“Của thần, của người”




Từ lâu, có lối nghĩ rằng nhạc Huế buồn vì đó là nhạc của dân tộc Chăm bị mất nước.(HĐ) Nghĩ thế không đúng, đơn giản bởi nhạc Huế không phải là nhạc Chăm. Phạm Duy nhận xét: “Nhạc Chàm không thể có hơi Nam giọng ai của nhạc Huế”.(PD) Cao Xuân Trứ cũng có lần lên tiếng phủ nhận ảnh hưởng Chăm đối với nhạc Huế.(CXT)

Tại sao nhạc Huế buồn, xin sẽ bàn vào dịp khác. Ở đây xin chỉ tập trung vào nhạc Chăm.

Nhạc ấy từng được hâm mộ xuyên quốc gia. Triều đình Nhật xưa đã chọn “Lâm Ấp nhạc” (Rinyugaku) làm một trong ba loại nhã nhạc.(TVK) Vua quan triều Lý ở Việt Nam cũng mê mẩn những khúc “Chiêm Thành âm”.(ĐDA)

Lâm Ấp có lúc hùng cường đến nỗi vua Lâm Ấp sai sứ sang Trung Quốc đề nghị thiên triều nhường quyền cai trị Giao Châu lại cho nước mình!(TNT) Chiêm Thành thì vào đời Lý vẫn đang sống mái với Việt Nam, còn lâu mới mất.

Thế nước từ rất mạnh đến chưa thật “thất”, thế mà nhạc buồn! “Ngay trong thời thịnh của quốc gia (...) âm nhạc Chàm đã mang tính chất buồn”.(PD)

Lạ quá. Buồn này có phải thực là buồn không?

*

Nhạc là người. Người Chăm xưa ra sao?

Theo Lương Ninh, “Ðời sống vật chất (…) rất giản dị (...) Người dân thường thật ít có nhu cầu”.(LN) Họ “rất chú trọng đến việc tín ngưỡng. Ðời sống hằng ngày (…) dường như là một cuộc lễ bái không ngừng”.(PD)

Người Chăm biếng sống mà rất chăm tu! Hững hờ với cõi này mà hết sức tha thiết với thế giới bên kia. Sống mà luôn hướng về cái chết! (Tuy vẫn tranh sống dữ dằn với người Việt!).

*

Biết người rồi, trông lại nhạc…

“Thể nhạc phổ thông nhất trong xã hội Chàm là nhạc lễ”.(PD) Hiển nhiên! Ðã “lễ bái không ngừng” thì làm gì còn có nhiều thì giờ dành cho thứ nhạc nào khác ngoài nhạc lễ! Lễ lễ nhạc nhạc lễ lễ liên miên, đến lúc nào đó người Chăm rút ra một quan niệm độc đáo về âm nhạc: họ tin rằng “âm nhạc là của thần thánh”, là những âm thanh truyền xuống từ “chốn thiên đường”.(PD)

Nhạc “của thần”! Trách sao khác hẳn những nhạc của người.

Cụ thể, khác ra sao?

Trước tiên, nhạc lễ nào cũng ít nhiều có tác dụng đưa tín đồ vào một cơn say tôn giáo (rõ nhất là trong một buổi lên đồng). Người nghe không phải tín đồ thì không say đạo, nhưng có thể bị cái nhiệt tình của nhạc thu hút khiến cũng có cảm giác thoát tục. Xuân Diệu kể khi nghe nhạc Chăm, cảm thấy “mê ly”.(XD) Lâu lắm trước thi sĩ, đã có những triều đình xa ngoài lãnh thổ Chăm cảm thấy y như thế rồi!

Kế tiếp, do nguồn gốc cao xa, hẳn nhạc Chăm rất nghiêm trang. Thường nghiêm quá thì dễ gây buồn. Buồn đây không xuất phát từ tâm trạng của người nghe, mà là một thứ cảm tưởng nẩy sinh trước sự nghiêm trang cao độ kéo dài. Có lẽ cứ “buồn” thế này một lúc, ta sẽ ngủ mất! Nhưng cái mê ly nó giúp ta tiếp tục chú ý. Gây “buồn” mà lại giữ thức, nên Xuân Diệu mới cho là “lạ lùng”…

Tóm lại, đó là một nền âm nhạc đặc sắc mà nét đặc thù nổi tiếng thực ra không phải là buồn.

*

Nghĩ về nhạc Chăm xong, chợt nhớ nhạc Việt. Cũng thử bắt đầu từ người…

Theo Ðào Duy Anh, dân tộc ta chỉ quan tâm “lưu truyền nòi giống và tiếp nối sự nghiệp của tổ tiên”.(ĐDA) Phan Ngọc cũng bảo tâm thức Việt Nam cơ bản “hướng về cuộc sống dưới đất, lo khắc phục những khó khăn thực tế (...) để tồn tại”.(PN)

Người Việt vẫn có tín ngưỡng, xem chết là “về với ông bà”, nhưng quan trọng hơn nhiều đối với ta là làm sao cho dân tộc trường tồn mạnh mẽ. Ta vẫn sì sụp lễ bái, nhưng trọng tâm của sinh hoạt văn hóa tâm linh Việt Nam là bây giờ, ở đây, chứ không phải mai sau, cõi khác.

Lịch sử là bất chấp tự nhiên khắc nghiệt, ngoại xâm hung dữ, dân tộc Việt Nam đã sống lâu, sống khỏe. Bí quyết của ta là gì?

Nguyễn Đình Thi từng phát biểu: “Tinh thần Việt Nam biểu lộ trong ca dao và cổ tích (…) là một tinh thần vui vẻ, lạc quan, ham sống (...) Tinh thần ấy (khi buồn thì) buồn trung hậu (…) Nó (...) giữ vững lửa sống”.(NĐT)

Người thế thì nhạc thế nào?

Về cổ nhạc, Ðào Duy Anh nhận xét: “Những cung bắc linh hoạt, vui vẻ và mạnh mẽ”.(ĐDA) Phạm Duy bảo hát quan họ là “hình thức dân ca phong phú nhất của người Việt” và cho biết nó điển hình “vui tươi, yêu đời, trìu mến”.(PD) Ta cũng có nhạc lễ, tức hát văn. Hát văn khá lung linh kỳ dị, tuy cũng gây “mê”, nhưng nghe vẫn vui. Hát ru thì có bài buồn, nhưng buồn nhẹ thôi…

Về tân nhạc, thời tiền chiến nhạc Việt lãng mạn, khi buồn không đắm đuối. Thời đánh Pháp, hầu hết nhạc có nội dung tích cực. Sau đó, ở Miền Bắc chỉ có nhạc tích cực. Ở Miền Nam trong những vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát, nhạc tuy kém mạnh mẽ nhưng không não nuột thê thiết, ngay đến loại nhạc “muồi” thực ra cũng không.

Từ xưa đến nay, nhạc Việt luôn vui nhiều hơn hẳn buồn, có buồn thì không bao giờ là buồn “muốn chết” mà vẫn cứ là “muốn sống”!

Nó không phải của thần linh từ cõi nào truyền xuống, mà của một giống người rất yêu mến trần gian.



Thu Tứ
Viết năm 2003
Sửa mới nhất tháng 3-2023

















__________
CXT: Dẫn theo Đào Hùng trong một bài viết quên tên về văn hóa Huế.
ĐDA: Ðào Duy Anh,
Việt Nam văn hóa sử cương, 1938.
HĐ: Hoàng Đạo, truyện ngắn “Tiếng đàn”.
NĐT: “Sức sống của dân tộc Việt Nam trong ca dao và cổ tích”, bài nói chuyện đầu năm 1944, in lần đầu trong
Mấy vấn đề văn học, 1958, in lại trong Luận về quốc học, nxb. Đà Nẵng, 1999.
TNT: Trần Ngọc Thêm,
Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, 2001.
TVK: Trần Văn Khê,
Tiểu phẩm, nxb. Trẻ, 1997.
PD: Phạm Duy,
Ðặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam, Sài Gòn, trước 1975.
PN: Phan Ngọc,
Bản sắc văn hóa Việt Nam, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, 1998.
XD: Huy Cận,
Hồi ký song đôi, tập I, nxb. Hội Nhà Văn, 2002.