Loài người vẫn có cái lối đặt lời vào miệng loài khác. Như bên Tây có La Fontaine cho con ve, con kiến, con gà, con nhái, con lừa, con chó sói v.v. thi nhau phát biểu thành thơ ngụ ngôn.

Loài người thích đặt lời đến nỗi ngay cả những “loài” không có miệng thỉnh thoảng cũng bị “mổ” nhét lời vào. Như Lê Tất Ðiều cho ông bàn, cụ sách, ông cung, cô vở, anh bút chì, anh bút bi, chú con quay, em... giọt mực v.v. đêm đêm trò chuyện.

Cùng là lời “khéo đặt” để hướng người đời về cái tốt, nhưng lời ve lời kiến đôi khi mỉa mai, còn lời những giọt mực bao giờ cũng lành...

Về văn học, thơ La Fontaine không có chất thơ, trong khi văn xuôi
Những giọt mực của Lê Tất Ðiều có chỗ đọc xong không nỡ quên lời.

(Thu Tứ)



Lê Tất Điều, “Những giọt mực”



Đêm hơi lạnh. Ánh trăng lọt qua cửa sổ, soi sáng một chút mặt ông Bàn. Bình mực thủy tinh đổ nghiêng, mang trên mình mảnh trăng nhỏ xíu, lấp lánh, xa vời.

Dòng mực xanh chảy lan trên mặt ông Bàn đã khô. Đáy bình còn một gợn đen đậm nhỏ. Đó là ba giọt mực cuối cùng.

Ông Bàn giận lắm. Chưa bao giờ ông giận đến thế. Chú ngăn kéo sợ ông sẽ quẳng tất cả các vật trên thân thể ông xuống, kể luôn chú. Chú gắng thu xếp các vật trong lòng mình, cho chúng nằm thứ tự gọn gàng. Ở đậu trong bụng ông Bàn, chú ngăn kéo luôn tế nhị, giữ gìn.

Nhưng lần này, lỗi không ở chú ngăn kéo.

Ông Bàn to tiếng:

- Ông Cung, cụ Sách nghĩ coi: tôi làm sao chịu nổi. Trong phòng này tôi là món đồ xui xẻo, cực khổ nhất. Vật gì cũng có thể nhảy lên mặt tôi được. Ban ngày tôi còn phải cõng cả ánh nắng, ban đêm cõng thêm ánh trăng, toàn những món đồ do chị cửa sổ mang vào.

Cửa sổ nhỏ nhẹ:

- Ánh trăng và ánh nắng nhẹ tênh mà.

- Đồng ý. Nhưng chị phải biết ánh nắng có thể làm tôi vỡ mặt ra. Tuy nhiên việc đó bỏ qua. Tôi xin hỏi mọi vật: tôi là bàn, tôi đâu có là anh hề nhựa, sao mặt tôi ngày một bẩn thỉu, kỳ cục, đầy những vết mực dọc ngang, lộn xộn?

Anh bút chì nằm bên cạnh cô vở quăn góc nói nhỏ:

- Cháu chỉ lỡ vẽ trên mặt bác một cái xe hơi, một cái nhà…

Anh bút bi cũng lên tiếng:

- Cháu vẽ một con vịt.

Ông Bàn giận dữ hơn:

- Hình đó đâu phải là con vịt. Đó là một thứ quái vật, đầu to như đầu ngựa, hai cẳng như cây tăm. Tôi yêu cầu các cháu từ giờ đừng có trổ tài hoạt họa nữa.

Cụ Sách lên tiếng, nghĩa là mở cửa kho đạo đức:

- Những vật trên mặt ông Bàn không biết điều chút nào. Hãy noi gương những vật ở nhờ trong lòng ông tủ. Họ tới, họ đi, biết bao đợt rồi, lòng ông tủ vẫn sạch sẽ.

Ông Cung góp lời:

- Vật cẩn thận không bao giờ để lại dấu tích nơi mình đã cư ngụ, nhất là những dấu tích mất vệ sinh. Ngày xưa, khi còn đi theo các chiến sĩ, ta đã từng cắm trại với họ, các chiến sĩ khi nhổ trại, luôn dọn dẹp kỹ, không để lại một cái hố nhỏ.

Sau câu nói của ông Cung, ông Bàn đã bớt càu nhàu, nhưng chưa nguôi giận.

- Lỗi tại tôi, xin ông Bàn tha thứ. Tôi đứng không vững nên mới ra cớ sự.

Đó là câu nói của bình mực thủy tinh. Tất cả sự xôn xao của mọi vật, cùng cơn giận của ông Bàn, hình như bây giờ mới làm hắn bừng tỉnh. Không phải hắn lì lợm, bướng bỉnh. Hắn là vật đãng trí, mơ mộng nhất trong phòng.

Dù chứa mực trong lòng, thân thể hắn vẫn có những phần trong veo. Cảnh vật in hình trên đó, nhỏ xíu, mơ hồ. Không giống mặt gương, phản chiếu hình một cách máy móc, chính xác. Bình mực bóp méo hình dung muôn vật theo ý hắn.

Những đêm trăng như đêm nay, đứng gần cửa sổ, hắn chứa cả trăng sao, bầu trời yên tĩnh. Vài cành cây bên cửa xao động làm cho mảnh thế giới in trên bình mực sinh động, đẹp tuyệt vời. Tất cả mang một màu xanh hơi tối. Nếu một chú kiến lạc vào thế giới nhỏ bé, xinh xắn ấy, chú sẽ biến thành thi sĩ.

Vì vậy, bình mực của chúng ta hoá ra là một vật mơ mộng.

Bình mực đổ, từ cái miệng tròn vo của hắn, mực trào ra, hào hứng như bọn tù vượt ngục. Mặt ông Bàn thêm một vết đen lớn khủng khiếp. Đó là lý do khiến ông giận dữ, nói những lời cay đắng, trách móc lung tung. Tai họa xảy tới từ hồi chiều.

Bình mực đã công khai nhận lỗi, dù chậm, ông Bàn cũng hài lòng. Ông già rồi, không chú ý tới ngoại hình mình. Vết mực loang lớn thật, nhưng so với những hình vẽ lăng nhăng, những vết dao chém, nó cũng chẳng làm ông xấu hơn được. Tuy nhiên, ông Bàn vẫn dọa:

- Bây giờ anh mới biết lỗi à? Tôi sẽ quẳng anh xuống đất, cho anh vỡ tan xác ra.

Ông Bàn rung nhẹ, các khớp gỗ kêu cót két. Nhiều vật tưởng ông quyết liệt hạ bình mực, đều hoảng kinh. Cụ Sách cất tiếng:

- Xin ông Bàn bớt nóng.

Những cây bút mực cũng cuống quít can ngăn:

- Anh bình mực thật dễ ghét, nhưng thiếu anh ấy, chúng cháu hoá vô dụng. Mong ông nghĩ lại.

Chỉ có bút chì im lặng. Đương sự rất đắc chí vì có thể tự lực, tự cường. Hắn viết ra những chữ mờ nhạt, nhưng khỏi cần nhờ vả, lệ thuộc anh nào. Bình mực sống chết chả ăn nhậu gì tới hắn. Bút chì bị mang tiếng ích kỷ và vụng về. Hắn phải đeo kè kè ở sau đuôi một cục tẩy tròn chuyên lo việc xoá những bước đi lỗi lầm của hắn.

Những bông hoa thuộc loại tình cảm, nghe chuyện cãi vã, xô xát là thất kinh. Giọng hoa run rẩy:

- Ông Bàn chớ làm vậy! Ông Bàn chớ làm vậy!

Chỉ có ông Cung, từng trải, là biết ông Bàn doạ chơi. Một vật dễ giận, dễ to tiếng, rồi dễ nguôi như ông Bàn, ít khi làm chuyện ác độc.

Bình mực thủy tinh cũng sợ hãi. Rơi từ mặt bàn xuống, chắc tan xác thật! Nhưng vật đãng trí và mơ mộng này lại tự an ủi bằng trí tưởng tượng. Cần quái gì. Hắn nghĩ. Nếu tan thành trăm mảnh, ta sẽ là trăm mảnh lóng lánh sáng, trăm mảnh mang hình trăng tròn, trăm mảnh bầu trời ngoài khung cửa sổ… không còn một giọt mực nào dính trên thủy tinh, cả trăm mảnh sẽ trong veo.

Tuy nhiên trăm mảnh rực rỡ đó không sống lâu, sẽ gặp nhau trong sự tăm tối của thùng rác. Kẻ mơ mộng, sau phút tưởng tượng tới sự tan tành đẹp đẽ, bỗng biết ớn:

- Tôi đã nhận lỗi rồi mà. Tôi xin hứa sẽ cẩn thận hơn.

Bình mực chưa dứt lời, mọi vật bỗng nghe tiếng khóc. Tiếng khóc vang lên từ trong lòng bình mực. Tiếng khóc tỉ tê tuyệt vọng.

Mọi vật sững sờ, im lặng, lắng nghe. Ông Bàn bối rối trước tiên:

- Này chú bình mực, ta doạ chơi vậy thôi, sao mà nhút nhát quá vậy?

Bình mực cãi:

- Ông lầm rồi, tôi đâu có khóc.

Quả vậy, đó là tiếng khóc nhỏ bé của ba giọt mực cuối cùng, còn đọng dưới đáy bình.

Ba giọt mực tụ lại, như một giọt nước mắt đen lớn buồn thảm.

Hàng ngàn giọt mực đến rồi giã từ bình mực. Bình mực biến thành nơi tạm trú của chúng. Mới đầu vật mơ mộng này cũng lưu luyến tất cả những khách trọ. Sau đó quen đi, hắn trở về với nếp sống riêng tư.

Tiếng khóc của ba giọt mực khiến hắn kinh ngạc.

Bông hồng khẽ hỏi:

- Làm sao các em lại khóc?

Một giọt mực nghẹn ngào:

- Bọn em đang khô dần.

Giọt mực thứ hai:

- Chúng em không bao giờ được làm bổn phận của loài mực.

Giọt mực thứ ba tiếp lời:

- Tất cả những giọt mực cùng sinh ra đời với chúng em đều đã sống đầy đủ. Họ được những anh chị bút đón ra khỏi bình, họ biến thành chữ, thành hình vẽ. Họ khô trong danh dự, vinh quang, chúng em không như vậy. Chúng em đang héo tàn trong đáy bình mực một cách vô duyên.

Những câu than thở của ba giọt mực khiến cho muôn ngàn chữ trong tất cả những sách vở bừng tỉnh.

Sau đó muôn ngàn chữ cùng hân hoan. Tiếng than của kẻ hậu sinh như lời khen tặng các vị tiền bối. Cả những giọt mực đã khô hàng trăm năm, đang mờ tới nét chữ cuối cùng, cũng góp niềm kiêu hãnh.

Những giọt mực khô trong lòng cụ Sách thì reo vui hơi quá lố. Chúng cất tiếng cười dù cố đè nén, vẫn làm cho những trang sách rung rung. Tất cả những giọt mực vào lòng cụ Sách đều biến thành lời đạo đức, khôn ngoan, dạy dỗ loài người, phát giác những huyền bí của vũ trụ. Những giọt mực ấy đã tìm được một địa vị hết sức cao trọng, như giọt mực xấu số thứ ba đã nói: “Họ khô trong danh dự, vinh quang”.

Cụ Sách phải nạt khẽ:

- Này! Cười vui trước nỗi đau khổ của vật khác là vô ý thức.

Căn phòng đỡ mất trật tự.

Nhưng muôn ngàn chữ vẫn sung sướng, cười thầm; và ba giọt mực, đang khô trong đáy bình, tiếp tục khóc tỉ tê.

Chỉ có năm sáu giọt mực khô trong lòng chị vở cất tiếng an ủi:

- Không ra khỏi bình các em đừng buồn. Như bọn ta đây, đâu có gì là sung sướng. Chúng ta không hoá thành chữ, mà thành một cái hình quái gở.

Quả thực, cậu bé đã dùng những giọt mực này để vẽ một hình người đầu tròn, tóc lởm chởm, không có mũi, chân tay cong queo, kì dị.

Những giọt mực khác, biến thành hình vẽ xấu xí trong vở, trên bìa sách, trên mặt bàn, cũng đua nhau an ủi ba giọt mực. Họ cho rằng ở vĩnh viễn trong bình còn hơn là biến thành những quái thai.

Hàng trăm giọt mực, vết loang lớn trên mặt ông Bàn, bây giờ mới đủng đỉnh lên tiếng:

- Còn bọn chúng tôi thì sao? Cũng nhục nhã lắm chứ. Cả trăm mạng hoá thành vết đen dơ dáy trên mặt ông Bàn, chúng tôi đâu có khóc.

Ba giọt mực vẫn khăng khăng:

- Thà làm một vệt đen còn hơn khô héo trong đáy bình. Chúng tôi biết không phải giọt mực nào cũng gặp may mắn khi ra đời. Nhưng đã là mực, phải được ghi một vết ở đâu đó trên thế gian. Là chữ, là hình vẽ, là một cái chấm xấu xí cũng được, chúng tôi muốn ra khỏi bình để hoàn tất sứ mệnh. Chúng tôi không muốn chết non, nhất là chết vô ích.

Các vật trong phòng lặng thinh. Ba giọt mực cảm thấy mình đang khô đi mau hơn, lại tỉ tê khóc. Bông hồng nghe thấy chuyện chết chóc, buồn rũ cánh. Chị bóng bay thơ thẩn lăn tới một góc nhà, ngậm ngùi thương những vật nhỏ bé, mong manh.

Chú con quay muốn cất lời an ủi. Nhưng chính chú cũng nghĩ rằng một vật sinh ra đời chẳng để làm gì, chẳng có ích gì, thì vật đó buồn phát khóc là phải.

Bỗng dưng ông Bàn hỏi to:

-Sao? Cụ Sách, trong cái bụng đầy nhóc những điều thông thái của cụ, không có ghi câu nào an ủi ba giọt mực hả?

Hồi này, ông Bàn ưa trêu cụ Sách. Ông nghi cụ vẫn có ý coi thường ông. Bụng cụ đầy chữ, bụng ông chỉ có chú ngăn kéo dốt nát. Thỉnh thoảng ông tìm cách đưa cụ Sách vào thế kẹt. Chẳng hạn ông hỏi cụ: tại sao giầy dép không có chân lại đi khắp nơi, bàn ghế có tới bốn chân thì nằm một chỗ.

Bây giờ ông lại làm cụ Sách lúng túng.

- Ờ… ờ… tôi nghĩ rằng ba giọt mực không nên buồn quá thế. Trời sinh ra muôn vật, mỗi vật có một số phận…

Chưa bao giờ cụ lại nói một câu thiếu dứt khoát như vậy.

Ông Bàn bỗng phá lên cười:

- Ha! Ha! Ha! Xin lỗi cụ Sách! Nhà cháu không đồng ý với cụ. Theo quan niệm của vật dốt nát này thì ba giọt mực không có quyền khóc. Cả ba phải reo mừng vì đã sống những ngày đầy ý nghĩa.

Cả phòng kinh ngạc, ba giọt mực nín khóc lắng nghe. Ông Bàn vẫn cười ha hả:

- Hãy coi cái thân tôi này. Tôi là Bàn, tôi có hoá ra gì đâu, nhưng tôi đã để cho biết bao nhiêu vị ngồi trên mặt. Các vị ấy đều có ích, thế là cuộc sống của tôi có ý nghĩa. (Chỗ này, ông Bàn hơi ngụy biện, có thể vì vô tình, cạn nghĩ, không tìm hiểu sâu xa để thấy những giọt mực khác ông, phải cần một sự hóa thân để chu toàn nhiệm vụ. Tuy nhiên, chút ngụy biện trong một lời an ủi chân thành bao giờ cũng đáng được dung thứ.)

Rồi ông Bàn nghiêm chỉnh nói thật thong thả, rõ ràng:

- Ba giọt mực dưới đáy bình đâu có vô ích. Nếu họ không ở đó thì làm sao các anh chị bút có thể với tới hết tất cả những giọt mực khác?

Ba giọt mực cuối cùng đã làm một việc có ý nghĩa nhất: họ đội những đứa khác trên đầu, suốt ngày này sang ngày khác. Nhờ vậy, những giọt đứng trên đầu họ mới bám vào ngòi bút, ra ngoài, biến thành chữ.

Chú bình mực phải biết điều đó chứ. Bao nhiêu thế hệ mực đã qua trong lòng chú? Mỗi thế hệ đều có ít nhất ba giọt mực nằm dưới đáy, nâng các giọt mực khác lên cao. Sau đó, những giọt hy sinh khô đi trong lặng lẽ.

Khi nãy, tôi nghe các chữ, những giọt mực khô trong lòng cụ Sách đã cười. Thật là một lũ vô ơn. Được vinh quang hiển hách, đáng lẽ lũ ấy phải biết tới những giọt mực đã đội chúng lên, những giọt mực chịu nằm dưới đáy bình, chịu nhục nhằn, tăm tối và thiệt thòi.

Vậy ba giọt mực bé tí teo, các cháu có quyền kiêu hãnh. Các cháu đóng góp vào rất nhiều sách vở. Và hàng tỉ chữ, hằng hà sa số hình vẽ trên cõi thế gian này đều mang ơn những giọt mực nằm dưới đáy bình.

Ông Bàn dứt lời, căn phòng im lặng hoàn toàn.

Một lát sau, cụ Sách nói với ông Cung:

- Lần này, tôi chịu thua lão già lỗ mãng. Lão chỉ có một cái bụng rỗng tuếch mà khôn gớm!

Trong bình thủy tinh lóng lánh, ba giọt mực cuối cùng kiêu hãnh hân hoan bốc thành hơi.


(Đây là chương 6 trong truyện dài
Những giọt mực (1980).)