Phát biểu sau đây là của một người Việt sống ở nước ngoài muốn giúp các Việt kiều “dạy con nên người Việt”.

Ðã gần một phần tư thế kỷ từ ngày Ðỗ Quý Toàn viết những dòng mô tả cái nền nếp đáng trân trọng của dân tộc ta. Ðọc lại, không khỏi thấy bùi ngùi. Vì thiết nghĩ trong số không ít những trẻ cha Việt mẹ Việt lớn lên ở Tây phương, e không có một em nào đã “nên người Việt”!

Chớ trách cha mẹ các em. Càng chớ trách các em.

Con của Việt kiều nên người Việt sao được khi cứ hễ bước ra khỏi nhà là gặp toàn Tây? Ngay ở trong nhà, chúng cũng gặp rất nhiều Tây: trên truyền hình Tây mấy khi xuất hiện hình ảnh người thuộc giống khác...

... Những thanh niên nam nữ mũi không cao đang sống bên trời Tây ấy lắm người làm nên, nhưng ta chỉ nên mong họ có chút cảm tình với cái đất nước vốn là tổ quốc của cha mẹ họ, chứ chớ tưởng họ là “người con gái Việt Nam da vàng”(1) hay “chàng trai nước Việt”(2), mà bé cái nhầm!

(Thu Tứ)

(1) Tên một ca khúc của Trịnh Công Sơn.
(2) Nguyễn Vỹ có truyện dài tên
Tuấn, chàng trai nước Việt.



Đỗ Quý Toàn, “Ăn trông nồi..."



Người Việt Nam rất chú trọng đến cử chỉ, điệu bộ của trẻ em, ngay từ khi còn nhỏ. Người mình nói: “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Câu đó khuyên chúng ta phải chú ý giữ cử chỉ, hành động của ta cho phù hợp với hoàn cảnh chung quanh. Khi cha mẹ đang ngồi nói chuyện với khách chẳng hạn, các em sẽ không ngồi xen vào giữa. Có khách ngồi trong nhà, em sẽ không ngồi ngay trước mặt và quay lưng về phía khách. Ðó là ngồi trong hướng. Hồi tôi còn nhỏ, tôi còn được dạy không được ngồi quay lưng về phía bàn thờ tổ tiên, để giữ niềm kính trọng. Khi chúng ta nhớ câu “ngồi trông hướng”, trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng có thể áp dụng được. Khi đi ngoài đường, khi vào lớp học, khi dự tiệc tùng (party), chúng ta sẽ quan sát mọi người và mọi vật chung quanh để cho hành động, cử chỉ mình được thích hợp. Thích hợp nghĩa là bày tỏ được nhân cách đàng hoàng chững chạc và lòng kính cẩn, khiêm tốn của mình. Trong bữa cơm gia đình chúng ta không làm rơi vãi thức ăn, không khuấy lộn đĩa thức ăn để tìm miếng ngon. Nhiều khi ta thấy miếng ngon mà nhịn không gắp ăn. Ðó là “ăn trông nồi”. Dân mình xưa nghèo lắm, có khi nhà không đủ cơm cho mọi người ăn. Vì vậy khi ăn cơm mình chú ý ngó coi nồi cơm còn nhiều hay ít. Nếu mình thấy nồi cơm sắp hết, mình không xin mẹ sới thêm cơm nữa. Vì nếu mình đòi thêm, mẹ sẽ phải nhịn cho mình có đủ cơm ăn. Hồi tôi lên bốn lên năm tuổi, gia đình tôi thiếu gạo nên ăn cơm trộn hạt bắp. Một bữa tôi vừa nhai bắp vừa nhăn nhó (vì bắp cứng hơn cơm). Mẹ tôi thấy vậy nên lần sau khi sới cơm cho tôi mẹ tôi lựa bắp ra, chỉ lấy cơm thôi. Tôi không để ý, nhai cơm một cách ngon lành. Hồi lâu tôi mới nhận thấy bát cơm của mẹ chỉ toàn bắp là bắp. Các bà mẹ Việt Nam, các bà mẹ ở khắp thế giới, đều yêu thương con một cách kín đáo, thầm lặng như vậy. Tôi còn nhớ bữa cơm hôm đó cho tới ngày nay cũng chỉ vì ngay lúc đó tôi rất hối hận. Nếu tôi có ý tứ một chút, tôi sẽ không để mẹ tôi phải ăn toàn bắp là bắp. Nếu tôi có ý tứ một chút, tôi sẽ không nhăn nhó khi nhai bắp. Mẹ mình thấy mình nhăn nhó thế nào cũng nhường cơm cho mình. Hồi đó tôi bốn, năm tuổi nhưng tôi cũng nghĩ ra. Các bữa ăn sau bao giờ tôi cũng đòi ăn cả cơm lẫn bắp. Và khi ăn tôi không nhăn nhó nữa. Các em đã hiểu “ăn trông nồi” là gì chưa? Không phải chỉ trông cái nồi cơm, mà phải nhìn kỹ mọi người sống quanh mình. Phải chú ý đến cử chỉ của mình để mọi người được an vui. Phải ý thức rằng mọi cử chỉ, lời nói của mình đều có tác động đến người chung quanh. Mình vui tươi thì mình có thể mang hạnh phúc cho người. Mình nóng nẩy tức giận thì người chung quanh cũng buồn. Cẩn thận từng cử chỉ, lời nói như vậy, người mình gọi là “có ý tứ”.


(Ðỗ Quý Toàn,
Yêu con, dạy con nên người Việt, nxb. Văn Nghệ, Mỹ, 1987, tr. 111-113)





____________
Nhan đề do người trích tạm đặt.