Miêng, “Biển”



Người đàn bà theo cô y tá vào phòng. Trên giường, một người đàn ông nằm nhìn thẳng lên trần nhà, mắt mở to thao láo. Ánh đèn lạnh nhạt rọi xuống khuôn mặt bạc nhược vô hồn. Cô y tá lay nhẹ vai anh, nói bằng tiếng Pháp:

- Ông Nguyễn, ông Nguyễn, đoán xem ai đây? ... Nhìn kỹ đi, vợ ông tới thăm ông nè.

Người đàn bà đưa tay ra muốn nói gì đó thì vừa lúc người đàn ông hướng ánh mắt về phía chị. Anh kêu lên thều thào nhưng hớn hở:

- Em! Trời ơi!

Anh loạng quạng chìa bàn tay khẳng khiu ra, chị như ngần ngại một giây rồi nắm lấy, cầm nhẹ nhàng trong hai tay mình. Anh mỉm nụ cười héo hon:

- Lạnh không ? Bám, chặt vào!

Chị khẽ khàng đặt tay lên ngực anh. Rồi bỗng bạo dạn hơn, chị choàng qua, siết vòng tay lại. Nụ cười ngây ngô trên môi anh kéo dài như vô cùng:

- Con đâu, em?

- Con đang ngủ. Anh cũng rán ngủ một chút đi cho khỏi.

Giọng anh bỗng kêu thất thanh:

- Sát lại. Bám chặt anh. Khéo tuột.

Chị áp sát vào tấm thân gầy gò run rẩy, bận bịu. Anh gật gật đầu. Tóc lưa thưa cứ như muốn dựng ngược lên từng sợi. Chị dịu dàng vuốt những sợi tóc mùa thu của anh, âu yếm như một người mẹ. Mắt chị buồn thiu, xa vắng.

- Em nè, vợ chồng, có, những lúc, cơm không, lành, canh không, ngọt, anh có, lỡ, giận la em, cái gì, em bỏ, qua, cho anh, nghe, đừng, giận, bỏ anh, tội, nghiệp, cái chính, là, biết anh thương em vô, cùng, nghe em, đời anh, chỉ, có em, và, con...

Chị khóc:

- Anh đừng nghĩ quẩn quanh nữa. Em không giận anh đâu. Em cũng... thương anh lắm!

Chị kéo chăn cho anh ngay ngắn. Hai bàn tay hiền dịu vẫn ve vuốt anh. Ngoài đêm, trời hối hả rải tuyết...

Sáng sớm hai người y tá vào phòng. Ông y tá đen to lớn dềnh dàng phủ lên người anh tấm ra trắng muốt. Cô y tá đỡ chị đứng lên và lặng lẽ mở ngăn kéo lôi ra các thứ giấy tờ bọc trong bao ny-lông:

- Ông nhà đi như vậy đỡ khổ cho ông hơn, nhất là có bà bên cạnh. Bao nhiêu lần rồi bịnh viện cố tìm bà mà không ra.

Chị hỏi, hơi tần ngần:

- Lần cuối ông ấy vào đây là lúc nào?

- Thứ sáu tuần rồi. Bà coi, trời như vầy mà lại trần truồng đứng múa ở vườn Luxembourg.

- Lần này sao bịnh viện lại tìm ra tôi?

Cô y tá cười:

- Cái khó là cạy răng để ông cho biết địa chỉ của bà. Khi ông ta nói “biển” thì giản dị thôi, cứ bấm minitel ra lục lọi các vùng có biển là tìm ra bà ngay!

Chị cũng cười:

- Phải, giản dị thật!

Hai người y tá đẩy băng-ca đi. Ngang qua cửa sổ, tấm ra pha lẫn vào vùng tuyết ngoài kia. Căn phòng trống trơn. Chị ra hành lang, lặng lẽ mở bao ny-lông ra và đọc. Những tia nắng đầu ngày đông u ám rọi lên các thứ giấy tờ và một số thư từ cũ nhàu. Chị vừa đọc vừa khóc. Xong chị xếp lại vào bao, thở dài. Chị quàng lại khăn, kéo cao cổ áo măng-tô lên. Trời rất lạnh.

Bước vào ca-bin, chị để cạt vào máy điện thoại và bấm số.

- Anh hả? Em đây... Trẻ nhỏ dậy hết chưa?... Xà va (ça va) anh à. Một người đồng bào... (chị thở dài). Không, dĩ nhiên là không bà con gì với mình cả. Khi em tới thì tối rồi và coi bộ ông ta lẫn lộn hết cả, tưởng em là vợ.... Ơ thì anh coi, cứ Nguyễn Thị Ngọc gì gì có vần “ương” theo sau mà chả là em. Mình đã nhận bao nhiêu thứ rồi... Có, cô y tá đưa hết giấy má thư từ của ông ấy cho em... Em đọc rồi, vợ con đều chết biển khi vượt biên, chỉ còn ông ta sống sót với mấy người thôi... (chị khóc)... Xong rồi anh ạ... Vâng, lúc năm giờ sáng, trong tay em...


Paris, 23 Sept. 1994