Anh Dụ chê cô Quê “người thời xưa”, rồi anh Dụ bị cô Ngoạn “phụ nữ mới” bắt. Chuyện chỉ có thế. Thế mà đọc xong, nhớ mãi. Cái nông nỗi của anh Dụ sau khi lấy nhầm vợ kể cũng độc đáo, nhưng thực tình, nhớ mãi là nhớ cô Quê. Người vậy, phận vậy, bố khỉ cái ông giời! Nguyễn Khải hay kể những chuyện éo le hoặc nhiều khúc mắc vốn không hiếm trong “một cõi nhân gian bé tí” (tên một tác phẩm khác của ông). Lời kể điềm đạm mà đậm đà lòng trắc ẩn. (Thu Tứ)



Nguyễn Khải, “Chuyện tình của mỗi người”




Mỗi lần ra Hà Nội tôi thường dùng bữa ở quán cơm nhìn sang bãi xe khách Bến Nứa. Quán cơm vỉa hè nhưng nấu ngon, lại rẻ, chỉ phải cái hỗn tạp. Các ông tài và khách đi xe, con buôn và dân thất nghiệp, thêm một ông văn nghệ đã hết thời chỉ đủ tiền ăn cơm đầu ghế. Tôi đang đợi nhà hàng dọn phần cơm của mình, tình cờ nhận ra một gương mặt rất quen đang hý húi và nuốt ở đầu ghế bên kia. Ông già phải hơn tôi chừng dăm tuổi, tóc cắt ngắn đã bạc hết, gương mặt thanh tú nhưng gầy guộc, hốc hác. Ông ta mặc cái áo dạ bộ đội cũ, cổ quấn một vòng khăn len đã bạc màu, tay bưng bát cơm run rẩy, và miếng nào cũng rơi vãi, nuốt miếng nào cũng nấc nghẹn. Người ở đâu mà quen thế nhỉ? Một đời làm báo, gặp gỡ bao nhiêu con người nhớ sao cho xuể. Một người nào đó, đã gặp ở một nơi nào đó, vào một lúc nào đó. Rồi tôi quên hẳn, vừa ăn vừa tính toán những công việc trong ngày. Bất chợt một giọng hỏi khàn đục thì thào ngay sát cạnh: "Tôi xin lỗi, có phải là bác Kh. đấy không?". Tôi quay phắt lại, nhìn trừng trừng ông già đang cúi khom người ghé vào tận mặt tôi với nụ cười thiểu não. Tôi hỏi hốt hoảng: "Vâng, tôi đây, bác là ai ạ?". Ông già cười nhăn nhúm: "Tôi đây mà, Dụ Hưng Yên đây mà." Trời ơi, anh Dụ! Tuổi già tội nghiệp đến thế sao!

Tối đó tôi hẹn anh Dụ lại chơi và cùng ngủ với nhau một đêm tại cơ quan tôi tá túc trong mấy ngày học. Cái cung cách Dụ tháo dép để bước vào sàn gỗ đã lau bóng, rồi ngồi rón rén vào cái ghế dựa đóng bằng gỗ tạp của cơ quan, rồi đưa cặp mắt đã bạc đục ngắm nhìn căn phòng làm việc chỉ có bàn với ghế và một cái giường cá nhân, mà thương hại. Cứ như người vừa ở tù ra hoặc từ một khe núi nào mới xuống đồng bằng. Sau một lượt nước tôi mới hỏi:

- Thế nào, những năm gần đây anh sống ra sao?

Dụ cúi đầu nhìn chăm chú điếu thuốc đã đốt nhưng không dám hút vì ho quá, nhưng không thể không đốt một điếu cho đỡ thèm. Chả có gì cả, cứ hấm hứ trong cổ họng rồi đưa cả lòng bàn tay lên day nhẹ hai bên mắt. Tôi cũng không muốn hỏi thêm, một người bạn vốn đẹp trai như thế, khỏe mạnh như thế, lại lắm tài vặt nữa, nâng niu chiều chuộng, cuối cùng lại ra cái nông nổi này. Hai chục năm không gặp nhau đã thành người sống kẻ chết, người sướng kẻ khổ rồi. Ðời người nói thế mà ngắn lắm. Rồi anh Dụ nói, nói rì rầm cả nửa đêm, giọng thì mệt nhọc nhưng câu chuyện thì mạch lạc, gẫy gọn như nói về một người nào khác. Chắc hẳn anh đã ngẫm nghĩ rất nhiều năm về cuộc đời của mình với bao nhiêu ân hận, nuối tiếc. Không thể nào thay đổi được nữa, đành cam chịu sự trừng phạt của một sự lựa chọn nông nổi. Cái giọng kêu khản đục, thảm thiết ấy như vang sâu trong tòa nhà rộng lớn chỉ có vài người ngủ lại, của một đường phố rất vắng vào một đêm mưa rét cuối năm.



Chắc anh còn nhớ, Dụ nói, cái năm chúng ta đều là đội viên của Trung đội Tự vệ Chiến đấu thị xã Hưng Yên, anh mới mười sáu tuổi còn tôi hai mươi, tôi lớn hơn anh bốn tuổi, tuổi Bính Dần mà. Khi thị xã Hưng Yên tiêu thổ kháng chiến thì mẹ và em tôi về ở nhà sư cụ chùa Hà của làng Hương Cái, cách thị xã một cây số. Sáng sáng mẹ tôi thổi một chõ xôi lạc đội bán ở chợ Bảo Châu còn thằng em thì bưng mẹt kim chỉ ngồi bán ở đầu Phố Hiến. Bố tôi là người Hưng Yên nhưng ra Hà Nội làm ăn từ nhỏ, rồi chẳng may mất sớm, mẹ và em chỉ còn trông cậy vào cái tài tháo vát của tôi thôi. Những năm ở Hà Nội là thế, bây giờ đã kháng chiến rồi sự trông cậy vào tôi vẫn không thay đổi. Tôi khỏe mạnh, lại nhanh trí và không sợ chết, có thể làm người chỉ huy lắm chứ, làm đại đội trưởng chẳng hạn, chẳng những nuôi được mẹ và em mà còn có chút ít danh vọng để hãnh diện với bè bạn họ hàng. Tôi sống vui vẻ và vô tư vì cái tương lai ấy, không hề biết mẹ và em chỉ được ăn một ngày một bữa cơm độn khoai với rau cần muối. Rồi mẹ tôi bị bệnh kiết lỵ, không đi chợ được. Em tôi cũng bỏ hàng ở nhà chăm sóc mẹ. Ðồng tiền cuối cùng đã tiêu hết. Có mấy bộ quần áo lành lặn cũng bán rồi. Tôi chỉ là anh bộ đội, lo thì rất lo nhưng không biết xoay xở ra sao. Ðúng lúc ấy thì có quí nhân phù trợ. Ðó là bà Xuân Thái, có cửa hàng bán thuốc lào trước đây ngoài thị xã, là cháu gọi sư cụ chùa Hà là cô ruột. Thấy tình cảnh mẹ con tôi mà thương nên giúp tiền giúp gạo cho qua khỏi lúc hoạn nạn chứ không nhằm cái lợi gì. Bà có cả thẩy năm người con: hai trai đầu, một gái giữa và hai trai cuối. Cô con gái duy nhất đó mới mười chín, kém tôi một tuổi. Tên cô là Quê. Anh còn nhớ cô gái ngồi cạnh cái quả sơn đen bán thuốc lào ở gốc gạo trước đền Mẫu không? Cô ấy đấy. Tôi biết bà Thái cả nửa năm trước rồi mới biết cô gái bán thuốc lào là con bà, vì tôi chưa hề vào nhà bà lần nào. Tôi không hút thuốc lào, thuốc lá cũng không, tình cờ một lần đi qua nghe cô chào: "Anh bộ đội mua thuốc" mới quay mặt nhìn lại. Trời rét, cô chít khăn vuông, mặt ngoài cái áo cánh bông đường chần rất nhỏ, bên trong là cái áo vải rồng nhuộm nâu thắt vạt, đi đôi guốc sơn đen. Gương mặt đẹp, nước da trắng, hàm răng đen đều và nhỏ như hạt na. Vậy là tôi đứng lại ngồi sụp xuống cạnh quả thuốc lào, nhấc từng phong thuốc bày trên nắp quả như lựa chọn, rồi hỏi: "Bán bao nhiêu một phong hả chị?", "Thưa anh một hào." Tôi vờ nắn các túi áo rồi kêu nhỏ: "Chết chửa, tôi quên mang tiền." Cô gái mủm mỉm cười, bảo: "Anh cứ lấy, mai đi qua anh cho cũng được." Tôi lấy một phong về cho thằng Tuất. Tuất khen ngon, thuốc Kiến An chính hiệu, chắc là thuốc cũ còn lại, bây giờ đánh nhau rồi làm gì có lái thuốc từ bên đó đưa sang. Gần như chiều nào tôi cũng qua đền Mẫu, có bữa mua thuốc, có bữa chỉ ngồi tán chuyện vớ vẩn. Thoạt đầu cô ta ăn nói dè dặt, về sau đã dễ dàng, tự nhiên, mỗi lần tôi tới cô đều nhìn thấy từ xa. Con gái ngày ấy không táo tợn, tự do như bây giờ, nhưng tôi biết cô ấy rất quyến luyến tôi. Từ năm mười sáu tuổi làm đủ nghề ở Hà Nội, các ân nhân của tôi đều là đàn bà con gái cả. Hầu như họ đều bị tôi mê hoặc dầu cho tôi không cố ý. Cho đến ngày gặp Quê tôi vẫn là anh trai tân, chỉ đùa bỡn họ một chút cho vui, chưa bao giờ vượt quá cái lằn ranh cho phép. Chẳng hạn, có vài buổi chiều tôi không ra gặp Quê, mấy đêm ấy cô ta phải mất ngủ, nghĩ thế và lấy làm khoan khoái. Hoặc tôi cố ý cho cô ấy nhìn thấy tôi từ xa rồi bất thình lình rẽ ngoặt vào một đường khác, đi thẳng. Hoặc tôi vẫn đến, vẫn trò chuyện, nhưng mặt lạnh tanh, nói năng nhấm nhẳng rồi bỏ đi luôn. Làm thằng đàn ông quả thật là sung sướng. Làm thằng đàn ông đẹp trai, khỏe mạnh lại càng sung sướng lắm. Tôi hoàn toàn vui thích vì sự phát hiện ấy, nhởn nhơ, đùa giỡn giữa bao nhiêu thiếu thốn, khó khăn của mấy năm đầu kháng chiến. Một buổi chiều tôi từ làng An Tảo là nơi trung đội đóng quân, lẻn về thăm nhà, định sẽ ngủ lại, đợi mẹ và em một đêm. Dịp này mẹ và em bóc hạt sen thuê, người thuê trả công bằng bốn đấu hạt sen mỗi ngày. Cả tháng chỉ ăn cơm độn hạt sen, ăn rất bùi, không ngán, nhưng vẫn thèm được ăn một bữa cơm trắng không độn, ăn với rau cần muối và tép rang. Nhìn mẹ tôi bưng bát cơm đầy, và từng miếng to, nhai nuốt vội vàng, tôi phải ngoảnh vội mặt đi để mẹ khỏi nhìn thấy nước mắt. Tôi hỏi: "Người ta trả công bóc sen bằng gạo á?", "Cô Quê con nhà Thái ấy mà." Bà Xuân Thái là người giàu trong làng, cô bán thuốc lào vẫn chờ tôi mỗi ngày là con gái bà nhà giàu ấy, nhưng cô ta đâu biết cái bà gầy gò, nghèo khổ tản cư ở chùa Hà là mẹ tôi. Quen nhau đã cả tháng nhưng Quê chưa hề hỏi tên tôi, gia đình và quê quán. Một anh bộ đội, thế là đủ để tin cậy, để thương yêu. Tôi cũng không hỏi. Tên cô tôi đã biết từ trước, trò chuyện rồi lánh mặt, rồi hờn dỗi với cô để có được niềm vui thấp thoáng mỗi ngày. Bất chợt chúng tôi lại gặp nhau ở đây như ân nhân và những kẻ được bố thí, hết mọi thơ mộng, hết mọi tìm đuổi, tất cả hóa ra trơ trẽn, tầm thường. Tôi giận tôi quá, giận cả mẹ và em, tại sao chúng tôi lại nghèo. Giận cả Quê, lòng tốt của cô ấy đã buộc tôi, một thằng con trai ngang tàng, thành kẻ chịu ơn. Tôi trở về ngay trong đêm, vừa đi vừa rấm rứt khóc và thề với mình sẽ không bao giờ gặp lại cô gái bán thuốc lào trước đền Mẫu nữa. Một tuần lễ tôi không gặp người bạn gái mới quen biết, cũng có bứt rứt thật vì mất đi thói quen trò chuyện mỗi ngày, nhưng không sao, tôi phải trừng phạt cô ấy về cái tội, tội gì nhỉ, cái tội đã dám ra ơn với mẹ con tôi. Tôi đâu cần sự giúp đỡ ấy, tôi đâu cần cái từ tâm ấy, đừng nghĩ hễ có của là ban ơn cho ai cũng được. Một buổi tối thằng em trai tôi hớt hải chạy tới đơn vị tôi báo tin là mẹ tôi lại bị bệnh kiết lỵ đã cả tuần, lần này xem chừng nặng, người yếu lắm. Tôi xin phép đại đội trưởng rồi theo về luôn, đi tay không, tiền không có, gạo không có, rồi biết nhờ cậy ai đây. Dọc đường tôi hỏi em: "Thuốc thang thế nào?", "Bác Thái với chị Quê đã cho thuốc uống rồi." Lại bà Thái và cô Quê, không tránh được nhỉ. Tôi lại hỏi: "Uống thuốc mà vẫn không đỡ à?" Em tôi bảo, những ngày đầu mẹ giấu, vẫn ngồi bóc hạt sen nên không ai biết, chỉ có hai ngày nay mệt quá phải nằm gặp lúc chị Quê ra chơi nên bác Thái mới biết cho mời ông lang lại. Tôi về chùa thì Quê vẫn còn ngồi đấy, đang trò chuyện với mẹ. Tôi ngượng ngập bước vào. Quê nhìn sững tôi rồi nói nhỏ: "Là anh à?" Tôi cúi đầu, nói ấp úng: "Cảm ơn chị đã...", chỉ nói có thế rồi nước mắt ứa ra. Quê cũng khóc. Mẹ tôi bảo: "Chiều nay đã húp được lưng cháo, xem chừng cái bụng đã yên." Mẹ tôi uống thêm lượt thuốc nữa rồi đi nằm. Tôi và Quê ngồi ở bực thềm nhà thờ các hậu. Trời sáng trăng, hương hoa mộc thơm say, có tiếng vỗ cánh rất nhẹ trong bụi thanh trà bên kia bờ ao, những tầu cau cắt sáng lên nền trời xanh nhạt của một đêm đầu hạ. Quê nói trước: "Mẹ em muốn đón bà và em vào trong làng để tiện trông nom, ở ngoài này vắng vẻ quá." Tôi nói ngay: "Mẹ tôi ở đây với các sư đã quen, xin bác với chị cứ cho chúng tôi được tự nhiên." Quê lại hỏi: "Bà còn mệt, vậy ai nấu cơm cho bà với em?" Tôi vẫn bướng bỉnh: "Tôi sẽ có lời nhờ sư thầy." Nhưng lấy đâu gạo và tiền gởi sư thầy thì tôi lại chưa nghĩ ra, thằng con trai đã hai chục tuổi đầu mà nhiều chuyện còn ngu tệ. Quê cúi mặt, mím môi như hơi cười nhưng không nói gì. Sáng sớm hôm sau, khi tôi đang còn ngủ với em thì Quê đã gánh lên chùa, gửi cả gạo và tiền cho sư thầy, lại còn nói là tiền của tôi nhờ cô thu xếp giúp.

Một lần mẹ tôi hỏi tôi: "Mày thấy cô Quê thế nào?" Tôi nín lặng. Mẹ tôi nói tiếp: "Bà Thái muốn cho mày đấy. Tao được nàng dâu đó là phúc mười đời." Tôi nghĩ: các cụ chỉ cầu lợi. Tôi cũng không chê nhưng tôi còn trẻ, sớm vướng bận thê nhi làm sao tiến bộ được. Thêm nữa, cô ấy không phải là một phụ nữ mới, nói năng như người thời xưa, chẳng có một ý niệm gì về sự giải phóng của giới phụ nữ sau cách mạng. Ðại để cô ấy sẽ sống như mẹ, thờ chồng nuôi con, tất cả vì chồng con. Một buổi chiều tôi đi qua đền Mẫu thấy Quê đang dọn hàng về. Cái quả thuốc lào nghĩ nặng mà rất nhẹ, nó ghép bằng những đoạn nứa đập dập, dùng sơn ta trét kỹ lại đánh thêm hai vòng đai mây. Quê nhờ tôi nhấc quả thuốc để cô đội. Cô đi về phía Phố Hiến, tôi cũng đi theo. Quê nhìn tôi cười, con mắt dài đen láy: "Ði chợ về có hai người vui quá, anh nhỉ?" Tôi nói: "Ði công tác có hai người càng vui hơn." Quê nói nhú nhí: "Em dốt nát chỉ biết đi chợ thôi." Tôi lại bảo: "Rồi Quê cũng phải cạo răng trắng đi, nom văn minh hơn." Quê lại cười: "Con gái tuổi chúng em ở làng chả ai cạo răng trắng cả." Trời đã tắt nắng, cái thị xã trơ trụi những đống gạch lớn nhỏ sẫm màu dần càng hoang vắng, hiu quạnh. Con đê bao tỉnh với rặng nhãn xanh đen hun hút trong hoàng hôn đến bồn chồn. Cái khung cảnh vắng lặng, buồn bã của buổi chiều hôm ấy, cái vẻ mãn nguyện nhỏ nhặt của Quê khi được cùng đi với tôi một đoạn đường đã khiến tôi mạnh dạn từ chối mọi lời mời mọc của hai bà mẹ và cả tấm tình si của một cô gái nết na. Tôi sợ phải gắn chặt cả đời tôi vào một số phận mà tôi biết chắc sẽ rất quen thuộc và buồn tẻ.

Mấy năm sau khi tôi đã là một tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn chủ công được cấp trên chiều chuộng, bạn bè vị nể, thì thị xã Hưng Yên và toàn tỉnh đã bị Pháp chiếm đóng nên không có dịp về làng Hương Cái khoe áo gấm. Tôi vẫn nhớ tới Quê như nhớ tới một người con gái, chỉ thế thôi. Tôi là người của hôm nay, không thể có người vợ răng đen quen sống nhẫn nhục, hy sinh như các cụ thời trước. Mãi cuối năm 52 tôi mới gặp Ngoạn, là cán bộ phụ nữ huyện Khoái Châu, lúc sống ở vùng địch, lúc sống ở vùng tự do, quen biết nhau trong cuộc họp tổng kết chiến tranh du kích. Cô này không đẹp, người thấp và mập, mặt vuông, trước kia đã nhuộm răng đen nay đã cạo trắng, là gái quê nhưng được hoạt động sớm trong phong trào phụ nữ nên mạnh dạn, tháo vát, nói năng tự nhiên như nam giới. Quen nhau được ít ngày thì cô ta hỏi thẳng tôi: "Anh có bằng lòng xây dựng gia đình với em không?" Tôi nói đùa: "Cô muốn làm lẽ à, tôi sẵn sàng." Cô ta nói không cười: "Tôi đã điều tra lý lịch anh rất kỹ, trừ phi anh nói dối tổ chức." Tôi nín lặng. Cô ta lại nói tiếp: "Em và anh đều là cán bộ, là đảng viên, gia đình thuộc tầng lớp nghèo, có lấy nhau thì cũng không ảnh hưởng gì tới sự tiến bộ của mỗi người." Ngoạn là một phụ nữ mới, một người vợ có thể làm tôi hãnh diện với bạn bè, có thể giúp tôi tiến bộ như tôi vẫn mong đợi. Chỉ tiếc là cô ta không được đẹp, không được dịu dàng, ít nữ tính quá. Nói chuyện trăm năm mà bình tĩnh, thản nhiên như bàn chuyện công tác. Tôi vẫn giữ cái trò lửng lơ, bỡn cợt quen thuộc, tôi đâu đã cần lấy vợ, mới hăm sáu tuổi, còn trẻ chán. Hai ngày sau chính ủy trung đoàn gọi tôi lên và nói thẳng đảng ủy trung đoàn chấp nhận cho tôi và cô Ngoạn tìm hiểu nhau để tiến tới hôn nhân. Chính ủy nói thêm: "Tuy chưa có hôn lễ nhưng về mặt tổ chức cũng xem như vợ chồng rồi. Cậu phải sống cho đứng đắn để giữ uy tín cho quân đội." Thế là hết đời thằng con trai luôn luôn hợm hĩnh về cái uy lực đàn ông của mình. Nó đã mất tự do, nó đã bị phụ thuộc vào một người có sức mạnh của tổ chức và những nguyên tắc đạo lý không thể thay đổi. Một năm sau chúng tôi cưới nhau ở Thanh Hóa. Tới ngày chiến thắng Ðiện Biên Phủ thì nhà tôi sinh đứa con gái đầu lòng, đặt tên là Biên. Một năm sau nữa chúng tôi lại có đứa con gái thứ hai vào dịp chúng tôi đều đi cải cách ruộng đất nên đặt tên là Cải. Rồi cô ấy thôi đẻ hẳn. Cuối năm 54, tôi xin phép về xã Hưng Yên thăm mẹ và em. Mẹ tôi đã mất vì bệnh thương hàn. Một tháng ốm đau mẹ và em tôi đều hoàn toàn dựa cậy vào gia đình bà Thái. Khi mẹ mất cũng vẫn là bà bỏ tiền làm ma chôn cất. Sau đó em tôi lên Hà Nội ở với ông anh họ gọi mẹ là cô ruột. Bà Thái đã già nhiều, tóc bạc trắng, xem tôi như đứa con trai mới đi xa về, không than thở, không oán trách. Quê vẫn chưa lấy ai, buồn bã nghe tôi kể đủ mọi chuyện của người đi nhiều biết rộng. Mãi về sau bà Thái mới hỏi, làm như vô tình mà hỏi: "Vợ con mày bây giờ ở đâu?" Tôi ngượng nghịu trả lời: "Vợ con con hiện ở Thanh Hóa." Quê đứng vội lên nói nhỏ: "Anh đi nằm nghỉ để em xuống nấu cơm." Bà mẹ nhìn theo con gái, cái nhìn đau đớn đến tan nát cả ruột gan.

Cuối năm 55 tôi được điều về Bộ, làm giáo viên quân sự một trường huấn luyện bộ binh. Vợ con tôi cũng trở lại Hưng Yên, cô ấy xin thôi công tác đoàn thể để chuyển sang chính quyền, làm phó chủ tịch huyện rồi chủ tịch huyện. Những ngày nghỉ tôi đều về ủy ban huyện vì vợ con ở đó, sáng đưa con lớn đi học, con bé đi mẫu giáo, đến giờ ăn xuống bếp tập thể lấy ba suất cơm, thui thủi một mình trong hai căn buồng ở cơ quan, đọc sách chán lại ra ngồi đầu hè nghe hóng chuyện của cán bộ các ban phòng. Anh chị em ở huyện có người gọi tôi là anh Dụ, có người gọi tôi là anh Ngoạn. Về quê vợ thì tôi chỉ còn là anh Ngoạn, anh chồng chị Ngoạn, ông chồng bà chủ tịch. Trong một lúc tôi mất cả tên, cả vị trí xã hội, thậm chí cái thân tôi cũng như thừa. Mỗi lần vợ tôi có khách tiếp ở nhà thì tôi phải mang phích xuống bếp lấy nước sôi, tráng ấm chén, pha trà và ngồi khiêm tốn ở một góc vì họ đang bàn công việc, có mặt mình ở đó không tiện. Khách tới hất hàm chào tôi một lần, lúc về lại hất hàm chào tôi một lần. Ông thiếu tá biến thành người ở, bà vú của hai đứa con và làm một thằng đàn ông thuần túy. Những lúc chỉ có hai vợ chồng tôi cũng không biết nói chuyện gì với vợ nữa. Lần nào về nhà tôi cũng thấy cô ấy ấm ức, bực dọc với một người nào đó, lúc là bí thư huyện ủy, lúc là ông thường vụ này, bà thường vụ kia. Hình như họ đều muốn hãm hại cô ta, muốn hất cô ta khỏi cái chức vụ hiện tại. Nhưng cái bọn cơ hội ấy thì làm gì tôi được, vì còn anh A, anh B trên tỉnh ủng hộ tôi, tôi mà đi khỏi thì cái huyện này loạn ngay, thành huyện tự trị ngay, cô ấy đã tuyên bố nhiều lần với tôi như thế. Nói cho đúng, tôi cũng là người sung sướng vì không phải lo nghĩ gì về chuyện gia đình. Mẹ tôi đã mất. Em tôi đã có vợ con, có nghề nghiệp. Bố và mẹ vợ vẫn còn nhưng đã có các ông anh bà chị ở quê. Họ sống rất khá và lấy làm hãnh diện có con, có em, có chị làm tới chức chủ tịch huyện. Với các con tôi chỉ là người lạ, bố về không thấy vui mà còn như vướng víu. Chúng trò chuyện với tôi ngượng ngập, chịu đựng, và bất cứ chuyện gì cũng phải hỏi mẹ, mẹ cho phép nhé, mẹ ừ nhé, con đi với mẹ nhé. Sống với vợ đã mười lăm năm mà cũng như sống một mình, sống ở cơ quan ăn cơm tập thể, bàn chuyện xã hội rồi nằm khàn đọc sách, gặp việc gì bứt rứt cũng chỉ mình biết với con mình. Thoạt đầu nghe vợ bảo: "Việc này anh không biết thì đừng có can thiệp" đã cảm thấy tự ái. Rồi bất cứ chuyện gì hễ tôi mở miệng nói là đều bị vợ gạt đi: "Anh ở trong quân đội biết gì mà nói..., anh biết gì mà bảo nên hay không nên..., anh biết gì mà..." Ðể khỏi cãi nhau vặt mọi chuyện lớn nhỏ tôi đều chờ ý kiến của vợ, hàng xóm hỏi thì trả lời chờ chủ nhà tôi về, con cái hỏi thì chờ mẹ chúng mày về, bố mẹ anh em bên vợ hỏi thì cũng trả lời: cái này phải hỏi nhà con, phải hỏi chị ấy. Lấy vợ được mười bảy năm, con gái đầu lòng đã mười sáu tuổi thì tôi bị xuất huyết não nhẹ lần đầu. Nằm liệt khoảng hai tháng rồi trở dậy được, đi lại được nhưng đã là một người khác, dầu trí óc vẫn còn minh mẫn. Cũng năm ấy vợ tôi được đề bạt làm phó chủ tịch tỉnh phụ trách khối nông nghiệp. Ba mẹ con về thị xã ở, còn tôi do bệnh tật phải về hưu non thì ở đâu bây giờ? Tôi về quê vợ ở, ở một mình, vợ tôi quyết định thế. Hai chục năm nay tôi sống một mình rồi anh ơi. Một ông già ốm yếu phải sống một mình, nấu cơm ăn một mình, ngồi trò chuyện cả ngày với chính mình, không điên cũng thành người lẩn thẩn. Cách đây mười lăm năm tôi có theo một người bạn trở lại thị xã Hưng Yên và về làng Hương Cái. Vừa quen vừa lạ, vẫn là cái thị xã ngày xưa của bọn mình mà lại như không phải. Tôi đi tắt đồng ra thẳng mộ mẹ tôi, lạy trời, ngôi mộ vẫn còn nằm yên chỗ cũ. Tôi thắp hương quỳ lạy rất lâu, năm mẹ tôi mất mới được có năm chục tuổi, còn tôi ngày ấy đã năm tư rồi. Tôi chợt nhớ từ ngày lấy vợ, vợ con tôi chưa lần nào về thắp hương lạy mẹ chồng và bà nội. Tại tôi cả, tôi không muốn dẫn vợ tôi về mà vợ tôi cũng không thích nhắc nhở. Việc lớn đã lỡ thì mọi việc khác cũng lỡ hết. Tôi vào làng lúc trời đã xế chiều, đi dọc làng không nhận ra một người quen và cũng không ai nhận ra tôi. Chưa hết một đời người mà như đã trải qua hai kiếp. Nhà bà Thái vẫn như cũ, không xây thêm mà cũng không phá đi một cái gì. Một chị đã đứng tuổi bước ra mời tôi vào nhà và hỏi tôi từ đâu đến, cần gặp ai. Tôi chỉ nói là anh bộ đội thời chống Pháp, đã đóng quân ở làng này, nay đi qua muốn rẽ vào thăm cụ già và các anh chị của ngày xưa. Chị ta nói: "Bà cháu mất lâu rồi, các chú cũng mỗi người đi mỗi nơi với gia đình, ở quê chỉ còn bố cháu với gia đình cháu thôi." Tôi hỏi như bị nghẹt thở: "Thế còn bà Quê?" Chị ta vẫn trả lời tươi tắn: "Cô cháu cũng mới mất dăm năm nay." Tôi vội đưa tay bịt chặt miệng, mãi một lúc sau mới dám nói tiếp: "Ồ, cũng đã mất rồi à. Năm tôi ở đây thì bà ấy chưa đi lấy chồng." Người cháu vẫn tươi cười: "Về sau cô cháu có lấy một ông bộ đội, chú cháu cũng là người làng này nhưng đã hy sinh thời kháng chiến chống Pháp."

Ðúng là anh bộ đội ấy đã chết rồi, chết hẳn rồi.



Tôi hỏi anh Dụ:

- Anh đau yếu thế còn mò lên Hà Nội làm gì?

Anh trả lời:

- Vợ chồng cái Biên làm việc ở Hà Nội. Ðã lâu không được gặp mấy mẹ con nó, nhớ quá mới phải bò lên.

Tôi lại hỏi:

- Ngày tết chúng nó không về quê thăm anh sao?

Dụ cười ngượng nghịu:

- Vợ chồng con cái nó thẳng chỗ bà ấy ở tỉnh chứ không về quê.
Mấy ngày tết tôi vẫn nấu cơm ăn một mình.

Tôi vẫn tra tấn:

- Anh ra thăm con gái với con rể mà lại đi ăn cơm hàng à?

Dụ ngắc ngứ rất lâu rồi mới trả lời:

- Là thế này, lúc ăn tôi xấu thói lắm, vừa ho vừa nấc nghẹn, sợ con gái nó xấu hổ với chồng con.


2 - 1992