“Chiếc thuyền đồng tìm được ở Maumere, trên đảo Flores (...) giống như in những hình thuyền khắc trên trống đồng” và “dân làng Dobo (...) kể rằng tổ tiên của họ đã đến vùng này với nó”.

- Nếu văn hóa Ðông Sơn là bản địa, như đa số nhà khảo cổ Việt Nam bây giờ khẳng định, thì thuyền khắc trên trống đồng là thuyền của người Ðông Sơn. Tức tổ tiên của dân làng Dobo là người Ðông Sơn.

- Còn nếu văn hóa Ðông Sơn là do người Việt tộc ở Giang Nam, như Ðào Duy Anh từng chủ trương, thì thuyền khắc trên trống đồng có lẽ là thuyền của những di dân từ Giang Nam. Nếu vậy, chiếc thuyền đồng tìm được trên đảo Flores có lẽ cũng là thuyền của những di dân từ Giang Nam. Tức dân làng Dobo có lẽ cùng gốc với người Ðông Sơn, chứ không phải là người Ðông Sơn.
(Thu Tứ)



“Ðông Sơn và quan hệ khu vực” (2)

Hà Văn Tấn




Bây giờ, chúng ta đề cập đến ảnh hưởng của văn hóa Ðông Sơn đến vùng Ðông Nam Á hải đảo. Trong hai quần đảo lớn của Ðông Nam Á là In-đô-nê-xi-a và Phi-líp-pin thì dường như ảnh hưởng của văn hóa Ðông Sơn chỉ lan đến In-đô-nê-xi-a, mà không có mặt ở Phi-líp-pin. Trong khi đó, ở Phi-líp-pin, ngược lại, ta thấy rõ ảnh hưởng của văn hóa Sa Huỳnh, với khuyên tai ba mấu, khuyên tai hai đầu thú v.v. Có người đã coi trống đồng Ðông Sơn không đến với các bộ lạc Phi-líp-pin vì cư dân ở đây chưa cần đến chúng như cần các dấu hiệu của quyền uy. Chúng tôi thì nghĩ đơn giản hơn. Ðồ đồng và các vật phẩm Ðông Sơn không thể đến được các đảo Phi-líp-pin chỉ vì gió mùa và hải lưu không cho phép mà thôi. Còn ngược lại, gió mùa và hải lưu lại có thể đưa những con thuyền với vật phẩm Sa Huỳnh đến Phi-líp-pin.

Trong khi đó, các con thuyền chở vật phẩm Ðông Sơn trong mùa gió bấc và mùa có hải lưu thuận lợi, có thể ghé các đảo In-đô-nê-xi-a.

Khi đến hòn đảo Sumatra của In-đô-nê-xi-a, người ta đã gặp những tượng người to lớn, được coi là một loại cự thạch của vùng này. Tong số tượng đó, ta ngạc nhiên trước hình ảnh hai chiến sĩ đang cầm một chiếc trống đồng, được khắc trên một khối đá lớn ở Airpurah (Heekeren 1958). Rồi nữa, ở Batagajah, ta lại được xem một người khác, đang đứng bên một con voi, sau lưng mang một chiếc trống đồng (Schnitger 1964). Không nghi ngờ gì, đó là những trống đồng loại I Heger. Cho dù nguồn gốc cự thạch ở Sumatra còn cần được thảo luận, một ảnh hưởng của văn hóa Ðông Sơn là có thể thấy rõ.

Còn trên các đảo khác của In-đô-nê-xi-a, ảnh hưởng của văn hóa Ðông Sơn biểu lộ rõ ở những chiếc trống đồng. Trống đồng ở In-đô-nê-xi-a có thể phân thành ba loại. Một loại có thể được nhập từ miền đất của văn hóa Ðông Sơn. Những trống loại này là trống loại A muộn như trống Pekalongan, gần với trống Sông Ðà theo mô tả của Hoop (1941), trống Cianjur (Heekeren 1958) v.v. và các trống loại B như Semarang, Banjumas, Banjumening, Dieng v.v. Ðặc biệt là trống Semarang đã có thêm những khối tượng cóc. Nhưng ở In-đô-nê-xi-a còn có một loại trống xem ra được đúc tại bản địa. Loại trống này có thêm những hình trang trí không có trên trống Việt Nam như hình voi, cây dừa, chim công trên trống Salayer, hình người đi săn và hổ trên trống Kur, hình ngựa và chiến sĩ mặc giáp trên trống Sangeang I, còn gọi là trống Malakamau. Có thể kể thêm vào đó chiếc trống trên đảo Leti. Những trống này không giống nhau nhưng làm thành một nhóm riêng. Vì chim công, hổ, voi không có ở miền đông In-đô-nê-xi-a nên có người cho rằng những trống này đã di chuyển từ miền tây đến miền đông.

Tuy nhiên, nếu bỏ qua những hình trang trí bản địa kia, chúng ta sẽ còn lại trống đồng loại C, mà tiêu biểu là trống Hữu Chung (Hà Văn Tấn 1985b). Có thể nghĩ rằng các trống đồng bản địa này đã được mô phỏng từ trống loại C như trống Hữu Chung. Có thể nói là ảnh hưởng của trống Hữu Chung khá lớn ở In-đô-nê-xi-a. Và sau “làn sóng Hữu Chung” này, có lẽ trống đồng ở In-đô-nê-xi-a đã chuyển sang một loại hình hoàn toàn bản địa: trống Moko, một loại trống cao, dài và hẹp ngang (còn gọi là trống kiểu Pejeng).

Ðặc biệt là trên đất Sumbawa, người ta còn tìm được hai chiếc trống bằng đá mô phỏng theo trống đồng loại I Heger (Bintarti 1985). Trên một chiếc, mặt trống có nhiều lỗ, không biết là vì lẽ gì. Dầu sao thì những chiếc trống này cũng chứng tỏ ảnh hưởng của văn hóa Ðông Sơn.

Chiếc thuyền đồng tìm được ở Maumere, trên đảo Flores, cũng rất kỳ thú. Chiếc thuyền này, nay được coi là tài sản truyền lại cho dân làng Dobo và được kể rằng tổ tiên của họ đã đến vùng này với nó. Câu chuyện về con thuyền đưa tổ tiên đến được kể lại trong một bài hát và chỉ được hát trong những dịp đặc biệt (Bintarti 1985). Nhìn vào chiếc thuyền, chúng ta thấy giống như in những hình thuyền khắc trên trống đồng. Ngoài phần trên đã hỏng, ta còn nhìn thấy hai hàng người chèo, những người đứng ở mũi và người đứng trên sàn cao. Ðây là một mô hình thuyền ít thấy nhưng nó đã chép khá trung thực một chiếc thuyền Ðông Sơn.



Ðồ đồng ở In-đô-nê-xi-a đã có tính địa phương, thậm chí ở mỗi hòn đảo còn có sắc thái riêng (Soejono 1972). Tuy nhiên, ta cũng có thể nhận thấy đôi điểm phảng phất đồ đồng Ðông Sơn. Những rìu cân ở đây thường có họng xẻ thành hình đuôi cá mà người ta quen gọi là “đuôi chim én” (swallow tails). Ta nhớ ở Làng Vạc, một địa điểm Ðông Sơn ở Nghệ An, đã tìm được loại rìu này. Tất nhiên là không biết rìu Làng Vạc là ảnh hưởng rìu In-đô-nê-xi-a hay, ngược lại, rìu In-đô-nê-xi-a là ảnh hưởng rìu Làng Vạc. Còn loại rìu dùng trong nghi lễ, có lưỡi xéo không đều và mũi có khi kéo thật dài, thì hẳn là bắt nguồn từ rìu lưỡi xéo Ðông Sơn.

Như vậy, có thể nhận thấy rằng, trong thời kỳ văn hóa Ðông Sơn đang phát triển ở miền Bắc Việt Nam, bằng những chuyến thuyền qua lại ở Biển Ðông, văn hóa này đã lan tỏa đến quần đảo In-đô-nê-xi-a. Ảnh hưởng của Ðông Sơn đến In-đô-nê-xi-a có lẽ không phải đến một lúc mà ở vào các thời điểm khác nhau. Rồi đến một lúc nào đó, ảnh hưởng này đã ngấm vào văn hóa bản địa, tạo thành những sắc thái độc đáo riêng.

Cũng đã có người nói đến ảnh hưởng của văn hóa Ðông Sơn đến vùng tây Mê-la-nê-xi-a, nhưng dường như, chúng ta còn quá ít chứng cứ (Bellwood 1978: 266-269).


(Hà Văn Tấn, “Văn hóa Ðông Sơn và mối quan hệ trong khu vực”, tức chương XI trong
Văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Hà Văn Tấn chủ biên, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1994)