Tưởng tượng con người ta cũng nhả tơ đan kén, nằm trong kén ít lâu, mọc cánh, hóa... thiên thần!

Hóa thân là một diễn biến hết sức kỳ lạ mà những con tằm bất hạnh “bị” người nuôi không bao giờ được biết tới.

Nhưng kệ chúng. Hãy mơ tới “đám mây màu vàng tươi óng ả bồng bềnh” bao quanh những cô gái bán tơ ngồi trong... cổ tích.

Chợ Lương bây giờ có còn không?

(Thu Tứ)



Vũ Thư Hiên, “Bồng bềnh tơ...”



Có chị Liễu lên ở cùng, cô tôi cho thợ sửa lại cái khung cửi từ lâu xếp xó. Trên
cái khung cửi này bà tôi và các cô tôi đã ngồi dệt trong những năm xa xưa. Ngoài
việc dệt vải ra, chị Liễu còn làm hàng xáo. Cô Gái đong thóc về, chị Liễu xay,
hai chúng tôi giã, chị Liễu và cô Gái sàng sẩy, rồi đem ra chợ bán. Cô Gái không
thích ai ngồi không trong ngôi nhà của bà. Thế vẫn chưa đủ, bà quyết định nuôi
tằm.

- Một nong tằm là năm nong kén, một nong kén là chín nén tơ - bà khuyến dụ chúng tôi - nhà mình bao nhiêu là dâu, bán cho người ta, rõ hoài, tơ thì lại đang có
giá.

Ngôi nhà chúng tôi có một hàng rào bao quanh, trừ vài khóm tre lưu cữu còn toàn
là dâu. Những người hàng bồ ít lời và cần mẫn quẩy những đôi bồ lớn có quây cót
cho cao thêm lang thang trên đường làng, rẽ vào những nhà hẻo lánh nhất thậm chí
chỉ có một hai cây dâu để mua lá. Không đáng trả tiền thì họ đổi kẹo mạch nha
cho trẻ con, ấy thế mà đến khi ra khỏi làng họ đã có những gánh lá dâu nặng
chĩu. Cô Gái thu tiền bán dâu, tiếc rẻ nhìn đống lá được trút vào bồ:

- Có điều, nuôi tằm bận như chăm con mọn, các cháu ạ. Cái Liễu thấy thế nào?

- Bận là mấy, ta cứ nuôi cô ạ!

Chị Liễu vui vẻ tán thưởng, như bất cứ lần nào cô Gái trao thêm việc cho chị.

Cô Gái mài mấy con dao bài cho thật sắc (bà mài dao tài nhất nhà) và rủa sạch
những nong nia gác trên ránh. Những con sâu đen xì, bé tí tẹo và đầy lông lá,
chui ra khỏi những lá trứng tròn vành vạnh trên giấy bản, chẳng mấy chốc đã trở
thành những con tằm mịn màng, tròn lẳn. Chúng bò lổm ngổm, trèo cả lên nhau,
tràn đầy những nia nhỏ rồi những nong lớn kê trên các giá cao ở nhà trên. Đứng
bên ngoài những bức mành tre ngăn ruồi nhặng có thể nghe tiếng chúng ăn lá rào
rào như một trận mưa xa.

Chị Liễu và tôi đều bận. Rời khung cửi là chị đi hái dâu, thái dâu, thay nia,
thay nong. Tôi phụ chị. Công việc nhà làm tôi hiếm có thời giờ để đi câu với anh
Cu Nhớn. Ngôi nhà cô cháu tôi đã đỡ vắng vẻ khi có chị Liễu, nhưng lòng tôi vẫn
hướng sang nhà bác Hai Thực ở đó bao giờ cũng vui vẻ hơn, vô tư lự hơn. ở nhà
chúng tôi, cô Gái luôn kêu ca về chuyện thóc cao gạo kém. Những lời kêu ca của
bà làm chị Liễu suy nghĩ. Chị chỉ biết đáp lại bằng cách ăn ít đi và làm nhiều
thêm.

Rồi tằm chín. Chúng thôi không ăn lá dâu nữa, mình chúng đỏ dần, một màu đỏ
trong trẻo pha ánh vàng rất đẹp. Từ miệng chúng những sợi tơ đầu tiên rớt ra,
dính vào nong. Cô Gái và chị Liễu tất bật dựng những giá tre nhồi rơm ở ngoài
sân, nhặt những con tằm chín bỏ lên đó. Thoạt đầu, những con tằm cất cao đầu lắc
lư như say rượu, sau đó chúng múa đầu theo một nhịp đều đặn qua phải rồi qua
trái để nhả tơ đan kén. Tơ càng trút ra ngoài được nhiều bao nhiêu thì tằm càng
bớt ì ạch bấy nhiêu, thân nó trở nên thanh thoát hơn, cử chỉ cũng nhanh nhẹn
hơn.

Những con tằm chín yếu ớt không chịu làm kén bị cô Gái nhặt riêng ra, bỏ
vào xanh đem rán.

- Ăn giống này nhẹ mình, đỡ nhức đầu - cô Gái giảng giải - Nhưng nhớ phải để cho
nó æa hết cứt đã. Cứt nó độc.

Những con tằm dai ngoách vì bó tơ không nhả ra được của chúng. Tôi lén cô Gái
nhả bã cho con Mực. Con Mướp chê, không thèm ăn.

Không bằng lòng với giá trả của các lái tơ đi mua gom, cô tôi và chị Liễu đội tơ
nhà làm ra đi bán mãi chợ Lương, một trong hai chợ nổi tiếng của đất Nam Định:
“chợ Cồn muối trắng, chợ Lương tơ vàng”. Tôi cũng được đi theo cô Gái, chẳng gì
tôi cũng đã góp tay vào việc làm ra những bó tơ đựng trong cái thúng lớn trên
đầu chị Liễu.

Chợ Lương là một chợ tôi chưa từng gặp ở bất cứ đâu. Cả khu chợ rộng cả chục mẫu đất (mẫu ta) vàng óng lên một màu tơ và kén. Màu vàng rộm của những kiếp tằm viên mãn trùm lên tất cả, át hết tất cả, nhuộm lên tất cả chung quanh, làm cho
những cô gái bán tơ ngồi san sát thành từng dãy giữa đám mây màu vàng tươi óng ả bồng bềnh đó tự nhiên phảng phất một cái gì của cổ tích. Cũng là chợ, nhưng ở
đây người ta mua bán từ tốn, ăn nói nhỏ nhẹ. Mọi sự khúc mắc ở đây thường chỉ do cái cân. Người mua cân đi người bán cân lại, chưa đủ tin nhau thì người ta mượn cân của hàng bên để tìm một chân lý trung bình có thể chấp nhận được cho cả hai. Không mấy ai cãi vã về phẩm chất tơ. Vào thời ấy vùng tôi chỉ có một giống tằm và chúng nhả ra những sợi tơ cùng loại.


(Trích chương 14,
Miền thơ ấu. Nhan đề phần trích tạm đặt.)