Nguyễn Hiến Lê cho biết khi viết ông không hề để ý đến ngữ pháp.

Làm sao các cụ ta từ Nguyễn Hiến Lê trở về trước để ý đến ngữ pháp được, vì cho đến thời NHL đi học thì Trần Trọng Kim vẫn chưa viết
Việt Nam văn phạm, là cuốn sách dạy viết tiếng Việt đầu tiên!

Trước, nhà thơ nhà văn Việt Nam không được học ngữ pháp, vậy mà các cụ viết tiếng Việt hay quá trời!

Sau khi trẻ em ta bắt đầu được học ngữ pháp tiếng Việt ở trường, dần dần xẩy ra chuyện rất nhiều em tốt nghiệp phổ thông mà viết chưa thành câu tiếng Việt!

Ðông đảo trò viết sai, nhất định thầy đã dạy sai.

Năm 1952 việc dạy tiếng Việt chỉ mới được đưa vào chương trình giáo khoa. Thầy có dạy sai, cái hại gây ra cho trò cũng chưa kịp thấy. Ông Nguyễn lúc đó chẳng qua cho là việc làm vô ích nên muốn “rút bớt”.

Bây giờ, sau bao nhiêu năm dạy sai, cái hại đã rành rành. Bây giờ hoặc vất hẳn cái môn ấy đi, hoặc phải dạy tiếng Việt cho đúng thì các thế hệ trẻ mới hết viết những thứ tiếng Việt giả Pháp, giả Anh!

Dạy cho đúng dễ chứ, vì từ năm 1952 tới giờ đã có những tiến bộ rất đáng kể trong công tác nghiên cứu ngữ pháp tiếng nói dân tộc.

(Thu Tứ)



Nguyễn Hiến Lê, “Dạy ngữ pháp tiếng Việt”




Một giáo sư bạn của tôi đã nói: "Bao nhiêu học sinh giỏi Việt văn không phải nhờ học văn phạm mà giỏi và nếu hỏi về tự loại thì họ tru trơ (bơ bơ) không biết gì cả. Nếu có biết cũng là dựa theo văn phạm Pháp mà đáp."

(...) Riêng về phần tôi, khi viết (...) không bao giờ tôi để ý đến văn phạm hết, miễn đọc xuôi tai là được. Và tôi tưởng ai cũng thế cả.

(...) Phần đông (...) thấy môn văn phạm Việt Nam vô ích (...) Ta phải làm sao chứ? Nếu môn ấy hoàn toàn vô ích thì bỏ hẳn nó đi, nếu nó chỉ lợi "đôi phần" thì rút bớt nó lại.

Bỏ hẳn thì chúng tôi không muốn; xin rút bớt lại. Ðó là mục đích của chúng tôi trong tập nhỏ này (...)


(Nguyễn Hiến Lê,
Ðể hiểu văn phạm, lời tựa viết năm 1952, không biết in lần đầu năm nào, in lại trong Tuyển tập Nguyễn Hiến Lê, (Nguyễn Q. Thắng sưu tầm), q. III, nxb. Văn Học. Nhan đề phần trích tạm đặt.)