Phê bình văn học lối Võ Phiến là tìm hiểu tâm hồn văn nhân. Tâm hồn biểu hiện không chỉ trong văn, cho nên để làm cái việc tìm hiểu cho đến nơi đến chốn, Võ Phiến không chỉ đọc kỹ tác phẩm mà còn, khi có thể được, đọc kỹ mọi phát biểu, ghi nhận về tác giả.

Trường hợp Vũ Bằng, sau khi đọc và đọc, VP thấy đó là “một con người sống say mê, sống hết mình, khi làm việc thì say việc, khi hưởng thụ thì say hưởng thụ, một người mà ngũ quan thao thức tinh nhạy, tình cảm lại cực kỳ dào dạt, tâm hồn luôn luôn tha thiết đắm đuối...”.

Say dễ gây say. Vũ Bằng mê sống, rồi người đọc VB “mê ở chỗ cái tình của ông đối với cuộc sống nó nồng nàn quá. Ðối với mọi dạng thức biểu hiện của cuộc sống, nó đều nồng nàn.”

Tình nồng, cảm đậm, cảm sâu. Vũ Bằng yêu sống nên “tinh tế đối với từng chuyển biến của vạn vật, từng “chuyển mình của sông hồ đồi núi” (...) tinh đối với cái ngon trong từng miếng ăn”. Còn Võ Phiến yêu cái yêu sống của VB nên tinh tế đối với cái đẹp trong từng đoạn tùy bút trong
Miếng ngon Hà NộiThương nhớ mười hai, như ta sẽ thấy sau đây.

(Thu Tứ)



Võ Phiến, “Tùy bút Vũ Bằng”




Trong đời Vũ Bằng, có nhiều say mê lớn.

Chẳng hạn cái say mê làm báo. Ðang học ngon lành, tự dưng ông nổi lên mê báo tới nỗi bỏ học ngang xương, đeo dính lấy nghiệp báo chí suốt bốn chục năm trường. Mà làm báo như Vũ Bằng không phải là ngồi làm ông chủ chỉ tay năm ngón, hay làm như Phạm Quỳnh, Nhất Linh, Tản Ðà v.v. mỗi người mỗi lần chỉ chủ trương một tờ đâu. Vũ Bằng có lúc tay này một tờ báo của Vũ Ðình Long tay kia một tờ khác của Nguyễn Doãn Vượng; có lúc một mình trông nom cả ba tờ báo ở Sài Gòn (Ðồng Nai, Sài Gòn MaiTiếng Dân)(1); lại có lúc vừa viết cho Dân Chúng, làm tổng thư ký báo Tin Ðiện, lại vừa hợp tác làm báo Vịt Vịt v.v.

Tô Hoài kể lại cảnh Vũ Bằng làm báo hồi tiền chiến nghe mà khiếp. Mỗi lần đến nhà Vũ Bằng: “Ngoài chiếc giường lớn còn là chồng đống các thứ báo tây báo ta mà khách lên gác vừa vượt thoát qua con chó béc-giê to như con bê nhưng dữ dằn có số, nhô đầu lên lúc nào dường như cũng thấy anh hí hoáy quì phục giữa nhà. Như một ông thợ nấu cực thành thạo, tay dao tay thớt, mắt để vào món vừa chín, mắt nhìn món bưng ra. Những chồng báo ấy là thức ăn nuôi bài. Vũ Bằng làm báo, viết báo, thầu báo cai đầu dài ba bốn tờ một lúc. Anh viết đủ thứ, thượng vàng hạ cám, từ cái hộp thư, cái tin vặt, cái vui cười, cái “biết ai tâm sự” đến truyện ngắn, truyện dài đăng từng kỳ. Một nhà báo kiệt hiệt. Vũ Bằng ký rất nhiều bút danh. Cách làm báo khỏe nhưng phân tâm ấy đã hủy hoại khả năng và khát vọng của người viết mà anh không tự biết.”(2)

Về già, kể lại Bốn mươi năm nói láo xong, Vũ Bằng kết thúc cuốn hồi ký: “nếu một ngày kia, Trời xử phiên án cuối cùng, hỏi tôi nếu cho trở lại làm người thì sẽ làm gì, tôi cũng sẽ không cần suy nghĩ gì hết và chỉ trả lời một câu (...) nếu trở lại làm người, con cứ lại xin làm báo!” Thế thì phải gọi là một say mê chứ gì nữa?

Lại chẳng hạn cái say mê tiểu thuyết. Vũ Bằng ham đọc truyện, ham viết truyện, ham suy nghĩ về truyện.

Tô Hoài cho rằng sau giai đoạn Tự Lực văn đoàn, nền văn xuôi Việt Nam chuyển sang giai đoạn của một lớp mới gồm những Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan v.v. Và Tô Hoài nhận là bấy giờ truyện của Vũ Bằng đã lôi cuốn mình và Nam Cao, đã ảnh hưởng rõ rệt đến hai người (bạn này). “Chính chúng tôi cũng vẫn thường vui vẻ tự nhận xét với anh Vũ Bằng như thế.”(3) Ối, được một nhà văn cùng thời “vui vẻ tự nhận” cái ảnh hưởng của mình đã là hân hạnh, huống hồ đến những hai người.

Ấy là cái viết, lại còn cái đọc của Vũ Bằng cũng nhiệt liệt lắm. Ông sục sạo tìm sách mới, những sách Tây phương khó tìm ở Hà Nội. Có cuốn đọc xong, ông cao hứng dúi cho bạn, dặn: “Ba hôm phải trả nhé.” Ba hôm sau, ông phái người lên tận làng của bạn đòi sách về ngay: sách hiếm mà!(4) Ham đọc truyện của người, khoái quá, ông mang cả chữ nghĩa của người vào truyện mình, bị Vũ Ngọc Phan vạch kẽ ông cười xòa.

Ở ta trước Vũ Bằng chưa có ai vừa viết tiểu thuyết vừa suy nghĩ về bộ môn tiểu thuyết. Họa chăng có nhà học giả là Phạm Quỳnh viết một bài “Bàn về tiểu thuyết” trên tạp chí Nam Phong. Vũ Bằng là người văn nghệ sáng tác đầu tiên Khảo về tiểu thuyết (Phạm Văn Tươi, 1955); sau đó Nhất Linh mới có cuốn Viết và đọc tiểu thuyết (Ðời Nay, 1961).

Say làm báo, say viết truyện là những cái say mê dễ thú nhận. Vũ Bằng không ngần ngại thú nhận đôi ba say mê khác: “Tôi hút. Tôi uống rượu, tôi chơi đĩ bợm.”(5)

Riêng một chuyện hút của ông, thật đáng nể: “Thời kỳ này, tôi hút quên chết: buổi sáng, làm việc xong về hút. Hút xong, ăn qua loa một tí xôi hay mẩu bánh mì, tôi lại hút luôn một mạch đến năm giờ, tạt đến nhà báo một chốc, rồi từ bảy giờ lại hút đến hai, ba giờ sáng.”(6) “Trong óc, trong lòng, trong phổi, trong ruột, trong gan tôi chỉ còn có một cái bàn đèn và mấy thanh sái cắc. Trừ hai ba giờ làm việc ở tòa soạn, tôi hút, tôi lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm.”(7)

Cái hút om sòm như thế, cái thôi hút càng om sòm hơn. Cuốn Cai ba trăm trang của ông lời lời tâm huyết, giữa cuộc chiến tranh khốc liệt đã được tái bản cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Cả nước biết ông Vũ nghiện thuốc, cả nước biết nông nỗi cai thuốc của ông Vũ.

Vẫn chưa hết. Vũ Bằng còn một say mê khác nữa: ăn.

Ăn thì mọi người vẫn ăn - ăn hàng ngày, đều đều, mỗi ngày nhiều bữa - mà không thể bảo ai nấy đều “say mê”. Không phải cái ăn nào cũng là cái say mê. Không những mọi người, mà vạn vật đều ăn thường xuyên: con chim, con cá, con kiến, con voi... đều thế cả. Vạn vật cùng ăn, cùng lặp đi lặp lại một hoạt động sinh lý, chỉ có một số ít người ăn như một say mê, nâng cái ăn lên hàng nghệ thuật.

Cái say mê ăn uống ở Vũ Bằng đã đưa đến ba tác phẩm nghệ thuật: Miếng ngon Hà Nội (1957), Món lạ miền Nam (1970) và Thương nhớ mười hai (1972).

Trong giới văn nghệ sĩ Ðông Tây kim cổ, suốt một đời mà dành riêng cho chuyện ăn uống được lấy một tác phẩm đã kể là hiếm người. Viết mà phăng phăng đến những ba cuốn thì phải chịu là quá lắm, là một tay quán quân.

Nhưng đem cái mê sách, mê văn, mê báo chí ra kể lẫn lộn với những mê phiện, mê phở v.v., thế có phải là hồ đồ chăng? Một bên “tinh thần” một bên “vật chất”, sao dám trộn xà ngầu, sao dám đặt ngang hàng ngang chiếu?

Thật ra, như trên đã nói, ăn hút cũng có ba bảy đường ăn hút. Ăn để đáp ứng một nhu cầu sinh lý, ăn lấy no lấy béo mới là cái ăn vật chất; còn ăn lấy thơm lấy tho đâu phải thế? Ăn để sống thì vật chất; còn sống để ăn thì cái ăn nọ e nó thuộc về... tinh thần, về... nghệ thuật không chừng.

Có lần, sau khi bỏ hút, Vũ Bằng chợt nghĩ đến những trường hợp rủi ro của lắm người bạn đã bỏ được rồi mà tự dưng “hút lại nhiều khi vì những cớ không đâu. Một con chim kêu chiêm chiếp ở đầu hồi vào một đêm gió lạnh; một ngọn gió heo may đổi chiều báo tin thu đã trở về lúc đêm khuya hay một tiếng hát ru con của cô hàng xóm tả nỗi buồn của người con gái xa chồng tiếc công cha mẹ sinh thành... những cái không đâu đó cũng có thể làm cho người cai thuốc tự nhiên sầu tủi, chán chường, tìm cách để đi hút lại.”(8) Thấy không? Ðòi hỏi khói thuốc đâu phải luôn luôn là cái mồm cái lưỡi? Hút lại như thế, hút đi cũng thế; hút như thế, ăn cũng thế thôi. Hút với ăn, lắm khi nó cũng là một chuyện tâm tư, tình cảm. Cũng có thể do một tiếng chim kêu chiêm chiếp ở đầu hồi, một niềm sầu tủi vương vấn trong lòng. Vậy mà không tinh thần sao?

Cho nên say mê là say mê, bất tất phân biệt cao thấp làm chi. Mà một con người sống say mê, sống hết mình, khi làm việc thì say việc, khi hưởng thụ thì say hưởng thụ, một người mà ngũ quan thao thức tinh nhạy, tình cảm lại cực kỳ dào dạt, tâm hồn luôn luôn tha thiết đắm đuối..., một người như Vũ Bằng nói đến cái gì lại không lôi cuốn được người ta?

*

Nhưng có lẽ Vũ Bằng nói cái ăn là thích nhất.

Thực ra, đó không phải ý kiến “độc đáo” của riêng tôi. Thiên hạ chán vạn người đã nghĩ thế. Mà có lẽ chính Vũ Bằng, trong thâm tâm ông cũng cho là thế. Nếu không, tại sao ông lại viết về cái ăn nhiều vậy? lại dành cho nó đến những ba cuốn sách? Viết qua chưa hả, ông còn viết lại, mà viết ra lần nào thiên hạ cũng xuýt xoa. Không những người viết “đã”, mà người đọc cũng thấy “đã” quá chừng. Viết nhiều cuốn về cái ăn, mà mỗi cuốn đều viết một cách đặc biệt, đặc biệt kỹ lưỡng, đặc biệt trìu mến. Miếng ngon Hà Nội bắt đầu từ mùa thu năm 1952, rồi sửa chữa, rồi viết thêm cho đến 1957 mới cho in, xong lại sửa lại thêm cho đến 1959. Tất cả bảy năm trời! Ðến như cuốn Thương nhớ mười hai thì còn hơn thế nữa: bắt đầu từ đầu năm 1960, vào tháng giêng, mà mãi tới 1971 mới xong. Mười hai năm.

Thấy Vũ Bằng làm báo, hàng ngày viết phăng phăng đủ mọi thứ, viết thượng vàng hạ cám, viết như mưa sa gió táp, Tô Hoài đã lo cái viết ấy “hủy hoại khả năng và khát vọng” của ông Vũ. Ðâu có! Viết cũng tùy cái mà viết chứ. Viết về cái ăn có phải đâu như viết mọi thứ khác trên đời! Lo thế là không hiểu lòng nhau.

Quà Hà Nội ngon, ai chả biết. Thạch Lam đã khen rồi. Tản Ðà đã thưởng thức kỹ để làm gương từ lâu rồi. Nguyễn Tuân đã tán tụng dông dài rồi. Thế mà đến lượt Vũ Bằng, không ai thấy ông đến muộn chút nào. Ông xuất hiện cứ như một Kha-luân-bố, tung ra toàn khám phá mới lạ. Khi nói về cái ăn, Vũ Bằng vượt người, và vượt cả chính ông. Cái ông nói sau càng hay hơn cái ông nói trước.

Còn nhớ khi cuốn Miếng ngon Hà Nội ra đời, ông Hy Hoàng (tức thi sĩ Hà Thượng Nhân) đã kêu: “Vũ Bằng viết văn gần ba mươi năm, xuất bản trên dưới hai mươi cuốn sách, nhưng quả tình chưa tác phẩm nào làm tôi rung động bằng Miếng ngon Hà Nội.” (Nhật báo Tự Do, số 289, ngày 23-12-57)

Thi sĩ có cao hứng mà quá lời chăng? - Không đâu. Cũng trong dịp ấy, một tác giả khác, liên tiếp hai lần trong bài viết, xác nhận rằng mình đọc Miếng ngon Hà Nội mà rung cảm đến muốn khóc. (Nắng Sớm, số 27, ra ngày 28-10-57).

Rồi đến Thương nhớ mười hai. Tô Hoài bảo đã đọc những bài thương nhớ ấy từ lúc còn đăng dần từng kỳ trên các báo Sài Gòn, và: “Từng câu tha thiết đã làm cho đến người đương ở giữa Hà Nội cũng phải yêu lây.”(9) Nói về Hà Nội mà rung động lòng người xa Hà Nội thì cũng dễ hiểu; chí như mình ở tận Sài Gòn nói về Hà Nội mà đến nỗi rung động ngay cả người đang sống chình ình giữa lòng Hà Nội, bắt người ta phải bám riết theo từng kỳ báo, thì có phải là kỳ lạ không chứ?

*

Ðọc Miếng ngon Hà Nội mà muốn khóc? Khóc vì miếng ngon chăng? Ở đời có ai ngồi trước bữa tiệc ngon quá mà đến khóc? trông thấy những món ăn quí quá mà phát khóc? đọc sách gia chánh hay quá mà phát khóc? Vậy Vũ Bằng đã làm gì về món ngon Hà Nội? Ông lén lút bỏ thuốc phiện vào đó chăng?

Không có thế. Thực ra “miếng ngon” là một cái cớ. Chính yếu là “Hà Nội”. Cũng như trong Thương nhớ mười hai, cái chính yếu là “thương nhớ”. Tràn ngập hai tác phẩm ấy là một tình hoài niệm về quê hương, là một nỗi nhớ quê quay quắt. Vũ Bằng suy nghĩ về lòng mình: “Lòng người xa nhà y như thể là khúc gỗ bị mối ăn, mục nát từ lúc nào không biết. Trông bề ngoài thì không có gì khác lạ, nhưng cầm một cánh hoa khẽ đập vào thử mà xem: tiếng gỗ kêu nghe mệt mỏi, u buồn, mà nếu gõ mạnh thêm chút nữa, ta sẽ thấy gỗ vỡ tan, để lộ ra những tảng mục lỗ chỗ như tổ ong, tiết ra một thứ bụi vàng hanh hao, nhạt nhẽo.”(10)

Lòng người-xa-nhà họ Vũ đã thế thì cái gì mà không khơi dậy xúc động, không gây sóng gió, hà tất phải đến món ngon? Cứ xem cái lần nọ ông ngồi tiệm ở Tân Thuận thì biết: “đang ngồi trong một tiệm ăn hẻo lánh ở trên sông Tân Thuận, trận mưa đầu mùa trút nước xuống phố phường. Những người Bắc Việt ngồi ở những quán ăn gần đó nhìn mưa mà thấy thẫn thờ, mà thấy bơ vơ, tưởng chừng như không thể chịu đựng nổi bầu không khí nặng nề lúc đó, bèn kiếm một câu gì để nói.

Một người bảo:

- Ở Bắc, có lẽ bây giờ cũng mưa đầu hè đấy nhỉ.

Một người khác:

- Thế nhưng mưa ở Bắc, nó khác kia, bà ạ.

Một người khác nữa:

- Cái gì cũng khác hết. Thôi, đừng nói nữa, tôi muốn khóc đây.”(11)

Ðó, thấy chưa? Vào quán, mới nhìn mưa đã khóc. Huống hồ khi ngồi vào bàn xơi được món ngon, hay khi da diết nhớ tới món ngon.

Cảnh tượng một ông Vũ sụt sùi như thế có thể làm cho lắm bà con lưu vong ngày nay mỉm cười: “Người nước Việt ngồi ở nước Việt mà nhớ nước Việt! Gớm, sao yếu vậy? Mới từ Bắc vào Nam mấy năm, một đất nước cả, làm gì mà nhớ lắm thế?”

Phải, chúng ta thuộc một thế hệ lưu vong bi đát, chúng ta đã vượt đại dương trong hoàn cảnh hãn hữu, chúng ta đã gửi hàng sáu trăm nghìn hài cốt thân nhân xuống lòng biển Thái Bình, chúng ta có quyền nhún vai, bĩu môi trước sự sụt sùi của người lữ thứ ngồi ở quán ăn bên Sài Gòn.

Nhưng cổ lai vẫn có cái oái oăm: những văn thơ nổi tiếng từ nghìn xưa đề cập tới niềm thương nhớ quê hương hầu hết đều được sáng tác ngay trên quê hương cả đấy. Nào “hương quan hà xứ tại”, nào “Ba Sơn dạ vũ”, nào “chị có một em em một chị; trời làm xa cách mấy non sông”, nào “thu dạ lữ hoài” vân vân và vân vân... đều là của những kẻ lữ thứ trên đất mẹ cả (...) Cho nên gần xa không thành vấn đề; tấm lòng là vấn đề.

*

Ở Vũ Bằng, món ngon là một phương diện của cuộc sống quê hương. Cũng như gió thổi chim kêu ngoài vườn, mây bay sếu bay ngang trời v.v., là một phương diện khác. Cũng như những đêm trăng tháng giêng “hai đứa” dắt nhau trên đường Giảng Võ đi xem chèo, như một đêm đầu tháng hai “hai đứa” ăn chung một quả vú sữa rồi đánh tam cúc cho tới nửa đêm về sáng, như lúc hai vợ chồng mới gặp nhau, mới yêu nhau, cùng ngồi trên một bãi cỏ ven hồ Bảy Mẫu thả chân xuống nước và cùng ngây ngất vì hương gió ngát mùi sen thơm dội về ban đêm v.v. lại là một phương diện khác nữa. Tất cả những cái đó quấn quít lấy nhau. Cái hạnh phúc của đêm thả chân xuống nước, cái hay ho của tuồng chèo, cái đẹp của đất trời cây cỏ chim muông, cùng với cái ngon của miếng trầu ngày xuân ăn với cau “tiên đầm”, của những trái vải ăn trong vườn cây ở Vụ Bản trong không khí buổi mai trong văn vắt... cái này gợi lại cái kia, cái kia nhắc đến cái nọ, chúng cùng bổ túc cho nhau, cùng tôn nhau lên.

Vũ Bằng cảm nhận rất tinh tường từng thay đổi của thời tiết, từng nét đẹp của mỗi mùa; trong Thương nhớ mười hai có nhiều trang thật đẹp về cảnh vật và thời tiết. Và đối với một người đã thấu đáo nó thì cái đẹp của trời đất nắng mưa không phải chỉ dàn ra để ta trơ mắt ngắm nghía một cách vô vị. Vũ Bằng hiểu ngay một buổi trưa tháng tám rỡ ràng như thế nó đòi hỏi gì, một đêm trăng tháng ba mát mẻ thế kia nó muốn ta làm gì. Tất nhiên ông đáp ứng kịp thời. Hoặc ăn uống, hoặc rong chơi, hoặc tình tự tỉ tê v.v., đó đều là những phương cách đáp ứng thích hợp của con người đối với tiếng gọi kêu mơ hồ phát ra từ hội sống quanh mình, đáp ứng thích hợp tùy thời tùy cảnh. Người biết sống nên thế. Hãy xem một thí dụ: “Những ngày như thế, trời vào buổi trưa sáng mờ mờ như lọc qua một dải lượt nõn nường. Có người thấy trời đẹp nõn nường như thế cảm thấy rạo rực không ngủ được. Tôi nhớ có nhiều khi giữa buổi trưa, có những anh bạn gõ cửa vào ngồi đòi uống rượu “nhắm với bất cứ cái gì cũng được”. Gió đập vào lá cây hoàng lan trồng ở giữa sân kêu rào rào. Một vài cánh hoa tím ở trên giàn hoa rơi vào trong chén rượu: anh em uống cả hoa và cứ như thế uống cho đến xế chiều rồi tất cả dắt nhau đi - lang thang bất cứ đâu, vì tuy rằng không ai nói ra lời, nhưng ai cũng cảm thấy trong sâu thẳm cõi lòng rằng gặp những những ngày trời đất thế này mà không đi ra ngoài thì uổng quá. Ði quanh hồ Gươm nhìn lên cây gạo ở Ngõ Hồ nghe những con sếu báo tin rét sắp về; đi lên Ngọc Hà ở đằng sau Bách Thú xem hoa và tán tỉnh chuyện tầm phơ với mấy cô nàng trắng ngà trong ngọc; đi ra Nghi Tàm mua mấy cây thế rồi rẽ ra ngõ Quảng Lạc tìm nhà một ông bạn già để ngắm lại cái tượng “Mạnh mẫu gánh sách cho con đi học”... Ði như thế trong một bầu không khí vừa vừa lạnh, hiu hiu gió, biêng biếc sầu, kể đã là thú đấy; nhưng chưa thấm với cái thú của người đàn ông được vợ chiều, vào buổi tà huân dắt tay vợ đi chơi ở ngoại ô nhìn trăng dãi trên ruộng lúa và nghe tiếng hát trống quân theo gió vàng heo hút ở làng bên kia sông vọng lại.”

Ðã tinh tế đối với từng chuyển biến của vạn vật, từng “chuyển mình của sông hồ đồi núi” (theo cách nói của ông), Vũ Bằng lại tinh đối với cái ngon trong từng miếng ăn. Lắm khi ở những món ăn rất tầm thường, quả nhót chẳng hạn: “có một vài lúc, tôi muốn kêu trời lên một tiếng để xem Trời có cách gì cho tôi được ăn một quả nhót, và chỉ một quả thôi, để cho đỡ thèm thuồng, nhớ tiếc (...) tiếc nhớ cả một thuở thiếu thời xanh mướt mộng thần tiên, đi học về, mua nhót đầy hai túi áo, lấy ra từng quả, xoa vào cái tay áo “ma-ga” cho hết bụi phấn rồi bóp cho mềm, chấm muối ớt, mút sì sà sì sụp. Ðó là nhót chín. Nhót xanh thì lại nhớ cách khác, nhớ là cứ vào cái khoảng cuối tháng tư, đầu tháng năm, vợ mua nhót xanh về nấu canh ăn sướng quá, sướng không biết thế nào mà nói. Cái trái cây gì gớm ghiếc: trông như quả trám màu bạc ố, bóp hơi mềm mà đem nấu canh thì không thể có cái gì ăn ý với thịt thăn hơn (...) Ăn như thế mới là hợp với... lẽ Trời, sai đi thì hỏng kiểu.”(12)

Khi nói đến cái ngon, ông kêu trời kêu đất, ông lại có những tiếng những chữ thật hay ho, độc đáo: nhần nhần, nhận nhận... Chẳng hạn về chuyện ăn cà cuống thịt : “Bỏ cánh đi rồi, anh nhần nhần sáu cái chân nó, lấy cái đầu, xé ra nhấm nhót cái ức trước, rồi cái đuôi sau, anh sẽ thấy nó có một vị ngon khác hẳn các món ăn ngon nào khác: nó nhận nhận, bùi bùi, beo béo mà lại thanh thanh, một người tục có thể ăn cả trăm con không biết ngán.”(13)

Từ những con cà cuống với những trái nhót, từ những buổi trưa trời sáng mờ mờ đẹp đến rạo rực con người... chúng ta bắt gặp cái gắn bó nồng nàn của Vũ Bằng với cuộc sống miền Bắc; lại từ đấy nghĩ đến cái gắn bó của một số tâm hồn đối với cuộc sống nói chung.

Có thế. Cái lòng da diết của người một địa phương nhớ về một địa phương, cái đó bất quá chỉ làm xúc cảm những người khác cùng địa phương mà thôi; đàng này, lòng da diết địa phương ấy đánh động đến một cái gì rộng lớn hơn. Người Bắc tiếc nhớ cảnh Bắc thèm thuồng món Bắc, thì người Nam cũng thương cảnh Nam thèm món Nam chứ... Da diết địa phương ấy khơi động đến nỗi niềm con người nhớ cả đất trời, nhớ một ngọn dây leo quất quơ trong gió, một tiếng cười hàng xóm giữa đêm khuya, nhớ tiếng gió khua lá, nhớ ánh nắng nhấp nháy trên mặt sông, bóng tre mát một khoảng đường làng v.v. Nỗi niềm mật thiết giữa con người với cuộc sống.

Cho nên hãy quên đi khía cạnh địa phương : Miếng ngon Hà Nội cũng có thể hiểu là Miếng ngon trần gian.

Không nhất thiết phải là người Hà Nội hay người miền Bắc mới thưởng thức Vũ Bằng.

*

Vũ Bằng nói “nhận nhận nhần nhần”, đó không phải là vì ông nhiều chữ nghĩa mà tung loạn ra như thế. Ông nói đến mưa tháng giêng nó “riêu riêu”; ông nói đến cái đêm tháng hai có mưa phùn “gió thổi se se trên lộc đào, nhánh mai”, “ngồi trong nhà mà nghe thấy từng cái lá rụng ngoài vườn”; ông nói về những đêm mưa tháng bảy, “mưa sườn sượt nghe thấy tiếng van xin của những người ăn mày ở đằng xa vọng tới, hay tiếng guốc lê sền sệt trên đường khuya (...) mình tự nhiên thấy chán chường cho kiếp sống”; ông nói chuyện tháng chín “tiếc những buổi chiều mưa rươi hai đứa dắt nhau đi trên những con đường vắng ẩm ướt có hoa sấu rụng thơm lên trong không khí một mùi hương dìu dịu, man mát mà lại chua chua”(14) v.v.: đó cũng không phải là vì ông mỏng tai nghe xa, ông thính mũi ngửi giỏi, ông thừa thì giờ để nghe kỹ nhớ kỹ, mà khéo ghi lại cho nên nó đậm đà phong phú như thế.

Ở đời, khó lòng có những cái ngộ nghĩnh như cái khiếu tả cảnh, cái khiếu tả mùa (!), hay cái khiếu tả người v.v. E không có từng cái khiếu như thế, cũng e không có phương pháp luyện những kỹ thuật như thế. Khó tin vào chuyện tài năng của những người nói có khiếu mồm, vẽ có hoa tay. Chuyện viết chuyện vẽ không chỉ là chuyện riêng của bàn tay, của các giác quan cần tập luyện kỹ bằng dăm mười phương pháp.

Xưa nay tháng tháng vẫn có trăng tròn, bất cứ ở xứ nào cũng nhìn ra trăng, bất cứ hạng người nào cũng được phép trông trăng; nhưng mấy ai bắt gặp những đêm trăng như đêm trăng của Hàn Mặc Tử (Chơi giữa mùa trăng) hay của Yến Lan (Bến My Lăng). Xưa nay đã hẳn chúng ta ai nấy đều được phép tự do trông người, ngắm người, tự do dòm ngó đồng loại. Nhưng khi kể chuyện về người, trong sách Lỗ Tấn có những con người như A Q. , như ông lão Khổng Ất Dĩ, như mụ Tường Lâm, như thằng Nhuận Thổ v.v., trong Tam quốc chí có những kẻ như Tào Tháo, Trương Phi v.v., từ hình dạng cốt cách cho đến lời ăn tiếng nói cứ nổi rõ mồn một, người đọc sách bỏ sách đã lâu vẫn bị những nhân vật nọ bám lấy trí óc. Còn chúng ta? Ối, chúng ta, có khi trong một đời cầm bút mỗi người dám tung ra đến hàng trăm hàng nghìn nhân vật, hàng đại đội tiểu đoàn nhân vật rầm rập, dám dựng lên đến hàng muôn hàng vạn buổi sáng và buổi chiều, đêm trăng và ngày mưa ngày nắng; nhưng tháng ngày vụt đến vụt đi như bóng câu qua cửa sổ chẳng người đọc nào kịp chú ý, nhân vật thì nườm nượp xôn xao, những nhân vật nhạt nhẽo rông khắp các tác phẩm, múa may nói năng vô vị, những nhân vật không biệt sắc, thậm chí gần như không nhân dạng. Hoặc giả nếu có được một nhân dạng thì lại là cái nhân dạng của... chính tác giả! Tác giả lùn thì nhân vật lùn (và dễ thương), tác giả lòng nhòng thì nhân vật dong dỏng cao (và đáng yêu muốn chết), tác giả béo thì nhân vật đẫy đà (và hấp dẫn quá trời), tác giả làm nghề cầm bút thì nhân vật cứ phun ra tưng bừng chuyện sáng tác suy tư này nọ, tác giả có tập tễnh cầm cọ thì nhân vật cứ xổ liên miên nhắng nhít những chuyện màu sắc đường nét, những Matisse với Picasso v.v. Tức loại nhân vật sản phẩm của những kẻ hoặc không yêu ai hoặc chỉ thiết tha yêu mình.

Phải yêu cảnh, bị cảnh thu hút, mới nhận ra cái biệt sắc của cảnh; phải cực lực yêu người, bị người thu hút mới cảm nhận ra biệt sắc từng người mà tạo ra nhân vật sống động. Ấy là chuyện của tâm hồn, không phải chuyện của giác quan, của phương pháp.

Tả người như thế tả cảnh như thế, thì tả món ăn cũng thế thôi. Không phương pháp ngắm người phương pháp nhìn cảnh, thì cũng không nên mơ tưởng đến cái phương pháp thấu triệt món ngon. Một món ngon cho vào mồm, một hớp trà hớp rượu trút vào cuống họng, nó cũng có nét đặc điểm của nó, có cái biệt vị, cái cá tính của nó. Phải yêu nó mới hiểu được nó; phải hiểu nó mới nói được về nó một cách hay ho thấu đáo.

Hoặc có kẻ không sẵn lòng tin, lấy làm thắc mắc: “Hiểu một cơn mưa trận gió, một miếng ăn ngụm nước, cũng oan khiên đến thế sao? Phải yêu mới được à?” - Quả có thế. Một cái “nhần nhần, nhận nhận” nào đó, muốn thấu đạt ý nghĩa, một giọt mưa trên lá, muốn nhận ra cái thần của nó, không thể đè nó ra tra khảo một cách có phương pháp mà được.

Một người đẹp chỉ mở lòng và mở người, chỉ trao lòng và trao thân cho kẻ thực bụng yêu mình. Có như thế mới là thực sự hiến dâng. Còn như chưa yêu (một người, một cảnh, một món ăn món uống) mà cứ nằng nặc đòi căng ra để hạch hỏi tra khảo, để dùng phương pháp nọ kia hòng thấu đạt tận cái hồn, cái tinh túy, cái chỗ thâm thiết nhất! Sao được?

Người nào, người hèn mọn đến bậc nào - như thằng Nhuận Thổ, như mụ Tường Lâm - cũng có cá tính riêng của người ấy. Mùa nào, tháng nào cũng có cái cá tính của mùa ấy tháng ấy. Trận mưa ngắn mưa dài mưa lớn mưa nhỏ nào cũng có cái đặc thù riêng biệt của nó. Mình không gần gũi, không tha thiết, không “yêu”, thì trông ra người nào nắng mưa nào cũng cứ “xêm xêm”, cũng đại khái như nhau cả. Mà một khi đã thích đã yêu, đã gần gũi thiết tha thì tha hồ “hiểu” cái nét ngộ nghĩnh riêng, cái tâm sự riêng của từng người từng cảnh từng mùa từng tháng, từng miếng ăn miếng uống. Lúc bấy giờ tha hồ tả, tha hồ viết, ý ý lời lời tha hồ độc đáo.

Bởi vậy cho nên thấy cái cách ông Vũ Bằng nói về cái nọ cái kia, từ cái thật lớn đến cái thật nhỏ, từ bầu trời đến ngọn rau, mà ta mê ở chỗ cái tình của ông đối với cuộc sống nó nồng nàn quá. Ðối với mọi dạng thức biểu hiện của cuộc sống, nó đều nồng nàn.

*

Hãy để cái “mê” ấy, cái cảm tình ấy đánh bạt mối bất bình về đôi chỗ không vừa ý.

Phải nói ngay ra rằng đã nhiều lần tôi suýt bất bình với ông Vũ. Nhiều lần, ông không ngại ngùng chê bai hoa quả Miền Nam, món ăn món uống Miền Nam, ông chê luôn... cả cái nắng cái mưa ở Miền Nam; tóm lại là ông chê cả cái bầu trời Miền Nam đã che trên đầu ông mấy chục năm trường! Thái độ ông, chịu được không? Tôi là người Miền Nam, ông làm mích lòng tôi quá chừng.

Vậy mà rốt cuộc tôi cũng bỏ qua (...)

Kể ra nếu muốn giận ông Vũ thì còn lắm cái cớ để giận. Trong đó phải kể đến giọng văn của ông.

Vũ Bằng có văn phong riêng. Lời văn có khi khinh bạc mỉa mai, có khi bóng bẩy kiêu kỳ, có khi lại giản dị thân mật. Có chỗ ông thậm xưng, ngoa ngữ; có chỗ ông vắn tắt, cụt lủn. Ông đùa nghịch đấy, ông thê thiết ngay đấy. Ông hư đấy, ông thực đấy. Có lúc hoặc ông bảo người này dại thì không phải thực ông muốn chê dại. Lại có khi hoặc ông nổi lên khen món ngon nọ cả thế giới không bì đuợc thì trong bụng ông lại không hề thực sự có cái ý suy tôn lên cao đến thế. Lần này ông kêu ăn nhãn thì “sướng không gì bằng”; lần khác ông lại bảo nhấm nháp một vài chén rượu với chả nhái thì “rung đùi tưởng chừng như có thể gãy cả thang giường vì ngon quá thể là ngon, ngon có thể chết ngay đi được” v.v. Những ai muốn có một bản xếp hạng nghiêm chỉnh sẽ cuống cả tay, không biết đường nào mà mò, mà so sánh!

Trong lối văn của ông như thế, cái sai quấy nhỏ bị phóng ra to, một chút thiên kiến chủ quan có thể bị giọng khinh bạc làm cho đáng ghét.

Tội nghiệp, ông là nạn nhân của chính ngay cái duyên dáng tài hoa của ông. Lại đáng thương nữa.

*

Nhưng đó là do ông. Còn chỗ này, tôi cứ ngại có người sẽ trách là do tôi: Vũ Bằng đã viết nhiều, từng viết về bao nhiêu là đề tài, tại sao tôi lại cứ xoắn vào chuyện ăn uống? Như thế có phải muốn mượn cớ khen ngợi để trói buộc ông dính liền vào miếng ăn, là miếng tồi tàn? Ðể cho ông mang tiếng là nghệ sĩ chuyên về... ăn?
Chỗ ấy tôi phải biện bạch.

Tôi nhận rằng giá ai có ác ý trói thi sĩ Lamartine vào với món bíp-tếch, thi sĩ Verlaine vào với miếng phó-mát “Bò cái cười”, thì những đấng anh tài nọ sẽ phải dẫy nẩy lên, kêu trời như bộng; có ai đó vu cáo rằng hoặc triết gia Descartes, hoặc triết gia Bergson là tác giả ẩn danh của một cuốn sách dạy nấu ăn nào đó thì nhất định các bậc hiền triết ấy phải sống mái tử chiến với kẻ gian manh đã hạ nhục mình cách thâm độc. Nhưng đó là chuyện Tây phương.

Ở Á Ðông không có thế. Ở Á Ðông, các bậc hiền nhân quân tử tao nhân mặc khách không kiêng kỵ sự ăn uống. Ối, chẳng những không kiêng kỵ, họ còn xán đến các miếng ngon với tất cả sự hăm hở cao cả. Lý Lạp Ông mà nói đến chuyện ăn cua thì nói say sưa. Ngài nói đến những nỗi bồn chồn trong dạ ngay từ tháng sáu; bấy giờ ngài thú thật đã tơ tưởng đến ăn cua, đã nhịn tiêu dành dụm tiền nong như thế nào, đã viết thư đến bạn bè tri kỷ bàn tính chu đáo như thế nào (ai có phận sự mua vịt muối Nam Kinh thứ thượng hảo hạng đem về yểm trợ, ai có sứ mệnh mang thứ dấm Tân Cương đặc biệt về đóng góp, ai có nhiệm vụ mang mấy bình rượu từ đâu về trợ hứng v.v. , ngài cũng đã đề cập đến những vấn đề quan trọng như chọn nơi cảnh trí xứng đáng với việc ăn cua, chọn thời điểm thích hợp với việc ăn cua, tức đêm trăng tròn giữa mùa thu, nghĩa là ít ra phải hai tháng sau). Cứ đọc những văn chương ấy, có thể tưởng tượng khi Lý Lạp Ông vung tay phóng bút viết, ngài đang nhỏ giãi ròng ròng vì cua.

Mặc chứ! Ai muốn tưởng tượng thế nào mặc. Ngài đâu thèm bận tâm? Lý Lạp Ông đang bận tâm đến cái khác: bận viết về cách nấu các món chay và món mặn cực ngon v.v. Trong khi ấy một thi sĩ và học giả đại danh khác của Trung Hoa là Viên Mai thì viết hẳn cả một cuốn sách dạy nấu nướng, và những thiên tiểu luận tuyệt vời về món ngon. Trong khi ấy một văn hào lừng danh kim cổ là Tô Ðông Pha thì đem chính cái tên của mình ban cho một món ăn bằng thịt heo, một văn nhân khác ban tên cho một món đậu v.v. (Món heo Tô Ðông Pha là món nấu như thế nào, tôi tò mò quá, ấm ức quá, nguyền có ngày phải tìm thử xem sao.)(15)

Ðó, danh nhân của cái dân tộc Á Ðông có một trong mấy nền văn minh lâu dài nhất lịch sử nhân loại họ là như thế.

Có ai nghe nói đã bao giờ có người Tàu nào đòi leo tới tận đỉnh núi Hi-mã-lạp sơn không? có người Tàu nào đóng thuyền vượt bể đi tìm Tân Thế giới không? Người Tàu không có những nỗ lực như thế: Hi-mã-lạp sơn bên cạnh nước họ, mà họ không bao giờ nảy ra cái ý leo thử, cái ý ngông cuồng chỉ làm họ bật cười thôi. Nỗ lực thám hiểm, họ không từng. Họ chỉ từng có cái nỗ lực ăn cua. Và cứ thế họ lặng lẽ duy trì một nền văn minh dài lâu bền vững nhất, trong tinh thần nhân bản hết sức thực tiễn. Lâm Ngữ Ðường lấy làm hãnh diện về truyền thống dân tộc mình. Bên cạnh một dân tộc như vậy, nhiều văn nghệ sĩ của ta trước đây không nề hà viết về ăn uống, tại sao Vũ Bằng lại áy náy? Và tại sao chúng ta áy náy? Cho nên mở sách của ông Vũ ra, gặp chỗ nào thích ý thiết tưởng cứ nên vừa đọc vừa cười toe, không chút mặc cảm nào. Bất luận chỗ ấy nói về chuyện gì.


2 – 1992





¬¬-________________
(1) Bốn mươi năm nói láo, Sống Mới tái bản ở Hoa Kỳ, trang 218.
(2) Tạp chí
Văn Học, Hà Nội, số 1-1991.
(3) Xem chú thích 2.
(4) Xem chú thích 2.
(5) Xem chú thích 1.
(6) Xem chú thích 1.
(7)
Cai. (Từ lần tái bản năm 1968 được đổi tên là Phù dung ơi, vĩnh biệt.)
(8) Xem chú thích 7.
(9) Xem chú thích 2.
(10)
Thương nhớ mười hai. Cánh hoa đập vỡ gỗ? Ông Vũ, ông ngon trớn quá đấy nhé!
(11) Xem chú thích 10.
(12) Xem chú thích 10.
(13) Xem chú thích 10.
(14) Xem chú thích 10.
(15) Gần đây, người Việt đi du lịch Trung Hoa khá nhiều; đi về, có người đã viết báo kể lại rằng tại Hàng Châu mình có lần được ăn món thịt heo Tô Ðông Pha: Ðó chính thị món mà lâu nay chúng ta vẫn ăn và vẫn gọi tên là “thịt kho Tàu”! Phải thôi: ông Tô chính người Tàu. Chúng ta quả sòng phẳng, minh bạch. (Ghi chú năm 1999)