Đây là khoảng năm 1953-1954. Trái tim hay con mắt hay nước mắt, cái vũng nước xanh kỳ lạ ấy bây giờ không nhiều sương khói nữa nhưng vẫn còn đẹp. (TT)



“Hồ đẹp nhỉ”

Nguyễn Đình Toàn




Trận mưa vẫn còn trút xuống (…)

Trong khói mưa của buổi chiều, Hà Nội dường như chìm trong một giấc mơ non, giấc mơ hiện tới khi giấc ngủ chưa thành (…)

Hai chiếc xe đã gặp nhau từ lúc nào, tôi nhìn thấy loáng thoáng những bóng người bên kia cửa sổ, những tiếng chuông điện leng keng, những hạt mưa nhẹ bay tạt bám trên mặt và tiếng rì rầm của bánh xe lăn trên đường sắt (…)

Lan cũng ngồi yên lặng bên cạnh tôi, không nói gì.

Xe ngừng lại ở bờ hồ.

Trên mặt hồ những đám sương đầu tiên đã bắt đầu tụ lại (…) Lấp lánh trên hồ những con sóng nhỏ, những ánh đèn màu của các cửa tiệm hắt xuống (…)

Lan hỏi Quang:

- Anh có muốn xuống đi bộ một quãng không?

Quang hỏi lại Lan:

- Cô không sợ lạnh à?

Lan cười:

- Sợ.

- Sợ sao còn muốn đi?

- Hồ đẹp nhỉ.

- Thì lúc nào chẳng vậy.

Lan không nói gì, nhưng trông vẻ mặt nàng, có vẻ như nàng không nghe thấy câu nói sau cùng của Quang. Nàng đang bị huyễn hoặc bởi cái vẻ mờ ảo của mặt hồ. Từ đó những trận gió cuốn theo những đám khói sương bay lẩn quẩn và thổi tới hai người những hơi lạnh, cái lạnh rơn rớt của mùa thu đang bị hơi nước của ngày mưa làm cho lạnh hơn một chút.

Hồ Gươm vào những ngày nắng ấm, vào mùa xuân hay mùa hè trông giống như trái tim của Hà Nội, lao xao những đợt sóng xanh biếc, nhịp máu rộn ràng đập theo cơn vui hay ít nhất không vướng chút phiền muộn (…) Về mùa thu, hồ lại có vẻ giống như con mắt buồn bã, và mùa đông đôi khi mặt hồ in bóng của bầu trời sáng lạn một cách khác thường, hồ như nước mắt còn sót của bao thế hệ điêu linh và hùng tráng, lúc nào cũng long lanh, cũng còn không ngừng xúc động.

Cũng có hôm mặt hồ phẳng lặng như một tờ giấy, cả đến những con cá nhỏ cũng lặn đâu mất, mùa đông lạnh cóng dường muốn làm cho cả khối nước đông lại thành một cái hồ bằng cẩm thạch. Cả hồ, cả người, cả thành phố thở chung một sự giá buốt, mặt trời có khi cả ngày không thấy bóng (…) Những buổi chiều gió và sự băng giá đã làm cho khô se da mặt (…) mọi vật (…) đều có vẻ ẩm ướt (…) mọi người đều thở ra khói ở miệng, người ta có cảm tưởng những đám khói do chính mình thở ra đó sẽ biến thành hơi nước bám trên mặt, nhưng sờ tay sẽ chỉ thấy sự giá lạnh khô khan (...)


(Trích
Áo mơ phai (Sài Gòn, 1973) của Nguyễn Đình Toàn)