Ở Trung ở Nam chỉ có bánh trôi nước, thường gọi là “chè ỉ”. Ðọc Lê Minh Hà, mới biết có thứ bánh trôi không “nước”.

Dưới mũi “ai”, bánh trôi Hà Nội thật lắm mùi: mùi bột gạo, mùi đường phên, mùi sương, mùi đất ngoại thành, mùi hoa bưởi, mùi hoa dâu da xoan, mùi than tổ ong bắt đầu đượm trong lò...

Còn dưới mũi “ai ai”, văn “bánh trôi Hà Nội” bay mùi nhớ. Hít phải mùi ấy lúc xa quê, đố sao khỏi “càng day dứt”.

(Thu Tứ)



Lê Minh Hà, “Bánh trôi Hà Nội”




Lên đời thành một thức quà, bánh trôi Hà Nội quả có khác thứ bánh trôi người quê hay làm vào dịp mồng ba tháng ba. Vài ba mảy vừng trắng rang vừa chín, xát sạch vỏ, rắc lên những chiếc bánh trôi tròn tròn bày trên đĩa men trắng bé xiu xiu. Những sắc độ trắng, của bánh, của vừng rang, của men sứ gợi bao nhiêu an bình trong hồn người? Tôi không biết. Nhưng tôi đặc biệt thích ăn thức quà này vào những sáng xuân. Chị bán hàng đầu ngõ nhà tôi, có cái nhẹ nhõm, nhanh nhảu, kỹ càng, sạch sẽ của một cô giáo dạy bậc tiểu học làm bánh bán thêm. Nhà chị phố bên, và chị không để bánh vào tủ kính mà sắp đĩa thành lớp trong thúng nhỏ, trên phủ một lớp vải màn may chập đôi lúc nào cũng trắng tinh. Mở lớp vải màn, sẽ thấy loáng thoáng trên thành đĩa những cánh hoa bưởi trắng ngà, thơm như là không thật. Trong khoảnh khắc đó, khi thành phố vừa tắt đèn đường, sương tan, và trong nỗi xuân lành lạnh nhiều khi đã chơm chớm cái thoáng đãng mát mẻ của ngày chớm hạ, ra ngõ, kéo cái ghế con ngồi bên thúng bánh, đợi người bán hàng dọn chỗ, nói dăm ba câu với những người bán hàng quen mặt khách đang lục tục xếp gánh, nổi lửa cho nồi nước dùng sôi lại, hay chuẩn bị tráng những cái bánh cuốn đầu tiên cho những người thích ăn miếng nóng đầu ngày, và cầm đũa, khêu viên bánh trôi thứ nhất từ cái đĩa mà chị bán hàng đã cẩn trọng lấy từ thúng ra với vẻ mừng rỡ của người bán hàng gặp được khách mở hàng nhẹ vía, thú vị vô cùng. Mùi sương, mùi đất ngoại thành thoang thoảng từ những cánh hoa bưởi thanh khiết, mùi hoa dâu da xoan mong mỏng, mùi than tổ ong bắt đầu đượm trong lò, vừa ấm, vừa mát, và trên hết, là mùi bột gạo pha lẫn mùi đường phên len lỏi từ vòm miệng lên xoang mũi, ăn như thế, nhìn phố phường đông dần lên, và những tia nắng vàng ướt rượt đầu tiên đã nhún nhảy trên ngọn cây sao mọc bên hè... Nhớ một thời khó nhọc nào đã xa xôi gì lắm, nhà nước cấm bán tất cả những thức quà làm từ lương thực. Cái thú ăn quà sáng đầu ngày của người Hà Nội đã phải vờ vĩnh mồ yên mả đẹp. Ðã ngỡ bao nhiêu là thư thả... Và đã tiếc... Này những ai ai người đất ấy, có khi nào về, hãy thử dậy thật sớm ra phố ghé xuống một hàng quà để cảm giác này lan trong thân thể, và lại mang theo khi ra khỏi đất quê, biết đâu, sẽ được yên tâm dù nỗi nhớ quê sẽ, có thể, càng day dứt.


(Trích từ bài “Bánh trôi, bánh chay và bánh trôi tàu”, sách
Thương thế, ngày xưa..., nxb. Văn Mới, Mỹ, 2001. Nhan đề phần trích tạm đặt.)