĩ có Tây Hồ, cũng không uổng đời danh sĩ!

(Thu Tứ)



“Thạch Lam qua Đinh Hùng”



“Tây Hồ có danh sĩ
Nhà thì ở nhà tranh
Cửa trúc cài phên gió
Trước thềm bóng liễu xanh...”

(thơ Huyền Kiêu)


Ở sát cạnh Hồ Tây, làng Yên Phụ nhỏ, xinh như một bán đảo, gần nửa làng chạy vòng theo bờ nước. Hầu hết dân làng đều làm nghề trồng hoa. Mỗi năm, gần đến tết, đi dạo quanh làng, có thể tưởng như lạc tới một hoa thôn trong cổ tích. Nhà nào cũng thấp thoáng bóng đào hồng, mai trắng bên thềm, và liễu xanh rờn buông mành trước gió, và cúc vàng rực từng luống trong vườn, với đủ các thứ hoa sắc màu rực rỡ: cẩm chướng, phù dung, tường vi, lan, huệ... và đặc biệt dưới những giàn hoa lý, trên sân gạch, từng hàng chậu hoặc bát thủy tiên bầy san sát, lá nõn vươn lên như bích ngọc.

Yên Phụ, theo ý tôi, có thể là một trong những làng đẹp nhất của miền ngoại thành Hà Nội. Mà từ làng vào thành phố cũng gần. Chỉ vòng con đường gạch đỏ, lên mặt lộ đi chừng hai trăm thước là tới cửa ô, tiếp liền với con đường Cổ Ngư thơ mộng...

Trong năm cửa ô của Hà Thành, ô Yên Phụ, theo ý nhiều người lại cũng được coi là cửa ô đẹp nhất, và sạch nhất, ít phồn tạp nhất. Khu vực ấy quả là chỗ ở lý tưởng của văn nghệ sĩ.

Căn nhà của Thạch Lam ở ngay khúc đầu làng Yên Phụ soi bóng xuống Hồ Tây. Nhà mái tranh, cổng gỗ (...) thanh bạch (...) tuy nhà tranh nhưng ngăn nắp sáng sủa, có đủ cửa kính lẫn cửa chớp, có thềm cao, với một khoảng sân nhỏ mấp mé ngay bờ hồ, với cây liễu rủ cành lá xuống nước, và khóm tre xào xạc đầu cổng...

Tôi đã ngủ nhiều đêm dưới mái nhà ấy, và canh khuya, khi cái tiếng vọng mơ hồ của cái thành phố xa xa lắng dần vào không khí óng ả của vùng hồ nước mát rượi, nằm nghe nhịp sóng vỗ vào bờ thao thức, nghe hơi thở uyển chuyển của gió lùa qua khóm tre, tôi cảm thấy những thời khắc đó thực đáng quý, khung cảnh đó thực dịu lành mà quyến rũ (...)


(Ðinh Hùng, “Những kỷ niệm “chia ngọt xẻ bùi” cùng Thạch Lam”,
Ðốt lò hương cũ, nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1971)