“Tương lai từ vựng tiếng Việt”




Phạm Quỳnh chia từ tiếng Việt thành hai loại: loại cụ tượng và loại trừu tượng. Loại từ thứ nhất có nội dung liên quan đến “thế giới hữu hình do giác quan có thể cảm được”. Loại từ thứ hai có nội dung liên quan đến “những nghĩa lý thuộc về tâm trí phải suy xét”.(1) Chia xong, ông bảo tiếng ta giàu từ cụ tượng mà nghèo từ trừu tượng. Chúng tôi thấy về từ cụ tượng ý kiến này chưa chính xác, còn về từ trừu tượng thì sai hẳn.

*

Từ cụ tượng có hai nhóm.

Nhóm “vô cảm” gọi tên những vật trong “thế giới hữu hình”. Ví dụ: trời, đất, núi, rừng, sông, biển, ao, chuôm, cây, cỏ, chim, cá, nai, gà, lợn, rìu, củi, nồi, niêu, lúa, khoai, tay, chân, râu, tóc v.v.. Tiếng Việt không giàu từ cụ tượng vô cảm.

Nhóm “hữu cảm” chứa cảm giác hay cảm xúc về những vật mà nhóm “vô cảm” gọi tên. Đây tiếng Việt cực kỳ phong phú.

Ví dụ một số từ về những cái mắt thấy: bát ngát, bập bềnh, bè bè, bồng bềnh, bung biêng, cong queo, chao đảo, chao lượn, chấp chới, chập chờn, chập chững, cheo leo, chênh vênh, chói chang, chói lọi, chon von, chót vót, chớn chở, chủn chẳn, dập dờn, hun hút, là là, lả lay, lả lướt, lấp lánh, lấp ló, le lói, lé đé, lênh đênh, lo le, loe hoe, loe ngoe, loạng choạng, lom đom, lom khom, long lanh, lóng lánh, lóp ngóp, lô nhô, lốm đốm, lổm ngổm, lổn nhổn, lồng lộng, lơ thơ, lờ mờ, lu lít, lu mờ, lúc lắc, lúc lỉu, lúc nhúc, lung linh, lùng thùng, lủng lẳng, lướt thướt, mênh mông, mơn mởn, nem nép, núng nính, ngoắt ngoéo, nhấp nhô, phẳng lì, quanh co, rậm rạp, rún rẩy, rung rinh, san sát, sáng bừng, sáng choang, sáng lòa, sáng quắc, sáng trưng, sù sì, sừng sững, tan tành, tênh hếch, tênh hênh, toác hoác, toen hoẻn, tối hù, tối mịt, tối tăm, tha thướt, thăm thẳm, thèo đảnh, thênh thang, thin thít, thô lố, thù lù, thưa thớt, trẹt lét, trơ trụi, trụi lủi, tung tăng, tung tẩy, vành vạnh, vằng vặc, vòi vọi, vùn vụt, xiêu vẹo, xúng xính v.v.

Vẫn về những cái mắt thấy, tiếng Việt có rất nhiều từ chỉ màu hữu cảm: bạc phau, bạc phếch, bạc phếu, bạc phơ, bạc thếch, đen cóc cáy, đen điu, đen hù, đen kịt, đen lánh, đen láy, đen ngòm, đen nghịt, đen nhẻm, đen rầm, đen sì, đen thui, đen trại, đen trùi trũi, đen xỉn, đỏ au, đỏ bừng, đỏ chạch, đỏ chót, đỏ choét, đỏ dòi dọi, đỏ đắn, đỏ đọc, đỏ hau, đỏ hây, đỏ hắt, đỏ hoét, đỏ hói, đỏ hỏn, đỏ hực, đỏ ké, đỏ khè, đỏ khé, đỏ lét, đỏ lòm, đỏ lừ, đỏ lự, đỏ lựng, đỏ mọng, đỏ ngòm, đỏ ngòn, đỏ ối, đỏ phừng, đỏ rần, đỏ rợ, đỏ sọng, đỏ tấy, đỏ tươi, đỏ tịt, đỏ thén, đỏ xuộm, hồng hào, hồng phớt, tái mét, tím bầm, tím buốt, tím bời bời, tím lịm, tím ngát, tím rịm, trắng bạch, trắng bong, trắng bốp, trắng bủng, trắng dã, trắng hếu, trắng muốt, trắng ngần, trắng ngồn ngộn, trắng nhễ nhại, trắng nhở, trắng nhởn, trắng nõn, trắng nuột, trắng phớ, trắng phốp, trắng tàu tàu, trắng tinh, trắng toát, trắng trẻo, trắng xác, trắng xóa, trong anh ánh, trong khe, trong leo lẻo, trong sáng, trong suốt, trong trẻo, trong vắt, trong veo, vàng cạch, vàng chạch, vàng ệch, vàng ệnh, vàng hươm, vàng khè, vàng lụi, vàng lườm, vàng mẩy, vàng nuỗn, vàng ố, vàng rộm, vàng vọt, vàng xọng, vàng xuộm, xanh biếc, xanh chành, xanh lặc lìa, xanh lè, xanh lét, xanh lồng lộng, xanh lướt, xanh mái, xanh mởn, xanh ngằn ngặt, xanh om, xanh rì, xanh rờn, xanh rớt, xanh thao thiết, xanh thẳm, xanh um, xanh vời vợi, xanh xao, xám ngắt, xám ngoét, xám ngoẹt, xám xịt v.v..(2)

Nhóm từ cụ tượng “vô cảm” còn gọi tên những “cái” hữu hình mà không phải là vật. Ví dụ: đi. Những cái ấy cũng khiến ra đời vô số từ “hữu cảm”. “Đi” thì trơ trơ, nhưng rõ ràng có cảm giác cảm xúc trong những cút, chém vè, chuồn, dzọt, lỉnh, lủi, tếch, vù, xéo v.v..

Tại sao trong tiếng Việt “vô” tương đối ít, nhưng một “vô” sinh lắm “hữu”?

Bởi phải đi nhiều, thấy nhiều vật, nhiều hiện tượng, phải chế tạo ra nhiều vật mới, thì mới giàu tên gọi. Người Việt chúng ta đi được mấy, chế được mấy, mà đòi tiếng mình giàu tên gọi bằng, chẳng hạn, tiếng Anh. Mặt khác, chính vì đi ít, chế ít, ta tập trung được vào cảm giác và cảm xúc, nhờ đó “thấy” được mọi vật thật là kỹ.

*

Từ trừu tượng cũng có hai nhóm.

Phạm Quỳnh chỉ thấy có một nhóm. Ví dụ: lịch sử, địa lý, chuyên chế, đế quốc, giai cấp, chủ nghĩa, chính trị, kinh tế v.v. (toàn vay của tiếng Tàu!). Đây là những từ xuất phát từ hoạt động của trí óc. Nhưng con người ta ngoài trí óc còn có tâm hồn. Không phải chỉ sản phẩm của trí óc mới trừu tượng. Sản phẩm của tâm hồn cũng đâu có “hình”, giác quan nào mà cảm được nó, nó trừu tượng chẳng kém mảy may!

Những từ trừu tượng xuất phát từ hoạt động của tâm hồn chẳng hạn: anh ách, ay áy, áy náy, ăn năn, ấm ức, băn khoăn, bần thần, bấn, bâng khuâng, bẽ bàng, bịn rịn, bồi hồi, bồn chồn, bơ vơ, bỡ ngỡ, bời bời, bùi ngùi, buồn bã, buồn bực, buồn rầu, buồn tênh, bủn rủn, bực bội, bực dọc, bực tức, bứt rứt, canh cánh, cay cú, cay đắng, căm giận, căm hờn, căm tức, căng thẳng, chạnh lòng, choáng váng, choáng ngợp, chơi vơi, chới với, chờn chợn, chống chếnh, chua chát, dằn vặt, day dứt, do dự, dỗi, dùng dằng, dửng dưng, đau đáu, đau đớn, đắm đuối, đê mê, điếng, e ấp, e dè, e ngại, e thẹn, ê chề, ganh ghét, ganh tị, ganh tức, giày vò, giằng xé, giận dỗi, hả dạ, hả hê, háo hức, hăm hở, hằn học, hăng hái, hậm hực, héo hon, hiu hắt, hồ hởi, hồi hộp, hởi dạ, hớn hở, hụt hẫng, hững hờ, khao khát, khắc khoải, khấp khởi, khăng khăng, khoan khoái, khuây khỏa, khư khư, lạ lẫm, lạc lõng, lạnh lùng, lấn cấn, lâng lâng, lẻ loi, lo âu, lo lắng, lo ra, lúng túng, lửng lơ, mê mẩn, miên man, mong mỏi, mong ước, mừng rỡ, mừng rơn, nản lòng, nao núng, nao nức, não lòng, não nề, nô nức, ngả lòng, ngại ngùng, ngán ngẩm, ngao ngán, ngay ngáy, ngần ngại, ngần ngừ, ngẩn ngơ, ngây ngất, ngốt, ngỡ ngàng, ngợp, nguôi ngoai, ngượng ngùng, nhấp nhổm, nhớ nhung, nhớ tiếc, nhớ thương, nơm nớp, nức lòng, phân vân, phấp phỏng, phập phồng, phật lòng, phơi phới, quằn quại, quặn thắt, quyến luyến, rã rời, rã rượi, rạo rực, rộn rã, rộn ràng, rộn rạo, rợn, rụng rời, rưng rưng, say đắm, say sưa, se sắt, sôi nổi, sôi sục, sốt ruột, sợ sệt, sửng sốt, sượng sùng, tẽn, tê điếng, tê mê, tê tái, tha thiết, thao thức, thấm thía, thẫn thờ, thấp thỏm, thẹn thò, thẹn thùng, thoải mái, thổn thức, thương mến, thương tiếc, trăn trở, tủi, tức giận, tức tối, trống trải, trống vắng, tưng hửng, uể oải, vẩn vơ, vấn vít, vấn vương, vui mừng, vui vẻ, xao xuyến, xấu hổ, xót xa, xôn xao, xốn xang, yêu chuộng, yêu dấu, yêu đương, yêu mến, yêu thương, yêu vì, yếu lòng v.v..

Hầu hết từ vừa nêu là tiếng Việt, những trường hợp vay của tiếng Tàu thì điển hình đã được Việt hóa đi, nghĩa là mang phong cách mới, thậm chí diễn nội dung mới. Ðây ta gần như không vay, đời nọ qua đời kia, từ lâu lắm rồi, bao nhiêu cảm xúc tinh tế trong tâm hồn đa cảm của ta hễ cứ nảy sinh là tự nhiên hiện ra thành những âm thanh đầy khả năng gợi.

Có thể gọi từ trừu tượng xuất phát từ hoạt động của trí óc là từ trừu tượng khái niệm và từ trừu tượng xuất phát từ hoạt động của tâm hồn là từ trừu tượng cảm xúc.

Tiếng Việt quả rất nghèo từ trừu tượng khái niệm. Nhưng nó lại rất giàu từ trừu tượng cảm xúc.

*

Tiếng Việt vay của tiếng Tàu rất nhiều từ trừu tượng khái niệm (trong đó có những từ là Tàu dịch khái niệm của Tây), vay của tiếng Pháp một số từ cụ tượng vô cảm (bù-lon, cà-phê, cam-nhông, ét-xăng, phẹc-mơ-tuya, tuốc-nơ-vít, xúc-xích v.v.), bắt đầu vay tiếng Anh cũng một số từ cụ tượng vô cảm (coffee, homestay, hotel v.v., thường viết nguyên dạng chứ không phiên âm!).

Ta sở trường về từ trừu tượng cảm xúc và từ cụ tượng hữu cảm. Tàu Tây có mượn ta những từ này không? Không hề. Xưa Tàu đô hộ nước ta hơn nghìn năm, bắt dân ta lên rừng săn tê giác xuống biển mò trai ngọc, cướp vô số sản vật quý nhưng không động đến kho từ vựng cao cấp của tiếng ta. Thời Pháp thuộc, giặc cũng chỉ bắt người Việt Nam khai thác tài nguyên cho chúng chở về “mẫu quốc” mà không mượn tiếng. Rồi đến Mỹ đóng hơn nửa triệu quân trên một nửa nước ta non chục năm trời mà rút cuộc tiếng Anh cũng chỉ thêm có bất quá đại khái “pho” (phở) với “congai” với “chagio”…

Ở đời thường vay qua mượn lại. Tại sao đây xẩy ra tình trạng một chiều?

Cơ bản vì khi đôi bên tiếp xúc, ta luôn ở trong cái thế yếu về vật chất. Để trao đổi với Tàu với Tây, ta phải học tiếng Tàu tiếng Tây chứ họ không phải học tiếng Việt. Rồi do vật chất ảnh hưởng đến tinh thần, văn hóa ta thay đổi đi khiến ta thấy cần dùng những từ trừu tượng khái niệm, sẵn biết tiếng Tàu ta bèn vay luôn cho tiện. Trường hợp Tây thì do có nhiều món đồ mới lạ rất tiện lợi, ta vay tiếng Tây những cái tên gọi những món đó… Về phía Tàu Tây, nói chung kkhi mới tiếp xúc không học tiếng Việt, sau đó văn hóa không bị ảnh hưởng, cũng không thấy ta có món đồ dùng gì hay, lẽ tự nhiên không cố học cho biết. Đã thế, cái chỗ sở trường của tiếng Việt lại rất khó chia sẻ: người nước ngoài học đến bao giờ mới hiểu “bâng khuâng”…! Cho nên không ai mượn từ của ta cả.

*

Tuyệt vời, thế mà tinh hoa từ vựng tiếng Việt chẳng những không được “cường” nào vay, nó thậm chí sẽ không còn ở đời nữa ngay trên mảnh đất đã sinh ra nó!

Nghĩ xem:

Suốt bao nhiêu thế hệ, môi trường sống của người Việt Nam đã gần như bất biến, tổ tiên ta tha hồ cảm đi cảm lại cho đến thật tinh. Bây giờ môi trường sống thay đổi rất nhanh, làm sao ta cảm tinh cho kịp!

Thêm chuyện cái lịch sinh hoạt. Đời sống hiện đại vô cùng bận rộn: con người điển hình túi bụi làm việc, tới tấp giải trí, rồi lại túi bụi, tới tấp… Ta đâu còn thì giờ để tận cảm bất cứ cái gì.

Chưa hết. Còn vấn đề bản thân đổi khác. Ta nay nghĩ nhiều cảm ít. Nghĩa là bớt vận động tâm hồn. Tâm hồn cũng như cơ bắp, hễ ít được dùng đến thì sẽ teo tóp.

Trước một thực tại biến hóa như điên, ta năm thì mười họa mới cảm, làm sao nẩy ra được cảm giác cảm xúc - nhất là cảm xúc - cho đáng gọi là được!

Không có cảm mới, thì không có từ chứa cảm mới.

Không thêm mới, nhưng vẫn còn cũ. Sao lại bảo…?

Trong một thời gian có lẽ khá dài, đa số người Việt sẽ vẫn tiếp tục dùng những từ chứa cảm khi nói và khi viết. Nhưng dùng ngày thêm hững hờ, thêm khác cách dùng đầy rung động của tổ tiên. Có mặt mà như không, từ nọ từ kia sẽ buồn đến nỗi thôi có mặt. Đầu thế kỷ 23, hay sớm hơn, nếu có ai sực nhớ những đìu hiu, lãng đãng, chống chếnh, khắc khoải, phơi phới, xốn xang v.v., thử tìm chúng quanh mình, sẽ không thấy đâu cả.

*

“Ai” vừa nói trên là một nhà ngữ học tương lai. Cái nhớ của người ấy rất “thật” mà hoàn toàn “vô tình”.

Bây giờ mới đầu thế kỷ 21, bao nhiêu từ và từ vẫn còn nguyên đây, lại có người ngồi miên man nhớ. Cái nhớ này chỉ là tưởng tượng thôi, mà da diết, khôn nguôi!



Thu Tứ
Viết năm 2005
Sửa mới nhất 3-2023
















__________
(1) “Quốc học với quốc văn”, tạp chí
Nam Phong, số 164, tháng 7-1931.
(2) Xem bài “Màu hữu cảm trong tiếng Việt” của TT.