Ðã nghe Phạm Ðức Dương phân tích cồng chiêng, giờ nghe Nguyễn Văn Xuân kể chuyện phèng la, để biết chút đỉnh về âm nhạc của người Thượng.

Nghe “phèng” với “la” xong, lại nẩy thắc mắc về đúc với “dẫy”. NVX viết “Có lẽ người Thượng đã có (phèng la) từ thời Chiêm Thành xa xôi (...) sau này họ (...) dùng nhạc cụ của Lào”.

Vậy là xưa kia người Thượng đánh phèng la của người Chàm, sau đó đánh thứ của Lào, rồi đến thời NVX thì nhờ người Việt ở xứ Quảng chế phèng la cho mà đánh?! Ðồng bào Tây Nguyên kỹ thuật còn kém đến thế sao... Ðáng chú ý hơn nữa, nếu thế thì phèng la với chiêng đâu phải là phát minh của họ!?

(Thu Tứ)



Tiếng đồng




Tiếng đồng là tiếng phèng la, tiếng chiêng mà sáng nào chúng tôi cũng bắt buộc phải nghe từ làng trên vọng xuống. Làng P.K., một cái làng khá lạ lùng đối với thế giới ruộng đồng bao la của chúng tôi. Cho đến nỗi là bàng lân với nhau mà dân làng tôi gần như chẳng mấy quen biết dân làng ấy (...) Dân làng tôi chuyên nông nghiệp, sản phẩm bán ở chợ. Dân làng ấy chuyên đúc đồng, sản phẩm bán các vùng núi non xa xôi, hiểm trở nào, xuất hiện với bóng dãy Trường Sơn nhiều màu luôn luôn trải dài trước mắt chúng tôi... (...) suốt nhiều năm trời tôi ít khi được gặp gỡ những người dân ở sát nách làng tôi và chỉ cách làng tôi chưa tới một cây số. Không gặp họ, nhưng tôi phải nghe tiếng đồng của họ mỗi buổi sáng. Hình như vào giờ đó, dụng cụ mới ra lò và họ đem đánh ngay để thử tiếng. Nơi này mấy tiếng phèng phèng. Nơi kia mấy tiếng bu lu đối đáp nhau, kêu gọi nhau như để giới thiệu sự có mặt của làng, một cái làng quá nhỏ bị kẹp giữa làng tôi, khá rộng lớn, với một làng vĩ đại khác mà đình làng đã đi vào thành ngữ: "Thình thình như cái đình La Qua". Cái làng ấy nhỏ cho đến nỗi nhiều người đi ngang qua nó cũng không bao giờ biết có nó, nếu không nhờ tiếng đồng kia (...)



Mấy năm sau, tôi mới có dịp đi vào làng đó như một người lớn, trong lốt một giáo viên đàng hoàng tuy tôi chỉ mới mười bốn tuổi. Thời ấy, lũ trẻ con các gia đình không lấy gì làm sung túc như tôi, cứ chờ đến hè là mở lớp dạy học, kiếm tiền tiêu. Tôi được một gia đình ở cuối làng mời đảm nhiệm một lớp học (...) Do cái bề thế đó, tôi được các phụ huynh tỏ vẻ ân cần (...)

Một hôm, tôi vào nhà một ông già lấy cớ để coi công việc làm, vì đó là một trong mấy cơ sở sản xuất lớn nhất. Song mục đích là nhắc khéo món học phí đóng chậm. Ông không chờ tôi hỏi, xếp món tiền cẩn thận lên cái hộp trầu bằng đồng đặt giữa khay, tỏ vẻ lễ độ làm tôi phát ngượng. Rồi ông ân hận cho biết là công việc bận rộn quá, không kịp nhớ. Ông hỏi qua việc học của thằng Thành, con út ông (...)

Chủ nhân đáp lại sự hiếu kỳ có vẻ hăng hái của tôi - một phần để che cái ngượng đi đòi học phí chăng? - dẫn tôi ra phía lò đúc. Ông chỉ vào những cái khuôn chiêng, phèng la bằng đất trộn trấu xếp thành đống để ở góc nhà. Lò đúc giờ đã tắt lửa. Tuy thế ông cũng giảng giải qua loa cho tôi phương pháp nấu đồng vụn, nung các cốt khuông, đổ đồng rồi đem ra thử để lấy tiếng.

Việc đúc, tôi không quan tâm. Nhưng việc lấy tiếng đồng thì tôi rất chú ý. Tôi cứ tưởng đúc thế nào là cứ lấy tiếng theo thế ấy. Có sửa chữa cũng chỉ chút ít. Nhưng tôi không ngờ là tôi lầm.

Ông cụ dẫn tôi lại xưởng làm việc. Ðó là một gian nhà trống với những cái chiêng, phèng la chồng lên nhau cạnh những bao lớn đựng các loại đồng vụn: ống dẫn nước, nồi, xanh hỏng, chốt vặn cửa, rô-bi-nê, dây điện, vỏ đạn v.v. Mấy người thợ ngồi các góc, mỗi người đang dùng một dụng cụ riêng để làm việc. Dụng cụ rất đơn giản, gồm một cái cán dài buột vào một cây trụ nhỏ đóng trên mặt đất. Cuối cái cán là một lưỡi dao bào bằng thép rất bén. Mỗi người thợ ngồi trước, đặt nhạc cụ - hầu hết là phèng la - dưới chân, rồi lấy lưỡi dao bào mà “dẫy” lên mặt hay trong lòng nhạc cụ. Những tiếng xạc xạc của kim khí đều đều vang lên, và cứ sau mỗi cái tay đưa tới là từng lớp đồng mỏng như lá lúa bị tách lên, co rúm lại lả tả rụng. Những lát đồng sáng loáng , óng ánh, lạo rạo khi có ai chạm vào, cứ từng lớp như đàn giun bằng vàng chen chúc với nhau phía dưới nhạc cụ. Thỉnh thoảng, người thợ lại dừng tay, lấy cái dùi gỗ có quấn vải đánh lên mấy tiếng phèng phèng... Chủ nhân lắng tai nghe, gật đầu hoặc lắc đầu. Họ lại đặt nhạc cụ xuống, dẫy đi, dẫy lại những chỗ chưa được ổn. Tôi chỉ cái phèng la, loại nhạc cụ giống hệt cái nón thúng của phụ nữ miền Bắc hỏi:

- Thưa bác, tại sao lại gọi là phèng la?

Ông cầm nhạc cụ lên, lấy dùi và bảo tôi:

- Cậu nghe đây!

Ông đập và nó phát ra những tiếng đồng:

- Cậu có nghe rõ không? “Phèng” rồi “la la la la a a a a”.

Ông không chờ tôi hỏi thêm, giảng giải:

- Cái mặt phẳng đánh vào thì kêu phèng. Khi tiếng phèng dứt ở vòng chân quì tức là cái vành thì đổi sang tiếng la. Loại này đối với đồng bào mình thì chỉ có hai giọng dùng để đập cho kêu, cho to. Khi gọi dân, họp dân thì mấy ông làng xách ra, đánh như la làng la xóm... nhưng đối với người Thượng...

Ông quay chỉ từng lớp nhạc cụ xếp gọn cái này trong cái kia, cái kia trong cái nọ rất vừa vặn:

- Nhưng đối với người Thượng, nó thuộc về nghi lễ mà còn thuộc về âm nhạc nữa. Người Thượng chơi phèng la đủ cỡ từ thứ nhỏ cho đến thứ thật lớn mà ta gọi là “tạ”, nặng đến hai ba chục ký-lô. Phèng la ít khi mua đơn độc. Bao giờ cũng cặp hay một bộ. Cặp hay đồ đôi thì tiếng hoàn toàn giống nhau. Bộ ba chiếc hay sáu chiếc thì tiếng cao thấp rõ ràng, cung bậc không lẫn lộn.

Lúc ấy người thợ xách lên một nhạc cụ mà từ lúc nãy đến giờ anh ta hí hoáy gõ, đập rồi đem dẫy, rồi lại gõ đập, mồ hôi nhầy nhụa cả trên trán. Anh lấy cái dùi đánh lên mấy tiếng, lắng tai nghe. Cả những người thợ khác cũng đều dừng lại và lắng tai nghe, không ai nói gì. Cụ chủ nhà đôi mắt có vẻ đăm chiêu, rồi bảo:

- Anh Quí à, tôi nghe như nơi chân chống xuống đường kiến còn một chỗ hơi dày, phải dẫy nữa.

- Dẫy nữa, lỡ ra nó mỏng đi mà không phải chỗ đó thì sao? Tôi thì tôi nghe như cái vành không đủ sức dày nên không dội tiếng lại.

- Rắc rối! Anh lấy búa thử lại một vòng đường kiến xem dày mỏng đã đều chưa?

- Tôi đã thử cả rồi. Tôi biết rõ từng li từng tí dày mỏng ra sao. Cả cái vành tôi cũng biết nó đủ sức dày rồi. Vậy mà tiếng vẫn chưa gọn, không hiểu tại sao?

- Không hiểu sao kỳ à? Gõ lên nghe.

Một người từ bên ngoài xồng xộc đi vào nói to lên, không chào ai cả ra vẻ rất quen biết. Cụ chủ nhà kêu lên:

- Mèn ơi! Ông Thánh đây rồi.

Anh thợ Quí cũng cười hô hố:

- May ơi là may! Tôi toát mồ hôi trán từ sáng đến bây giờ.

Tôi thấy mặt tất cả thợ cùng tươi cười lên thật y hệt khi thấy hiện thân của Hi Vọng xuất hiện. Anh Quí xách cái phèng la, đánh mấy tiếng. Người thanh niên mới vào đầu bù xù, mặt hơi tai tái, cặp môi dày như cả một khối thịt trào ra khỏi miệng, kêu lên:

- Cha này ẩu quá! Loại này sao lại đánh bằng dùi quấn vải. Phải đánh bằng loại cây cứng chớ. Ðánh vậy thì bảo làm sao có tiếng cho đúng.

Rồi (người ấy) xách đại một chiếc guốc đang mang, đập vào nhạc cụ. Ðột nhiên và lạ lùng, chính tôi không hề phân biệt mà cũng không bao giờ để ý phân biệt âm thanh của tiếng đồng, thế mà tự nhiên tôi có cảm tưởng rõ ràng là tiếng mới này hay hơn, phong phú và ngân vang hơn tiếng cũ nhiều lắm. Người thanh niên lắng tai nghe rồi đánh thêm vài tiếng nữa, vất chiếc guốc xuống, cười hề hề:

- Sao? Các ông nghe nó sai chỗ nào?

- Chịu. Loại này chúng tôi ít hay làm thành ra chưa thấu triệt.

- Bán nát cho Thượng cả bộ này bộ nọ mà chưa thấu triệt cái con khỉ. Có chịu một bữa rượu, tôi sửa cho!

- Rượu thịt! Ðược tuốt. Ông chủ cười tuyên bố.

- Tôi sống nhiều khi cũng nhờ ba cái lặt vặt này đây! Nhiều khi chỉ nện một “cú” guốc mà tôi lấy tiền cả một vòng xe. Vì nếu tôi không sửa, đố mang đi đâu mà Thượng nó thèm mua cho.

Anh cười, lại tháo chiếc guốc ra cầm nơi tay, lật úp nhạc cụ xuống, đập gót guốc theo vòng “chân quì” luôn mười cái dừng lại bảo anh Quí:

- Bây giờ anh đánh lại xem.

Anh Quí trở ngược cái dùi ban nãy, đánh mấy tiếng. Ông cụ cười ồ ồ, đập tay luôn ba cái vào vai người thanh niên rồi lay lấy lay để:

- Thiệt là hậu sinh khả uý! Thiệt đúng như lấy thước mà đo.

Anh Quí cũng gục gặc ra vẻ khâm phục:

- Nhưng tại sao anh không dùng búa?

- Ở rừng núi đâu có sẵn búa. Phải tập gặp cái gì thì dùng cái đó cho quen chớ.

- Uống rượu thưởng chớ, anh Cảo.

Ông cụ chủ hỏi. Anh Cảo lắc đầu:

- Tôi say cả đêm. Bị mấy thằng khỉ nó ép uống rượu say rồi còn rủ đánh bạc nữa! Tôi thua sạch nhẵn cả.

- Say mà đánh bạc thì phải thua chớ nói gì! Chưa rút được kinh nghiệm à?

Cảo cười, lắc đầu hỏi Quí:

- Xong cái đó chưa, anh Quí?

- Xong rồi. Chờ anh cả buổi sáng.

- Ði lấy đi.

Trong khi thợ Quí đi ra phía sau, Cảo tỏ vẻ mệt mỏi nhìn về phía tôi. Cụ chủ giới thiệu:

- Thầy thằng Thành đó.

Anh gật đầu chào tôi, ra vẻ biệt nhỡn. Tôi cũng nhìn anh với nhiều thiện cảm. Anh chậm rải đáp lại câu nói lúc nãy của ông chủ:

- Tôi đâu có cần rút kinh nghiệm. Ham thì cứ chơi đã. Vậy mà thua rồi lũ nó còn mua rượu đem về nữa chớ. Tôi uống rủi lại gặp gió bị mửa, mệt ngất cả đêm.

- Vậy mà bò về nổi, cũng giỏi đó.

- Tại tôi nghe tiếng đồng. Ðang mê mệt tới đâu mà bắt chợt nghe tiếng chiêng hay phèng la là giật mình tỉnh ngủ. Không hiểu thiên hạ nghe tiếng đồng ra sao, chớ nhiều lúc, tôi chịu không nổi. Bác nghĩ có một hôm tôi ở Trà Bồng (1), nửa khuya chợt thức dậy, nghe mấy người Thượng đánh chiêng đôi giọng “Bù rớt bù rơn” bằng ngón tay hết sức buồn thảm. Tôi nhớ nhà, ứa nước mắt, không làm sao ngủ lại được nữa.

Tôi ngạc nhiên:

- Ðồ đồng mà cũng đánh bằng ngón tay à?

- Ðánh bằng đủ loại dùi, hoặc tay tùy theo phong tục địa phương. Dùi có khi quấn vải, có khi dùng cây dẻo, có khi phải quấn tóc như loại tạ của Thượng Hà Nha, Sông Con.(3)

- Tạ, có phải nó nặng nên gọi thế không, anh Cảo?

- Không hẳn. Phèng la lớn loại gõ của Ra-đê hay loại vỗ của Xê-đâng đường kính hai thước (thước mộc) to bằng cả hai cái nia ta, hai người khiêng cũng gọi là tạ, mà loại phèng la nhỏ của Hà Nha, Sông Con cũng gọi tạ. Loại này khó làm nhất. Ở đây chỉ có một nhà biết làm. Âm thanh của nó cũng riêng biệt, không giống đâu cả. Ở đâu cũng căn bản là Tùng... ngao, còn ở đó là Tu tu tu, tư tư tư, từ từ và rền hết cả mặt phẳng của nhạc cụ. Trừ gia đình anh Th. và tôi, không ai rõ bí quyết làm loại này cả.

Câu nói đầy tự phụ, nhưng không một ai có phản ứng. Có lẽ đó chỉ là một sự thật đơn giản không cần bàn cãi gì.

Thợ Quí đi ra phía sau, giờ đã trở lại, khệ nệ khiêng trên vai với người thợ thứ hai một cái chiêng lớn, lớn như chưa bao giờ tôi trông thấy. Mới nhìn cái chiêng, anh Cảo đã tỏ vẻ vừa ý. Anh ngoẹo đầu qua lại, ngắm trước, ngắm sau. Anh bảo Quí:

- Ðánh nghe.

Anh Quí cầm cái dùi thật lớn ban đầu đập vào cái nướm của chiêng. Âm thanh dội lên, ngân vang... Rồi cứ như thế, Quí đập lần lần xuống cả mặt chiêng. Trong khi đó anh Cảo đứng xoạc hai chân, lùi dần, tay thọc choãi vào trong hai cái túi áo, lắng nghe như một nhà chân tu lắng nhe tiếng chuông chùa, như một tội nhân lắng nghe tiếng sinh hoạt bên ngoài lao xá, như một kẻ đói lắng nghe tiếng rao hàng. Hình như anh không chỉ nghe tiếng chuông bên ngoài mà còn nghe vọng tiếng chiêng trong tâm hồn anh. Ðôi mắt của anh mang nặng một màu sắc rừng rú rất khó tả mà đôi môi thì rung rung như đang muốn phát ra những âm thanh nào tương ứng. Tự nhiên tôi muốn so sánh anh với một số nhạc sĩ mà tôi đã đọc tiểu sử (...) Tôi không hiểu tại sao có sự so sánh (...) Một bên là (...) những nghệ sĩ tài hoa, xuất thân ở các viện âm nhạc, gần như bay chập chờn trên những kinh đô ánh sáng. Một bên chỉ là anh thợ làm nhạc cụ bằng đồng (...) băng núi băng ngàn đi bán (...) có khi không lấy được tiền mà phải (nhận) (...) một mớ lâm sản (...) rồi những người Thượng đem (những nhạc cụ thô sơ đó) vào một góc núi mịt mờ mà nhảy múa hò hét như điên cuồng! Bây giờ thì tôi biết tôi lầm. Nhưng thời đó mới đọc sách báo Pháp (...) tôi hoàn toàn bị huyễn hoặc (...) trong thâm tâm tôi đã phát ra những phản ứng gần như một sự phủ nhận mơ hồ (cái lối đánh giá lấy nghệ thuật Âu làm mẫu mực ấy) (...) khi tôi nhìn cái vẻ lạ lùng trang trọng thành kính mà tài hoa phát ra từ đôi mắt chăm chú của anh Cảo.

Khi anh Quí dừng cuộc du lịch của cái dùi trên khắp mặt chiêng, anh Cảo cũng dừng chăm chú. Anh gật đầu khen:

- Khá lắm!

Ông cụ chủ nhà từ lúc nãy đến bây giờ yên lặng một cách lo âu, theo dõi từng cử chỉ, từng rung động của anh Cảo, bây giờ cũng phát ra một tiếng cười gần như bao hàm cả tiếng thở dài đáp:

- Không khá có họa mà chết! Nướng hết năm cái rồi, cái này mà không xong là sạt nghiệp.

- Có nướng cả chục cũng chưa lỗ mà, bác!

Anh Cảo vừa nói, vừa tự tay cầm dùi, đập mạnh vào chiêng và phàn nàn:

- Cái dùi nhỏ quá, không đủ sức cho chiêng phát hết tiếng của nó. Chiều quấn cho tôi một cái to gấp ba, nghe.

Người thợ hỏi:

- Bây giờ, làm cái chi trước, anh Cảo?

- Dẫy mỏng cho đều quanh vòng cổ áo hai lát. Chiều tôi sẽ trở lại. Làm cẩn thận nghe.

Anh nói xong, gật đầu chỉ chào tôi rồi quay ra. Chủ nhân dặn:

- Chiều trở lại uống rượu nghe, anh Cảo.

- Dạ.

Trong khi đó, người thợ treo cái chiêng lên một chỗ khá cao rồi đứng xoạc hai chân, dùng lưỡi bào mà dẫy khác hẳn cái tư thế ngồi vẫn thường thấy. Chỉ làm việc một lát, đã nghe anh thở phì phò. Tôi lại gần nhìn xem. Lúc anh đặt lưỡi bào nghỉ tay, rồi cầm lên, vừa mới cạo vào nhạc cụ, đã quay hỏi tôi:

- Anh mới lấy tay rờ rờ lưỡi bào, phải không?

- Phải... mà có sao... mà sao anh biết?

- Tôi biết ngay mà! Hễ có hơi tay chạm vào là nó đen lập tức.

Anh không tỏ sự tức bực, nhưng nhìn thấy anh ta phải tháo lưỡi bào đi mài lại trên một viên đá mài, tôi cảm thấy ân hận. Cụ chủ nhà như để gỡ sự bối rối cho tôi, tiến đến bảo:

- Khi nãy tôi chưa nói với cậu về cái chiêng. Chiêng là biến giọng chữ chinh, gọi nôm là cái bu lu. Loại này dùng để cúng tế. Người Thượng cũng có chơi, nhưng ít hơn loại phèng la. Nó khác cái phèng la là vì cái nướm ở giữa và vì mặt nó không phẳng mà lại dợn sóng.

- Thưa bác, sóng này là tại mình đúc ra như thế?

- Không. Nếu đúc ra thì nó không kêu. Chỉ khi nào đúc xong, lấy chân dận lên trên, rồi lận từ bên trong ngược ra cho nó dợn sóng, nó mới chịu kêu. Lấy dùi đánh vào nướm nó kêu bu rồi chuyển sang lu lu lu khi đi qua vòng cổ áo là bộ phận xoay quanh cái nướm. Cuối vòng cổ áo, gặp đường dợn sóng khiến tiếng cũng dợn sóng theo: u u ù ù ú u u. Từ đây âm thanh vang ra đến vòng quì là vòng cuối cùng phát ra u u a a... Nhưng lại gặp cái vành dày, nó dội ngược cả tiếng lại nên rung mạnh cả mặt.

Ðể cho tôi nhận thức đầy đủ, ông lấy cái dùi đập vào nướm. Ngày trước, tôi vẫn thường nghe đánh chiêng luôn, nhưng tôi chỉ biết đại khái không tìm hiểu. Nhưng sau khi được giảng giải, tôi mới thấy tất cả ý nghĩa của những chỗ cong, vẹo, dợn sóng mà tôi yên trí chỉ có giá trị mỹ thuật. Âm thanh tiếng chiêng bây giờ ngân lên, vang ra, uyển chuyển dợn qua các bộ phận và tôi tưởng như theo dõi được, bắt chợp được sự khai triển, xê dịch của nó trong các thớ đồng không còn vô tri nữa.

Anh thợ Quí mài lưỡi bào xong, trở lại làm việc. Tôi lại theo cụ chủ đi xem những người thợ khác đang thử phèng la. Người này đánh lên mấy tiếng. Người khác đánh theo mấy tiếng. Một người khác nữa cũng đánh theo như phụ họa, đột ngột, ông cụ quay hỏi tôi:
- Cậu nghe những tiếng đó có gì khác nhau không?

- Không. Cháu nghe như nhau cả.

- Nhưng thật ra thì khác nhau. Ðây là loại hàng dành cho Thượng Ba Gia, Ðồng Ké (Quảng Ngãi), thuộc loại đồ “bộ ba”. Tiếng thứ nhất loại tum âm vang thùng ngoắp, tiếng thứ hai loại túp, âm vang tu kéo dài, tiếng thứ ba thuộc loại nhủa, âm vang ngoắp. Ðó là một loại mà còn dị biệt, huống chi các tỉnh khác nhau, các loại khác nhau thì tiếng còn khác biệt đến đâu.

- Làm sao phân biệt nhau được bác?

- Quen tai thì nghe ra.

- Nhưng có cần phải khác nhau như vậy không?

- Không khác thì ai mà mua. Tỉ như ngày Tết, ở ta ai cũng phải có bánh tét chế bằng nếp với nhưn đậu, không có nó thì xem như vắng vẻ, không thành Tết. Ở Bắc cũng dùng nếp, đậu, nhưng lại chế bánh chưng, hương vị khác hẳn, hợp với phong tục ngoài ấy. Nhạc cụ cũng vậy, cũng là đồng pha, nhưng mỗi nơi đòi hỏi một giọng, một lối chơi theo một lối riêng, giọng nói riêng. Mình là nhà sản xuất, phải biết phân biệt rõ cái giọng đó một cách thật chính xác thì hàng của mình mới chạy. Người Thượng là Thượng cái chi kia chớ tiếng đồng thì họ đâu có Thượng!

- Chắc bác nghe được hết các tiếng?

- Tôi chỉ chuyên làm vài loại hàng. Còn thì coi như làm phụ các hàng khác; ở đây mỗi nhà giỏi nhất cũng chỉ làm vài loại chính.

- Có ai nghe được hết các loại không, bác?

- Có. Thiếu gì. Có người nghe được tiếng từ Quảng Trị vào đến Quảng Ngãi, Pleiku, Kontum, Ban Mê Thuột... Không nghe thì làm sao làm thợ được. Nhưng thiệt ra thì cũng chỉ biết chắc vài loại, còn những loại khác thì cũng gà mờ, như kiểu anh Quí đó. Anh Quí là hạng chuyên làm chiêng đôi Trà Bồng, tức là loại thợ giỏi nhất đó.

- Còn anh Cảo?

- Anh Cảo à? Cảo là loại thợ đặc biệt. Tôi làm nghề mấy mươi năm nay mới thấy một người như chú ấy.

- Anh ấy cũng chuyên nghề đúc hả, bác?

- Không, chú ấy chỉ chuyên nghe.

- Làm sao cho đủ sống, bác? Cháu cứ tưởng nghe chỉ là phần phụ thôi. Chẳng lẽ đó cũng là một nghề hay sao?

- Ðúng vậy, nhưng với chú Cảo thì đó là một nghề hẳn hoi.

- Lạ thật!

- Chú ấy có lỗ tai kỳ diệu. Ngồi đây chứ nghe tiếng đồng xa mấy chú cũng nói được rộng hẹp mấy thước dày mỏng ra sao, thuộc về dân Thượng nào... Mà nhất định không sai.

- Nghề nầy, té ra cũng rắc rối dữ, bác hè.

- Chú Cảo lạ lắm. Mà chú cũng dạn dĩ lắm. Chú xông pha lên núi rừng hẻo lánh nghe cho được tiếng đồng của các sắc dân để lúc về bảo thợ biết cách mà đúc. Nhờ đó, thị trường của chúng tôi ngày một rộng thêm. Trước, chúng tôi chỉ chuyên bán cho các tỉnh gần. Bây giờ thì ngày nào, người của chúng tôi cũng có ở các tỉnh xa xôi trên cao nguyên cả.

- Anh ấy có mang nhạc cụ của họ về không?

- Không bao giờ. Người Thượng họ đã có đồ gì là giữ riệt lấy, cho của ấy là quí nhất, là bất ly thân. Nhưng chú Cảo thì nhớ nhập tâm, trở về đây, chú gọi thợ, chỉ kích thước mà đúc rồi tự nghe lấy mà “làm tiếng”.

Tôi chỉ cái chiêng lớn, đang được anh thợ Quí dẫy mạnh:

- Cái nầy cũng thuộc loại ấy hả, bác?

- Không, cái nầy thuộc về một loại riêng, đặc biệt hơn nữa không phải làm từng loạt như các loại kia. Loại này chắc anh Cảo chết, không bao giờ có lại nữa.

- Sao lại kỳ lạ dữ vậy bác?

Chủ nhân có vẻ do dự. Có thể vì câu chuyện kéo dài quá. Có thể vì một điều không tiện nói ra của nghề. Cũng có thể ông đang bận. Nhưng rồi cái tính cởi mở của người vùng tôi, cái bệnh thích nói chuyện của ông và nhất là sự hiếu kỳ tăng gia trong đôi mắt, trong lời nói hăng hái muốn hiểu, muốn biết một cách quá chân thành của tôi khiến ông không nỡ dừng lại:

- Loại này là một loại đặc biệt.

Tôi nhớ ông đã nói câu đó. Sự lặp lại hình như cốt ý quan trọng hóa thêm cái điều đáng lẽ không nên nói ra: Nguyên anh Cảo có lên chơi một ông “già làng” tức ông tù trưởng người Thượng. Ông ấy đem khoe các bộ phèng la, chiêng lớn nhỏ của ông. Người Thượng tính sự giàu có của họ bằng số trâu cổ, ché đựng bạc đồng trắng, các bộ nhạc cụ mà họ tàng trữ, như ta trữ vàng vậy. Trong số chiêng rất cũ, có một bộ lẻ một chiếc mà lại là chiếc cổ nhất, lớn nhất mà ông tù trưởng quí hơn hết. Ông nói là nếu có ai tìm được cái chiêng bị mất, ông sẵn lòng mua bằng một giá cao nhất, hoặc đổi gì ông cũng vui lòng chịu. Anh Cảo bảo đánh cho nghe. Anh nghe gần, nghe xa. Tự tay gõ cùng khắp, cả sấp lẫn ngửa, cả trong lẫn ngoài suốt buổi. Cuối cùng anh bảo: “Tôi có thấy trong nhà một ông tù trưởng ở Ban Mê Thuột có cái chiêng y hệt cái này. Chắc là của ông bị mất. Nếu ông muốn mua lại, tôi đi lấy về cho.” Tù trưởng bằng lòng và định giá với anh. Anh liền về đây, ủy thác cho ông cụ đúc lại cái chiêng mà anh đã đo kỹ kích thước, đã thuộc làu cái âm thanh.

Tôi hỏi:

- Nhưng làm sao giống hẳn được? Tôi tưởng lỡ ra một dợn sóng sai đi chút ít thì âm thanh cũng lạc hẳn rồi.

- Ấy thế mà anh Cảo nhớ hết. Chú nhớ từng li, từng tí. Tôi đã nói người Thượng họ không biết cái chi kia chớ cái phèng la, cái chiêng thì họ còn rành rẽ gấp trăm lần ta. Mà cậu đừng tưởng chơi chiêng đôi là chỉ để hai cái gần nhau rồi đánh lên để nghe cho giống nhau “đại khái” là đủ đâu. Họ sẽ cho chiêng đánh gần, đánh xa, đánh thật xa, rồi họ đứng giữa để nghe để phân biệt từng đường tơ kẽ tóc. Rồi họ đem lật sấp, lật ngửa, đập từng bộ phận, so sánh xem có còn chỗ nào chưa hoàn toàn giống nhau không. Họ đập bằng cây, bằng búa, cả chục người xúm lại nghe ngóng. Sau đó họ còn cho người mang cả hai cái chiêng lên hai đỉnh núi để cùng gióng lên một lần với nhau. Nhờ đó, họ có thể nghe những chỗ chuyển tiếp từ vòng cổ áo sang đến vòng chân quì. Rồi từ chân quì phát ra, ngân vang xa rộng là bao nhiêu có giáp nhau và có tắt vào chỗ họ đứng không.

- Rắc rối thật.

- Cũng chưa rắc rối bằng lượt thử cuối cùng.

- Còn lượt cuối cùng kia à, bác ?

- Cậu lên đây tôi cho xem.

Tôi theo ông cụ, trở lại nhà trên. Ông cụ lấy hai cái phèng la, móc trên hai cái móc cách xa nhau hơn một thước tây, cùng theo một chiều với nhau, nghĩa là cái mặt phèng la phía sau nhìn vào lưng cái phía trước. Ông cụ bảo:

- Cái này lớn hơn cái trước nhiều. Tôi đánh, cậu nghe thử cái thứ hai ra sao.

Ông lấy dùi đánh mạnh. Tôi tự phàn nàn đôi tai mình kém quá, không nghe gì ở nhạc cụ thứ hai, trước mặt nó cả. Ông cụ cười ha hả:

- Thì tôi cũng không nghe chi hết. Lần này cậu thử nghe xem sao.

Ông lấy cái thứ nhất xuống, thay bằng một cái cùng cỡ và giống hệt như hai giọt nước với cái thứ nhất, rồi cũng dùng cái dùi ban nãy để đánh. Trước khi đánh ông còn bảo tôi:

- Loại này là đồ “chiêng đôi” Trà Bồng. Gọi thế chứ nó cũng là phèng la. Giọng Trà Bồng gồm có mấy giọng: Bù rốp (cao), Bù rắp lay, lay (lớn và nhỏ), Bù rớt Bù rởn. Ðây là loại lay giọng lớn.

Tiếng thùng... ngao vừa phát ra từ cái phèng la ở phía sau, thì lạ lùng, tôi nghe như cũng có tiếng thùng... ngao như thế phát ra ở cái phía trước. Tôi tưởng mình nghe lầm. Nhưng rõ ràng là như thế. Rõ ràng không ai đánh, thế mà cái phía trước cứ kêu mà kêu y hệt như cái phía sau. Như hai đứa trẻ song sinh, đứa này bị đánh đau xót la hét thế nào thì đứa kia cũng đau xót la hét lên như thế. Tôi buột miệng kêu lên:

- Giống nhau như đúc!

- Thì thế mới gọi là “đồ đôi” mà cậu.

- Nhưng làm sao cái chiêng này ở một nơi, cái chiêng kia một ngả mà anh Cảo cả quyết nó sẽ “đồng thanh hưởng ứng” với nhau như thế này được?

- Thì tôi đã nói: Cảo là loại đặc biệt mà!

Khi tôi chào chủ nhân ra về thì dưới nhà thợ cũng đã ăn cơm xong. Vậy mà tôi không ân hận, còn tự cằn nhằn mình quên hỏi: Anh Cảo có thể biến hóa một cái chiêng theo âm thanh đã qui định, nhưng làm sao đổi màu sắc cho hợp với một cái chiêng cổ đã mấy đời!



Mấy hôm sau, có dịp đi qua đó, tôi ghé vào xem anh Cảo sửa đổi tiếng đồng. Anh ngồi trên một cái ghế nhỏ, chỉ cẩn thận từng li, để cho người thợ dẫy, cạo những chỗ dày, lấy búa biến đổi âm tiết trên vài vùng, sửa đổi vài đường nét cho cân đối. Khi anh Quí ra sức lấy dùi nện vào nướm, anh Cảo lắng hết tinh thần để nghe, mày nhíu lại, đôi mắt xa vắng. Hình như anh đang tự tưởng tượng là tù trưởng, đang cố phân biệt hai âm thanh, cùng nổi lên một lúc, một cái vẳng lên từ dĩ vãng, một cái rộn rã trong thực tại. Rồi tiếng chiêng nhỏ dần, mơ hồ... và vị tù trưởng sống thực với tiếng chiêng trong dĩ vãng hơn chính tiếng chiêng trong thực tại, lấy cái khiếm diện làm tiêu chuẩn cho cái hiện diện với một cường ký vô song. Và lòng tự tin vô bờ bến. Và khi tôi phải nghĩ rằng tất cả năng khiếu đặc biệt ấy chỉ dùng cho một công tác giả mạo! Và anh đem hết tâm hồn để phụng sự cho cái giả mạo ấy! Anh làm công việc đó có phải vì cảm thấy phải làm? Không làm không chịu được, sẽ bức rức, buồn khổ? Hay làm chỉ cốt để kiếm được nhiều tiền mà uống rượu và đánh bạc? Dù sao, khi nhìn cái vẻ nghiêm trang, cái tinh thần gần như huyền bí mà anh đặt hết vào thính giác, sự cố gắng gần như ma quái để gọi về một âm thanh tôi cũng quên hết những điều suy nghĩ vẩn vơ để chỉ còn biết thương yêu, cảm phục anh.

Ít lâu sau, tôi không còn thấy anh ở nhà đó nữa. Hỏi thì thằng Thành cho biết cái chiêng đã hoàn tất. Tôi hỏi nó một cách không chắc chắn để được đáp lại là làm sao biến màu da của nhạc cụ trở thành cổ lỗ như chính âm thanh lịch sử của nó. Nó lúng búng không đáp, đúng như tôi nghĩ.

(...)

Một đêm, đi chơi về khuya tôi bắt gặp anh đang đi lang thang. Anh đi qua, đi lại trên một con đường rất vắng. Tôi tưởng anh thích sự cô độc hoặc có điều gì lo nghĩ. Khi tôi hỏi, anh bảo:

- Tôi đang sửa tiếng bộ ba phèng la cho nó vô với nhau.

- Anh ở đây, làm sao mà sửa?

- Không. Tôi đang nghe.

Thì ra anh đang nghe thật. Ba giọng phèng la hơi khác nhau cùng ngân nga trong làng, lẩn sau hàng mù u dày đặc, lỏi chỏi mấy ánh đèn le lói trong sương.

- Tôi phải đi xa để nghe cho nó thật đúng. Anh có nghe không? Rõ ràng là tiếng giữa bị hỏng. Ðã không vô được với nhau, đời nào Thượng nó chịu mua.

Anh rủ tôi về nhà anh chơi. Tôi hỏi:

- Anh không đi sửa tiếng đồng à?

- Sáng mai cũng được. Chỗ nào hỏng thì đã biết rồi.

Nhà anh là một căn nhà nhỏ ở cuối xóm. Nhà trống trơn, gần như chẳng có một cái gì. Giữa nhà là một bộ bàn ghế cũ, trên đó phất phơ một ngọn đèn chai. Trên cái giường tre một bà già ngủ ngon.

- Mẹ tôi đó. Bà có tật tối lại uống vài xu rượu là không biết trời đất gì hết. Ban ngày thì bã đi mua “xác đồng” ở ngoài Ðà Nẵng.

Tôi không hiểu anh kiếm khá nhiều tiền thế mà anh làm gì hết. Có lẽ không đồng xu nào rơi vào túi anh còn vướng lại căn nhà thiếu hết tiện nghi này. Tôi cảm thấy không tiện hỏi thêm về gia thế anh nên quay sang hỏi về kỹ thuật đồ đồng. Khi nghe tôi đề cập đến cách làm cũ những nhạc cụ mới, anh cười một cái cười vừa tinh quái, vừa ngao ngán:

- Ối! Có cái con khỉ gì của nghề này mà là thiệt anh! Giả! Giả tuốt! Xác đồng thì mua lại của tụi ăn cắp, đồ đồng thì bắt chước, tiếng thì mạo lại tiếng đồng đã có sẵn từ đời nào... Mà dù mình có sáng chế ra tiếng mới, cũng chẳng ma nào thèm mua.

- Vậy chớ không phải làng ta vốn làm nghề này lâu đời rồi a?

- Ðâu! Chỉ mới vài đời. Tổ sư còn sống nhăn răng ra đó (...) Có lẽ người Thượng đã có từ thời Chiêm Thành xa xôi kia. Chỉ biết là sau này họ đã dùng nhạc cụ của Lào. Nhưng không phải đồ đúc mà là đồ rèn, rèn như thợ rèn vậy. Ðối với người Thượng tồn cổ thì càng đúng chừng nào, càng quí chừng đó. Cho nên không phải chỉ giả cái tiếng, chúng tôi đôi khi còn phải đúc sù sì, lởm chởm, nện những nhát búa vào cho nó thành dấu, thành vết, tưởng như đồ rèn thật.

- Còn màu sắc! Tôi tưởng đồ đồng cũ thì màu nó cũng khác lắm chớ.

- Dĩ nhiên là rất khác. Cho nên nhạc cụ thì mới toanh, mà cái thì phải phun nước trầu, cái thì đánh bằng lá mướp với bồ hóng... Có cái - nói xin lỗi - phải ngâm với nước tiểu, lá bứa, lá khế chua chua, chát chát... Anh muốn cũ mấy mươi đời, chúng tôi cũng có phương kế tạo ra cả. Mà không giả lại bán không được.

Anh bật cười:

- Giả dối! Giả dối tuốt. Vậy mà nhà nào cũng lo khư khư giữ nghề riêng. Ðố anh cạy răng cho họ nói lấy một lời về những bí quyết làm tiếng, làm màu.

(...)


(Nguyễn Văn Xuân, "Tiếng đồng")










_____________
(1) Một quận thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
(2) Thuộc tỉnh Quảng Nam.