Thế kỷ 20 qua lâu rồi, có “cảnh hỗn loạn” nào đâu?

Ở Tây phương, dưới cái vỏ trật tự, xã hội con người bây giờ hỗn loạn vô cùng. Hầu hết văn hóa phẩm chẳng qua là những món hàng được “chế tạo” để bán cho quần chúng, thế mà lại được xem là có giá trị văn hóa cao, thế là loạn! Đồng tính luyến ái là một cái tâm bệnh, thế mà lại được xem là bình thường, thế là đại loạn! Ở Tây phương, văn hóa tinh thần đang hấp hối và, quan trọng hơn nữa, con người lành mạnh đang trên đà tuyệt chủng!

Kẻ nào gây loạn bên Tây? Chánh phạm không phải là khoa học đâu. Mà là cái hệ chính trị - kinh tế trong đó các chính khách vì khát khao từng lá phiếu mà sẵn sàng tự bịt mắt trước các hiện tượng tiêu cực và trong đó các đại công ty được tha hồ làm ăn bất kể lợi ích quốc dân.

Thế còn ở những nơi khác trên thế giới? Ngay cả trong số những nước có hệ chính trị - kinh tế khác Tây phương, xã hội cũng đang trở nên hỗn loạn. Vì thấy Tây giàu, bắt chước.

Về khoa học, đó là con dao hai lưỡi. Liệu có cách nào triệt tiêu được cái lưỡi xấu của nó chăng? Nếu có, xin gấp ra đời!
(Thu Tứ)



“Tiến bộ vậy đủ rồi!”

Nguyễn Hiến Lê




Hai thế kỷ nay, từ khi khoa học và kỹ nghệ phát triển, nhân loại được hưởng nhiều cái lợi thật, nhưng cũng phải chịu nhiều cái hại (...) gần như mỗi phát minh lại gây nên một vấn đề mới về xã hội, về nhân sinh (...) 50 hay 100 năm nữa (...) nhân loại sẽ ra sao? Chỉ mới nghĩ tới thế giới cuối thế kỷ này chúng ta đã hoang mang, hoảng hốt rồi: thật là một cảnh hỗn loạn mà chắc nhiều vị vào cái tuổi tôi mừng rằng sẽ khỏi phải thấy.

Trong hai trăm năm nay loài người chỉ lo thích ứng với hoàn cảnh do mình (tức khoa học) tạo nên, hiện nay đương lo đối phó với nạn nhân mãn, nạn khí giới hạch tâm, nạn hoàn giới nhiễm uế v.v., chưa có thì giờ hoặc chưa muốn nghĩ tới việc điều khiển hoàn cảnh, điều khiển khoa học mà đáng lý đó phải là mục đích của chúng ta, cái vinh dự của chúng ta. Làm chủ vũ trụ có ích lợi gì không nếu không làm chủ được vận mạng của mình.

Tôi ước ao sao trong đời tôi được thấy một triết lý mới, một tôn giáo mới nào vạch đường cho nhân loại chế ngự được khoa học - chứ đừng để nó lôi kéo nữa - trong một thế giới ổn định, quân bình, tương thân tương ái, biết trọng những giá trị tinh thần hơn những giá trị vật chất. Tôi nghĩ những tiến bộ vật chất của chúng ta lúc này đáng gọi là quá đủ rồi, chỉ cần sao cho mọi người được hưởng đồng đều thôi. Nhưng ai là người dám bảo Khoa Học: “Thôi, ngưng lại” bây giờ đây, dù chỉ trong vài khu vực?


Sài Gòn, ngày 1/5/73


(Nguyễn Hiến Lê,
Những vấn đề của thời đại, nxb. Mặt Ðất, Sài Gòn, 1974. Nhan đề phần trích tạm đặt.)