“Một đèo một đèo lại một đèo”. Cái đèo Ba Dội của Hồ Xuân Hương mà “hiền nhân quân tử (...) mỏi gối chồn chân vẫn muốn” dĩ nhiên đâu phải chỗ tầm thường, vô vị. Xưa rất xưa, nó đã phân cách Giao Chỉ với Cửu Chân. Rồi hơn hai trăm năm trước, nó là nơi vua Quang Trung kêu gọi toàn quân Tây Sơn hết lòng đánh giặc...

Hiền nhân quân tử hay binh lính đã phải vất vả với Ba Dội, nhưng đến thời Pháp thuộc thì Tchya chỉ việc cưỡi xe lửa mà qua. A, cái quang cảnh, cái khí hậu, cái thủy thổ của vùng đèo ấy, qua lời tả của Tchya, nó mới lạ làm sao! Nhà văn nhằm vẽ nền cho một câu chuyện rùng rợn, nên tả hẳn có đậm đà hơn thật. Ðồng Giao bây giờ ai qua có chia xẻ được chút nào cái ấn tượng dưới đây chăng?

(Thu Tứ)



Tchya, “Hạt Ðồng Giao”


Khi chuyến tàu Hà Nội - Vinh ghé một phút tại ga Ðồng Giao để trút xuống mỗi một người hành khách và một kiện hàng, thì kim đồng hồ nhà ga chỉ đúng 7 giờ 55 phút. Trời hôm ấy là một vòm trời đen tối; mưa phùn rả rích phủ kín không gian bằng một tấm màn ảm đạm; khí hậu nặng nề ẩm thấp; quang cảnh bốn bề lạnh lùng bí mật, chung quanh nhà ga đều là đồi núi rừng cây, khiến càng tăng thêm vẻ hoang vu rùng rợn.

Chỗ đó, xưa kia là một khu rừng sâu thẳm, ở vào một nơi đồi núi hiểm hóc, chỉ có thể làm sào huyệt cho lũ giặc cỏ ẩn nấp, hoặc làm trường mai phục cho hai đạo quân chúa Nguyễn và chúa Trịnh khi Bắc Nam xung đột binh đao. Chỗ đó ở chính giữa khoảng giáp giới hai xứ Bắc và Trung kỳ, nó chia rẽ bờ cõi hai kỳ bằng ba từng núi liền nhau; vì cớ ấy tục thường gọi là đèo Tam Ðiệp.

Ai đã từng đi xe lửa từ Thanh Hóa ra Ninh Bình, chắc cũng đã để ý đến một quãng đường sắt gập ghềnh, hiểm trở, có lắm đoạn khúc khuỷu, mỗi lượt xe đi qua lại ngửa nghiêng lúc lắc, phải ghìm bớt đà lại, làm cho hành khách khó chịu mỗi khi nghe tiếng nghiến kèn kẹt của bánh xe ép chặt trong máy hãm, giữa khi thân thể thì bị rung chuyển vì con tàu quằn quại, lượn ngùng ngoằn như con rắn uốn éotrên một con đường hẹp, đục ở giữa núi. Ló đầu ra ngoài cửa sổ để nhìn phong cảnh, ta chỉ thấy mặt đá trơ trơ, dựng cao như bức tường, và toàn thị là một thứ sậy khẳng khiu, mọc ở ven sườn đá. Một khi tàu chui qua khỏi núi ra tới nơi đất phẳng, thì lại chỉ là một khoảng đất mênh mông bát ngát, lởm chởm những đá, trên mọc xanh um kín mít những thứ cây nhỏ không tên tuổi, lan rộng khắp vùng; trông bụi không ra bụi, đồng không ra đồng, chỉ thuần một màu xanh thẫm, không thấy mặt đất đâu nữa. Thứ cây đó chả hiểu là những loại gì, nó thấp lè tè, quá mặt đất độ hơn nửa thước, mọc chen lẫn với lau và sậy, với cỏ, với rêu, biến quãng bình địa ra một khu hoang vu xanh thẳm, rừng cây không ra rừng cây, nội cỏ chẳng ra nội cỏ. Trong muôn vàn thứ cây đó, thứ mọc nhiều nhất là cây săng, cây sim; có thứ lại có hoa trắng và hoa tím, điểm một nét diễm lệ trên vẻ trơ tẻ cằn cỗi của ngàn lau.

Từ mấy năm nay, có một ông hào phú được nhà nước cho phép khai khẩn chốn hoang vu đó để làm đồn điền. Nhưng dáng chừng sự khai hoang khó khăn quá, nên nhà hào phú kia đành bó tay chịu thua Tạo hóa, chỉ để lại trên đường sắt một tấm biển báo hiệu cho công chúng biết đất Ðồng Giao là nơi sắp thành ấp nay mai. Ai đi qua Ðồng Giao mà chẳng thấy tấm biển gỗ to, đứng sừng sững trên ngàn cỏ xanh đã mấy năm nay, trên có một hàng chữ đập mạnh vào đồng tử người quá khách: “Concession Nguyễn Văn X...”.

Sự mở mang khu đất rộng giáp với đường sắt ở vùng Ðồng Giao hẳn phải là một công trình vĩ đại, mà trong một thời gian ngắn ngủi, sức người khó nỗi làm xong. Muốn cho bãi đất hoang thành khoảng đồng phì nhiêu phong phú, tất phải bỏ ra một số tiền ức vạn, một là để phạt hết cây hoang cỏ xấu, hai là để san bằng mặt đất, vạt cho hết lượt sỏi đá gồ ghề. Công trình ấy cũng đủ nuốt hết một gia sản khổng lồ, huống lại còn phải xây nhà cửa, nuôi súc vật và trồng trọt! Có lẽ cũng vì thế nên nhà hào phú kia đành nhẩn nha làm việc, không thể tiến hành công cuộc khai khẩn một cách mau chóng hơn nữa.

Ấy là chưa nói về khí hậu xứ Ðồng Giao, ai đã ở vùng ấy độ dăm bảy tháng, ắt phải rùng mình ghê sợ, mỗi khi nói về thủy thổ miền giáp giới Bắc, Trung kỳ. Ðó là tổ sốt rét rừng, dẫu uống ký-ninh đến điếc tai cũng khó lòng tránh khỏi. Khí hậu thực là kỳ quặc: tuy ở vào miền gần bể, mà Ðồng Giao về phương diện thời tiết cũng chả khác gì những chỗ ở mạn thượng du, và có lẽ còn độc hơn các tỉnh vùng thượng du nữa. Ðêm thì lạnh buốt phải đắp chăn tới sáng, ngày lại nóng bức như giữa mùa hè. Sống trong bầu hàn thử tương xung đó, phải có xương đồng da sắt mới tránh khỏi sự ốm đau quặt quẹo. Buổi sáng, tám giờ, sương trắng như sữa, đặc như khói, còn phủ kín non sông cây cỏ; mãi đến khi mặt trời lên cao lắm mới tan dần. Chiều tới, vào khoảng bốn năm giờ, sương đã bắt đầu rỏ xuống rồi tụ lại, chỉ chốc lát là phong cảnh bị chìm đắm trong một bức màn trắng đục, ẩm thấp, khiến người đi trong năm bước khó lòng trông thấy mặt nhau. Trong vụ quí xuân, mỗi khi có mưa rả rích, sự nặng nề ướt át càng tăng gấp bội, trời một màu tiêu điều xám đục, đất thì vắng lạnh đìu hiu, phong cảnh thực là thê lương ảm đạm. Có lẽ vì vùng Ðồng Giao ở cao hơn mặt bể, lại có các rừng núi bao bọc, nên tuy không xa đồng bằng mấy, mà khí hậu thời tiết khác hẳn các miền ở đồng bằng. Quanh năm không khí bao giờ cũng đầy hơi nước; sự ẩm thấp không làm sao tả xiết; cỏ hoang rêu lạ tha hồ được tươi tốt nhưng áo quần đồ đạc thì luôn luôn phải hơ, phải sấy, nếu không ắt bị mốc bị mục một cách mau chóng lạ thường.

Ðem so sánh các tỉnh (?) rải rác trên quãng đường thiên lý chạy từ Hà Nội đến Huế, thì có lẽ hạt Ðồng Giao là chỗ độc địa hơn cả. Sở dĩ nước độc, tại vì bốn chung quanh hạt toàn là rừng rú, ngàn nội, truông sậy bãi lau; những lá cây mục nát từ thủa xưa còn chồng chất cả trên mặt đất, trong lòng suối, khiến nước xanh lè như màu rêu, hoặc đục váng lên như nước ao tù.

Những cây cỏ thường hay giữ lấy hơi nước, không cho tan đi, lại nhuốm các khí độc ở đất bốc lên, thu tất cả bao nhiêu những nguồn ám chướng vào lòng rừng rú. Gia dĩ trong rừng, bóng mặt trời không lọt vào được, lá cây cổ thụ rườm rà che lấp hẳn ánh nắng, hóa nên sự ám chướng thiên niên vạn đại cũng chưa tiêu. Lá cây, khi rụng xuống, xếp lên nhau thành khối, lâu ngày mục dần, biến ra một tảng đất đen hôi thối, có khi rơi vào nước, hoặc ngấm vào mạch nước, đầu độc cả các suối, các ngòi. Dân cư bởi thế, không tài nào tránh khỏi bệnh tật, vì ai ai cũng đều phải lấy nước làm một sự cần thiết cho cuộc sinh hoạt thường ngày.

(...)

Bạn hãy theo tôi xuống tàu vào ga một chút, rồi chúng ta sẽ cùng đi tới đầu đề. Hôm đó, trời mưa rả rích, lại tối đen như mực, dẫu vừa mới tám giờ đêm. Quang cảnh nhà ga trông quạnh hiu hoang vắng, sự buồn sự lạnh thấu trời rơi vào tận đáy tâm hồn. Tàu huýt còi rồi nặng nề lăn bánh trên con đường sắt, chui vào bóng tối chập chùng (...)


Trích từ chương II của truyện dài
Ai hát giữa rừng khuya. Nhan đề phần trích tạm đặt.)