Ca dao làm ăn thế này, đúng là “bỏ mẹ” thật. Mọi người hãy mau mau nhờ ông Nguyễn Dư đi kiểm tra thêm.

(Thu Tứ)



Nguyễn Dư, “Coi chừng ca dao sai!”




Trong chuyến về quê thăm họ hàng tôi được nghe ông chú và mấy người hàng xóm nói chuyện mùa màng, thu hoạch. Năm nay được mùa, chuyện nổ như bắp rang. Nào là phải tăng cường cái này, giảm thiểu cái kia. Nào là phải sớm bắt tay vào vụ tới... Tôi há hốc mồm ngồi nghe, chả hiểu ất giáp gì cả. Từ bé đến giờ có sống ở làng ngày nào đâu mà đòi hiểu với biết. Chờ lúc mọi người sắp ra về, tôi mới đem ra “khoe” bài học của thời “thò lò mũi xanh”:

“Tháng chạp là tháng giồng khoai,
Tháng giêng giồng đậu, tháng hai giồng cà.
Tháng ba cày vỡ ruộng ra,
Tháng tư làm mạ, mưa sa đầy đồng.
Ai ai cùng vợ cùng chồng,
Chồng cày, vợ cấy trong lòng vui thay!
Tháng năm gặt hái đã xong,
Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy...”

Bất ngờ, một bác chép miệng, ngắt lời tôi:

- Nghe các bố trên tỉnh kể chuyện nhà quê... tức bỏ mẹ! Để tôi mách ông Thần Nông xem ông ấy phân xử ra sao! Tháng tư các bố mới làm mạ, thế mà tháng năm đã gặt hái xong rồi. Lúa nào mà lớn nhanh như... thánh Gióng vậy? Các bố thu hoạch bốn, năm lần một năm à? Làm ruộng kiểu này thì nông dân chúng tôi thành triệu phú hết từ đời nảo đời nào rồi.

Tôi chột dạ. Mình nhớ sai ? Chẳng lẽ trí nhớ tệ đến thế. Hay là... sách vở sai? Chuyện khó tin. Hay là bác này... Không, nghề của bác bác phải biết rõ chứ. Tôi bối rối nhưng vẫn cố chữa thẹn bằng bài khác:

“Tháng giêng chân bước đi cày
Tháng hai vãi lúa ngày ngày siêng năng.
Thuận mùa lúa tốt đằng đằng,
Tháng mười gặt lúa ta ăn đầy nhà.”

Bác lúc nãy lại cười hô hố:

- Mấy ông làm ruộng như thế thì đổ thóc giống ra mà ăn. Tháng hai vãi lúa mà mãi đến tháng mười mới được gặt. Trồng lúa kiểu này thì bọn tôi có nước bị gậy, đi ăn mày. Không biết... tiên sư các ông... là ai mà dạy con cháu bài bản như vậy. Lúc thì thái quá, lúc thì bất cập...Vô tội vạ. Này! Các ông trời cho được ăn học nhưng thỉnh thoảng cũng phải suy nghĩ một tí chứ...

Tôi đánh trống lảng:

- Ối giời ơi ! Sao bác... khó tính thế? Đám tí nhau thì biết gì mà suy với nghĩ. Trăm sự trông vào người lớn, nhờ vào sách vở...

Tôi sốt ruột chờ ngày về để lật đống sách ra dò lại những điều đã học được.

Ừ nhỉ... Rõ ràng...

Ngày xưa, “Ruộng chia làm hai vụ: cầy cấy từ tháng năm, tháng sáu, đến tháng tám, tháng chín được gặt gọi là vụ mùa, cầy cấy từ tháng một, tháng chạp đến tháng tư, tháng năm năm sau được gặt gọi là vụ chiêm. Cũng có nhiều ruộng làm được cả hai vụ, có ruộng chỉ cấy một vụ, còn một vụ thì trồng màu” (Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục).

Ngày nay, “Vụ mùa gieo trồng vào mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu) và thu hoạch vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một). Vụ chiêm gieo trồng vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng (tháng năm, tháng sáu)” (Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt).

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp nước ta đã tạo được giống lúa ngắn ngày, tăng trưởng nhanh. Gọi là nhanh nhưng cũng phải mất từ 80 ngày trở lên.

Thế mà, Tục ngữ, phong dao của Nguyễn Văn Ngọc (1928), Việt Nam thi văn hợp tuyển của Dương Quảng Hàm (1943), Phong tục Việt Nam của Toan Ánh (1969), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan (1978) đều chép “tháng tư làm mạ (...) tháng năm gặt hái đã xong”. Rõ ràng giấy trắng mực đen.

Bác nông dân hôm nọ “tức bỏ mẹ”, chê mấy ông học nhiều hiểu rộng là đúng một trăm phần trăm. Sách vở, ca dao được truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác mà tuỳ tiện như vậy thì... “bỏ mẹ” thật. Cũng may, tra tìm mãi cũng thấy được một bài để vớt vát:

“Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.
Tháng ba thì đậu đã già,
Ta đi, ta hái về nhà phơi khô.
Tháng tư đi tậu trâu bò
Để ta sắp sửa làm mùa tháng năm
(...)
Bao giờ cho đến tháng mười
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta
Gặt hái ta đem về nhà
Phơi khô, quạt sạch ấy là xong công.”

Bài này kể đúng công việc của vụ mùa.

(...)


(Trích từ bài Còn Nước Còn Tát của Nguyễn Dư đăng trên trang
chimviet.free.fr. Nhan đề phần trích tạm đặt.)