Ðã hơn nửa thế kỷ từ ngày Chinh phụ ngâm bị khảo được xuất bản, vậy mà hiện nay các nhà văn bản học vẫn chưa nhất trí với Hoàng Xuân Hãn về vấn đề ai là tác giả bản dịch Nôm nổi tiếng của khúc ngâm Chinh phụ. Ông Hoàng bảo tác giả là Phan Huy Ích, người khác bảo Ðoàn Thị Ðiểm, ai đúng ai sai, chuyện cứ còn mù mờ...

Mặt khác, chắc rất hiếm người nghiên cứu văn học bất đồng với phát biểu sau đây của Hoàng Xuân Hãn về việc dịch văn.

A, chẳng những cái nghĩ của ông xác đáng mà cái nói của ông ở đây cũng thực dễ nghe. Nghe xong, hiểu đại khái rằng dịch văn mà thành công (như Phan Huy Ích dịch
Chinh phụ) thì cũng như làm văn, tức chính người dịch cũng cần phải có năng khiếu văn chương.

Năng khiếu văn chương đâu phải bạ người dịch nào Trời cũng ban cho. Hẳn vì thế mà trong vô số dịch phẩm đang tràn ngập các siêu thị sách ở ta, hầu hết ít sợ bị người đọc tưởng nhầm là "văn làm"!

(Thu Tứ)



Hoàng Xuân Hãn, “Văn dịch, văn làm”




Nếu ta phân tích cái hay của bài Phan Huy Ích (...) ta phải nhận rằng cái hay ấy, một phần, bởi tình ý thiết tha, hình ảnh rực rỡ, và một phần lớn, vì từ điệu gọn gàng, nhịp nhàng và bóng bẩy. Phần đầu là tại nguyên văn của Ðặng Trần Côn, phần thứ hai là của Phan Huy Ích (...)

Cái hay là bởi văn dịch mà y như văn làm. Các câu văn đọc lên nghe tự nhiên như từ nguồn thi hứng ào ào chảy ra, không bị (...) nguyên văn kiềm thúc. Ðọc văn, ít có cảm tưởng có chữ thừa, có chữ đệm, đặt ra chỉ để cho vế đủ số chữ, hay để đẩy chữ vần vào địa vị phải hợp vần. Ðọc văn, ít có cảm tưởng gặp những ý "Tàu" chưa Việt Nam hóa (...)

Phan Huy Ích chỉ lĩnh hội ý (...) rồi viết (...) Có lúc (...) góp (...) hai vế thành một vế (...) Có lúc nguyên văn cố ý lặp đi lặp lại các chữ vì điệu nhạc phủ, thì ông ước lược cho hợp với điệu văn song thất lục bát ta. Có khi gặp những ý, những câu diễn ca khó mà bỏ đi cũng không mất tứ, ông không ngần ngại đã bỏ phắt đi. Trong một vế, ông thường bỏ bớt ý mà thêm ý mình. Lại có khi, vì vần hoặc vì muốn thu gọn, ông đảo lộn các vế ở nguyên văn, hoặc tráo lẫn ý trong vài vế nguyên văn.


(Hoàng Xuân Hãn,
Chinh phụ ngâm bị khảo, nxb. Minh Tân, Pháp?, 1953, tr. 65-66. Nhan đề phần trích tạm đặt.)