Trong văn vần, câu trước nhắn câu sau nhận, cứ thế liên tục nên một bài thơ đọc lên nghe rất êm tai.

Trong biền văn, tuy không có nhắn nhận rõ ràng nhưng kích thước, hình dạng, thanh điệu của câu sau tùy thuộc vào câu trước, thành thử một đôi câu đối đọc lên nghe cũng vẫn êm tai.

Trong tản văn, do câu sau điển hình không có liên lạc gì về âm thanh với câu trước, thường một bài văn xuôi đọc lên nghe không thấy êm tai bằng nghe thơ, nghe câu đối. Vậy văn xuôi mà dễ nghe là do vô tình hay cố ý có chứa ít nhiều đặc tính của văn vần, "văn biền"?

(Thu Tứ)



Dương Quảng Hàm, “Ba loại văn”




Văn chương nước ta có nhiều thể, nhưng có thể chia ra làm ba loại lớn:

1. Vận văn (...) (vận: vần) (...) là loại văn có vần.

2. Biền văn (...) (biền: hai con ngựa đi sóng nhau) (...) là loại văn không có vần mà có đối.

3. Tản văn (...) (tản: không có kiềm thúc, tự do) hoặc văn xuôi (...) là loại văn không có vần mà cũng không có đối.


(Dương Quảng Hàm,
Văn học Việt Nam, viết xong năm 1939, không biết in lần đầu năm nào, nxb. Trẻ tái bản năm 2005. Nhan đề phần trích tạm đặt.)