“Lang thang” (2)




Rút cuộc, mắt y đã tìm ra được cách nhìn thích hợp khi vào quán Tàu bình dân. Ðơn giản: ngắm đại thể, lướt qua chi tiết. Tránh soi mói chén, bát, muỗng, đũa, bình đựng xì dầu, ớt chua, ấm trà v.v. Nếu ngồi gần chỗ nấu, cứ phóng mắt trầm trồ cách chặt thịt, cách bốc, nhúng, vớt mì v.v. Nhưng chớ tọc mạch vào quần áo bếp, vào tấm khăn đeo (nếu có), chớ tò mò theo dõi sinh hoạt của hai bàn tay bếp khi không làm món. Lúc ấy là lúc ngước lên thưởng thức tranh “kỳ khai đắc thắng, mã đáo thành công” ám khói treo cao trên vách, hay nhìn luôn ra cửa cho mắt nghỉ trên tấm vải đỏ Ðại Khai Trương đã ải vì mưa nắng.

Mắt tránh hai bàn tay không làm việc của bếp, nên tránh cả ngón tay cái tích cực của hầu. Ngón ấy ưa thọc sâu vào bên trong bát cách đáng ngại. Kỵ nhìn tay, luôn thể kỵ nhìn xuống đất...

*

Khi cô gái Tàu cười nhỏ nhẹ, ôn tồn yêu cầu y bỏ giày, khi ấy y nom đã gần hệt một người bản xứ: một tay, lủng lẳng ba bốn túi ni-lông.

Trà thất Trường Xuân quả là nơi “đại ẩn”. Ánh sáng dịu vì màn vải dày buông kín và đèn treo ý tứ. Không khí mát mẻ nhờ có máy điều hòa. Và không gian thì im ắng dù bên ngoài vẫn là phố Tàu ồn như chợ vỡ.

- Ông dùng trà gì ạ?

Cô gái đến bên, hỏi êm ái. Y nhìn lâu chút nữa xuống hai trang giấy trên tay rồi chỉ bừa vào một thứ trà giá nhỡ. Nàng cười, gật đầu.

- Ông biết sử dụng các thứ này chứ?

Nàng đã trở ra, đặt khẽ xuống bàn linh tinh trà cụ. Lại cười, điềm đạm.

Ngồi một lúc y nhận ra cách bài trí pha lối Nhật. Trên mặt sàn gỗ lên nước, rải rác bàn thấp và gối vải thay ghế. Ðèn thoi dài thả lơ lửng, đèn khung vuông vức trong các góc nhà. Nhà ba gian, vách giấy. Giá có cậu y.

Los Angeles cũng có trà thất. Hôm ấy, cậu mợ và y mở hàng. Tiệm mới, bàn ghế màn sáo tinh tươm. Mợ trầm trồ chiếc ấm đất da rạn, tò mò về món đồ tre chưa nắm chỗ dùng và bối rối khi chủ nhân đặt xuống trước mặt ba người đến sáu cái chén, bày từng cặp trên những miếng gỗ đỏ. Thì ra chén tráng men trắng bên trong là để ngắm màu trà, còn khi uống dùng chén đất. Cậu bảo: “Họ cầu kỳ nhỉ”, rồi quay sang tiếp tục nhẩm đọc bài thơ trên chiếc gối dựa. Có đến hàng vài tá gối dựa và non chục kiểu áo gối. Tiệm vắng, cậu tẩn mẩn xem xét hết thứ nọ đến thứ kia, như đang ở nơi triển lãm. Chủ nhân, một thanh niên người Hoa trạc 30, vui vẻ thuyết minh. Khảo sát kỹ dẫn đến phát hiện bất ngờ. Về bàn, an tọa, cậu kể đôi câu đối trong nhà xí: “Trinh tiết liệt nữ khoan y giải đới / Anh hùng hào kiệt nhẫn khí thôn thanh”. Cái ông Tàu mặt trắng nom nghiêm mà nghịch.

*

Vất va-li và xách tay vào chiếc tủ đứng cho mướn, khóa cửa, bước ra sân ga, y dễ chịu hẳn.

Còn vài tiếng nữa tàu đêm mới đến. Sân vắng người, đường sắt trống xe, vòm ga như cao hẳn lên.

Phòng đợi có gắn điều hòa. Y mua tờ báo, đảo mắt tìm chỗ ngồi. Tin tức: thủ tướng Mahathir Mohammed tố cáo Tây phương đang âm mưu chận đứng phát triển kinh tế của các nước có triển vọng sẽ thành đối thủ. Quảng cáo xổ số Sầu Riêng Thái: ai mua trên 10 ký sầu riêng ở các chợ kể trên sẽ được phát vé số, ai trúng sẽ lĩnh vô khối sầu riêng và một chuyến đi Thái xem vườn. Thương xá ở Kuala Lumpur dưới hầm thường là chợ. Giữa mùa sầu riêng, du khách chọn mua nước hoa ở tầng trên có thể bất chợt nhận biết một thứ hương lạ đang len lỏi giữa Chanel và Nina Ricci. Mục “Gỡ rối tơ lòng”: em Mã ở Johor Nahru thương anh Tàu ở Tân-gia-ba. Em bồng bột tỏ tình trước, anh phản ứng chừng mực, khó hiểu. Em băn khoăn vật vã, e mình đã thiếu khôn ngoan, ngờ anh kỳ thị. Cô ơi, cháu khổ quá, làm sao bây giờ hở cô? Y đọc lại lần nữa, chợt nhớ buổi trưa.

Trưa nay y đến Bưu điện Kuala Lumpur gửi đồ. Xong, thong thả xuôi về Chợ Trời. Dọc đường có cái bùng binh.

Bùng binh cây cao bóng mát, lắm xe bán thức ăn. Y ngồi nghỉ chân trên chiếc ghế dài hẹp như chân phản ngắm xe cộ chạy vòng dưới nắng, ngắm những dòng thác người cuồn cuộn trên các vỉa hè và kín đáo ngắm người dùng bữa. Bàn ghế la liệt. Ở nhiều bàn có ấm nhựa đặt trên hộp nhựa tròn nắp lưới: ấm đựng nước rửa tay cho nguời ăn bốc. Ông Ấn-độ chủ hàng rảnh tay nhìn nhắc nhở. Xe ông bán cơm cà-ri, cá khô, bánh bao, cà-phê. Y gọi bánh và cà-phê sữa. Tí sữa đặc lấy màu, ngọt nhờ đường. Hai tay ông chủ khuấy hai ly, mặt ông điềm tĩnh như thiền...

Trạm xe buýt là chỗ thác người ứ đọng. Y không chờ xe, len lách qua đám đông. Thật nhiều khăn. Người Mã Lai đa số theo Hồi giáo, phụ nữ ra đường buộc khăn. Khăn trùm tóc, che trán, cổ và nửa má. Y không hiểu nền nếp, chỉ thấy lắm cách buộc, người già đơn giản, trẻ hay kiểu cọ. Gái Mã da bồ quân. Ngược chiều, thỉnh thoảng gặp mắt lóng lánh dưới vành khăn: những cửa sổ linh hồn đang cười. Các cô gái ấy yêu đương ra sao nhỉ? Bộ áo màu tối dài chấm gót biết đâu che lòng thổn thức, mắt đen thẳm kia biết đâu chứa bể hận trời tình...

Y bỏ báo, nhìn quanh. Khách đợi thưa, sinh hoạt uể oải. Những loa phóng thanh công cộng gắn ở các góc tường đổ xuống giọng hát ê a, nghe lâu như tiếng tụng kinh. Chốc chốc, từ một cửa hàng tạp hóa, tóe lên điệu rap sậm sựt.

*

Suốt đêm y chập chờn giữa mê và tỉnh.

Những lúc thức giấc, hết sức ngạc nhiên cảm thấy tàu như đang chòng chành lắc lư rất dữ dội. Hóa ra tàu hỏa ban đêm không chạy bình thường, mà lao, bổ, tự quăng mình về trước cách vô cùng hối hả! Toa xe trộn trạo chao đảo như chực đổ, bánh xe hung hãn nghiến đường, tiếng sắt cọ sắt nghe cứa vào tận óc!

Gió! Gió rú hoảng từng cơn. Qua khung cửa sổ dài đặt ngang mặt giường gió thốc khói sặc sụa.

Tối đến mịt mùng.

Lâu lắm, như đã hàng thế kỷ, tàu mới chậm lại, âm thanh của tốc độ lắng dần...

Ánh điện bên ngoài. Ga xép.

Ðường sắt Mã Lai có những ga xép dễ thương. Ðầu ga, cuối ga trồng nhiều dâm bụt. Hoa dâm bụt bình dị, thân quen. Những bụi cây xếp hàng ngay ngắn đứng chào đón chợt làm y xao động.

Vẳng tiếng còi. Giữa im ắng, cái âm thanh đang lớn rất nhanh nghe vừa lồng lộng vừa lê thê. Phút chốc, một luồng ánh sáng sầm sập qua.

Trên chuyến tàu ngược các toa đều bật đèn sáng trưng. Cả một thế giới tưng bừng bay lướt trong đêm.

Y mê man nhìn cuộc diễn hành bất ngờ, lòng như hân hoan nhưng óc chưa tìm thấy cớ. Hình ảnh rộn ràng kia đang cố khêu sáng một chỗ nào trong ký ức mịt mờ...

Vài mươi năm trước. Dọc bờ biển đông của nước Việt Nam, đoàn tàu xuôi nam vừa dừng lại ở một ga nhỏ tăm tối. Trên tàu, đứa bé giật mình thức dậy, giụi mắt nhìn qua khung cửa sổ. Bên ngoài, trông ra xa nó chỉ thấy màu đen như mực. Những ruộng mạ xanh rờn, những mặt nước lấp lánh phản chiếu lúc ban ngày giờ đâu mất cả. Không còn thấy tre, dừa mọc chen chúc thành từng ốc đảo khoe màu lục đậm trên nền lúa non. Ðứa bé lên năm lần đầu tiên theo cha mẹ đi xa. Nó không hề ngờ sau bấy nhiêu giờ tàu chạy, đêm tối ngoài kia có lẽ đang giấu phong cảnh khác hẳn chốn quê hương. Ðứa bé hạ tầm mắt, tần ngần ngắm những bụi ổi tàu hiện lờ mờ bên cạnh đường sắt, cảm thấy an tâm. Ổi tàu còn, quê hẳn vẫn đâu đây. Cơn buồn ngủ bỗng trở lại, nó sửa soạn nằm xuống. Ðúng lúc ấy, đoàn tàu ngược thình lình xuất hiện, rầm rộ kéo qua. Quang cảnh kỳ lạ, gần như diễm ảo, thôi miên đứa bé. Nó sững sờ nhìn ánh sáng chan hòa và như nghe được cả tiếng nói cười huyên náo.

Phải. Nỗi bỡ ngỡ xôn xao bất thường của y đêm nay không thuộc về hiện tại, không do cảnh tượng vừa chứng kiến, mà chính là cảm tưởng của đứa bé ngày xưa.

Năm xưa, tàu đêm có chạy nhanh thế này không nhỉ?



Thu Tứ
Viết năm 1991