Không thấy Hà Văn Tấn nói gì về khu vực Bắc Lào, tuy ông có “vẽ” nó trong sơ đồ. Hẳn Bắc Lào không phải một trung tâm đáng kể, mà cơ bản là một vùng trái độn giữa văn hóa Ðông Sơn và văn hóa cổ đồng thời bên Thái-lan. Giống như Quảng Bình là trái độn giữa Ðông Sơn và Sa Huỳnh. Tại sao Bắc Lào và Quảng Bình không phát triển lên được? Có lẽ do điều kiện tự nhiên quá khắc nghiệt. (TT)



“Ðông Sơn và quan hệ khu vực” (1)

Hà Văn Tấn




Trước đây, như theo ý kiến của R. Heine-Geldern, văn hóa Ðông Sơn phổ biến rộng khắp Ðông Nam Á. Ngày nay, chúng ta chỉ thừa nhận một văn hóa Ðông Sơn thu hẹp, cơ bản là trên nửa nước Việt Nam phía bắc. Nhưng thế thì giữa văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam và những văn hóa khác trong khu vực có mối liên hệ gì với nhau không?

Trước hết, ta xem xét mối giao lưu văn hóa giữa văn hóa Ðông Sơn ở phía bắc và văn hóa Sa Huỳnh ở phía nam trên đất nước ta. Ðó là hai văn hóa phát triển độc lập nhưng cùng thời. Tuy nhiên, ở những vùng giáp ranh của hai văn hóa, ảnh hưởng qua lại của chúng thường thấy khá rõ. Một khuyên tai ba mấu và một khuyên tai hai đầu thú tìm được tại Xuân An, một địa điểm Ðông Sơn ở Nghệ An, đã nói lên ảnh hưởng của văn hóa Sa Huỳnh. Cũng phải nói thêm, một mấu nhọn bằng thủy tinh, có lẽ là của một khuyên tai ba mấu, đã được tìm thấy ở Làng Vạc (...) khuyên tai ba mấu là sản phẩm của văn hóa Sa Huỳnh, đó là một điều (đã được) khẳng định. Và sự tồn tại của những khuyên tai này trong văn hóa Ðông Sơn đã nói lên ảnh hưởng của văn hóa Sa Huỳnh.

Nhưng còn ảnh hưởng của văn hóa Ðông Sơn đến văn hóa Sa Huỳnh (thì) như thế nào? Ta đã thấy bộ công cụ Ðông Sơn bằng đồng thau như dao găm đồng, giáo đồng v.v. (...) trong một số mộ chum Sa Huỳnh, như ở địa điểm Phú Hòa (Quảng Nam - Ðà Nẵng) (...)

Vấn đề giao lưu văn hóa giữa văn hóa Ðông Sơn với vùng phụ cận Ðông Nam Á có phần phức tạp hơn. Trên những sự phát triển bản địa của các trung tâm, đôi khi ta chỉ nhận ra những nét giống nhau nào đó trên ý tưởng, hơn là sự du nhập nguyên xi.

Ban Chiang ở tỉnh Udon Thani, đông bắc Thái-lan, là một ví dụ. Về niên đại của di chỉ này, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau (...) khó mà nói được giai đoạn nào ở đây là tương đương với văn hóa Ðông Sơn (...) Theo chúng tôi, giai đoạn IV của Ban Chiang có thể tương đương với thời kỳ sớm của văn hóa Ðông Sơn, còn giai đoạn V của Ban Chiang có thể tương đương với thời kỳ muộn của văn hóa Ðông Sơn. Ban Chiang và Ðông Sơn thuộc hai truyền thống khác nhau. Tuy nhiên, ở hai văn hóa này, chúng ta cũng thấy những di vật tương tự. Những giáo sắt có cán đồng tìm thấy trong giai đoạn IV Ban Chiang khá gần gũi với những di vật cùng loại trong văn hóa Ðông Sơn. Ðó có thể là kết quả của sự giao lưu kỹ thuật. Giai đoạn IV ở Ban Chiang phát triển thành một truyền thống riêng biệt, với những đồ gốm vẽ màu độc đáo không hề có ở các vùng khác của Ðông Nam Á. Nhưng ở ngay giai đoạn này của Ban Chiang, người ta cũng có thể nhận ra trên đồ gốm vẽ màu những hoa văn phảng phất với hoa văn đồ đồng Ðông Sơn. Chẳng hạn, một số gốm màu có hoa văn vòng tròn đồng tâm và tiếp tuyến. Có đồ gốm lại vẽ những hình con hươu. Ðặc biệt hơn, trên một số đồ gốm có vẽ những con chim mà hình ảnh của chúng tương tự với hình ảnh những con chim trên trống Ðông Sơn muộn.

Ở vùng đông bắc Thái-lan, trong tỉnh Ubon Ratchathani, năm 1990, các nhà khảo cổ học Thái đã thám sát di chỉ Ban Kan Luang. Ở đây chứa khá nhiều mộ vò. Trong các ngôi mộ này, ngoài xương người, còn có công cụ và vũ khí bằng đồng thau và sắt cùng với các đồ trang sức. Theo các nhà khảo cổ học Thái, đồ trang sức bằng đồng thau ở đây gần gũi với đồ trang sức của văn hóa Ðông Sơn. Trong các công cụ đồng thau, cũng có loại hình gần gũi với loại hình Ðông Sơn ở lưu vực sông Hồng (...) Tuy nhiên, khi xem xét kỹ những hiện vật tìm được ở đây, chúng ta thấy rằng sự giống nhau giữa chúng với di vật văn hóa Ðông Sơn cũng chỉ biểu hiện ở một mức độ nào đó thôi. Những đồ đồng ở đây cũng như ở Ban Chiang còn biểu hiện những nét tương tự với đồ đồng ở các di chỉ nam Ðông Dương như Sam Rong Xen (Campuchia) và các di chỉ ở lưu vực sông Ðồng Nai.

Trong một bài viết trước đây (Hà Văn Tấn 1985a), chúng tôi đã đưa ra sơ đồ về mối liên hệ giao lưu giữa các trung tâm kim khí ở lục địa Ðông Nam Á:



Gần đây, học giả Nhật Bản Masayuki Yokokura đã phân chia vùng lục địa Ðông Nam Á thành mấy khu vực chế tác kim loại: khu vực bắc Việt Nam, khu vực lưu vực sông Mê Kông (bao gồm từ Ban Chiang ở đông bắc Thái-lan qua Sam Rong Sen ở Campuchia cho đến di chỉ Dốc Chùa ở tỉnh Sông Bé) và khu vực duyên ngạn vịnh Xiêm cổ (Yokokura 1992). Bao gồm vào khu vực lưu vực sông Mê Kông cả các di tích đông bắc Thái-lan cho đến các di tích lưu vực sông Ðồng Nai hẳn là chưa ổn, nhưng Yokokura đã nhận ra được nét giống nhau giữa các vùng này. Còn khu vực duyên ngạn vịnh Xiêm cổ thì Yokokura kể vào những di tích vùng Lop Buri, vùng Ratburi, di tích Khok Phlap (Sod 1978) và cả di tích Ban Don Ta Phet (Glover 1980). Xem ra, việc tách ra một khu vực này chưa thực hợp lý, nhưng rõ ràng trong khu vực này, ảnh hưởng của văn hóa Ðông Sơn không còn thấy rõ nữa trong các di chỉ, mà ảnh hưởng của văn hóa Sa Huỳnh đã tăng lên.

Trong khi đó, từ miền trung Thái-lan đến miền nam Thái-lan, ảnh hưởng của văn hóa Ðông Sơn lại biểu hiện rõ ở những chiếc trống đồng loại I Heger.

Một địa điểm tìm được những chiếc trống nổi tiếng là hang Ongbah, ở tỉnh Kanchanaburi (Sorensen 1988). Per Sorensen, nhà khảo cổ học Ðan Mạch đã miêu tả những trống này. Thực ra cũng khó mà phân loại được những trống này. Không kể những trống không còn nguyên vẹn, những trống còn nhận được kiểu dáng đã đem đến cho chúng ta nhiều mối băn khoăn. Chẳng hạn trống OB 86, dường như có thể xếp vào loại A vì trên mặt trống có những ngôi nhà, nhưng dãy hình chim đứng ở phía trên thì không thấy ở đâu như vậy. Trống OB 89 thì trên mặt trống có một vành người hóa trang dày đặc và lạ lùng, còn tang và thân thì đã có các hoa văn như trên trống Hữu Chung, tức trống loại C.

Nhưng dầu những trống ở hang Ongbah là được đúc tại chỗ hay mang từ nơi khác đến, ảnh hưởng của văn hóa Ðông Sơn là khá rõ ràng.

Hiện nay, ở nam Thái-lan, nhất là vùng bán đảo, phát hiện trống đồng loại I Heger càng nhiều (Khemchat 1988). Trống đồng trên đảo Ko Samui có dáng dấp trống Quảng Xương, còn trống Khao Samkaeo, trống Chaiya, trống Phun Phin, trống Tha Rua v.v. có lẽ thuộc loại trống B, hình thân thẳng.

Vấn đề đặt ra là tại sao trong khi ở vùng này, văn hóa Ðông Sơn không biểu hiện rõ trong các di chỉ thì trống Ðông Sơn lại gặp nhiều như vậy? Phải chăng trống Ðông Sơn ở đây không phải từ phía bắc đưa xuống theo đường bộ mà được chở đến bằng thuyền từ đất Việt Nam? Những trống tìm được ở bán đảo Ma-lai-xi-a như các trống Klang, Kuala Trengganu, Kampong Sugailang v.v. chắc cũng được đưa đến bằng thuyền.


(Hà Văn Tấn, “Văn hóa Ðông Sơn và mối quan hệ trong khu vực”, tức chương XI trong
Văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Hà Văn Tấn chủ biên, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1994)

















_________________
(1) Chính xác thì không tới một nửa, vì về phía nam văn hóa Ðông Sơn chỉ “ngự trị” đến Hà Tĩnh, theo Phạm Minh Huyền). Tức địa bàn Ðông Sơn là Bắc bộ cộng bắc Trung bộ bây giờ. (TT)