Nhà cất thường quay mặt ra đường. Ở “quê tôi” sông là đường, nên nhà quay mặt ra sông. Nhà ở nơi khác “sân trước, vườn sau”, nhà quê tôi thì sàn nước trước... Cái sàn một thời đón nhận thảo thơm... Riêng gì đám giỗ, đám cưới cũng bao thư lâu rồi. Thời buổi kinh tế phát triển, đi đám bằng tiền có nhiều cái hay. Cảm thấy quà tiền ít “thơm”, cái đó là do tình làng nghĩa xóm đã mất nhiều mùi... (Thu Tứ)



Nguyễn Hải Tần, “Sàn nước thảo thơm”




Quê tôi là một vùng hẻo lánh, hoang sơ nằm ven biển tây của bán đảo Cà Mau. Quá trình bồi lắng hình thành đất liền còn để lại vô số dấu vết là những đầm, trảng, nà, trấp, bàu, lung v.v. lênh láng nước mà cái đầm Bà Tường, rộng hơn ngàn héc-ta là bằng chứng rõ ràng nhất.

Ở vùng này, con sông là khởi điểm cho sự hình thành các khu dân cư, là phía mà mặt tiền các căn nhà hướng tới. Bến sông nhà nào cũng có cái sàn rộng bắt chồm ra bến nước. Rồi cái sàn nước ấy bỗng vui hẳn lên vào những hôm nhà có giỗ. Nó thành nơi tiếp nhận sự thảo thơm của tình nghĩa xóm làng. Tinh mơ của ngày nhà có giỗ, cái sàn nước bến sông tấp nập xuồng đến từ các nhà trong xóm. Mỗi nhà một thứ: một mụt măng, một trái bầu, mớ khoai, con cá, con rùa, chai rượu đế v.v.

Từ sàn nước này các chị, các cô mới bắt đầu toan tính chuyện cỗ bàn cho tiệc của ngày giỗ, các món hình thành ngẫu nhiên từ sản vật mà xóm làng chung góp. Duy nhất có mâm cơm cúng trên bàn thờ là được tính trước, cũng chỉ là món ăn đơn giản nào đó mà khi còn sinh thời, người quá cố ưa thích. Chẳng hạn với ông ngoại tôi đó là con khô cá trê muối lạt, một cốc rượu và một đoạn rau đờn kìm...

Bây giờ ở quê tôi, người ta đã phá hết ruộng vườn để dẫn nước mặn vào nuôi tôm. Mới đây, tôi về quê nhân ngày giỗ một người bà con và thảng thốt nhận ra quê mình thay đổi đến khó hiểu: Người trong xóm đi đám giỗ bằng... bao thư. Tôi thu mình vô một góc mà buồn, mà nhớ ngày xưa (...)


(Nguyễn Hải Tần, “Ký ức nước”. Nhan đề phần trích tạm đặt.)