Sử quan đọc được lòng người xưa! Làm sao biết Trần Quốc Tuấn khi nghe cha trăn trối đã “ghi để (…) trong lòng, nhưng không cho là phải”? Lại làm sao biết về sau Trần Quốc Tuấn khi nghe con khuyên đừng làm “điều đó” đã “ngầm cho là phải”?

Có lẽ chuyện xảy ra là Trần Quốc Tuấn đã cân nhắc, thấy chuyện đảo chính không hề đơn giản. Trần Nhân Tông đâu phải bơ vơ, trong số người ủng hộ lại có hai người chú là Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật đều là tướng tài. Nếu đảo chính, sẽ phải tiêu diệt không ít lực lượng, làm nước yếu đi trong hoàn cảnh giặc Nguyên đang lăm le xâm lược…

Về cái việc rút gươm toan chém đứa con khác khuyên cha ngược lại, có lẽ Trần Quốc Tuấn thấy đó là một dịp để tỏ cho mọi người biết bụng mình.

(Thu Tứ)



ĐVSK, “Trần Quốc Tuấn không muốn làm vua”




Yên Sinh Vương có hiềm khích với Thái Tông (…)

Quốc Tuấn là con Yên Sinh Vương (...) Lúc sắp mất, Yên Sinh cầm tay Quốc Tuấn giối giăng rằng: “Con mà không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”. Quốc Tuấn ghi để điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải.

Ðến khi vận nước lung lay, quyền quân quyền nước đều do ở mình, ông đem lời cha dặn nói với gia nô là Dã Tượng, Yết Kiêu. Hai người gia nô can ông (đừng làm việc soán nghịch) (...) Quốc Tuấn (...) khen ngợi hai người.

Một hôm Quốc Tuấn vờ hỏi con ông là Hưng Vũ Vương: “Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào?”. Hưng Vũ Vương trả lời: “Dẫu khác họ cũng còn không nên, huống chi là cùng một họ!”. Quốc Tuấn ngầm cho là phải.

Lại một hôm Quốc Tuấn đem chuyện ấy hỏi người con thứ là Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng. Quốc Tảng tiến lên thưa: “Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ”. Quốc Tuấn rút gươm (...) định giết Quốc Tảng, Hưng Vũ Vương hay tin, vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay, Quốc Tuấn mới tha (...)


(
Ðại Việt sử ký toàn thư, bản in nội các quan bản, mộc bản khắc năm 1697, Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích, Hà Văn Tấn hiệu đính, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, Hà Nội, 2003, tập II (bộ 3 tập), tr. 43, 118-119)