“Có thần và thần”




Cây lúa là loài thực vật quan trọng nhất trong đời sống vật chất của cư dân Nam Á. Làm sao cho lúa chín đầy đồng là một ước ao căn bản. Người trồng lúa cố gắng hết sức mình, nhưng cảm thấy cần sự phù trợ siêu nhiên. Lúc nào đó, lâu lắm rồi, tín ngưỡng phồn thực ra đời. Bắt đầu cây lúa chỉ nuôi thể xác ta, dần dần nó còn giúp phát triển tinh thần ta!

Có thể những hình thức xưa nhất của tín ngưỡng phồn thực đã xuất hiện trước thời đại kinh tế nông nghiệp. Lễ mở cửa rừng ở xã Phú Lộc (Phong Châu, Vĩnh Phú), chẳng hạn, hiển nhiên có liên hệ với nghề săn. Tuy nhiên, tiến tới nông nghiệp nước hẳn là dấu mốc đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của loại tín ngưỡng này.

Cùng cầu sự “nẩy nở ra nhiều”, người Việt Nam cầu khác người Ấn-độ.

*

Trong Lịch sử văn minh Ấn-độ, Will Durant cho biết ở Ấn-độ nhìn đâu cũng thấy cái giống, nhất là của phái nam. Linga được dựng sừng sững trong đền, ngất nghễu hai bên đường đi, được rước long trọng vào ngày lễ. Rõ ràng, những trụ đá ấy không còn mang ý nghĩa phàm tục. Người Ấn-độ dâng lễ vật cho linga y như Phật tử cúng Phật. “Shiva là thần, mà dương vật là hình ảnh (...) Trong mọi sự thờ phụng, sự thờ phụng thần Shiva có tính cách nghiêm trang nhất”.(1)

Tín ngưỡng phồn thực Ấn-độ truyền qua Cham Pa coi như nguyên vẹn. Lương Ninh: “Chưa ở đâu trong các quốc gia Ðông Nam Á có ngẫu tượng linga nhiều, kích thước lớn và đẹp như những linga ở Cham Pa (...) tạc bằng đá cứng (...) chính xác (...) vẻ trang nghiêm thánh hóa”.(2) Từ Cham Pa, linga bắc tiến lên Đại Việt. Năm 1069, vua Lý Thánh Tông nam chinh thắng lợi, khi khải hoàn có đem về Thăng Long một cách hiểu Phật giáo mới lạ. Chùa Một Cột thời Lý, theo Chu Quang Trứ, xây trên đỉnh một cột đá cao hàng chục mét dựng giữa hai lớp hồ.(3) Nguyễn Ðăng Thục thấy cột và hồ chính là “linga - yoni”.(4) Điện thờ Phật trên đầu tượng thần Shiva! Linga - yoni có khi do chính người Việt Nam rước về như trường hợp kiến trúc kỳ lạ của chùa Một Cột, có khi xuất hiện thông qua một số người Chăm mà ta mang ra Bắc. Theo Tạ Chí Ðại Trường, chùa Bà Ðanh ở Thăng Long xưa là kiến trúc tôn giáo Chăm. Gọi chùa, nhưng “Bà Ðanh tự” không thờ Phật mà thờ một nữ thần Chăm ngồi trong tư thế đặc biệt “phô phang” (vì thế chùa còn có tục danh là chùa Bà Banh). “Thần ban phúc cho người cầu cúng khi người này cầm gậy thọc vào hạ bộ của thần”.(5) Chắc chắn những cư dân Chăm ở Thăng Long khi đến “chùa” cầu phúc đã thực hiện nghi lễ vừa nói với thái độ nghiêm trang nhất.

Ðặc điểm nổi bật trong tín ngưỡng phồn thực Ấn-độ là sự thần hóa sinh thực khí và, do đó, thái độ đặc biệt nghiêm trang kính cẩn của tín đồ trước linga - yoni.

*

Hiện diện của linga - yoni ở Bắc bộ, mà ấn tượng nhất là tại chùa Dạm (Bắc Ninh), hình như ít nhiều có gây hiểu lầm về lịch sử phát triển tín ngưỡng phồn thực trên đất gốc của người Việt Nam. Dân tộc ta không hề đợi đến lúc gặp người Chăm, xây chùa Một Cột, chùa Dạm v.v. mới nghiệm ra cái ý nghĩa thiêng liêng của hành động giao cấu. Hình ảnh bốn cặp trai trên gái dưới trên nắp thạp đồng Ðào Thịnh là một bằng chứng hùng hồn về cái tuổi rất cao của tín ngưỡng phồn thực bản địa. Vùng trung du và châu thổ sông Hồng từng có rất nhiều lễ hội cổ truyền chứa nội dung phồn thực. Đa số tập trung tại Phú Thọ, số còn lại ở các tỉnh Hà Bắc, Hà Tây, Hải Hưng… Nổi bật trong những lễ hội này là các bộ nõ - nường.

Nõ - nường khác linga - yoni đến ba chỗ. Thứ nhất, linga - yoni hiện diện thường trực, nõ - nường chỉ xuất hiện vào dịp lễ hội. Thứ hai, linga - yoni “kích thước lớn (...) tạc bằng đá cứng (...) chính xác”, nõ - nường kích thước bé nhỏ, làm bằng vật liệu không bền, làm rất sơ sài, hình dáng tượng trưng, nhiều khi chỉ là dùi gỗ, mo cau, mu rùa v.v. Nhưng chỗ khác nhau quan trọng nhất là ở phong cách tín đồ tiếp cận biểu tượng của niềm tin: trong khi, như nói trên, người Ấn-độ sì sụp kính cẩn trước linga - yoni, thì người Việt Nam lại múa may thoải mái, thậm chí di chuyển vô trật tự trước nõ - nường. Tại hội Hy Cương (Phong Châu, Vĩnh Phú) có tục múa “tùng dí”: cứ sau mỗi tiếng trống điểm tùng, các đôi trai gái lại nhịp nhàng giơ “biểu tượng âm dương” lên mà dí vào nhau. Ở một số hội làng khác, trai gái chen lấn xô đẩy nhau để cướp những bộ nõ - nường được tung ra giữa sân đình sau lễ.(6) Vẫn tin, nhưng niềm tin phồn thực ở ta biểu hiện kém hẳn vẻ trang nghiêm…

Đã rất khiêm tốn, thế mà nhiều khi “biểu tượng âm dương” còn bị loại bỏ hẳn, không hề được góp mặt trong lễ hội. Có những hội không múa, không rước gì cả, đơn giản “cho phép hôm đó trai gái được vào nương dâu tình tự” như hội đền Gióng, hay như hội La Khê vào đêm rã đám tắt đèn đi một lúc để nam thanh nữ tú tha hồ “tình tự”. “Rã La” vui nổi tiếng, nhưng hội chen Nga Hoàng đến nửa đêm cũng vui chẳng kém:

“Chen Nga Hoàng
len chèn nguyệt tận
Phụt nửa đêm đèn nến lặn
Ba hồi trống giãi dầm dề
lim dim bao dong
ba nghìn mắt Phật
Tóc tung tình bờ xôi ruộng mật
Quanh co tỏa bốn hướng đình
Từng ngôi sao mắt người lung linh
Ai gọi... im lìm
Í ới... sao chìm
Ðôi đôi ú tim... tìm
Òa ập... cánh chim... e ấp...
Hỗn mang mê vô cùng
Ðịa đàng say tới tấp”
(Hoàng Cầm).

Hội cực xôn xao, mà lễ có nơi cũng thật là rạo rực. Tại lễ mở cửa rừng ở xã Phú Lộc, sau khi cụ từ thắp hương khấn khứa thần núi, các cặp nam nữ sẽ bắt đầu múa điệu “gà phủ”, vờn nhau như trống vờn mái, rồi kéo nhau “tìm chỗ khuất để thực hiện yêu cầu giao phối bắt buộc”.

Trong tín ngưỡng phồn thực Việt Nam, sinh thực khí không hóa thần, thậm chí có khi không được làm tượng, tổ tiên ta đơn giản dùng luôn bộ phận cơ thể mình để thực hiện hành động thiêng liêng!

*

Ngoài sinh hoạt lễ hội độc đáo, thái độ thoải mái trong tín ngưỡng phồn thực Việt Nam còn hiện ra thành những tác phẩm điêu khắc dân gian cũng đầy bản sắc.

Chu Quang Trứ kể: “Ðình Ðông Viên xứ Ðoài có cảnh trai gái chòng ghẹo nhau trong đầm sen, các cô đều phơi bày toàn thể tấm thân ngọc ngà (…) đặc biệt làm nổi rõ những phần nữ tính nhất (...) Ðình Hương Lộc xứ Nam có cảnh trai gái tự tình công khai giữa thanh thiên bạch nhật, ngay trước mặt mọi người. Nhưng táo tợn (nhất) vẫn là ở các đình thuộc xứ Bắc (...) đình Phù Lão (...) có hàng loạt cảnh trai gái tình tự và say sưa ân ái. Các hoạt cảnh ấy được chạm ngay trên chiếc râu rồng, diễn ra giữa đám hội làng, cạnh những trò múa hát và đấu vật. Trong các cảnh ân ái, chính cô gái lại chủ động chèo kéo và cũng luôn được chạm ở tỉ lệ lớn hơn người bạn tình”. Dễ tưởng những cảnh nóng bỏng ấy được sắp xếp vào những nơi kín đáo để tránh gây chấn động, nhưng thực ra “hình chạm ở cao trên đầu (...) ở cả trong đình (...) và ngoài hiên (...) cốt sao làm cho mọi người đến đình đều được thấy, thấy nhiều lần”. Điêu khắc đình làng không chỉ tả “cảnh” trơ trơ đâu, mà rất gợi “tình”: ở một bức chạm tại đình Phù Lão, người ta thấy “người con gái vén váy lên, kéo sát chàng trai về phía mình, và chàng trai thì hăm hở xông đến. Từ phía sau, nghệ sĩ đã chạm một con rồng nhô ra, ngộ nghĩnh, hóm hĩnh”.

Các đình làng đều xây sau khi Nho giáo đã rất thịnh. Xứ Bắc, tức Kinh Bắc, vốn lừng danh là vùng nhiều nho sĩ thành đạt nhất nước, có huyện đỗ hàng mấy chục ông tiến sĩ. Cửa Khổng sân Trình nườm nượp học trò giỏi, mà dân gian phong hóa sao để “suy đồi”?! À, Kinh Bắc tuy đông ông nghè ông cử, nhưng tuyệt đại đa số nhân dân vẫn không biết chữ. Kinh Bắc lại là nơi dân tộc quần tụ rất lâu đời, trước cả Thăng Long, nên văn hóa bản địa tích lũy hết sức kiên cố, không dễ bị Nho giáo lung lay. Trong cái môi trường đậm đặc chất Việt ấy, học trò thày Khổng lẩm bẩm “nam nữ thụ thụ bất thân” mặc học trò, quần chúng nông dân cứ hồn nhiên tùng dí và chen và rã và khắc và tạc v.v. để diễn cái tín ngưỡng hết sức lâu đời của mình.

*

Tín ngưỡng phồn thực xuất phát từ nhận thức rằng động vật đẻ con đẻ trứng, cây cối ra quả là cùng một hiện tượng.

Tổ tiên ta lấy làm nghĩ ngợi về cái chỗ “cùng” kỳ diệu ấy, rút cuộc nẩy ra sáng kiến biểu diễn hành động giao cấu, hoặc bằng tượng sinh thực khí hoặc bằng chính sinh thực khí, để muôn loài bắt chước mà sinh sôi nẩy nở cho thật nhiều. Để ý, trọng tâm trong các nghi lễ phồn thực Việt Nam là hành động giao cấu, chứ không phải bản thân các sinh thực khí.

Người Ấn-độ xưa cũng nghĩ, nhưng họ không dừng lại ở ý nghĩa của hành động mà tiếp tục trầm tư rất lung cho đến lúc “thấy” thần kia thánh nọ trong sinh thực khí!

Kể, ta cũng có gọi cái ấy là “thần”: “Văn chương chữ nghĩa bề bề...”. So với yoni nghiêm trang xa cách, “thần” của ta hóm hỉnh thân mật hơn bao nhiêu, nhưng ai bảo kém thiêng!

Tín ngưỡng phồn thực Việt Nam mang đặc điểm không cực đoan của tinh thần dân tộc.



Thu Tứ
Viết 2003
Sửa mới nhất 12-2022




















__________
(1) Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, nxb. T&T tái bản ở Mỹ năm 1989.
(2) Nhiều tác giả,
Lịch sử Việt Nam, tập I, nxb. Đại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, 1983.
(3) CQT,
Văn hóa Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, nxb. Mỹ Thuật, 2002.
(4) NĐT,
Phật giáo Việt Nam, 1974, nxb. An Tiêm tái bản ở Pháp năm 2002.
(5) TCÐT,
Thần, người và đất Việt, nxb. Văn Học, Mỹ, 2000.
(6) Thông tin về các lễ hội phồn thực chủ yếu theo sách
Lễ hội cổ truyền, nxb. Khoa Học Xã Hội, 1992.