Ðến năm 1970, thơ Việt đã có ba bài hành xuất sắc: Bài hành đưa người của Thâm Tâm, Bài hành phương nam của Nguyễn Bính và Bài hành bốn mươi của Thanh Nam. Non mười năm sau đó thì được thêm một bài nữa.

Cao Tần không gọi thi phẩm ấy của mình là "hành". Nhưng hẳn đa số người yêu thơ chỉ cần đọc qua cũng lập tức cảm thấy ngờ ngợ, rồi nhanh chóng dứt khoát: "nó", chứ còn gì nữa.

Hành là thơ làm để hát.(1) Ðây tác giả chẳng những đặt luôn tên bài thơ là hát, mà còn cẩn thận ghi rõ
hát ngao.

Hát ca vốn vô số lối: lối chèo, lối tuồng, lối quan họ, lối cải lương, lối tân nhạc, lối tân tân nhạc... Vì lẽ gì Cao Tần đi chọn lối ngao?

Cách nay gần năm thế kỷ, trong một trong mấy bài phú nôm đầu tiên của văn học Việt Nam thấy có câu: "... thủa hứng nhàn đủng đỉnh, ngồi bên khe, nhịp miệng
hát ngao".(2) Kẻ đủng đỉnh nhịp miệng thời xa xưa ấy không phải một trẻ chăn trâu đang hồn nhiên véo von "sướng lắm chứ" đâu, mà là Nguyễn Hãng, ẩn sĩ đời Mạc, đang "ngao" thành lời cái tâm trạng nhiều uẩn khúc của mình.

Xem lại, hình như thứ thơ hành có hay chứa tâm trạng rắc rối.

Giữa
Bài hành bốn mươi với Bài hành trên tuyết tuy chỉ có không tới mười năm, nhưng là mười năm đầy dâu bể. Nên mới có tráng sĩ Việt "khoác áo lông xù" bước trên mặt sông đã đông thành đá. Người "nghênh ngang" trên băng giống người "đón tuổi" ở chỗ cùng đã qua sông. Khác, vì người kia qua rồi yên phận, còn người này qua xong tuy có "khi bi ai: thân cỏ mọn bên đường", có lúc bước "những bước ngậm ngùi đi chẳng về đâu", nhưng rồi lại có "khi bốc lên: núi lưng trời cũng thấp".

Cái phận chưa chịu yên, đôi khi nó còn "hừ" thành tiếng trong thơ!

(Thu Tứ)

(1) Theo
Ðại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý, nxb. VH-TT, VN, 1999.
(2) Xem
Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ.




Cao Tần, “Hát ngao trên tuyết”




Khoác áo lông xù giả làm tráng sĩ
Lên dòng sông đá bước nghênh ngang
Cây gậy trúc trông sặc mùi vũ khí
Múa tưng bừng vào thinh không giá băng

Khoái thay đời ta một đời quái đản
Hai mươi năm xưa làm thằng nhỏ di cư
Hai mươi năm sau thành nhà thơ di tản
Một đời quê hương khét mùi súng đạn
Một đời xót xa bằng hữu lao tù

Khoái thay chân ta những chân phiêu bạt
Đi dọc quê hương, đi vòng địa cầu
Đi thênh thang thở đồi cao gió mát
Đi ngất ngây thương lúa vàng, hương cau
Đi hội trùng phùng, đi chia tan tác
Đi tràn hạnh phúc, đi ngập thương đau
Đi sỏi đá mềm, bếp hồng trước mặt
Đi bùng bão biển, quê hương phía sau
Những bước thú hoang lạc rừng đất lạ
Những bước ngậm ngùi đi chẳng về đâu

Sông không đầu đuôi sông màu đá cục
Dưới trên lẫn lộn, trời đất mang mang
Ta ngửa cổ làm thằng khùng Bắc Cực
Một mình cười cùng thinh không giá băng

Khoái thay hồn ta một hồn dị thường
Khi bốc lên: núi lưng trời cũng thấp
Khi bi ai: thân cỏ mọn bên đường

Sông dài! Sông dài! Ta đi chẳng hết
Thân trượng phu, hừ, mục trong áo cơm?
Núi cao! Núi cao! Ta về không đến
Chí trượng phu, hừ, chôn trong giá băng?
văn hóa Việt Nam, văn học Việt Nam, van hoa Viet Nam, van hoc Viet Nam

Tháng 2 - 1978