Trúc nói ra lời: “Quả na suốt ngày phơi nắng (...) múi na âm ấm và thơm phảng phất như môi một người yêu”.

Dũng thì không thốt lời nào, ít nhất vì cái phần của người yêu mà Dũng để ý không tiện nhắc đến: “... từ khi biết thương mến Loan, lúc đó là lần đầu để ý đến tấm thân của người yêu, tấm thân chàng vẫn biết là thanh đẹp”.

Rút cuộc, khi cả hai cùng bỏ nhà bỏ quê bỏ người yêu ra đi, Trúc chỉ mới biết múi na chứ chưa biết đến môi cô gái nào cả, còn Dũng cũng chưa hề chạm dù rất nhẹ vào tấm thân “thanh đẹp” của Loan...
(Thu Tứ)



Nhất Linh, “Hẹn Trung Thu”




Cô bé con bán hàng mở vung múc nước chè, làn khói nóng và thơm thoảng qua mặt khiến Dũng nhớ đến hôm nào ngồi cạnh Loan trong lòng ấm áp và nhìn ra cảnh chiều mờ sương thu.

Chàng nhận rằng hôm nay vô tình chàng lại ngồi nguyên chỗ cũ; trời tháng tám, tuy chưa rét lắm như hôm Thái đi, song những cơn gió nam thổi từ phía sông lên làm xõa tóc chàng ra rào rào trong lá cây gạo bên hàng nước, Dũng đã thấy hơi lạnh và nhiễm cái buồn xa xôi của những cơn gió heo may mới thổi về. Một năm gần qua.

Dũng cầm bát nước chè tươi vừa uống vừa nhìn Xuân ngồi trước mặt; chàng thấy Xuân khỏe mạnh hơn trước nhiều và có nước da sạm đen của một người dạn nắng gió.

- Anh đi được một năm rồi đấy.

Xuân vui cười đáp:

- Ðã làm gì được một năm. Anh Thái đi, lúc bị bắt về thì tôi còn ở Lao Kay. Kể ra thì cũng gần được một năm.

Tên người bạn đã chết một cách thảm thương tình cờ nhắc đến khiến Xuân cúi nhìn xuống đất; chàng thong thả nói:

- Mới có một năm đã bao nhiêu sự thay đổi. Anh Thái, anh Vượng, anh Tạo...

Dũng nhìn Trúc đương mải chọn mấy quả na trong rá:

- Chỉ có tôi và anh Trúc là vẫn thế, chẳng thay đổi gì cả. Kéo mãi cái đời vô công rồi nghề tẻ ngắt.

Trúc nhấc lên một quả na to, còn nguyên cành lá, vui vẻ nói:

- Lá còn xanh thế này mới chín cây.

Cô bé nói tiếp:

- Quả nào thì cũng chín cây cả. Cháu vừa hái ở trong làng ra xong.

Trúc bửa đôi quả na và chợt nghĩ đến Hà, chàng bắt chước dáng điệu nàng, cũng nhắm mắt lại, cau đôi lông mày và chép miệng nói:

- Na làng Chăm ngon có tiếng. Thơm và ngọt.

Trúc nếm rồi đưa cho Xuân một nửa.

- Anh này bấy lâu ở bên Tàu chắc không được ăn. Anh ăn thử mà xem: Cả mùa thu sẽ vào bụng anh.

Trúc bảo Xuân:

- Anh còn nhớ độ ở trọ nhà bà hai Vận không?

- Ðời nào quên được, nhất là cô con gái bà ta, cô Hiền.

Trúc mỉm cười nói:

- Tôi thì tôi nhớ nhất cây na ở nhà bà ta. Cây na ngon lạ. Bà ta giữ gìn ghê lắm. Một hôm mình ăn trộm được một quả, phải đứng ngay ở gốc ăn, vì đem ra khỏi vườn, bà ta trông thấy mình ở vườn ra sẽ khám túi ngay.

Trúc nhìn cô bé con bán hàng và chắc là nó chưa đến tuổi hiểu, liền mỉm cười nói luôn:

- Quả na suốt ngày phơi nắng, nhưng múi na âm ấm và thơm phảng phất như môi một người yêu.

Dũng lắc đầu, nói:

- Anh này hỏng. Nói đùa nhảm nhí luôn mồm.

- Còn hơn các anh cứ đem mãi những chuyện buồn như chấu cắn ra nói. Tôi đã bảo đừng nhắc đến nữa. Chẳng ích lợi gì, chỉ thêm nóng đầu.

Sáng ngày, trong mấy giờ đồng hồ, ba người đã suy xét bàn cãi và dự định rất nhiều thứ. Trúc thấy ý Dũng muốn nhân dịp này cũng đi theo sang Tàu với Xuân. Riêng về phần chàng, chàng chưa thấy muốn lắm, vì sang Vân Nam ở lì bên ấy buôn bán như Xuân, Trúc cho là không khác gì ở nhà.

Trúc nói tiếp:

- Tôi tưởng cứ theo như lối của tôi là hơn cả. Sống ngày nào biết ngày ấy: ăn thật ngon ngủ thật kỹ. Nếu phải ở trong nhà tù thì cơm nắm với muối ăn lại có một vị ngon riêng.

Chàng nhìn Dũng và nghĩ đến Loan, đến những băn khoăn do dự chàng đoán Dũng đã phải trải qua mỗi lần có cái ý bỏ đi theo các bạn, chàng bảo Dũng:

- Anh còn nhớ độ chúng mình bãi khóa không? Chẳng biết anh thế nào chứ tôi thì lúc nào cần đến nhảy ra thì nhảy ra. Khi nào nhảy vào thì nhảy vào.

Dũng mỉm cười nói:

- Có khi nhảy vào không được nữa.

- Không nhảy vào được thì thôi. Cứ thế mà liệu cách sống. Nhưng lần này phải cẩn thận. Chúng mình vì nhảy ra nên mới bị giam hãm. Lần này nhảy ra cũng là nhảy ra chỗ mờ mịt, không biết rõ; nhưng cần gì, đời là thế, mình cũng có khi phải liều chơi.

Trúc bỗng lấy tay che miệng mỉm cười nói:

- Chết chửa? Chính tôi bảo không nên bàn tán nóng đầu vô ích mà chính tôi lại nói nhiều hơn cả. Ðã bắt chước cô Hà rồi.

Xuân hỏi:

- Cô Hà nào mà thấy anh nhắc luôn đến tên từ hôm qua đến giờ?

- Hà em anh Cận... Bây giờ lớn lắm. Hình như cũng tấp tểnh bắt chước chị.

- Chắc là có đất. Vùng của anh có lẽ nhiều người nhất đấy.

- Kém vùng Cổ Am anh một tý thôi. Vả lại cũng không danh giá gì. Có danh giá thì chỉ danh giá cho những người ở lại yên thân, hay còn sống.

Xuân nói:

- Hai anh vào Ý Dương với tôi đã rồi về.

Dũng đáp:

- Anh vào thôi, tôi phải về ngay, thầy tôi đợi ở nhà.

Chàng mỉm cười nói đùa:

- Phải về vì đi hai hôm đã nhớ nhà rồi.

Câu nói đùa nhưng cũng là câu nói thật. Dũng nghiệm ra rằng lần nào cũng vậy, hễ đi đâu một vài ngày là chàng đã thấy nảy ra cái ý muốn về nhà, về nhà để được gần cạnh Loan. Gia đình, quê hương chàng yêu mến, chính nơi đó là nơi chàng với Loan trong bao lâu đã cùng thở một bầu không khí, đã cùng ngắm những cảnh sắc thay đổi hết mùa này sang mùa khác, năm này sang năm khác.

Trúc muốn gặp Hà, ngập ngừng một lúc mới dám nói:

- Hay anh Dũng đi về một mình. Tôi đi với Xuân vào Ý Dương.

Trúc thấy Dũng đưa mắt nhìn mình thật nhanh rồi lại nhìn ra chỗ khác ngay. Chàng ngượng nghịu nói tiếp như muốn phân trần:

- Ðã lâu chưa gặp anh Cận.

Ðã lâu không gặp Cận, đi với Xuân đến thăm là lẽ tự nhiên, nhưng sao chàng lại cứ tưởng rằng Dũng không cho thế là tự nhiên. Chàng mỉm cười tự nhủ mình:

- Có lẽ tại thế không tự nhiên thật.

Chàng mỉm cười lần nữa vì nghĩ đến trước kia nhiều lần chính chàng đã thầm trách Dũng cứ phải đo đắn mỗi khi nói đến Loan, hay giữ gìn, che đậy chỉ sợ người ta nghi ngờ mình. Chàng toan nói hẳn ra và dùng cách bông đùa để che ngượng: “Ðã lâu chưa gặp anh Cận và cô Thúy Kiều lắm mồm lắm miệng”, nhưng lần này chàng không thấy còn can đảm nói đùa nữa.

Dũng không nghi ngờ gì Trúc cả, chàng chỉ mừng rằng Trúc đã nhận lời đi, Xuân không khẩn khoản mời chàng cùng đi lại Cận nữa. Chàng đã phải tìm hết cách làm thế nào về nhà kịp đêm trung thu. Chủ nhật trước khi người nhà của Thảo đem mấy cân bánh vào biếu bà Hai, Loan có nói với chàng:

- Thế nào anh cũng phải về kịp đêm trung thu, sang đây ăn bánh của chị giáo... với em. Em có nhiều chuyện hay... hay lắm lắm.

Nói xong Loan mỉm cười một cách ý nhị rồi đi cất bánh vào tủ. Nhìn dáng điệu của nàng hoạt động trước mắt, Dũng từ khi biết thương mến Loan, lúc đó là lần đầu để ý đến tấm thân của người yêu, tấm thân chàng vẫn biết là thanh đẹp, nhưng chàng chỉ nghĩ đến thoáng qua chưa bao giờ ngừng lại như lần này. Dũng thấy Loan giơ bàn tay lên sau gáy; mấy ngón tay của nàng đương hững hờ vuốt mấy sợi tóc, bỗng đứng yên cả lại, như chờ đợi: Loan suy nghĩ. Tự nhiên Loan quay nhìn Dũng nhắc lại lời nói bằng hai tiếng rất nhỏ:

- Anh nhé!

Nàng vừa mỉm cười vừa khẽ gật đầu luôn mấy cái và trong vẻ mắt Loan nhìn chàng lúc đó, Dũng thấy nhiều hứa hẹn tuy chàng vẫn không biết rõ là những hứa hẹn gì và không dám chắc có phải thật thế không.

Dũng đợi ngày tết trung thu đến như một đứa trẻ và từ hôm ấy chàng không sang bên nhà Loan nữa, sợ một lẽ gì sẽ đến làm mất cái hi vọng không căn cứ, rất mong manh, nhưng chàng thấy đẹp hơn là những hạnh phúc lớn ở đời.

Tuy biết trước là có lẽ đêm hôm ấy rồi không có gì cả, nhưng khi nói chuyện với Xuân về việc đi, chàng vẫn nghĩ thầm:

- Ði đâu thì đi miễn là sau đêm trung thu.

Dũng bắt tay Xuân và Trúc, rồi đứng nhìn hai người đi về phía làng Ý Dương. Chàng trả tiền cô bé, bước trên mặt đê.

Một cơn gió thổi mạnh khiến Dũng giơ tay giữ lấy mũ cho khỏi bay. Bỗng chàng đứng dừng lại ngửng nhìn lên.

Trên đầu chàng cả một vùng sáng rung động, mặt trời thấp và ánh sáng mặt trời phản chiếu ở mặt sông lên rọi sáng cả đám lá gạo ở trên ngọn cây đương lay tới tấp trong gió.


(Ðây là chương 14 trong truyện dài
Ðôi bạn. Nhan đề tạm đặt.)