Huế “sầu đông” buồn ơi, thì Huế vui hè cũng vui ơi, vui như pháo... hoa phượng đang đua nhau nổ “trên những tầng lá xanh rung động trong gió ban mai”. (TT)



“Tháng năm ở Huế”

Thái Kim Lan




Tháng năm, nắng đã chín muồi trên các cành phượng vĩ và khi chùm hoa phượng đỏ tươi đầu tiên xuất hiện trên đỉnh cao của những cây phượng trên lối về của con đường học trò thì trái tim nào ủ dột nhất của Huế qua mùa mưa buồn rũ cũng phải mỉm cười hớn hở. Rồi một sáng tinh sương, cùng một lúc với mặt trời nồng ấm le lói trên ngọn tre thôn Vỹ, những chùm phượng không chờ đợi nhau rộn ràng bắn tung những cánh hoa đỏ như chùm pháo xẹt lửa chớp nhoáng lan nhanh trên những tầng lá xanh rung động trong gió ban mai. Huế bỗng ngây ngất một màu hồng cam say nắng, và nỗi hân hoan như tiếng pháo không ngừng ròn rã âm vang trên bầu trời thiên thanh. Trong khi hoa phượng tưng bừng trên khắp các nẻo đường thì hoa sứ tĩnh lặng trong các sân chùa, sân đình, cung miếu (...) cũng thôi không còn lưu luyến giấc mộng liêu trai hoang đường, lặng lẽ quay về với màu trắng đơn sơ của cánh hoa và hương thơm sâu kín bí ẩn của lòng để thâm nhập những giờ phút quán tưởng về tiền kiếp của Ðức Phật, chuẩn bị giờ phút đản sinh.

Rồi như có lời gió nhắn, hoa sen trong các ao hồ Tịnh Tâm (...) và ở nơi mô xa xôi của thành Huế cũng xôn xao trỗi dậy. Mới chiều hôm qua đang còn là những bàn tay búp măng thuôn nhỏ đứng trên những tiền sen xanh lục bạc, thế mà đến sáng hôm sau, khi trở lại, mặt hồ đã được phủ trang trọng bằng những đóa sen đẹp nhất thế gian, những đóa sen thánh thiện như vừa mới bừng nở dưới nghìn vạn gót chân của các vị Như Lai ở vùng trời Ðâu Suất lưới “đến như vậy” để chào mừng một vị Phật thế gian sẽ ra đời.

Khi hương sen tẩm quyện sương mù buổi sáng làm nóng ánh mặt trời và gửi gió mang theo đến từng mây cao hơi ấm thơm tho của trái đất, ấy là lúc trăng non của tháng tư âm lịch bắt đầu lơ lửng trên triền núi Kim Phụng đang cùng với sông Hương chia nhau những khoảng màu đậm nhạt của tím chiều.


(Trích từ “Phật đản Huế - một dòng thơ an lạc”,
99 góc nhìn văn hiến Việt Nam (nhiều tác giả), nxb. Thông Tấn, 2006. Nhan đề phần trích tạm đặt.)